Thư Chung số 80 - 06/2017

Thứ bảy - 20/05/2017 12:13
Thách đố đầu tiên trong việc đào luyện là thanh luyện động cơ ơn gọi. Thực thế, một số người trẻ bước vào giai đoạn đào luyện ban đầu với quan niệm sai lầm về ơn gọi, và chính nhân viên đào luyện đôi khi cũng không tỉnh táo cho đủ trong việc thanh luyện này. Đối với một số người gõ cửa bước vào nhà dòng, ơn gọi bị đồng hóa với kế hoạch đời sống cá nhân được thúc đẩy do ao ước muốn hoàn thành chính mình, hoặc do thích làm công tác xã hội, lo lắng cho những kẻ nghèo khổ hoặc do muốn có một cuộc đời bình lặng mà không hề có được những cam kết nghiêm chỉnh hay một sự tuân phục cách toàn vẹn và vô điều kiện đối với Thiên Chúa và đối với sứ vụ của cộng đoàn.
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 06/ 2017
-------------  
ĐÀO LUYỆN VÀ SỨ VỤ
(Phần 3 : ( Những thách đố nơi ứng sinh và thành viên trẻ trong Hội Dòng )
 
Phan Rang, ngày 20.05.2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
          Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
          Tháng này chúng ta tiếp tục học hỏi phần 3 của bài thuyết trình về những thách đố nơi ứng sinh và thành viên trẻ trong Hội Dòng

III- NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ
 
1- Động cơ ơn gọi

             Thách đố đầu tiên trong việc đào luyện là thanh luyện động cơ ơn gọi. Thực thế, một số người trẻ bước vào giai đoạn đào luyện ban đầu với quan niệm sai lầm về ơn gọi, và chính nhân viên đào luyện đôi khi cũng không tỉnh táo cho đủ trong việc thanh luyện này. Đối với một số người gõ cửa bước vào nhà dòng, ơn gọi bị đồng hóa với kế hoạch đời sống cá nhân được thúc đẩy do ao ước muốn hoàn thành chính mình, hoặc do thích làm công tác xã hội, lo lắng cho những kẻ nghèo khổ hoặc do muốn có một cuộc đời bình lặng mà không hề có được những cam kết nghiêm chỉnh hay một sự tuân phục cách toàn vẹn và vô điều kiện đối với Thiên Chúa và đối với sứ vụ của cộng đoàn.
 
              Những động cơ này thì không có giá trị hayít nhất là không đủ để tiếp nhận hồng ân sống đời thánh hiến; chúng không diễn đạt được đức tin, chỉ là mơ tưởng ("Tôi thích là một tu sĩ", "tôi đã quyết định trở thành một tu sĩ dòng",...) hay mang một tâm thức về xã hội ("tôi cảm thấy được gọi để phục vụ người nghèo, trẻ hè phố, những người dân tộc, di dân, nghiện ngập,..."), và tệ hơn nữa, vào dòng để tìm kiếm sự an toàn. V.d. Mình đã ở năm cuối đại học, xin việc cũng khó, đại học chưa chuẩn bị đủ cho công ăn việc làm . . . Vào dòng có khi lại là chuyện hay!
 
            Trong khi đó, chỉ trong ánh sáng đức tin, ứng sinh mới khám phá ra cuộc đời là một ơn gọi, và thậm chí còn hơn thế nữa, tiếng mời gọi sống đời thánh hiến chỉ có thể  có được trong cái nhìn đức tin vào Chúa, Đấng kêu gọi những kẻ Người muốn, để họ ở với Người, bước theo Người, bắt chước Người, hầu sau đó Người có thể sai họ đi rao giảng. Như thế, việc theo Đức Kitô, sequela Christi, và việc bắt chước Đức Kitô, imitatio Christi, trở thành những yếu tố làm nên đặc trưng cuộc đời của những môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu. Chính trong việc bước theo sau Đức Giêsu và tìm cách tái thực hiện những thái độ của Người mà chúng ta đồng nhất hóa mình với Người đến độ được nên hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người. 
 
             Đúng là lúc đầu, ứng sinh có thể mang những động cơ không hoàn toàn có giá trị và vì thế không đủ chính đáng để có thể quyết liệt chọn lựa tận căn một đời sống hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và Tin mừng của Người, vào Thần Khí. Công việc của tiến trình đào luyện đích thật là phải giúp xác định, cân nhắc, phân định các  động cơ và rồi thanh tẩy chúng và làm chúng trưởng thành sao cho Thiên Chúa và Ý Chúa mới là tiêu chuẩn tối thượng.
 
            Trách vụ không thể né tránh này quả là một trách vụ rất tinh tế; thực vậy, nhiều động cơ lại nằm ẩn trong tiềm thức. Điều này khiến ứng sinh phát biểu những động cơ mà họ có nghe nói và học biết được nhưng họ lại không nhận diện và làm cho rõ được những động cơ thật sự của họ. Chúng ta đừng quên rằng Tin Mừng đã từng nói về một kẻ nào đó đã diễn đạt ước muốn ở lại với Đức Giêsu sau khi được Người chữa lành. Chúa không cho phép người ấy làm thế song lại nói: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5, 19).
 
2- Chân thực

          Tình trạng con người ngày nay cống hiến cho đời thánh hiến cơ hội sống tính chân thực một cách mới mẻ. Thực thế, mọi nền văn hóa ngày nay, cách riêng văn hóa của người trẻ, luôn trân trọng sự chân thành, tính thực thà. Ai cũng muốn những gì người tu sĩ nói đi đôi với điều họ làm, và những lời của người tu sĩ phải ngay thật bởi vì chúng đến từ một đời sống nhất quán.
 
           Chân thực là một cơ hội thật sự bởi vì nó nại đến lòng quảng đại và nỗi khao khát tình bạn, lòng tự hiến và niềm hân hoan được quây quần với nhau của con người. Đó là những thái độ  thâm sâu và là những kích thích tố mạnh mẽ đưa tới sự trưởng thành trong đời sống thánh hiến chân chính và trong tình yêu quảng đại vô vị lợi. Điều này thôi thúc và khích lệ những tu sĩ lớn tuổi hơn trong các cộng đoàn phải thực sự là những mẫu gương đầy hấp dẫn và thách đố, phải sống cuộc đời yêu thương Đức Kitô vốn đã gợi hứng cho họ ôm ấp đời thánh hiến. Những thành viên này phải hiểu rằng họ có một vai trò trong việc đào luyện những thế hệ trẻ. Không phải ở đâu xa, tính chân thực đòi ta phải chú ý đến chiều kích nhân bản của con người thánh hiến và cuộc sống thường nhật của các cộng đoàn.
 
           Tính chân thực cũng là một thách đố bởi nó đòi ta phải trở lại những gì là cốt yếu, và nhất là phải vượt thắng cái nhìn coi trọng công việc, chức vụ, thường giản lược đời sống thánh hiến vào một vai trò, một công việc, hay một nghề nghiệp, làm hại đến lòng say mê tự hiến cho Đức Kitô và nhân loại. Tính chân thực thôi thúc các cộng đoàn chúng ta mỗi ngày hãy hoán cải và canh tân, hãy hiểu biết hơn nữa các lời khuyên Phúc Âm như là lối đường để một con người hoàn thành chính mình cách toàn diện. Chân thực quả là một thách đố cho đời thánh hiến mà ngày nay luôn bị đe dọa bởi cạm bẫy là tính tầm thường và lười biếng, gặp nguy cơ chìm ngập và rồi sắp xếp mọi sự theo các giá trị 'thế tục'.
 
3- Tự do

          Là một ngôi vị có nghĩa là cuộc đời mình nằm trong tay mình, tức là mình  tự quyết định điều mình muốn làm trong cuộc đời. Tự do tức là trách nhiệm xây dựng cuộc đời, là những gì mình có thể làm, là tương lai. Trong lãnh vực đào luyện, tự do là một cơ hội bởi vì đó là cách thức duy  nhất để biến những giá trị trở thành thực tại bên trong và biến những tiến trình đào luyện thành cái gì thuộc về cá vị một cách sâu xa và như thế mới đạt được sự trưởng thành đích thật.
 
           Tự do cũng là một thách đố bởi vì nó đòi chúng ta phải biết làm thế nào để nối kết nỗ lực hoàn thành chính mình với dự phóng, với việc đào luyện bản thân và với việc đồng hành, bao gồm cả việc đồng hành thiêng liêng. Đây không phải là một công việc hoàn thành trong một khóa học, một năm Tập Viện, hoặc 2, hay 3 năm Kinh Viện hay Hậu Tập Viện. Cần phải cho người trẻ đủ trọn thời gian cần thiết để họ tăng trưởng và đạt đến trưởng thành theo nhịp tiến của họ. Những giai đoạn theo giáo luật và những giai đoạn trưởng thành cùng với khả năng làm những quyết định lành mạnh không luôn luôn tương hợp nhau. Song, thụ phong linh mục và tuyên khấn trọn đời không luôn luôn tương ứng với một sự chọn lựa cá nhân đầy xác tín và trưởng thành. Vì thế, hội dòng cần đến nhân viên đào luyện có khả năng cung cấp nền đào luyện được cá vị hóa. 
 
4- Kinh nghiệm

          Ngày nay chúng ta nhất thiết phải đi xa hơn một nền đào luyện duy tri thức chỉ nhắm hiểu biết thuần lýnhững tình trạng cuộc sống mà không hề có chút kinh nghiệm nào về chúng cũng như không biết hòa nhập những kinh nghiệm ấy vào đời sống hằng ngày. Ai nấy đều muốn có được kinh nghiệm. Người ta tìm kiếm những kinh nghiệm mạnh mẽ hơn; người ta muốn chính bản thân được trải nghiệm sự vật.
Vậy kinh nghiệm quả là một cơ hội bởi vì khi một người học từ cuộc sống thì việc đào luyện trở thành cá vị hơn, thực tế hơn và sâu xa hơn. Ai nấy đều cần kinh nghiệm chứ không riêng gì người trẻ; những thành viên lớn tuổi hơn cũng cần phải có một kinh nghiệm mạnh mẽ và chân thực về Thiên Chúa, về đoàn sủng, về người nghèo, về những mối tương giao huynh đệ cảm nhận được.
 
          Kinh nghiệm cũng là một thách đố bởi vì nó có thể trở thành một mục đích tự thân, trong khi đó ta cần phải trải nghiệm chính các giá trị. Những kinh nghiệm khác nhau có thể là vụn vặt và rời rạc; vì thế cần một vị linh hướng giúp dễ dàng thống nhất các kinh nghiệm hơn và cổ xúy việc nội tâm hóa các giá trị. Vấn đề không phải là cứ có nhiều kinh nghiệm cho bằng chọn lựa một vài giá trị được chuẩn bị đâu vào đó, chọn lựa những kinh nghiệm mạnh mẽ  đòi phải được phân tích ngõ hầu những kinh nghiệm riêng lẻ trở thành kinh nghiệm của chính bản thân. 
 
5- Tương quan và tình người

          Trong văn hóa ngày nay con người cảm thấy rất cần những mối liên hệ tình người chân thực. Giữa những thành viên trẻ của hội dòng có một nỗi khao khát mạnh mẽ về tình bằng hữu và bạn bè, về những mối liên hệ tình cảm, những liên hệ thân mật và trìu mến; song cả những người lớn cũng tìm kiếm những tương giao có ý nghĩa làm cuộc sống thêm phong phú. Để cuộc sống huynh đệ tu sĩ chính là hình thái của lời ngôn sứ cho thế giới ích kỷ ngày nay, cuộc sống ấy phải lộ ra được khả năng  hình thành nên những mối liên hệ, phải hấp dẫn được theo phương diện tình người, và phải tạo ra được một môi trường đậm nét tình gia đình.
 
          Ước ao gặp gỡ nhau chắc chắn cấu thành một cơ hội bởi vì những mối liên hệ sâu đậm giữa người với người được trải nghiệm liên tục sẽ  giúp cho thành viên sống trung thành  hơn và giúp mời gọi người khác tham gia vào mối tương quan, trải nghiệm được tính chân thực và sự thông giao, nhưng trên hết, là nghiệm được tình yêu và dấn thân cho con người Đức Giêsu Kitô. Đời sống huynh đệ chắc chắn buộc ta chú tâm đến cả những khía cạnh thường nhật thông thường của việc cùng nhau chung sống.
 
          Đời sống huynh đệ cũng cấu thành một thách đố bởi vì nó đòi hỏi các cộng đoàn chúng ta phải chú tâm hoán cải và canh tân. Theo nhãn quan nhân loại, ứng sinh trẻ tìm thấy loại môi trường nào trong các cộng đoàn chúng ta? Những thành viên lớn tuổi kinh nghiệm mức độ thông giao đến đâu? Đây là một thách đố đưa tới vấn đề làm thế nào "hồi sinh" được  các cộng đoàn, nhất là khi thành viên ngày càng lớn tuổi. Quả là một thách đố bởi vì không dễ gì tìm được những nhân viên đào luyện thật quân bình, có thể thực hiện một lối tiếp cận thật cá vị song vẫn tránh được chiều hướng thiên về cá nhân chủ nghĩa, đồng thời  biết đồng hành thiêng liêng từng người một cách thật khôn ngoan. Bởi lẽ, ngay cả mỗi người cũng không dễ gì đạt được sự quân bình cảm xúc và tình cảm trong những mối liên hệ của mình và trong chính đời sống mình. 

 
(còn tiếp)
 

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây