Thư Chung số 78 - 04/2017

Thứ bảy - 20/05/2017 12:07
Đào luyện và sứ vụ là những gì chúng ta đã được nghe nói từ nhiều năm qua nhưng luôn luôn là một đề tài rất là thời sự cho tất cả các hội dòng của chúng ta. Có nhiều lý do khiến chúng ta phải trăn trở về đề tài này. Bởi vì hiện nay, đội ngũ của các người trẻ gia nhập vào các hội dòng kể là khá đông xét về tổng quát. Nhưng những người trẻ đó từ đâu mà đến, bối cảnh xuất thân họ ra sao? Và phải đào luyện thế nào? Chắc hẳn mỗi hội dòng chúng ta đều có những vấn đề riêng, thế nhưng những người trẻ đó chính là những người con dân Việt Nam đã xuất thân từ một môi trường ta gọi là mái trường xã hội chủ nghĩa.
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 04/ 2017
-------------  
ĐÀO LUYỆN VÀ SỨ VỤ
(Phần 1 : Mô Hình Đào luyện và Sứ Vụ theo Kinh Thánh)
 
Phan Rang, ngày 20.03. 2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
 Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.

          Như Anh Hai đã thông báo ngay từ  Thư Chung số 75, là trong năm nay chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi lại các Bài Thuyết Trình theo các chuyên đề được chọn để trình bày tại các kỳ Đại Hội của Liên Hiệp BTTCVN. Mặc dù là các bài thuyết trình dành cho các Bề Trên Thượng Cấp, nhưng Anh Hai thiết nghĩ mỗi thành viên chúng ta cũng cần biết và học hỏi, ngõ hầu có được sự hợp tác tích cực hữu hiệu trong công việc rèn luyện bản thân để trở thành những người sống đời thánh hiến đích thực và trưởng thành theo ý Chúa; đồng thời trở thành những dụng cụ thích hợp và hữu hiệu cho sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh.
         
         Vì Đề Tài thuyết trình này rất phong phú nên để anh chị em có dịp học hỏi thấu đáo hơn, Anh tạm chia thành 5 Phần để triển khai trong 5 tháng tới. 


          Trong tháng này , chúng ta sẽ tìm hiểu phần 1.

Mở đầu :
 
             Đào luyện và sứ vụ là những gì chúng ta đã được nghe nói từ nhiều năm qua nhưng luôn luôn là một đề tài rất là thời sự cho tất cả các hội dòng của chúng ta. Có nhiều lý do khiến chúng ta phải trăn trở về đề tài này. Bởi vì hiện nay, đội ngũ của các người trẻ gia nhập vào các hội dòng kể là khá đông xét về tổng quát. Nhưng những người trẻ đó từ đâu mà đến, bối cảnh xuất thân họ ra sao? Và phải đào luyện thế nào? Chắc hẳn mỗi hội dòng chúng ta đều có những vấn đề riêng, thế nhưng những người trẻ đó chính là những người con dân Việt Nam đã xuất thân từ một môi trường ta gọi là mái trường xã hội chủ nghĩa. Một xã hội được tổ chức từ một nền kinh tế tập trung đến nền kinh tế thị trường, nhưng được xác định hướng về xã hội chủ nghĩa. Những người trẻ ấy suốt bao nhiêu năm tháng sống dưới mái trường này, được đào tạo, và cách nào đó đã được hình thành lối suy nghĩ bởi cái môi trường nhất định này.
 
          Bên cạnh đó, các hội dòng của chúng ta được mời gọi dấn thân vào nhiều công cuộc, nhiều cơ sở, và nhiều cơ hội đã được mở ra để chúng ta phục vụ. Những gì mà quý bề trên có tuổi ở đây, đã được đào tạo trước đây, trước năm 1975, về các sứ vụ mình thực hiện có lẽ đã bẵng qua một thời gian rất dài mà không được thực hiện. Nhưng sứ vụ lúc bấy giờ được Giáo Hội Việt Nam mời gọi là các hội dòng cùng “sống chứng tá Phúc Âm giữa lòng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào.”
[1] Chúng ta đã cùng chia sẻ với anh em đồng bào chúng ta những mồ hôi nước mắt trên ruộng đồng, trong những tập đoàn sản xuất, trong những xí nghiệp. Thế nhưng giờ đây tình hình của xã hội cũng đã có sự biến chuyển và các hội dòng dần dần đã có thể trở lại với cội nguồn đặc sủng và sứ vụ truyền thống riêng biệt của mình: giáo dục, y tế, nhà trẻ, truyền giáo,....
 
         Vậy làm thế nào chúng ta có thể đào tạo được những người tu sĩ, những con người thánh hiến, sống vì Nước Trời, để phục vụ sứ mệnh Nước Trời trong môi trường cụ thể đang mở ra cho chúng ta với những thách đố rất là lớn?Xin mạn phép chia sẻ đề tài này qua những phần sau:
 
1.   Mô hình đào luyện và sứ vụ trong bối cảnh Thánh Kinh.
2.   Mối liên kết giữa đào luyện và sứ vụ.
3.   Một số điểm cần lưu ý nơi ứng sinh và thành viên trẻ của hội dòng.
4.   Những thách đố từ Sứ Vụ
4.   Một vài hướng gợi mở suy tư cho hành động.
 
           Hy vọng rằng bài chia sẻ đây giúp cho những ngày trao đổi của chúng ta, để chúng ta có thể củng cố nếu công cuộc huấn luyện của chúng ta đã có những hướng đi xác định rõ rệt hoặc được canh tân nếu như chúng ta còn có những lỗ hổng trong tiến trình huấn luyện của chúng ta, và để cùng nhau chung sức, chia sẻ nguồn lực qua những kinh nghiệm của quý bề trên hội họp ở đây, hầu kiện toàn hơn nữa việc đào luyện những anh chị em sống đời thánh hiến của chúng ta.
 
1-                 MÔ HÌNH TRONG THÁNH KINH:
 
          Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy có rất nhiều mô hình đào luyện hướng tới một sứ vụ. Con chỉ xin được phép gợi ra một vài nhân vật tiêu biểu để nhìn thấy mối liên kết giữa ơn gọi, việc đào luyện và sứ mệnh được trao phó.
 
2-                 Môsê:

          Trước hết, chúng ta hãy nhìn đến Môsê, tổ phụ dân Do Thái. Liệu Môsê có phải trải qua một chu trình huấn luyện nào trước khi trở thành lãnh tụ, người lãnh đạo, người cha của dân tộc Israel hay chăng? Quả thật, khi sinh ra, qua thăng trầm của cuộc sống, qua ý định quan phòng của Thiên Chúa đã nhằm chọn lựa Môsê, ông đã được đào tạo ở trong cung đình của Ai Cập. Ông ta đã hiểu rõ nền văn hóa ấy bởi vì đã nằm trong cái giới chóp bu của cơ cấu hoàng triều Ai Cập. Thụ huấn nền văn hóa Ai Cập, học thức cũng như những mối tương quan, thế nhưng ông cũng không đánh mất cái gốc cội rễ chính của mình. Ông chính là thành phần của dân Chúa đã được tuyển chọn: Con cái của tổ phụ Abraham Isaac Giacop. Nhờ việc hiểu biết rõ các nền văn hóa, cơ cấu tổ chức kinh tế, xã hội ngay cả tôn giáo mà sau này ông đã có thể giải phóng dân tộc mình ra khỏi cái cơ chế ấy, cái nền văn hóa ấy, để có thể đưa dân mình trở về gặp chính Thiên Chúa của tổ phụ Abraham Isaac Giacop.
 
            Cũng qua thăng trầm cuộc sống, ông lưu lạc tại sa mạc. Chính nơi đây, ông đã trải qua một tiến trình phải nói được là huấn luyện đích thực khi ông gặp gỡ được Thiên Chúa nơi bụi gai. Chính cái kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai đã hoán cải, đã thay đổi hoàn toàn con người của Môsê. Không còn chỉ là một người thừa hưởng nền văn hóa Ai Cập,không còn là ngoại lai, kẻ bị xã hội gạt bỏ, một tội phạm của Ai Cập, cho bằng là người đã gặp gỡ Thiên Chúa, đã lắng nghe Thiên Chúa, đã trò chuyện với Thiên Chúa và được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh. Bản thân ông cũng rất lo lắng trước sứ vụ này. Ăn nói thì không được, làm sao có thể thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao cho? Thế nhưng Thiên Chúa ở cùng ông. Kinh nghiệm sâu đậm vềVị Thiên Chúa đó đã biến cải hoàn toàn con người của Môsê để rồi ông trở thành người thay Thiên Chúa mà ngỏ lời cho dân chúng, với uy quyền của Thiên Chúa để dẫn dắt dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ lầm than. Và kinh nghiệm này mãi mãi ở với ông trong chặng đường ông cùng đồng hành với dân Chúa.
 
            Ông đã lắng nghe tiếng đau khổ của đồng bào mình, đã chia sẻ cái thân phận bị áp bức, bị đè nén ấy, tủi nhục, bị hắt hủi ấy với Dân. Thế nhưng, kinh nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa hằng sống đã giải phóng ông khỏi nỗi sợ hãi, nỗi do dự. Chính kinh nghiệm này thúc bách ông để đến đương đầu với cường quyền, bạo tặc và đã đưa được dân Chúa ra khỏi Ai Cập. Và rồi trên bước đường dẫn dắt Dân Chúa, gặp những thách đố trong chặng đường 40 năm trời lưu lạc trong sa mạc, Môsê đã không thể nào có thể lãnh đạo dân Chúa nếu như ông không liên tục có một kinh nghiệm rất sâu đậm với Thiên Chúa. Những khó khăn trong giải quyết các công việc hàng ngày đã được Môsê chuyển biến để trở thành những cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, lãnh nhận những hướng đi của Ngài, soi dẫn của Ngài để rồi dẫn dắt dân Chúa thành công bước tới bờ sông Giordan, chuẩn bị tiến vào đất hứa.
 
3-                 Samuel:

           Vị ngôn sứ Samuel đã đóng vai trò chuyển tiếp của mình thật xuất sắc. Là vị thẩm phán để cai trị dân Chúa trong một xã hội cổ, Samuel đã trở thành ngôn sứ để chuyển giao, trình bày, giải thích ý định của Thiên Chúa cho dân khi xã hội đang chuyển sang một hình thái mới. Thực thế, ông đã đọc và giải thíchđược tất cả những biến cố thăng trầm của dân tộc đang chuyển biến từ nền cai trị thẩm phán sang một nền cai trị tập trung, quân chủ. Ông đã đứng sang một bên trong lĩnh vực chính trị để Saolê cũng như Đavid thực hiện chức năng của họ. Song, ông đóng vai trò của người giám thị là chỉnh đốn, sửa bảo, cảnh giác. Không một lời nào của Thiên Chúa ông đã để rơi rụng. Chính vì thế, ông đã có những can thiệp rất mãnh liệt theo như ý định của Thiên Chúa: Truất phế Saole và xức dầu cho Đavid. Ông đã dạy bảo dân Chúa “hãy làm tất cả mọi sự để xa lánh sự dữ, hãy hết lòng phụng sự Giavê, đừng chạy theo cái hư không vì chúng chẳng có ích gì. Và rồi Thiên Chúa sẽ không từ bỏ dân Người. Hãy kính sợ Giavê, phụng sự người trung kiên.”
 
4-                 Elia và Elisê:
         
           Chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh mô hình tương quan nhân viên đào luyện và người được đào luyện nơi Êlia và môn đệ của mình là Êlisê. Êlia và Êlisê sống vào thời nhiễu nhương của dân tộc Israel. Khi mà Israel đã bị phân chia thành hai vương quốc Bắc và Nam. Êlia đã thực thi vai trò của mình là vị ngôn sứ của hoàng cung và ông đã mời gọi dân Chúa, mời gọi tất cả những người quan quyền, vua chúa hãy trở lại với đức tin tinh tuyền, hãy trở lại với Giavê, Thiên Chúa của Abraham, Issaac, Giacop, Thiên Chúa của thánh vương Đavid. Đứng trước tình trạng chạy theo các ngẫu tượng khác nhau trong dân chúng cũng như nơi chính hoàng cung, Êlia đã can đảm để khơi dậy, vực lại niềm tin độc thần giáo nơi dân tộc của mình. Cuộc đời ông đã phải trả giá: cô đơn, lưu lạc trong sa mạc và nguồn lương thực, nguồn sống không gì khác hơn là chính Thiên Chúa.
 
             Êlisê, người môn đệ đã theo sát Êlia, đã được Êlia mời gọi đi theo mình. Ông đã từ bỏ cả gia đình, ruộng vườn, bò, cầy, lừa để có thể đi theo Êlia, sống cùng Êlia và khi cuộc đời Êlia kết thúc, ông đã xin cho mình được gấp đôi thần khí của Êlia. Quả thật, đây chính là mô hình khá độc đáo cho các hội dòng của chúng ta khi một đặc sủng của một nhân vật đã được tiếp tục nơi những thế hệ tiếp sau. Và đặc sủng của vị sáng lập đã được nuôi dưỡng, đã được truyền thụ và được phát triển để trở thành một đoàn sủng rất nhiều con người sau này sẽ cùng kế thừa và dấn thân. Êlisê đã được đào tạo trong trường ngôn sứ của Êlia và đã thực thi vai trò của mình cũng xuất sắc không kém Êlia: hồi sinh kẻ chết, can thiệp vào những hiện tượng thiên nhiên và nhất là công bố lời Thiên Chúa.
 
5-                 Gioan Tẩy Giả

           Ngay từ lúc còn trong lòng mẹ, Gioan đã được chọn lựa để trở thành vị ngôn sứ tiền hô. “Bởi đâu tôi đã được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi. Ngay khi tai chị vừa nghe tiếng em chào thì hài nhi trong lòng chị đã nhảy mừng khôn xiết”. Lớn lên, Gioan Tiền Hô đã rút lui vào trong sa mạc, sống cuộc đời ẩn dật, cầu nguyện cùng Thiên Chúa và rồi đến thời đến buổi, ông đã ra đi kêu gọi sự hoán cải để chuẩn bị đón nhận Đấng thiên sai sắp đến. Ông đã được chọn làm đấng loan báo trước cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với dân Người nơi nhân vật Giêsu làng Nagiaret. Ông đã thực thi phép rửa theo như sự công chính đòi hỏi để Đức Giêsu được nhập vào chính dòng sông Giordan, dòng nhân loại tội lỗi để từ đó Đức Giêsu đem lại ơn cứu độ cho toàn dân. Gioan Tẩy Giả đã thực thi vai trò loan báo Đức Giêsu Kitô cũng như sự công chính của Người. Sự công chính này không chỉ thể hiện ở các đời sống nội tâm thiêng liêng nhưng còn là một sự công chính phải thể hiện trên đời sống công bằng ở trong xã hộinhư chúng ta đã thấy qua cuộc đối đầu giữa Gioan Tẩy Giả và vua Hêrôđê. Người của chân lý  lại cũng phải trở thành chứng nhân. Ông đã trả giá cho những lời rao giảng đó khi bị kết tù và bị xử tử. Nhưng đó chính là tiền thân hình ảnh tiên báo Đức Giêsu.

 
(CÒN TIẾP)

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây