Thư Chung số 82 - 08/2017

Thứ hai - 07/08/2017 12:17
Chúa Giêsu đã kêu gọi, đã huấn luyện các môn đệ, cách riêng Nhóm Mười Hai, để rồi nhóm này đã trở nên những người thay đổi toàn thế giới. Đọc những trang sách Tin Mừng, chúng ta có được mô hình đào luyện đáp ứng những thách đố đến từ bản thân người theo Chúa, từ thế giới họ được sai đến như “con chiên giữa đàn sói.” Chúa Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ bằng tình yêu và sự ân cần.
      Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 82 / Năm VII
                    * * *                               
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 08/ 2017
-------------   

ĐÀO LUYỆN VÀ SỨ VỤ
(Phần 5 : ( Một vài hướng gợi mở cho việc đào tạo )
 
Phan Rang, ngày 20.07. 2017
 
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
 
 Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
Tháng này chúng ta tiếp tục học hỏi phần 5 của bài thuyết trình về một vài Hướng gợi mở cho việc đào tạo hôm nay.

V- MỘT SỐ HƯỚNG GỢI MỞ

 
1-       Học nơi Thày Giê su, Vị Đào Luyện tuyệt vời

          Chúa Giêsu đã kêu gọi, đã huấn luyện các môn đệ, cách riêng Nhóm Mười Hai, để rồi nhóm này đã trở nên những người thay đổi toàn thế giới. Đọc những trang sách Tin Mừng, chúng ta có được mô hình đào luyện đáp ứng những thách đố đến từ bản thân người theo Chúa, từ thế giới họ được sai đến như “con chiên giữa đàn sói.” Chúa Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ bằng tình yêu và sự ân cần. Thư Đức Gioan Phaolo II (18/10/2010) gửi các chủng sinh đã nhấn mạnh lại những nét như sau:

          - Cầu nguyện cho những người ngài kêu gọi: trước khi kêu gọi họ, Chúa Giêsu đã một mình trải qua suốt đêm, cầu nguyện và lắng nghe thánh ý của Chúa Cha (x. Lc 6, 12). Rõ ràng ơn gọi của các môn đệ nảy sinh trong sự đối thoại thân mật của Chúa Giêsu với Cha của Ngài. Các ơn gọi thừa tác vụ linh mục và đời sống thánh hiến trước hết là hoa trái của một cuộc tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa hằng sống và của một đời sống cầu nguyện tha thiết,vươn lên tới “Chủ của mùa gặt” trong các cộng đoàn giáo xứ, cũng như trong các gia đình kitô hữu hay trong các nhóm ơn gọi, trong các hội dòng, cộng đoàn đào luyện.
 
           - Đào luyện bằng lời nói và chứng tá và trao trách nhiệm: Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy sứ mệnh thiên sai của Ngài bằng nhiều “dấu lạ” chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với con người và ân huệ của lòng thương xót của Chúa Cha.Bằng chính cuộc sống, ngài đào tạo họ và để họ sẵn sàng tiếp tục công trình cứu độ của Ngài; sau cùng, “biết rằng giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.” (Ga 13, 1), Ngài đã giao phó cho họ việc tưởng nhớ cái chết và sự phục sinh của Ngài, và trước khi lên Trời, Ngài đã sai họ đi khắp thế gian với lệnh truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19).
 
         - Đào luyện qua khích lệ và đòi hỏi: Đối với những người mà Ngài nói: “Hãy theo tôi!”, Chúa Giêsu đưa ra một đề nghị đòi hỏi và khích lệ: Ngài mời gọi họ bước vào trong tình bằng hữu của Ngài, chăm chú lắng nghe Lời của Ngài và sống với Ngài; Ngài dạy cho họ sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho việc quảng bá Nước của Ngài theo luật của Tin Mừng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24); Ngài mời gọi họ ra khỏi ý muốn khép kín nơi chính mình, khỏi ý tưởng thể hiện chính mình, để ném mình vào trong một ý muốn khác, ý muốn của Thiên Chúa, và để cho ý muốn đó dẫn dắt; Ngài làm cho họ sống một tình huynh đệ nảy sinh từ sự sẵn sàng ứng trực hoàn toàn này đối với Thiên Chúa (x. Mt 12, 49-50), và trở nên đặc tính loại biệt của cộng đoàn của Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
 
           Ngày nay cũng như xưa kia, việc bước theo Chúa Kitô luôn có tính đòi hỏi; nó có nghĩa là học nhìn vào Chúa Giêsu, biết Ngài cách thân mật, lắng nghe Ngài trong Lời Chúa và gặp gỡ Ngài trong các Bí tích; nó còn có nghĩa là học biết phù hợp ý riêng của mình theo thánh ý của Ngài. Chúa luôn mời gọi con người, ở mọi lứa tuổi của cuộc đời, tham dự vào sứ mạng của Ngài và phục vụ Giáo Hội qua thừa tác vụ chức thánh hay đời sống thánh hiến. Và Giáo Hội “được mời gọi gìn giữ ân huệ này, quý trọng nó, yêu mến nó: Giáo Hội có trách nhiệm về sự nảy sinh và sự trưởng thành của các ơn gọi linh mục” (Gioan-Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 41)bởi lẽ con người luôn cần đến Thiên Chúa, ngay cả vào thời kỳ thống trị thế giới của kỹ thuật và vào thời toàn cầu hóa: cần đến Thiên Chúa, Đấng đã trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu Kitô và là Đấng đã tập hợp chúng ta trong Giáo Hội hoàn vũ để học với Ngài và nhờ Ngài cuộc sống đích thực và để giữ cho hiện tại và làm cho hiệu quả những tiêu chí của nhân loại đích thực”.
 
2-       Một số khía cạnh quan trọng cho việc đào luyện ngày nay
[9]
 
a-           Đạt tới từng cá nhân trong chiều sâu con người của họ

        Đào luyện, "sự hấp thụ căn tính tu sĩ của hội dòng nơi từng cá nhân"[10] diễn ra qua việc sống như , hơn là làm việc như Đấng Sáng Lập. Điều này buộc chúng ta phải ưu tiên tập trung các nỗ lực trong đào luyện vào việc nội tâm hóa kinh nghiệm chứ không chỉ giới hạn vào việc tiếp thu các kiến thức mới, hoặc lập lại những khuôn mẫu hành xử bề ngoài vốn không thực sự diễn đạt những giá trị chúng ta được mời gọi sống và chỉ là những hình thái thích ứng vào môi trường.[11] Có hai nguy hiểm nếu không có sự nội tâm hóa. Một đàng, đào luyện bị giản lược vào hiểu biết thông tin mà thôi; việc hấp thụ các giá trị được coi là đã xong chỉ vì chúng thường được bàn đến. Đàng khác, hiểu biết thông tin được giản lược thành thích ứng, khi một phong thái sống được bắt chước song những động cơ thực sự của nó lại không được tiếp thu.
 
        Nội tâm hóa những giá trị đoàn sủng tất yếu hàm ẩn phải có những động cơ sâu xa nơi cá nhân; điều này sẽ không thể đạt được nếu ta không làm cho những giá trị đoàn sủng trở thành những xác tín cá nhân. Chỉ khi nào có được những lý lẽ mạnh mẽ để trở thành điều chúng ta được gọi phải là, thì chúng ta mới có thể nhận ra những yếu tố làm thành đời sống thánh hiến như là những giá trị, mới có kinh nghiệm về chúng và chấp nhận chúng đến mức làm chúng trở thành một lối hiện hữu hầu như là tự nhiên. Chính bằng cách này đào luyện mới đạt tới chiều thẳm sâu của con người, và chỉ như thế thì sự biến cải họ mới diễn ra.
 
           Hơn nữa, ta có thể chỉ ra một khía cạnh đặc thù của đào luyện là nó bắt đầu từ con người cụ thể, từ lịch sử cá nhân của họ, từ bước tiến mà họ đã làm trong những khía cạnh cá vị khác nhau. Nền đào luyện này tránh được cám dỗ là biến mọi người thành như nhau hoặc vì những mục tiêu thực tiễn lại đặt họ trên cùng một bình diện mà không tôn trọng các nhịp điệu của tiến trình trưởng thành nơi từng cá nhân. Điều này kéo theo trách vụ giúp người đó hiểu biết và chấp nhận chính mình, ý thức về những xác tín của mình và đưa chúng ra phân định như là điều kiện cốt yếu để xây dựng dựa trên sự thật về chính mình và trên sự chấp nhận chính mình. Nó cũng hàm ẩn một sự hiểu biết chính xác về những nhu cầu của con người đó và phác thảo ra được một hành trình thích hợp. Cuối cùng nó hàm ẩn đề xuất minh bạch về dự phóng sống đời tu của hội dòng, với tất cả những đòi hỏi của cuộc đời này, và không chấp nhận loại hứng khởi dễ dãi hay những cảm xúc chóng qua.
         
           Hiểu biết chính mình tự nó đã là một giá trị, và trong bối cảnh đào luyện bản thân, nó khiến người ấy kinh nghiệm được sự đối chiếu giữa bản thân mình và căn tính ơn gọi người ấy được mời gọi đảm nhận. Như thế ta mới có thể hình thành nên một diện mạo mà người đó muốn được đồng nhất (tức là Đức Kitô theo phong cách của Đấng Sáng Lập, như lời Phaolo diễn tả: "Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô"). Và khởi từ diện mạo này, một kế hoạch tăng trưởng thiêng liêng có thể được phác họa, cổ võ việc đồng nhất ấy ngày càng được thăng tiến mà theo logic, là sẽ không kết thúc và sẽ có giá trị cho toàn cuộc sống.
 
           Nhân sự chịu trách nhiệm hàng đầu cho việc đồng nhất hóa nội tâm này chính là người được kêu gọi. Đây không phải là một trách vụ có thể ủy thác hay chần chờ: không ai khác có thể đảm trách việc này thay cho người được kêu gọi, hoặc người này có thể thực thi nó chỉ khi nào họ muốn. Chính bởi vì họ được gọi, và để đáp lại tiếng gọi đó, người được gọi phải hoàn toàn tham dự quyết liệt vào việc đồng nhất hóa nội tâm này với lòng quảng đại, đầy xác tín và nhiệt tâm. Dần dần người đó sẽ tăng trưởng cảm thức thuộc về gia đình mà họ muốn là phần tử và sẽ cảm thấy như được ở trong nhà mình.
[12]
 
           Tuy nhiên, vai trò đồng hành của nhân viên đào luyện là không thể thiếu và cũng rất là quan trọng, cách riêng trong những giai đoạn đào luyện ban đầu mà Giáo Hội và các Hội Dòng đã từng nhấn mạnh. Lý do là vì ơn gọi không chỉ là ý thích cá nhân  và Thiên Chúa kêu gọi từng cá nhân để sống và làm việc trong một cộng đoàn cụ thể với những đòi hỏi của sứ mệnh cụ thể khác biệt nhau. Một mình ứng viên không thể nào tự đồng hóa với kế hoạch ơn gọi ấy vì lẽ ban đầu họ chưa nhận biết, việc đồng hóa tiệm tiến có nhiều bước thăng trầm và những lúc nhấn mạnh khác nhau. Nhân viên đào luyện chính là những người đồng hành sát cạnh giúp ứng viên thanh luyện, củng cố động cơ, học biết sâu đậm mỗi ngày một hơn sứ mệnh Thiên Chúa và Giáo Hội trao cho và thẩm định sự thích hợp của ứng viên với kế hoạch ấy.
 
           Chính ở đây mà các Hội Dòng được mời gọi dặt tầm quan trọng hàng đầu cho việc đào luyện các hội viên. Các bề trên hãy đầu tư nhiều nhất và tốt nhất những nhân sự và nguồn lực cho việc đào luyện. Tương lai và sức sống của hội dòng lệ thuộc rất nhiều vào việc đào luyện cho sứ vụ của hội dòng. Như vị chủ tịch Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền đã khẳng định: các Hội Dòng chúng ta không được phép phạm sai lầm trong đào luyện. Sai lầm trong một vài kế hoạch tông đồ, mục vụ không thể nào sánh ví với sai lầm trong đào luyện được, vì di chứng của sai lầm trong đào luyện sẽ có những tác hại cho cả những thế hệ tiếp sau.
 
           Đọc lịch sử thăng trầm các Hội Dòng sẽ cho chúng ta lãnh hội bài học đau thương đó. Không nên chỉ đổ thừa hoàn cảnh, vì kế hoạch của Thiên Chúa muốn xóa bỏ Hội Dòng, mà nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ là ở chính nhân sự, mà nhân sự phá hỏng chân tính đoàn sủng của Hội Dòng lại có cội nguồn từ nền đào luyện họ đã tiếp nhận!
 

b-          Cung cấp những kinh nghiệm đào luyện thống nhất
         
         Đào luyện buộc phải diễn ra qua một tiến trình lâu dài và khác biệt, trong những cộng đoàn khác nhau và với những người hữu trách khác nhau. Để đào luyện trở thành một kinh nghiệm được hội nhập và cá vị hóa, nhất thiết ta phải hiểu và thực thi nó như một dự phóng độc nhất, diễn ra trong một tiến trình duy nhất, mặc dù trên thực hành những yếu tố và những điểm nhấn có thể khác biệt theo từng giai đoạn khác nhau của đời sống thánh hiến của Hội Dòng. Soạn ra dự phóng ấy là trách nhiệm của cộng đoàn:
[13] nó vượt quá những sở thích hay nhu cầu cá nhân và phải chuyển giao đoàn sủng đấng sáng lập một cách sư phạm sao cho người ta tiếp cận được.
 
         Để tránh "nguy cơ biến đào luyện thành một tập hợp những hoạt động lẻ tẻ và rời rạc, tùy thuộc vào những con người hay nhóm đảm trách riêng",
[14] đào luyện cần phải được nghĩ đến như một dự phóng thống nhất chặt chẽ và được sống theo não trạng kế hoạch. Kế hoạch đó bao gồm tất cả những gì khách quan cấu thành đoàn sủng của hội Dòng  (tức những mục tiêu tổng quát), những gì bao trùm toàn bộ tiến trình đào luyện, cũng như những gì đào luyện can dự vào từng giai đoạn nhằm thực hiện kế hoạch này (các mục tiêu của từng  giai đoạn, những chiến lược thể hiện và các phương pháp lượng giá).[15]
 
         Vì tiến trình đào luyện là để phục vụ từng cá nhân,
[16] việc họ đạt đến trưởng thành đòi hỏi những giai đoạn thời gian theo 'tâm lý' hơn là theo niên biểu. Vì vậy, chúng ta hãy bỏ sang một bên một ý kiến nào đó cho rằng ta không thể lượng giá các mặt tinh thần. Đào luyện được lượng giá dựa trên mức thành đạt các mục tiêu đào luyện đã được đề xuất. Trong đào luyện vấn đề không phải là cứ qua được những giai đoạn và hoàn tất chương trình học mà phải là hội nhập được những giá trị và luôn duy trì được sức hăng say trong ơn gọi. Một giai đoạn đào luyện này phải chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp. Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác phải được quyết định "do việc sở đạt những mục tiêu chứ không phải là do đã qua thời kỳ hay chương trình học tập. Nhịp điệu tăng trưởng ơn gọi được duy trì để không sa sút nỗ lực là do việc dần dần gia tăng các trách nhiệm và lượng giá đúng lúc".[17]
 
        Như trong mọi tình trạng giáo dục, người 'được gọi' là người đem lại tính duy nhất cho mọi trình tự, những động cơ, những hoạt động, vì chỉ mình họ mới có thể hòa hợp mọi sự một cách chặt chẽ với dự phóng sứ vụ.
 
c-       Đào luyện để tự đào luyện [đào luyện liên tục-thường huấn]

          Ngày nay Giáo Hội đã mời gọi các Hội Dòng lưu tâm đến cốt lõi của đào luyện sao cho các thành viên, ngay từ giai đoạn ban đầu, được hiểu và thực hành đào luyện với trách nhiệm bản thân và mở ra cho đào luyện liên tục mà Giáo Hội đã xác định “đào luyện liên tục” như một lối sống mới.
 
         Thực vậy, đào luyện liên tục không chỉ là một cái nhìn mới về đào luyện. Nó còn bao hàm một cách thức sống mới, theo đó, chính bản thân đương sự nắm vị trí then chốt – chứ không phải là tổ chức, chương trình học hay chương trình đào luyện. Chính đương sự mới là người đảm nhận lấy trách nhiệm của mình để cộng tác với Chúa Thánh Thần liên quan tới mọi khía cạnh cuộc sống và sự tăng trưởng. Nếu anh ta không làm được, thì chẳng ai khác bù đắp cho anh được.
 
         Nhưng đảm nhận lấy trách nhiệm lại có nhiều nghĩa. Chẳng hạn, nó có nghĩa là mở lòng ra cho tất cả những gì đang diễn ra chung quanh mình, có một thái độ tìm tòi học hỏi, một tâm trí cởi mở và nhận định, và khả năng phân định cho tốt. Người ấy thẳng thắn và đơn thành đối diện với chính mình, và không ngại nhìn thẳng vào thế giới nội tâm chứa đựng những cảm xúc, ước vọng, đau thương và sợ hãi.
 
         Cùng lúc đó, người ấy chấp nhận nhu cầu cần được người khác trợ giúp. Đối thoại với hội viên của mình và sống trong cộng thể trở thành điều tất yếu. Người ấy luôn giữ một não trạng cởi mở, phân định, một não trạng sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận những quan niệm của người khác và chia sẻ quan niệm của mình.
 
          Đàm thoại với Bề trên và linh hướng  được cảm nhận như là một nhu cầu bởi lẽ người ấy thấy đó là những khí cụ qua đấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình. Người ấy cũng để Giáo Hội và Tu Hội hướng dẫn mình.
 
          Người ấy quan tâm đến sự tiến bộ thiêng liêng của mình. Cầu nguyện, cá nhân cũng như cầu nguyện trong cộng thể, nguyện ngắm tốt, đời sống bí tích và trên hết, “phụng vụ cuộc đời” trở thành ưu tiên trong cuộc sống mình bởi lẽ người ấy biết được rằng chỉ trong cuộc gặp gỡ Chúa Kitô và Thánh Thần thì mình mới tìm được sự khôn ngoan, sức mạnh và sự thanh thản cần có cho công cuộc vất vả là hoán cải và canh tân trong cuộc sống. Người ấy ý thức rất rõ rằng Chúa Kitô phải trở thành trung tâm và động lực thúc đẩy cho toàn bộ cuộc sống mình. Lắng nghe những thôi thúc của Chúa Thánh Thần, người ấy biến mọi thời điểm và tình huống trong cuộc đời thành cơ hội để ngày càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô hơn. Ngay cả những thất bại hay thiếu sót cũng được kể tới.
 
          Để định hướng cuộc đời và việc đào luyện của mình, người ấy soạn ra kế hoạch đời sống cá nhân, xác định các mục tiêu cho mình để hoàn thành, trong khi không bỏ qua việc thỉnh thoảng thẩm định những nỗ lực của mình.
 
d-      Đồng trách nhiệm

        Người ấy ý thức được rằng cũng như mình, các hội viên khác cũng chịu trách nhiệm cho việc thăng tiến bản thân của họ, và các thái độ cùng những hành xử của những anh em ấy có thể trợ giúp hoặc ngăn cản sự thăng tiến của mình. Thế nên người ấy tích cực tham dự vào việc chia sẻ trong cộng thể và cùng tham gia soạn thảo kế hoạch cộng thể ngõ hầu tất cả đều tăng trưởng và cộng thể có được tính đào luyện cho mọi thành viên, trở thành nhân tố khích lệ và hỗ trợ cho những nỗ lực thường ngày của mình.
 
        Người ấy cũng tìm cách thực thi những bổn phận của mình với đủ khả năng, và vun trồng nơi mình một thái độ biết phân định tông đồ trong những tình huống khác nhau, dựa trên kinh nghiệm, tự kiểm, đọc sách và học hỏi;

          Người ấy cũng sẵn sàng định kỳ thăng tiến khả năng nghề nghiệp của mình, bằng cách tận dụng những ngày học hỏi, các bài huấn đức, khóa học, gặp gỡ mục vụ, và những sáng kiến đào luyện khác mà cộng thể địa phương hay hội dòng cung cấp để tăng trưởng, cập nhật và trau dồi nghiệp vụ.
 
          Trên bước đường ấy, người đó nhận ra rằng không ích lợi gì khi cứ than trách người khác (Bề trên, cộng thể, v. v. . ) vì hiện trạng của mình, bởi lẽ, như có câu nói, “tăng trưởng chỉ khởi sự khi than trách chấm dứt.” Khi cứ xoáy vào những gì người khác phải làm hay không nên làm, người ấy chẳng giải quyết được vấn đề của mình nhưng chỉ né tránh các trách nhiệm của mình. Người ấy phải đảm nhận lấy cuộc đời của mình và định hướng cho nó: không ai làm thay được cho mình; người ấy phải thẳng thắn đối diện với chính trách nhiệm sống và tăng trưởng của mình.
 
e-       Chủ yếu là ở “Lý Do Tại Sao”

          Điều nói ở đây không chỉ áp dụng cho các cộng thể đào luyện nhưng còn cho cả các cộng thể. Chúng ta phải liên tục tự hỏi tại sao mình làm những điều đó. Và rồi, chúng ta thực sự bắt đầu chịu trách nhiệm cuộc đời của mình và sự tăng trưởng của mình; chúng ta bắt đầu đào luyện chính mình; bằng không, chúng ta cứ buông xuôi trong cuộc sống mình hay với người khác.
 
KẾT LUẬN

        Hơn bao giờ hết, đời sống thánh hiến ngày nay lại cần thiết và quan trọng để ngăn chặn khuynh hướng muốn loại bỏ Thiên Chúa khỏi đời sống xã hội và ngay cả khỏi lương tâm con người; khuynh hướng cho rằng đức tin chỉ là điều gì đó riêng tư, trong khi đó nhân loại đang sống trong vô vọng. Đánh mất căn tính của mình, thiếu vắng ký ức về Giêsu, không muốn tìm cách vượt qua những khó khăn, để cho trào lưu thực dụng và khoa học công nghệ kinh tế thống trị, nhân loại đang chìm sâu vào chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hư vô, với nỗi lo sợ trước những xáo trộn về thiên nhiên, sợ hãi trước những khủng bố và đánh mất niềm hy vọng.
 
          Những gì đã và đang diễn ra ở xã hội Phương Tây hẳn cũng sẽ sớm tiếp chạm đến đời sống thánh hiến tại Việt Nam chúng ta. Bởi lẽ có người cho rằng những gì đang tiến triển cho đời sống thánh hiến tại các quốc gia Á châu, Phi Châu này (ơn gọi đông đúc, lòng đạo còn vững mạnh] là những điều trước đây đã từng xảy ra tại Âu Châu, khi đó các quốc gia này chưa phát triển, nghèo đói, các gia đình còn đông con cái và môi trường xung quanh mang tính tôn giáo.
 
        Rõ ràng là việc đào luyện thành viên Hội Dòng chúng ta dứt khoát phải lưu tâm đến tất cả những cấu tố hiện sinh ấy. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta xác quyết đời sống thánh hiến rất cần thiết và quan trọng, không phải bởi những hoạt động, nhưng là bởi chính sự hiện hữu của đời sống thánh hiến. Những gì đời tu thực hiện có ý nghĩa vì đời thánh hiến “là”, nghĩa là biểu hiện của Thiên Chúa tình yêu. Giá trị của đời sống thánh hiến chính là dấu chỉ của Thiên Chúa trong lòng thế giới, là chứng tá vui tươi và đầy xác tín về Thiên Chúa, Đấng là sức mạnh cho toàn thể cuộc sống, khiến cuộc sống của họ đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

          Đời sống thánh hiến có ý nghĩa bởi  vì sự vĩ đại về luân lý và về thiêng liêng của những con người nam nữ kinh nghiệm về Thiên Chúa (“Chúng con ở đây thật là tốt đẹp”: Mc 9, 5b), bởi những con người sống hạnh phúc trong cộng đoàn huynh đệ, là cộng đoàn của những con người không phải do máu huyết mà do chính Thần Khí (“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em hạnh phúc vui vầy bên nhau”: Tv 133, 1). Họ cộng tác với nhau với tất cả sức lực của mình để gia tăng tình nhân loại, thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa hướng con người đến sự sống trọn hảo trong Đức Ki-tô. Ơn gọi và sứ mệnh của những nam nữ tu sĩ là “cảm biến” lịch sử, đọc lịch sử dưới ánh sáng của đức tin để khám phá ân sủng của Thần Khí trong thế giới. Họ là “lính gác hừng đông”, thức tỉnh để chiêm ngắm những dấu chỉ tốt lành đang mọc lên loan báo một mùa xuân đang tới. Họ là dấu chỉ của niềm hy vọng biến đổi đau thương thành niềm vui trong Chúa Phục Sinh.

          Làm thế nào để đào luyện những người thánh hiến sống phục vụ sứ mệnh như thế? Hẳn rằng một bài suy tư chia sẻ chưa đủ, nhưng rất cần được tiếp tục đào sâu.

 

[1] X. Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[2]HL Salêdiêng, 96: “Đáp lại tiếng Chúa gọi có nghĩa là sống trong một thái độ đào luyện" (The Projectof Life of the Salesians of Don Bosco. Guide to the reading of the Salesian Constitutions, Rome 1986, p. 682).
[3]Formation of Salesians of Don Bosco [FSDB], Rome 2000, 1.
[4] HL 96.
[5] E. Viganò, “Strengthen your brothers”, AGC  295 (1980), p. 26.
[6]  HL 96.
[7]  HL 95.
[8] Cf. ACG 432
[9] Cf. ACG 436 và FSDB
[10] FSDB, 208
[11]“Tiến trình tăng trưởng trong căn tính tu sĩ xảy ra trong cõi lòng của một người, ở mức độ sâuxa nhất trong tình cảm, cảm nhận, xác tín và động cơ của họ, và không bị giới hạn vào việc thủ đắc hay chuyển giao kiến thức và những mẫu hành sử. "Vì thế, đào luyện phải có một tác động sâu xa trên cá nhân, hầu mọi thái độ và hoạt động của họ, vào những thời khắc quan trọng cũng như trong những biến cố thông thường của đời sống, sẽ cho thấy rằng họ hoàn toàn và vui vẻ thuộc về Thiên Chúa" (FSDB, 208).
[12]“Vậy đào luyện chỉ đạt được mục tiêu cơ bản của mình khi người tu sĩ cho phép Thiên Chúa nói với mình trong những chiều sâu thẳm của cõi lòng họ, làm cho những tiêu chuẩn và giá trị của ơn gọi tu sĩ thành của mình, và có thể từ bỏ những thái độ đối nghịch, trình bày rõ ràng một kế hoạch cá nhân, và thống nhất hóa đời sống của chính mình quanh những động cơ chân thật và chân chính” (FSDB, 209).
[13]“ Kế hoạch không phải là một bản văn được đem ra thực hành cho bằng là một diễn đạt và dụng cụ của một cộng thể mà chọn để cùng làm việc chung hầu giúp từng thành viên đi trên lối đường đào luyện của mình (FSDB, 213).
[14] FSDB, 210
[15]“Những nội dung, kinh nghiệm, thái độ, hoạt động và những biến cố then chốt được suy nghĩ kỹ càng, được lập chương trình và hướng dẫn theo mục đích của từng giai đoạn và toàn thể đào luyện. Khoa sư phạm được dùng là khoa sư phạm phải vượt thắng được mối nguy cơ là sự phân mảnh và ngẫu hứng cũng như gạt bỏ những hoạt động vô mục đích và không được tập trung"  (FSDB, 212).
[16]“Người tu sĩ có bổn phận thừa hưởng lối tiếp cận rõ ràng đối với việc đào luyện của mình ngay từ ban đầu, có bổn phận thấu hiểu mục đích của toàn thể tiến trình cũng như của từng giai đoạn, để làm cho bước tiến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác sinh hiệu quả, khi lãnh trách nhiệm làm cho những mục tiêu của giai đoạn mới thành của mình; họ phải sáng tạo cho mình những mục tiêu cụ thể và những đường nét hoạt động cùng thẩm định và thông tri việc thực thi kế hoạch đào luyện cá nhân của mình. Về phần mình, những người hữu trách trong đào luyện có bổn phận chấp nhận và thực thi những chỉ dẫn của kế hoạch nhà dòng và đảm bảo rằng ứng sinh tự nguyện đón nhận chương trình đào luyện và trung thành đính kết với nó trong cộng đoàn của họ" (FSDB, 213).
[17] FSDB, 212.
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây