Thư Chung số 87 - 01/2018

Thứ năm - 28/12/2017 08:45
Thư Chung số 87 - 01/2018
      Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
      Thư số 87 / Năm VIII
                   * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 01/ 2018
-------------  


THÔNG ĐIỆP “ LAUDATO SÍ “

 
Phan Rang, ngày 20.12. 2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
           
          Nhân Mùa Giáng Sinh, Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu Hài Đồng ở cùng tất cả anh chị em.Thư chung đã bước qua năm thứ VIII. Xin anh chị em cho ý kiến, nhận xét về nội dung cũng như hình thức các Thư chung trước đây, để Anh Hai rut kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu học hỏi và đào tạo một cách phù hợp, cập nhật và hoan chỉnh hơn Chân thành cảm on anh chị em.

          Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (24/05/2015) tại Đền thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã gửi cho toàn thế giới một Thông điệp về Môi Trường – Chăm Sóc ngôi nhà chung của chúng ta, mang tựa đề “ Laudato Sí “. 

           Ngày 17/06/2015, Ngài đã kêu gọi các tín hữu và tất cả những người có thiện chí hãy đón nhận thông điệp mới của ngài về việc chăm sóc các thụ tạo với trái tim rộng mở.

          Nói chuyện với các khách hành hương và khách du lịch trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào hôm trước ngày phát hành thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố: "Như anh chị em đã biết, vào ngày mai, thông điệp về việc chăm sóc 'ngôi nhà chung' - tức là các thụ tạo - sẽ được phổ biến. "

           Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tiếp: " 'Ngôi nhà chung' của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta".

          Đức Giáo Hoàng kết luận: "Do đó, tôi kêu gọi mọi người hãy có tinh thần trách nhiệm, dựa trên nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cho loài người khi tạo dựng vũ trụ, đó là: ‘cầy cấy và gìn giữ khu vườn’  mà loài người được đặt vào (x. St 2:15). Tôi mời gọi tất cả mọi người đón nhận tài liệu này với trái tim rộng mở, một tài liệu nằm trong hệ thống học thuyết xã hội của Giáo Hội."

           Ngày hôm sau, thứ Năm 18-6-2015, Thông điệp Laudato Si (ký ngày 24-5-2015) đã được ban hành, và theo Linh mục James Martin, S.J., văn kiện này có những đặc điểm sau:

1- Tóm lược có hệ thống về cuộc khủng hoảng môi trường theo quan điểm tôn giáo: Với cách tiếp cận có hệ thống về phương diện tâm linh, thông điệp này mang tính đột phá nhằm mở rộng cuộc bàn luận bằng cách mời các tín hữu tham gia đối thoại và cung cấp những hiểu biết mới mẻ cho những người đã tham gia cuộc đối thoại.

2- Nhấn mạnh đến người nghèo là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu: Những người giàu có quyền lực đã đưa ra những quyết định không quan tâm đến người nghèo, bản thân người nghèo lại có rất ít nguồn lực tài chính để thích ứng với việc biến đổi khí hậu…

3- Đề nghị một sự tăng trưởng mang tính “điều độ” và mời gọi mọi người biết sống hạnh phúc với “điều ít ỏi”: Phải định nghĩa lại khái niệm về sự tiến bộ, phải xét xem những phát triển công nghệ và khoa học có thể gây ra tác động tiêu cực nào cho con người, và phải chấp nhận “giảm phát triển ở một số nơi trên thế giới, để những nơi khác được phát triển lành mạnh”.

4- Giáo huấn xã hội Công giáo phải bao gồm cả giáo huấn về môi trường.

5- Theo sách Sáng Thế, con người được kêu gọi “cầy bừa và gìn giữ” trái đất; nhưng chúng ta đã “cầy bừa” quá nhiều và không “gìn giữ” cho đủ: Hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, Thánh Phanxicô Assisi… trong thái độ chăm sóc thiên nhiên và môi trường.

6- Nối kết con người với thiên nhiên: Chúng ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, thường xuyên tương tác với thiên nhiên”; những quyết định về sản xuất và tiêu thụ có tác động mạnh đối với thiên nhiên; việc chạy theo tiền bạc và gạt sang một bên lợi ích của những người sống bên lề xã hội sẽ dẫn đến sự huỷ hoại hành tinh này.

7- Nghiên cứu khoa học về môi trường cần phải được đề cao và áp dụng.

8- Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi trường thêm trầm trọng: Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến đồng loại của chúng ta”.

9- Cần thiết phải có sự đối thoại và đoàn kết trên quy mô toàn cầu về vấn đề bảo vệ môi trường.

10- Phải thay đổi tâm hồn: Hãy có cái nhìn mới về sự vật; hãy thực hiện “cách mạng văn hoá triệt để” vì chúng ta đang làm cho trái đất trở nên “một bãi rác khổng lồ”; hãy thức tỉnh tâm hồn minh và hướng tới một “hoán cải về sinh thái”; hãy lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo”.
Linh Hữu (tổng hợp theo News.va và tạp chí America)  

          Như vậy, với tư cách là những người sống đời thánh hiến, chúng ta không thể dửng dưng với lời mời gọi này của ĐTC. Vì thế năm 2018 này, Anh Hai chọn Thông Điệp này làm đề tài học tập của chúng ta. Mỗi tháng anh sẽ gửi cho các em một chương của Thông điệp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu từ từ; đồng thời tìm cách áp dụng trong thực thế, không những cho chính môi trường chúng ta sống, mà còn – qua sự hiểu biết và gương sống của chúng ta, chúng ta giúp cho nhiều người cũng hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường sống chung quanh chúng ta. Ngạn ngữ phương tây có câu :”Thà thắp nên một que diêm, còn hơn là ngồi mà nguyền rủa bóng tối”. Nhìn chung quanh, chúng đã và đang thấy môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng, từ trong không khí đến kênh mương, sông ngòi. Rất nhiều người Việt Nam chúng ta vô ý thức xả rác bừa bãi… bất cứ thứ gì, bất cứ nơi đâu.

           Trước hết, chúng ta tóm lược đôi nét về thông điệp Laudato Si’, rồi nêu lên vài suy nghĩ về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người.

1/- Tóm lược Thông điệp “Laudato sí”

          Tiếng Ý “Laudato Sí” nghĩa là chúc tụng Thiên Chúa, liên quan tới việc chăm sóc ngôi nhà chung là trái đất này, là môi trường sống của chúng ta.

           Phần đầu tiên của Thông điệp: Một cái nhìn tổng quát, trình bày  tổng quan của Thông điệp. Đức Thánh Cha giúp chúng ta tự đặt các câu hỏi: Chúng ta đến trần gian này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta? Theo Đức Thánh Cha: Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả tích cực.

Chương I: Những gì đang xảy ra cho nhà chúng ta :
+ Những thay đổi khí hậu
+ Vấn đề nước uống
+ Bảo vệ sự đa dạng sinh vật.

Chương II: Tin Mừng về sự sáng tạo: Để đương đầu với những vấn đề được trình bày trong chương I, Đức Thánh Cha đọc lại các trình thuật Kinh Thánh và trình bày một cái nhìn toàn diện đến từ truyền thống Do Thái-Kitô, nêu rõ “trách nhiệm lớn lao” (s 90) của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện “môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người” (s 95).

Chương III: Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra. Chương này trình bày một phân tích tình hình hiện nay, “để có thể nhận thấy, không những các triệu chứng, nhưng cả những nguyên nhân sâu xa” (s 15), trong một cuộc đối thoại với triết học và các khoa học nhân văn nữa.

Chương IV: Môi sinh học toàn diện. Trọng tâm đề nghị của Thông điệp là một nền môi sinh học toàn diện, như một mô hình công lý, một nền môi sinh học, hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại xung quanh (s 15). Chúng ta  không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta (s 139). Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường.

Chương V: Một vài đường hướng hoạt động. Chương này đề cập đến câu hỏi: Chúng ta có thể và phải làm gì?   Cần phải có những đề nghị “đối thoại và hành động đòi có sự can dự của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế nữa (s 15). “Giáo hội không chủ trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng tôi mời gọi thảo luận chân thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương tổn công ích” (s 188).

Chương VI: Giáo dục và linh đạo môi sinh: Chương cuối cùng đi thẳng vào trọng tâm sự hoán cải môi sinh mà Thông điệp mời gọi. Những căn cội cuộc khủng hoảng văn hóa tác động sâu xa và không dễ điều chỉnh lại những tập quán và cách cư xử. Giáo dục và huấn luyện vẫn là những thách đố chủ yếu. “Mọi thay đổi cần có động lực và một hành trình giáo dục” (s 15). Một môi sinh học toàn diện được thực hiện kể cả bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật như giảm bớt tiêu thụ nước, không vứt rác bừa bãi, trồng cây xanh, không đốt phá rừng, thu lượm rác theo các loại khác nhau…

 
2- Một vài ý tưởng về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người

           Môi trường thiên nhiên là ngôi nhà chung của mỗi người chúng ta. Điều này không những muốn nói tới trách nhiệm của mỗi người đối với căn nhà chung này mà điều quan trọng là ngôi nhà chung đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe của mỗi con người. Nếu ngôi nhà chung sạch sẽ, đẹp đẽ thì con người được hưởng nhờ, còn nếu ngôi nhà chung đó bẩn thỉu, bị ô nhiễm, thậm chí bị đầu độc, thì sức khỏe của con người sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. Dưới đây tôi xin nêu ra một vài câu hỏi cũng là gợi ý, để chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người:
  • Sống trong môi trường thiên nhiên, chúng ta sẽ phải hít thở từng giây từng phút. Vậy nếu không khí không được trong lành, nóng quá hoặc lạnh quá, hay có những khí độc hại thì sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao?
  • Sống trong môi trường thiên nhiên chúng ta phải ăn, phải uống, vậy nếu nước uống không được sạch, có những chất độc hại, nếu thức ăn thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ các chất dinh dưỡng không cân đối và nhất là trong thức ăn có chất độc hại thì sức khỏe chúng ta sẽ thế nào?
  • Việc khai thác rừng bừa bãi, việc thải các khí đốt quá nhiều vào không khí làm ô nhiễm không khí và làm cho nhiệt độ trái đất ngày càng tăng. Chính con người làm mất cân bằng sinh thái và làm cho nhiệt độ trái đất ngày càng tăng lên.
  • Và ngược lại nhiệt độ trái đất tăng lên cũng làm cho mất cân bằng sinh thái. 
  • Việc lạm dụng hóa chất và xả các chất thải không được xử lý vào môi trường thiên nhiên làm ô nhiễm và nhiễm độc môi trường.

Chúng ta cũng cần biết là khi không khí trong lành, thì thành phần hóa học của không khí bao gồm:
    -  Nitơ (N2) 78%                          -  Oxy (O2) 28%
    -               Acgon (A) 0,94 % (đây là khí trơ, không màu, không mùi, không vị và không độc).
    -               Thán khí (CO2) 0,030 % (gọi là Dioxít Carbon, không màu, nồng độ cao sẽ gây ngạt thở).
    -               Hydro (H2) 0,010%             -  Heli (He) 0,015%                -  Kripton (Kr) 0,00015%
    -                Xenon (Xe) 0,00010%        -  Ozon (O3) 0,000005%
    -               Các chất khác: Bụi, CO, NH3, N2O4, SO2…
     
          Trường hợp khí bị ô nhiễm hay có khí độc, chẳng hạn như khí than CO2, nhiễm độc chì (Trẻ em rất dễ nhiễm độc chì và khó chữa. Nhẹ thì kém ăn, sa sút trí nhớ, nhiều trường hợp bệnh nặng, trẻ có thể bị liệt, co giật và hôn mê, người lớn bị suy thận). Chúng ta cũng lưu ý là các khí độc đã được sử dụng trong chiến tranh, chẳng hạn: Khí VX do người Anh sản xuất vào đầu thập niên 50 và được Mỹ sản xuất trên quy mô lớn vào năm 1961. Chất độc Sarin, khí độc mù tạt lưu huỳnh, chất độc Phosgen (theo thống kê của bộ quốc phòng Mỹ vào năm 1987, 85% thƣơng vong của đại chiến thế giới lần 1 là do Phosgen gây ra), khí độc Clo (quân Đức đã sử dụng lần đâu tiên trong đại chiến thế giới lần thứ nhất năm 1915).

           Hội nghị toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (COP, chữ viết tắt của Conference of parties) mới đây đã diễn ra tại Paris từ ngày 30/11-12/12/ 2015. Hội nghị này quy tụ khoảng 40.000 đại biểu đến từ 195 quốc gia, với mục tiêu đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên để hạn chế khí thải nhà kính, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, ngăn ngừa toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C, ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu theo khuyến cáo của các nhà khoa học. (Theo Lm. Vinhsơn Đỗ Huy Hoàng)
 
            Nguyện xin ân sủng, niềm vui  và bình an của Chúa Giêsu Hài Đồng ở cùng tất cả anh chị em.

Anh Hai Gioan-Maria
 
 
 
 
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây