Thư Chung số 83 - 09/2017

Thứ năm - 24/08/2017 12:19
Quyền Bính & Sứ Vụ
Tất cả những điều này hàm ý rằng quyền bính được nhìn nhận như một trách vụ quan trọng trong việc thực thi sứ mệnh, trung thành với đặc sủng riêng của mỗi Tu Hội. Đây không phải là trách vụ đơn giản, cũng không phải không có những khó khăn và hàm hồ. Trong quá khứ, nguy cơ có thể đến từ những người có quyền bính, chủ yếu nhắm vào việc điều hành công việc, với mối nguy hiểm là không quan tâm đến con người. Ngày nay, đúng hơn, nguy cơ có thể đến từ việc sợ hãi quá đáng là làm tổn thương những tình cảm của tha nhân hay từ sự phân mảnh các năng lực và trách nhiệm vốn làm suy yếu, vận hành được thống nhất tới mục tiêu chung và làm cho vai trò của quyền bính mất tác dụng.
        Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
        Thư số 83 / Năm VII
                     * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 09/ 2017
-------------  
QUYỀN BÍNH VÀ SỨ VỤ
 
QB&VP 25-27
 
Phan Rang, ngày 20.08. 2017
 
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
            
        Tháng này Anh Hai mời anh chị em cùng học hỏi về đề tài Quyền bính và sữ vụ, qua đó chúng ta hiểu được vai trò, và trách nhiệm của những anh chị mang trọng trách lãnh đạo để biết cảm thông và cộng tác vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn.
 
Tất cả những điều này hàm ý rằng quyền bính được nhìn nhận như một trách vụ quan trọng trong việc thực thi sứ mệnh, trung thành với đặc sủng riêng của mỗi Tu Hội. Đây không phải là trách vụ đơn giản, cũng không phải không có những khó khăn và hàm hồ. Trong quá khứ, nguy cơ có thể đến từ những người có quyền bính, chủ yếu nhắm vào việc điều hành công việc, với mối nguy hiểm là không quan tâm đến con người. Ngày nay, đúng hơn, nguy cơ có thể đến từ việc sợ hãi quá đáng là làm tổn thương những tình cảm của tha nhân hay từ sự phân mảnh các năng lực và trách nhiệm vốn làm suy yếu, vận hành được thống nhất tới mục tiêu chung và làm cho vai trò của quyền bính mất tác dụng.
           
      Tuy nhiên, những người có quyền bính không chỉ chịu trách nhiệm sinh động cộng đoàn nhưng còn điều phối những khả năng khác nhau trong mối liên hệ với sứ mệnh. Do vậy, họ tôn trọng các vai trò và theo những quy tắc nội bộ của Tu hội. Mặc dù những người có quyền bính không thể - và không được – làm mọi sự, thế nhưng, họ lại có trách nhiệm cuối cùng về mọi sự (Đời sống Thánh hiến43).
 
       Nhiều thách đố hiện nay đang đặt trên vai những người có quyền bính trách vụ điều phối các năng lực cho sứ mệnh. Một số trách vụ quan trọng được kể ra như sau :
  
1) Những người có quyền bính khích lệ việc đảm nhận trách nhiệm và tôn trọng những người nhận trách nhiệm

      Đối với một số người, trách nhiệm có thể gây ra cảm thức sợ hãi. Vì vậy những người có quyền bính cần phải bày tỏ cho các cộng sự viên của mình sức mạnh Kitô hữu và lòng can đảm đối diện với những khó khăn, vượt thắng những sợ hãi và thái độ bỏ cuộc.
 
      Mối quan tâm của họ sẽ được chia sẻ không chỉ là thông tin nhưng còn là những trách nhiệm, cam kết tôn trọng từng người trong sự tự lập chính đáng của họ. Về phía người có quyền bính, điều này liên can đến điều phối kiên nhẫn; còn về phía người được thánh hiến, điều này liên can đến sự rộng mở chân thành để cùng nhau làm việc.
 
      Những người có quyền bính cần phải “hiện diện” khi cần thiết, để cổ võ các phần tử của cộng đoàn cảm thức lệ thuộc lẫn nhau, đây không phải là lệ thuộc ấu trĩ cũng không phải là độc lập tự mãn. Sự tương thuộc này là hoa trái của tự do nội tâm cho phép mỗi người làm việc và cộng tác, thay thế cũng như được thay thế, tham gia tích cực và đóng góp phần của mình, ngay cả phía sau hậu trường (không được biết đến).
 
      Bất cứ ai thực thi sự phục vụ của quyền bính sẽ phải chú tâm không nhượng bộ cơn cám dỗ tự mãn cá nhân, tin rằng mọi sự lệ thuộc vào họ và cổ xúy sự tham gia cộng đoàn sẽ là không quan trọng và hữu ích; cùng nhau đi một bước thì tốt hơn là đi riêng hai bước hay nhiều bước một mình.
 
2) Những người có quyền bính mời gọi đối diện với sự khác biệt trong tinh thần hiệp thông

      Những thay đổi văn hóa đang tiến triển mau chóng không chỉ gây ra những biến đổi cơ cấu ảnh hưởng đến các hoạt động và sứ mệnh, nhưng còn gây ra những căng thẳng bên trong cộng đoàn, ở đó những loại khác nhau của đào luyện về văn hóa hay thiêng liêng đã khiến cho các phần tử cống hiến những cách thức khác nhau để đọc những dấu chỉ thời đại và, vì vậy, đề xướng những dự phóng khác nhau, và không luôn luôn có thể giải hòa. Ngày nay, những tình trạng như thế có thể xuất hiện thông thường hơn trong quá khứ, bởi đang gia tăng con số các cộng đoàn được hình thành do những người đến từ những nhóm chủng tộc hay văn hóa khác nhau, do đó làm cho những khác biệt thế hệ thành hiển nhiên hơn.

     Trong một thế giới nổi cộm vì nhiều chia rẽ, những người có quyền bính được gọi để phục vụ với tinh thần hiệp thông, ngay cả những cộng đoàn tổ hợp này, giúp họ để cống hiến chứng từ cùng chung sống và yêu mến lẫn nhau cho dù có những khác biệt. Vì vậy phải tuân giữ một vài nguyên tắc lý thuyết-thực tiễn sau đây:
         –  nhớ rằng theo tinh thần Phúc Âm, xung đột các ý tưởng không bao giờ được trở thành xung đột con người;
         – gợi nhắc rằng những viễn cảnh khác nhau sẽ giúp đào sâu vấn nạn;
        – cổ võ thông giao để tự do trao đổi tư tưởng làm cho các lập trường nên rõ ràng và làm cho việc đóng góp tích cực của từng người được nổi bật lên;
         – để được thông cảm hỗ tương thật sự, cần giải thoát chính mình khỏi chủ nghĩa qui ngã (đề cao cá nhân) và chủ nghĩa vị chủng (đề cao dân tộc), vốn có khuynh hướng quy những nguyên do rắc rối vào người khác.
        – hiểu rằng lý tưởng không phải là có một cộng đoàn không có xung đột, nhưng là cộng đoàn sẵn sàng đối diện với những căng thẳng của chính mình hầu giải quyết chúng cách tích cực, tìm kiếm những giải pháp mà không bỏ qua những giá trị buộc phải lưu ý.
 
3) Những người có quyền bính duy trì sự quân bình giữa những chiều kích khác nhau của đời thánh hiến  

         - Những chiều kích này có thể gây ra căng thẳng giữa chúng. Người có quyền bính phải đảm bảo sự hiệp nhất đời sống phải được gìn giữ và điều đáng chú ý nhất chính là sự quân bình giữa thời gian dành cho cầu nguyện và thời gian cống hiến cho công việc, giữa cá nhân và cộng đoàn, giữa dấn thân và nghỉ ngơi, giữa chú ý đến đời sống chung và chú ý đến thế giới và Giáo hội, giữa đào luyện cá nhân và đào luyện cộng đoàn (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn 50).
        - Một trong những sự quân bình tế nhị nhất là giữa cộng đoàn và sứ mệnh, giữa đời sống bên trong (ad intra) và đời sống bên ngoài  (ad extra).  Bình thường, căn cứ trên tính cấp bách của những điều phải làm, có thể ta không lưu tâm tới những điều liên quan đến cộng đoàn và ngày nay còn thông thường hơn nữa, khi người ta được gọi để làm việc như một cá nhân, quả đúng là ta phải tôn trọng một vài qui luật không thể vi phạm, đảm bảo tức thời cho cả tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn tông đồ và tính nhạy bén tông đồ trong đời sống cộng đoàn cần được tôn trọng (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn 59).
        - Điều này thật quan trọng. Người có quyền bính phải là người bảo vệ những qui luật này và nhắc nhớ từng người và mọi người biết rằng một phần tử của cộng đoàn đang thi hành sứ mệnh hay đang chu toàn việc phục vụ tông đồ nào đó, ngay cả khi làm việc một mình, vẫn luôn hành động nhân danh Tu Hội hay cộng đoàn và vì thế, làm việc nhờ cộng đoàn. Thường thường, nếu một vài người có thể chu toàn hoạt động đặc biệt ấy, là vì những người khác trong cộng đoàn cống hiến thời gian cho họ, khuyên bảo họ hay biểu lộ một tinh thần nào đó. Hơn nữa, người ở lại trong cộng đoàn cũng đã làm thay một vài trách vụ trong nhà cho những người cam kết dấn thân ngoài cộng đoàn, hay cầu nguyện cho họ, hay trợ giúp họ bằng chính sự trung thành của mình.
         
           Nay thật là chính đáng, vì không chỉ các tông đồ phải tri ân sâu xa nhưng họ còn được hiệp nhất mật thiết với cộng đoàn của mình trong mọi việc họ làm. Vị tông đồ không được hành động như chủ nhân của cộng đoàn nhưng phải cố gắng bằng bất kỳ giá nào để xin cộng đoàn cùng tiến bước, chờ đợi, nếu còn những người đi chậm hơn, coi trọng sự đóng góp của từng người, chia sẻ bao có thể niềm vui và nỗ lực, trực giác và những điều không chắc, để tất cả đều cảm thấy việc tông đồ của mỗi người khác như là của mình, không chút đố kỵ hay ghen tuông. Các tông đồ có thể chắc chắn rằng cho dù họ cống hiến cho cộng đoàn nhiều bao nhiêu chăng nữa, thì cũng chẳng bao giờ cân xứng với những gì họ đã nhận và sẽ tiếp tục nhận được từ cộng đoàn.
 
4) Những người có quyền bính có lòng xót thương 

          Thánh Phanxicô Assisi, trong lá thư cảm động gởi cho một bề trên, đã đưa ra chỉ dẫn sau đây về những yếu đuối có thể có của anh em ngài: "Trong chuyện này tôi muốn biết, nếu anh yêu mến Chúa và chính tôi đây, là tôi tớ của Chúa và của anh, nếu anh đã làm điều này, nghĩa là, chẳng có tu sĩ nào trên thế gian đã phạm tội, nhiều như người ta có thể phạm, và sau khi người đó đã bắt gặp ánh mắt của anh, người đó không bao giờ ra đi mà không nhận được lòng xót thương của anh, nếu người ấy tìm kiếm lòng xót thương. Và nếu như người tu sĩ đó không tìm ra lòng thương xót,  anh đã phải hỏi xem người đó có cần lòng xót thương không. Và giả như sau đó người ấy lại sai phạm cả ngàn lần, trước mắt anh thì vì lẽ đó, anh hãy yêu họ hơn yêu tôi, hầu anh lôi kéo người ấy đến với Chúa; và anh phải luôn thương xót những người như thế.” (Thánh Phanxicô Assisi, Thư gửi một Bề trên Giám tỉnh, 7-10).  
 
            Những người có quyền bính được gọi để khai triển khoa sư phạm của ơn tha thứ và lòng thương xót, nghĩa là, trở nên những dụng cụ của tình yêu Thiên Chúa đến tiếp đón, sửa sai và luôn cống hiến một cơ hội khác cho người anh em, chị em lỗi lầm, phạm tội. Trên hết,  họ cần ghi nhớ rằng không có hy vọng được tha thứ, người ta khó có thể trở lại đường ngay nẻo chính và không thể né tránh xu hướng làm tăng thêm sai lầm này đến sai lầm khác, thất bại này đến thất bại khác. Thay vào đó, viễn cảnh của lòng xót thương xác quyết rằng Thiên Chúa có thể rút ra con đường dẫn tới sự thiện, ngay cả từ những tình trạng tội lỗi. Ước chi những người có quyền bính không hề tiếc nuối một nỗ lực nào để toàn cộng đoàn có thể học hỏi loại xót thương này.
 
5) Những người có quyền bính có cảm thức về công bằng 

           Nếu lời mời gọi của thánh Phanxicô Assisi để tha thứ cho người anh em phạm tội có thể được coi là qui luật quý giá chung, thì ta phải biết rằng có thể có những lối hành xử nơi những phần tử của một số cộng đoàn những người được thánh hiến gây hại nghiêm trọng cho người lân cận và hàm ẩn trách nhiệm đối với người ngoài cộng đoàn, cũng như trong chính Hội Dòng mà họ thuộc về. Nếu cần thiết phải thông cảm đối với sai trái của cá nhân, thì cũng cần thiết phải có một cảm thức nghiêm nhặt về trách nhiệm và bác ái đối với những người rốt cuộc bị làm hại vì lối hành xử không đúng của người được thánh hiến. 
 
           Ước gì người sai phạm biết rằng mình phải trả lời cho những hệ quả của những hành vi của mình. Sự thông cảm đối với người tu sĩ không thể loại bỏ công bằng, cách riêng đứng trước những người bị thương tổn và nạn nhân của lạm dụng. Biết đón nhận, nhận biết sự dữ thật sự và đảm nhận trách nhiệm đối với nó và những hệ quả của nó, đã là những bước đi trên con đường dẫn tới lòng thương xót: như đối với Israel thuở xưa đã tự mình xa cách Thiên Chúa, việc chấp nhận những hệ quả của sự dữ, chẳng hạn như kinh nghiệm "Lưu Đày" là bước đầu tiên trong việc đảm nhận con đường hoán cải và khám phá lại cách sâu xa hơn mối liên hệ thật sự với Ngài.  
 
6) Những người có quyền bính cổ võ cộng tác với giáo dân 

             Sự cộng tác ngày càng gia tăng với người giáo dân trong những công cuộc và hoạt động do những người được thánh hiến chỉ đạo nêu lên những vấn nạn mới, đòi hỏi phải có những giải đáp mới về phía cộng đoàn cũng như phía nắm giữ quyền bính. "Sự tham gia của giáo dân thường mang những trực giác bất ngờ và phong phú vào một số khía cạnh của đoàn sủng, căn cứ vào giáo dân được mời gọi để cống hiến cho những gia đình tu sĩ sự đóng góp vô giá của việc họ ở trong thế giới và sự phục vụ biệt loại của họ” (Đời sống thánh hiến, số 55;  x. Phát xuất lại từ Đức Kitô, số 31).
 
             Thật thích hợp để ta nhắc lại việc đạt tới mục tiêu cộng tác hỗ tương giữa tu sĩ và giáo dân: "nhất thiết phải có những cộng đoàn tu sĩ với một căn tính đoàn sủng rõ ràng, được hấp thụ và sống, có khả năng truyền đạt nó cho người khác và sẵn sàng chia sẻ ; các cộng đoàn tu sĩ với khoa linh đạo mãnh liệt và nhiệt tâm truyền giáo để thông truyền cùng một tinh thần và cùng một sức thúc đẩy loan báo tin mừng; các cộng đoàn tu sĩ biết cách sinh động và khích lệ giáo dân để chia sẻ đoàn sủng của hội dòng mình, theo đặc tính trần thế và kiểu sống khác nhau của người giáo dân, mời họ khám phá những cách thức mới để làm cho cùng một đoàn sủng và sứ mệnh hoạt động. Bằng cách này, cộng đoàn tu sĩ trở thành trung tâm tỏa chiếu ra bên ngoài một sức mạnh thiêng liêng, một trung tâm sinh động, trung tâm của tình huynh đệ phát sinh tình huynh đệ, trung tâm của hiệp thông và cộng tác trong giáo hội, ở đó những đóng góp khác nhau của từng người sẽ giúp xây dựng Thân Mình Đức Kitô là Giáo hội” (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 70).
 
              Hơn nữa, thật cần thiết là phải có một bản mô tả xác định rõ ràng về khả năng và trách nhiệm của giáo dân cũng như của tu sĩ, cũng như của những thực thể trung gian (các hội đồng quản trị..v.v).  Trong việc này, người phụ trách cộng đoàn những người được thánh hiến có một vai trò không thể thay thế.
(x. Huấn thị về Quyền bính và Vâng phục)
 
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây