Thư Chung số 79 - 05/2017

Thứ bảy - 20/05/2017 12:10
Câu hỏi được nêu lên: tại sao chúng ta phải can dự vào việc đào luyện những người được Thiên Chúa kêu gọi và sai tới cho chúng ta? Chính bởi vì trong Hội Dòng, chúng ta coi họ là tặng phẩm của Thiên Chúa ban cho, chúng ta chăm sóc họ, ý thức mình có trách nhiệm giúp họ vươn lên tới đỉnh cao ơn gọi họ nhận được.
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 05/ 2017
-------------  
ĐÀO LUYỆN VÀ SỨ VỤ
(Phần 2 : Mối liên kết giữa đào luyện và sứ vụ)
 
Phan Rang, ngày 20.04. 2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
          Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
          Tháng này chúng ta tiếp tục học hỏi phần 2 của bài thuyết trình về mối liên kết giữa Đào Luyện và Sứ Vụ.

II- ĐÀO LUYỆN VÀ SỨ VỤ
 
1- Tầm quan trọng của đào luyện

           Câu hỏi được nêu lên: tại sao chúng ta phải can dự vào việc đào luyện những người được Thiên Chúa kêu gọi và sai tới cho chúng ta? Chính bởi vì  trong Hội Dòng, chúng ta coi họ là tặng phẩm của Thiên Chúa ban cho, chúng ta chăm sóc họ, ý thức mình có trách nhiệm giúp họ vươn lên tới đỉnh cao ơn gọi họ nhận được. Vì thế chúng ta cố gắng khảo sát kỹ càng hơn hai yếu tố không thể tách chia nơi một ơn gọi chân thật. Đó là, ơn gọi và đào luyện,  hồng ân và trách vụ, tương tự như hai mặt của một đồng tiền. Đào luyện là lời xác quyết cơ bản, một lời tuyên xưng đức tin thật sự được diễn đạt từ quan điểm của người được gọi: "Chúng ta đáp lại tiếng gọi này [từ Đức Giêsu] bằng nỗ lực đào luyện thích hợp và liên tục ".
[2]
 
             Vì thế, ta phải hiểu đào luyện như là một lời đáp trả ơn gọi. Đào luyện không chỉ là khoảng thời gian dài diễn ra trước khi được can dự đầy đủ và dứt khoát vào sứ mệnh chung, và càng không được giản lược đào luyện vào việc học hành đơn thuần các môn học tôn giáo và nghiệp vụ, mà thành viên phải nỗ lực học để chuẩn bị cách riêng cho sứ mệnh của cá nhân mình. Tất cả những  việc chúng ta phải làm là để nhận biết, đảm nhận và đồng hóa mình với kế hoạch Thiên Chúa mời gọi chúng ta, đó chính là đào luyện. "Đào luyện là vui tươi chấp nhận hồng ân ơn gọi của mình và thể hiện ơn gọi ấy trong mọi thời khắc của đời sống mình và trong mọi hoàn cảnh."
[3] Ta có thể nói, đào luyện là bậc sống mà một người bước vào khi người đó cảm thấy mình được Đức Giêsu gọi để ở lại với Người và rồi được Người sai đi (x. Mc 3,13).
 
             Khi kêu gọi chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một căn tính. Và chúng ta chỉ đáp lại Ngài một cách thích đáng khi chính chúng ta nhận biết căn tính của mình trong tiếng gọi của Ngài. Vì thế, căn tính của một hội dòng không được đánh đồng với những gì ứng sinh đã là hay với những gì họ muốn là; nhưng đúng hơn nó phải ăn khớp với kế hoạch của Thiên Chúa, với điều Ngài muốn họ trở thành. Vì vậy, mục đích của toàn bộ việc đào luyện là làm ứng sinh, thành viên hội dòng nên một với điều Thiên Chúa muốn nơi họ. 'Hỡi những người được thánh hiến, hãy trở nên điều anh em được kêu gọi!” Tiếng gọi của Thiên Chúa hoàn toàn là một ơn nhưng không, đi trước và thúc đẩy nỗ lực đáp trả lại tiếng gọi đó một cách thích đáng. Đào luyện tự căn bản hệ tại ở việc ấy, và vì đó mà Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta hằng ngày
[4]: ơn gọi và đào luyện là hai cách qua đó ơn sủng hoạt động trong chúng ta; ơn gọi là ơn sủng Thiên Chúa kêu gọi ta, đi trước, đồng hành và cần đến đào luyện; đào luyện là ơn sủng làm ta xứng đáng với ơn gọi, cần phải được vun trồng, gìn giữ và đào sâu thêm luôn mãi. 
 
2- Liên kết với sứ vụ

          Ơn gọi, sứ vụ đến từ cuộc gặp gỡ - đối thoại
          Không phải là ngẫu nhiên mà mỗi khi Thánh Kinh miêu tả việc Thiên Chúa lên tiếng gọi, thì câu chuyện lại trở thành bản tường trình về cuộc đàm thoại hay đối thoại mà Thiên Chúa khởi sự với kẻ Ngài đã chọn: Thiên Chúa dần dần mạc khải kế hoạch mà Ngài dành cho người ấy, và Ngài làm cho kẻ đó biết rằng Ngài tin là họ sẽ thực hiện thành công kế hoạch đó.
  
          Không hề mong đợi, và phần mình cũng chẳng có công lao gì, thậm chí còn thiếu hẳn, người được chọn bỗng thấy mình được ban cho một trách vụ và một lối sống được ấn định cho mình: một lối sống liên quan tới việc khai sinh một dân tộc (Abram: St 12,1-4), giải phóng dân tộc mình (Môsê: Xh 3,1-4,23), thụ thai (Maria: Lc 1,26-38) hay một lời mời gọi sống với Đức Giêsu (v.d. bốn môn đệ đầu tiên: Mc 1,16-20). Sứ mệnh được trao ban không tương ứng với những khả năng của những kẻ được gọi, thường nó không nằm trong dự định của họ; Abram hay Đức Maria không thể nghĩ rằng mình sẽ có con cái theo như lời hứa (St 15,2-3; Lc 1,34). Thường thì sứ mệnh được trao ban lại không ăn khớp với hoạt động hay nghề nghiệp đang đảm nhận. Môsê đang chăn chiên thuê; cũng tương tự như thế, các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đang làm nghề chài lưới với những công việc rất khác với những công việc mà họ được mời gọi dấn thân, nghĩa là lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc (Xh 2,21-3,1), tức trở thành những kẻ lưới người cho vương quốc Thiên Chúa (Mc 1,16.19). 
 
           Vì biết rằng cuộc đời mình là thành quả quyết định của Thiên Chúa,  người tín hữu trong Thánh Kinh không chấp nhận những cái gọi là may hay rủi. Bao lâu họ sống, có một Đấng vào một lúc nào đó đã tự do muốn có họ và đã tạo dựng nên họ vào một thời điểm nhất định, việc đó sẽ làm cho họ không bao giờ thôi cảm nhận là họ đang được yêu mến. Họ không để mình bị trói buộc bởi định mệnh hoặc quỵ ngã trước những giông bão bất ưng. Song chính vì lý do này, họ không tự tạo nên cuộc sống mình, hoặc tự mình lên những kế hoạch cho cuộc đời mình. Họ không phải là ông chủ của chính mình. Họ lệ thuộc vào ý muốn của Đấng đã yêu họ đến mức muốn cho họ sống và trở nên giống Ngài. Vì vậy chính cuộc đời họ cho thấy rằng họ nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và kế hoạch đó phải được thực thi. Chính cuộc hiện hữu của họ minh chứng rằng  Thiên Chúa đã có trước một kế hoạch dành cho họ. Cuộc đời luôn luôn là sứ mệnh, song trước tiên, đó là vì cuộc đời đã là tặng phẩm, là ân sủng, bởi lẽ không phải tự dưng mà ta được thừa hưởng hoặc là Thiên Chúa phải trả cho ta.
 
Sứ Vụ, môi trường và lý do để phải đào luyện

            Thiên Chúa có thể sắp xếp rất hay cuộc đời của một người vì chính Ngài đã ban cuộc sống cho người đó. Rất nhiều trình thuật ơn gọi trong Thánh Kinh đã cho thấy rõ nét đặc trưng này của Thiên Chúa hằng sống: Thiên Chúa mạc khải cho kẻ được gọi rằng Ngài tin tưởng họ, bất kể họ là thế nào, và thậm chí đôi lúc còn nghịch lại ý muốn của họ. Dù có nêu lên bao lời cưỡng chống, kẻ được gọi vẫn không thể tránh né tiếng gọi. Trừ phi Thiên Chúa rút lại lời Ngài mời gọi, kẻ được sai sẽ mãi là như thế; thậm chí dù chạy trốn Thiên Chúa, người đó không thể thoát khỏi Ngài, thoát khỏi ý muốn của Ngài, như Giona đã trải nghiệm (Gn 1,1-3,3). Song còn nghiêm trọng hơn, đã có hơn một người cảm thấy rằng cuộc đời mình đã bị cất mất khỏi mình, mình bị bắt chẹt và bị áp đặt một sứ mệnh, một sứ mệnh không hề nằm trong tính toán của họ cũng như không hợp với khả năng của họ. như trường hợp Giêremia (Gr 1,5) và cả Phaolô (Gl 1,15) đã cho thấy.
 
              Khi đối thoại với họ, Thiên Chúa thỏa thuận với những người Ngài gọi. Bằng cách ngỏ lời kêu gọi ai đó, Thiên Chúa sẽ biến người được chọn thành người  đối thoại. Trong khi ngỏ lời với kẻ được gọi, Thiên Chúa mặc khải cho họ việc Ngài muốn họ và tại sao Ngài lại muốn họ. Khi chấp nhận tiếng gọi của Thiên Chúa, kẻ được gọi chỉ biết được rằng họ sẽ được dành cho tha nhân: hẳn chắc là khi kêu gọi, Thiên Chúa của Thánh Kinh muốn người được gọi vì chính họ,  nhưng cũng là vì những người khác nữa.  Người được gọi thấy ngạc nhiên trước điều này: họ phải nỗ lực đáp trả lại Thiên Chúa vì ơn gọi họ nhận được bằng cách cố gắng đáp trả những nhu cầu của những người mà họ được sai tới. Thiên Chúa gọi họ để ở với Ngài và để sai họ ra đi: tình bạn mật thiết với Ngài và sứ mệnh phục vụ tha nhân chính là cách sống, là hệ quả và là dấu chứng của sự chọn lựa đó. Mọi sự họ làm để học biết trở nên bạn hữu chứ không phải là tôi tớ của Chúa, để thực thi sứ mệnh, sửa soạn chính mình cho sứ mệnh và đồng nhất chính mình với sứ mệnh đó, đấy chính là đào luyện. Đào luyện trong các dòng tu tự bản chất vừa là đào luyện tu sĩ vừa là tông đồ bởi vì nó được sứ mệnh hướng dẫn và thúc đẩy.
 
              Lời đáp trả duy nhất Đấng lên tiếng gọi xét có giá trị là những gì thực hiện tiếng gọi của Ngài, nghĩa là người được gọi đáp trả bằng cách hiến mình phục vụ những ai mà Thiên Chúa đã dành cho họ khi kêu gọi họ đích danh.  Như vậy, chấp nhận và sống ơn gọi hàm ẩn một đời sống vâng phục sứ vụ đã tiếp nhận: toàn tâm toàn ý phục vụ đối tượng của hội dòng chính là lời đáp trả Thiên Chúa mong đợi từ người thánh hiến. Hẳn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên suông khi người tu sĩ mất đi sự ưa thích và  khao khát cầu nguyện thì người ấy cũng mất đi cảm thức về bổn phận của họ đối với đối tượng phục vụ. Và ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi mọi nỗ lực tách ta ra khỏi sứ mệnh  đều làm cho việc cầu nguyện cộng đoàn của chúng ta đâm ra nghèo nàn và khó khăn. Đấy không  phải là Thiên Chúa làm chính Ngài xa cách chúng ta hay ngăn cản chúng ta không được cảm thấy gần gũi Ngài, cho bằng chính chúng ta tự xa cách đối tượng và chúng ta không thể gần gũi được với những vấn đề của họ. Chúng ta thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi chính do khi nào chúng ta từ bỏ "sứ mệnh cảm thấy mình  'thoải mái' giữa những người nghèo khổ ta phục vụ."
[5]
 
               Là tu sĩ, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa và đối tượng phục vụ. Món nợ này nảy sinh từ hồng ân đã tiếp nhận: nó hiện hữu và được nâng đỡ bởi ơn gọi, và được củng cố qua một nền đào luyện " thích đáng và liên tục ".
[6] “Ngập chìm trong thế giới và trong những mối bận tâm của đời mục vụ, người tu sĩ học biết gặp gỡ Thiên Chúa nơi những người mà họ được sai tới".[7] Đào luyện tiên vàn và cơ bản hệ tại ở tiến trình học biết này. Mục tiêu là gặp gỡ được Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta sống khi chúng ta đáp lại tiếng gọi; con đường dẫn tới thành công và những chọn lựa phương pháp ta thực hiện cấu thành nên tiến trình đào luyện mà mỗi người được chọn đích thân sống. Không nhất thiết phải bỏ đi cuộc đời mỗi người đang sống, nếu đây là lời đáp trả lại ơn gọi của mình. Song hễ khi nào chúng ta không ý thức được là mình đang đứng trước Nhan Chúa và thi hành những gì Ngài ủy thác cho ta, thì lúc đó chẳng có việc đào luyện nào, cho dù ta có học hành nhiều đến đâu hoặc cho dù ta đã trải qua bao nhiêu năm trời trong 'những nhà và những giai đoạn đào luyện. 

 
(Còn tiếp)
 

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây