Thư Chung số 85 - 11/2017

Thứ ba - 31/10/2017 12:22
Thư Chung số 85 - 11/2017
       Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 85 / Năm VII
                   * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 11/ 2017
-------------  
CỘNG ĐOÀN TU SĨ THI HÀNH SỨ MẠNG (2)

 
Phan Rang, ngày 20.10. 2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
            Tháng này Anh Hai mời anh chị em cùng học hỏi về đề tài “Cộng đoàn tu sĩ thi hành sứ vụ”, phần III: LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN
           
Có lẽ sẽ ích lợi nếu ta chú ý đến điều mà các nhà lãnh đạo cần biết để thi hành sứ mạng trong và cùng cộng đoàn.
 
A.    Bản thân người lãnh đạo

-          Ơn gọi:

            + Về nền tảng, ơn lãnh đạo xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng ban cho con người khả năng lãnh đạo khi tạo dựng nên họ (St1,28). Để dẫn dắt con người, Thiên Chúa dùng chính con người. Lịch sử cứu độ cho thấy: “Mỗi khi Thiên Chúa muốn thực hiện một điều gì vĩ đại, Ngài đã chọn một người lãnh đạo để tiến về phía trước. Ngày nay Người vẫn tiếp tục kêu gọi những người lãnh đạo tiến ra phía trước để thực hiện tất cả mọi công việc, dù lớn hay nhỏ” (John C. Maxwell, Lãnh đạo, những điều ước hẹn từng ngày, tr.8).

            + Đọc Is 6,1-8, ta thấy Thiên Chúa cần con người để làm lãnh đạo. J.C. Maxwell nhận thấy ba nhân tố làm nên một lời mời gọi thánh thiêng để lãnh đạo:

·         Cơ hội (thời gian),
·         khả năng (nhận ra ơn ban để làm gì cho nhu cầu) và
·         ước muốn (sẵn sàng đứng lên để thực hiện). (Sđd, tr.113)

            + Điều đó cho thấy vị lãnh đạo phải là con người được bắt rễ sâu trong cầu nguyện, vì chính trong cầu nguyện vị này lắng nghe Lời Chúa mời gọi và nhận ra điều Người muốn mình thực hiện. Khuôn mẫu luôn luôn người lãnh đạo của cộng đoàn tu sĩ phải học theo là chính Chúa Giêsu. Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng… (Mt11,25-30).

-          Một số đức tính căn bản:

            + Tin-cậy-mến:  Mọi kitô hữu đều được mời gọi sống ba nhân đức đối thần cách mạnh mẽ và liên lỉ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với người lãnh đạo cộng đoàn.
·         Vị này phải tin tưởng vào Chúa hết lòng, vì Người là Đấng lãnh đạo đích thực của cộng đoàn và ban sức mạnh để con người cộng tác với Người. Song song với điều đó, vị này phải thực sự tin tưởng nơi anh chị em trong cộng đoàn là những người Chúa dùng để tỏ cho mình biết điều cần phải làm và cùng phục vục cho sứ mạng chung.
·         Vị này cũng phải cậy trông nơi một mình Chúa, đặc biệt là khi khó khăn bủa vây mà thấy mình không đủ sức, khi có nguy cơ tìm cậy dựa vào những phương thế nhân loại, nơi những khôn ngoan của người đời, nơi những hứa hẹn hão huyền của tên cám dỗ.
·         Vị này phải có lòng yêu mến tha thiết. Chẳng phải vô cớ mà Chúa Giêsu đã hỏi Phê-rô tới ba lần “con có yêu mến Thầy không?” (Ga21). Rõ ràng, để phục vụ cộng đoàn, người lãnh đạo phải có lòng yêu mến Chúa Giêsu, phải gắn bó với Người tha thiết, vì chỉ như vậy người này mới có thể dẫn dắt đoàn chiên của Người và từ đó thi hành sứ mạng Chúa trao cho cộng đoàn, vì sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng Tình yêu chỉ được công bố trong tình yêu mà thôi.

            + Tận tụy: Xuất phát từ tình yêu đối với Chúa, vị lãnh đạo sẽ tận tụy chăn dắt anh chị em mình và cùng với họ làm chứng cho Chúa. Phê-rô khuyên nhủ các vị lãnh đạo trong Giáo Hội: Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1Pr5,2-3). Phaolô nói với các trưởng lão ở Êphêsô về tương quan của ngài với cộng đoàn khi Ngài từ biệt họ để lên đường đi Giêrusalem. Ngài thể hiện sự tận tụy như thế nào trong sứ mạng Chúa đã trao cho ngài giữa đoàn chiên và ngài mong muốn các vị hữu trách lo cho cộng đoàn, luôn dấn thân phục vụ theo lời Chúa là ‘cho thì có phúc hơn là nhận’ (Cv20,17-37).
           Như vậy, để phục vụ Chúa trong tư cách lãnh đạo, cần có một tấm lòng. Đó là lý do Chúa chọn Đavít, không dựa trên cái con người cho là quan trọng (1Sm16,7). Nguy hiểm thường  xảy ra khi các cộng đoàn quá vội đánh giá chỉ vì bề ngoài. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sứ mạng của cộng đoàn. (x. Maxwell, sđd tr.67). Đồng thời, nhà lãnh đạo cần nhìn thấy tấm lòng của anh chị em mình như Thiên Chúa nhìn nơi Rakháp (Gs6,17).

             + Khiêm tốn: Vị lãnh đạo đích thực khiêm tốn phục vụ như Đức Giêsu cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Ga13,1-17). Môn đệ của Chúa theo gương Người: kẻ làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người và hiến mạng vì họ (Mc10, 41-45). Đặc tính quan trọng: đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chính mình, không coi trọng mình, không chú trọng địa vị nhưng phục vụ vì yêu mến.

             + Can đảm là một đặc nét của nhà lãnh đạo: “Mạnh bạo lên, can đảm lên nào” (Đnl 31,7). Sự can đảm khởi sự với cuộc chiến nội tâm, khi ta đương đầu với khó khăn thử thách. Nó có sức lây lan và có sức mở mọi cánh cửa (Maxwell, sđd, tr.66). Nhờ sự can đảm của vị bề trên, cộng đoàn sẽ sẵn sàng thi hành sứ mạng khó khăn. Hãy nhớ đến chuyện của Dân Chúa trước khi vào Đất Hứa. Những người do thám đi về và báo cáo tình hình cho Môsê. Đám dân lúc ấy khiếp sợ trước những ‘người khổng lồ’ của vùng đất mới, dân vẫn tiến vào được nhờ sự can đảm của Caleb và Giosuê (Ds13-14).

           + Tầm nhìn. Đọc 2Sm5,1-3.6, ta thấy Đavít lôi cuốn và tiếp sinh lực cho dân bằng tầm nhìn của ông (p.208).Tầm nhìn giúp liên kết mọi người lại với nhau vì nó truyền cảm hứng giúp người khác cùng nhận ra mục đích cao cả, tập trung vào điều chính yếu và cùng vị lãnh đạo thực hiện. Chính tầm nhìn giúp khởi lên ngọn lửa nhiệt tình trong việc lãnh đạo. Làm sao để tìm thấy tầm nhìn? Thưa: phải lắng nghe các tiếng nói từ nội tâm, ngang qua những buồn sầu, thành công và từ trên cao (Maxwell, Sđd, tr.210). Đức Giêsu có một tầm nhìn và Người lãnh đạo môn đệ thi hành sứ mạng: Đến ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các môn đệ lên đường…(Lc 9,51).

             + Nhạy bén và ứng trực. Vị lãnh đạo được trao cho nhiệm vụ chăn dắt cộng đoàn và giúp cộng đoàn thi hành sứ mạng. Bởi đó ngài cần sự nhạy bén với tiếng Chúa gọi ngang qua những hoàn cảnh cụ thể của thời cuộc để từ đó khởi xướng việc phục vụ cụ thể cho sứ mạng và mau mắn đưa cộng đoàn vào cuộc. Sự ứng trực của ngài sẽ thúc đẩy cộng đoàn thực hiện tốt đẹp sứ mạng Chúa trao.

            + Biết dùng người. Các thành viên trong cộng đoàn có những đặc sủng khác nhau tùy theo ân huệ Chúa ban cho mỗi người và phải được dùng mà phục vụ Giáo Hội (Rm12,6). Dựa vào đoạn thư của Phaolô, Maxwell gọi người lãnh đạo là người môi giới đặc sủng, là người quản lý có nhiệm vụ làm cho tài năng nơi mỗi người được phát triển một cách tối đa. Nếu các thành viên được sai đi làm việc theo tài năng Chúa ban, hẳn là kết qủa sẽ tốt đẹp. Dĩ nhiên, đây không phải là chuyện dễ dàng, vì còn nhiều yếu tố chi phối khi phân phối anh chị em của mình trên cánh đồng mênh mông và đa dạng hôm nay. 

              + Hiểu biết: Vì lý do trên, người lãnh đạo cần hiểu biết :
      - về mục đích của cộng đoàn nhắm tới và cố theo đuổi những thành tựu có tính lâu dài; 
      - về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó biết dành ưu tiên cho những trách nhiệm của mình, tập nói “không” (Maxwell, sđd tr.70). Nguyên tắc của Giosuê: “Đừng đi trệch bên phải bên trái, ngoài lề luật, để ngươi được thành công bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs1,7). Is33,14-16 nói về thứ lửa phải có của nhà lãnh đạo là sự chính trực, công bằng, trong sạch, tập trung vào điều tích cực, kiên quyết trong tính cách và nguồn sức mạnh của mình (Sđd, tr.12).
·   - về người của cộng đoàn mình một cách càng rõ ràng càng tốt. Vì thế, những cuộc gặp gỡ, trao đổi trong tình thần đối thoại bình đẳng là vô cùng quan trọng. Nếu bề trên biết điểm yếu điểm mạnh của một anh/chị em trong cộng đoàn, sẽ có thể đặt ở vị trí thích hợp của cánh đồng.
·   - về môi trường anh em trong cộng đoàn được sai tới. Xã hội hôm nay đầy biến động, đổi thay, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, cùng với những vấn đề nảy sinh, những lo âu khắc khỏai của con người thời đại mình đang sống. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…”

             + Không độc quyền: Từ cái nhìn ở trên, vị lãnh đạo sẽ không còn là người độc quyền trong việc thực hiện chương trình của cộng đoàn đã cùng đề ra với mục đích chung, nhưng là người biết trao quyền cho người khác, phân chia công việc cùng với quyền thực hiện (phân quyền). Bản thân vị lãnh đạo nhận thức sự giới hạn của mìn về nhiều mặt (kiến thức, kỹ năng, sức lực, v.v.), không thể thực hiện một mình. Sách Công Vụ thuật lại việc Banaba khi gặp được Phaolô đã làm gì để đem lại ích lợi lớn lao cho công cuộc truyền giáo (Cv9,27). Ông đã tin tưởng Phaolô trước mọi người, đã xác nhận quyền lãnh đạo của Phaolô trước các vị lãnh đạo khác, đã tạo cho Phaolô cơ hội để tận dụng các tiềm năng của mình. “Khi bạn trao quyền cho người khác, bạn sẽ tạo ra sức mạnh trong tổ chức của bạn” (Maxwell, sđd tr. 111).

             + Chuyên cần học hỏi với tình thần cởi mở: “Một người khôn ngoan nghe và gia tăng việc học hỏi của mình” (Cn1,5). Không phải ai sinh ra cũng có khả năng lãnh đạo, hầu hết là do học hỏi và phát triển. Lãnh đạo thì phức tạp và nó có nhiều khía cạnh: sự tôn trọng, kinh nghiệm, mạnh mẽ trong cảm xúc, kỹ năng, kỷ luật, tầm nhìn, sức đẩy, sự tính toán thời gian, sự kiên trì, v.v. Cái gì cũng phải học và học mãi.
 
B.     Tương quan trong cộng đoàn và việc thi hành sứ mạng

-          “Ai không chăm sóc người thân, nhất là những người sống trong một nhà thì họ đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin” (1Tm5,8). Cộng đoàn là một gia đình trong đó anh chị em chăm sóc cho nhau, đặc biệt người lãnh đạo đối với các thành viên khác. Nhiều người sống trong một cộng đoàn, nhưng không được hạnh phúc do thiếu sự quan tâm của bề trên và anh chị em. Vì thế họ đi ra ngoài tìm bù trừ. Không cảm nhận cộng đoàn là mái ấm, người tu sĩ không thể thi hành sứ mạng của cộng đoàn là làm chứng về niềm hạnh phúc của những người tin và theo Đức Giêsu cách trọn vẹn. Từ đó, cuộc lên đường của họ dễ bị lung lay và bung mất rễ. Nick Stinnet nói: “Khi bạn có một cuộc sống gia đình vững chãi thì bạn biết rằng bạn được yêu thương, chăm sóc và coi trọng. Nguồn nhiên liệu tích cực của sự đón nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng sẽ mang lại cho bạn những nguồn nội lực để có thể đối phó với cuộc đời cách thành công hơn.” (Maxwell, sđd, tr.26).

-          Trong gia đình này, mọi người yêu thương, tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng cộng tác với nhau, cùng làm việc vì mục đích chung. Sự cộng tác để thi hành sứ vụ hết sức quan trọng. Chúa đặt Aaron như là miệng của Môsê (Xh4,14-16) tức là người cộng tác với Môsê để thi hành sứ mạng khó khăn. Môsê còn bổ nhiệm 70 bô lão và họ trở nên các cộng tác viên hữu hiệu. Phaolô làm việc với nhiều cộng tác viên và đem lại kết quả tốt đẹp trong Giáo Hội sơ khai. Ngày nay, Giáo Hội cũng nói nhiều đến sự cộng tác. Rõ ràng, trong thế giới hôm nay, không thể có ai thành công được khi làm việc một mình.

-           Cộng đoàn cần đồng tâm nhất trí để cùng bàn định và tìm hướng đi trong hoàn cảnh thực tế. Hội Thánh tại Côrinhtô gặp đối kháng, chia rẽ; Phaolô kêu gọi họ sống hiệp nhất. Ông nhìn thấy điều tích cực nơi họ (1Cr1,10). Đây là một nét quan trọng cho việc thi hành sứ mạng của cộng đoàn. Nếu có sự chia rẽ trong cộng đoàn thì lời chứng trở thành phản tác dụng, không còn là LBTM nữa, nhưng là phá hoại. Thực tế, có những cộng đoàn không bao giờ có một cuộc bàn định thiêng liêng và tông đồ đúng nghĩa, tức là cùng nhau nghe tiếng Chúa nói với mình, trong tâm hồn từng cá nhân và cả cộng đoàn xét như một thân thể tông đồ, cùng thi hành sứ mạng Chúa trao.

-          Tình bạn trong cộng đoàn là một yếu tố quan trọng để xây dựng ơn gọi và thi hành sứ mạng. Nhờ gặp gỡ trong chiều sâu của tâm hồn, chứ không hời hợt bên ngoài theo kiểu xã giao hay làm ăn buôn bán, anh chị em trong cộng đoàn cùng nhau chia sẻ, đối thoại thiêng liêng và tông đồ với tất cả con tim của những người thuộc về Thiên Chúa. Ta nhớ đến tình bạn giữa Gionathan và Đavít, giữa Gioan thánh giá và Têrêxa Avila, giữa Inhaxiô và Phanxicô Xaviê, v.v. Đó là những tình bạn đem lại hoa trái thiêng liêng và tông đồ rất dồi dào phong phú.

C.    Những khó khăn khi thi hành sứ mạng

-          Sợ hãi. Khi vị lãnh đạo cùng cộng đoàn lo sợ rằng mình không đủ khả năng (nhân lực, tài lực, vật lực…) thì sứ mạng không thể được thi hành. Dĩ nhiên, phải cân nhắc thực tế trong sự khôn ngoan nhận định để không liều mạng làm điều vượt sức của mình. Ai cũng nhớ dụ ngôn xây tháp và ông vua đem quân đánh giặc (Lc 14,25-33). Tuy nhiên, nhiều khi nỗi sợ lấn át vì không có niềm tin, như nhiều người Dothái xưa không dám tiến vào Đất Hứa vì sợ những người khổng lồ ở đó dù biết đó là Đất chảy sữa và mật (Ds 13-14). Các môn đệ đã sợ hãi khi đứng trước viễn tượng của thập giá và họ đã bàn lui. Tuy nhiên, với ơn Chúa Thánh Thần, họ đã chiến thắng sợ hãi và trở thành những người can đảm loan báo Tin Mừng.

-          Cám dỗ. Khi thi hành sứ mạng, từng cá nhân cũng như cả cộng đoàn phải đối diện với nhiều loại cám dỗ mà họ phải vượt qua.
            + Làm chủ. Đi vào sứ mạng, cộng đoàn quên rằng mình là người lãnh nhận chứ không phải là ban phát, mình cộng tác với Chúa theo lời Người chứ không phải mình là chủ của mùa gặt.
            + Chạy theo công việc.Người thi hành sứ mạng có thể bị cuốn vào kết quả của công việc và quên hết những điều quan trọng khác của đời sống hiến dâng và cộng đoàn. Các tác vụ vốn là điều để thực hiện sứ mạng thì có khi lại trở nên cái lấn át sứ mạng. Bởi đó, trong thời khóa biểu, không còn những khỏang tĩnh lặng cần thiết hay những giây phút thư giãn bên nhau.
            + chuyển đôi mục đích. Khởi đầu thì rất có ý nghĩa thiêng liêng và tông đồ, nhưng sau đó vật chất lên ngôi chúa tể. Nhiều ví dụ: nhà trẻ, dự án giúp người nghèo, thăm viếng tông đồ, v.v.

-          Mệt mỏi. Thực tế của việc thi hành sứ mạng tốn hao công sức. Elia đã có lúc nài xin Chúa cho được chết vì quá mệt mỏi với sứ mạng (1V 19,4). Chúa Giêsu có lúc phải ngồi xuống bờ giếng vì đường xa, khát nước. Mệt mỏi có thể khiến ta muốn bỏ cuộc, không tiếp tục thi hành sứ mạng đã được trao phó. Tuy nhiên, sự mệt mỏi có khi đến từ phía những vấn đề mà cộng đoàn hoặc cá nhân tu sĩ gặp trong khi thi hành sứ mạng. Nhiều người mất sức lực vì chuyện tình cảm nảy sinh, vì sự hiểu lầm của người mình cộng tác, sự khó chịu của người mình phục vụ,… và nhiều khi do chính sự lãnh đạo và đời sống của cộng đoàn không nâng đỡ.

-          Căng thẳng. Đời tu căng thẳng vì nhiều lý do. Chẳng hạn khi người tu không chịu bỏ ý riêng khi đi tìm thánh ý Thiên Chúa, khi thi hành sứ mạng Chúa trao… Còn nhiều lý do khác nữa.

           Giáo luật (GL), số 608 viết: cộng đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề trên được chỉ định chiếu theo qui tắc của luật,… Thực tế, vì sứ mạng tông đồ, có những anh em phải ở một nơi khác. Vd. Có những tu sĩ âm thầm làm việc trong các làng người dân tộc, trong các khu nhà ổ chuột, trong các bệnh viện, trong các trại tù, trại tị nạn,…

          Gl số 629: Bề Trên phải ở tại nhà mình và không được vắng nhà, trừ trường hợp chiếu theo qui tắc của luật riêng. Thực tế, nhiều bề trên phải vắng nhà khá thường xuyên, do các cuộc họp, do thăm viếng, do nghỉ ngơi, do chữa bệnh, do việc tông đồ…

           Gl số 630: Các thành viên phải đến với các Bề Trên của mình với lòng tin tưởng, họ có thể tự do và tự ý cởi mở tâm hồn với các ngài. Tuy nhiên, các Bề Trên không được xúi giục họ giãi bày lương tâm bằng bất cứ cách nào. Thực tế, nếu không gợi ý về việc bày tỏ lương tâm thì các thành viên không làm.

-          Chia rẽ. Khó khăn này khá phổ biến và nhiều khi khá nghiêm trọng. Giữa lãnh đạo và các thành viên không cùng quan điểm mà ai cũng muốn giữ ý riêng mình, cho mình là hơn. Có khi bề trên ở lì trong bảo thủ, không chấp nhận những ý kiến trái với mình. Không có sự đối thoại đúng nghĩa và vì thế việc thi hành sứ mạng bị miễn cưỡng, không có đồng tâm nhất trí để tìm và thi hành ý Chúa. Thậm chí, có khi bề trên bảo người dưới phải làm những điều trái với đạo đức nữa. Người dưới không chịu nổi thì chiến tranh nổ ra ngay trong lòng và thể hiện trong việc thi hành. Có khi dẫn đến mất cả ơn gọi.
           Sự chia rẽ trong cộng đoàn có khi xảy ra do những vấn đề trong tình bạn của đời dâng hiến bị trục trặc, lệch lạc. Các lý do thường thấy là sự chiếm hữu, đồng tính luyến ái, càm ràm và chỉ trích, cổ xúy lối sống tục hóa so với lối sống tu trì đích thực.

-          Thất bại. Khi thi hành sứ mạng, cộng đoàn tu sĩ có thể gặp thất bại, giống như Chúa Giêsu và các tông đồ vậy. Đó là chuyện đương nhiên, nhưng nhiều lúc ta khó chấp nhận. Có những lý do gây nên thất bại: hoàn cảnh không thuận lợi, nhân lực không tương xứng, có khi do đường lối, chính sách không phù hợp,v.v.
           Điều quan trọng là không đổ lỗi cho người khác như chuyện trong St3,12, vì đổ lỗi thì không bao giờ vượt qua được chính mình. Gặp thất bại, hãy xem xét cách khách quan, suy xét về nguyên do và rút ra bài học từ những sai sót. Khi bị ngã, điều quan trọng là chỗi dậy. Henry Ford nói: “Thất bại là một cơ hội giúp chúng ta bắt đầu lại một cách khôn ngoan hơn” (Maxwell, sđd, tr.72).

-         Khủng hoảng. Những khó khăn trên có thể gây nên khủng hoảng. Trong khi thi hành sứ mạng cùng với cộng đoàn, người tu sĩ có thể lâm vào khủng hoảng khi không vượt qua được sợ hãi, cám dỗ, căng thẳng, mệt mỏi, chia rẽ, thất bại. Bế tắc hiện ra. Có khi cả một cộng đoàn thấy mình bị dồn vào thế nguy cơ tan vỡ, không còn lý do để tồn tại vì căn tính và sứ mạng bị lung lay, không vững nữa. Chính khi ấy, sức mạnh của người tông đồ và của cộng đoàn không còn tìm được ở đâu khác ngoài việc khiêm hạ đặt mình dưới chân thập giá và tin tưởng hướng về ánh sáng phục sinh. Cả đời ta là như vậy.
 
Kết luận

            Tuy khó khăn nhiều, nhưng với niềm tin vào ơn Chúa ban khi kêu gọi và trao sứ mạng, hy vọng mỗi cộng đoàn sẽ can đảm để lên đường thì hành điều Chúa muốn. Chính bản thân cộng đoàn đã là một sứ mạng mà anh/chị em xây dựng. Từ đó, trong tình hiệp nhất và dưới sự lãnh đạo của bề trên theo sứ mạng được trao riêng với tư cách là một cộng đoàn được dâng hiến cho Thiên Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục đến với anh chị em ở mọi nơi và tìm mọi cách giúp họ hoặc bắt đầu hoặc đi sâu hơn vào trong tương quan với Thiên Chúa. Phải chăng điều đó làm cho anh chị em chúng ta được hạnh phúc thật và chính chúng ta cũng được hạnh phúc nữa?

 
Câu hỏi thảo luận:
1.      Cộng đoàn của tôi đang thì hành sứ mạng như thế nào, qua các tác vụ nào?
2.      Có điều gì ngăn trở cho việc thi hành sứ mạng của cộng đoàn tôi không?
3.      Việc cộng tác để thi hành sứ mạng Chúa trao phải được thực hiện thế nào trong cộng đoàn và liên cộng đoàn?
 

Tác giả: Cha Vinh Sơn Phạm đình Khoan, Sj

Nguồn tin: (Tài liệu : Bài Thuyết trình của Cha Vinh Sơn Phạm đình Khoan, Sj trong hội nghị của liên hiệp bề trên thượng cấp Việt Nam, 2014 tại tu viện Don Bosco K' Long, 4,6, 2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây