Thư Chung số 88 - 02/2018

Thứ hai - 22/01/2018 08:47
Thư chung số 88 - 02/2018
      Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 87 / Năm VIII
                    * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 02/ 2018
-------------  
THÔNG ĐIỆP “ LAUDATO SÍ “
NHÌN TỔNG QUAN & ĐỌC THEO CÁCH CÔNG GIÁO

Phan Rang, ngày 20.01. 2018

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
           
           Tháng hai là tháng của Đời Sống Thánh Hiến. Chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria dâng lời cảm tạ Chúa Ba Ngôi vì Hồng Ân thánh hiến Ngài đã thương ban cho anh chị em chúng ta, ân huệ nhưng không, hoàn toàn vì lòng nhân hậu xót thương. Đây cũng là dịp để mỗi người ý thức lại ân huệ Chúa ban và tự kiểm cách nghiêm túc xem chúng ta đã sống ơn gọi thánh hiến của mình như thế nào. Có thật sự mình đã sống trọn vẹn các lời Cam Kết chưa ? thiếu sót cách nào đối với Chúa? Đối với bản thân và đối với Tu Hội và với các anh chị em trong Tu Hội ? Xin lưu ý anh chị em là chúng ta đã được kêu gọi dể chia sẻ cùng một đoàn sủng thánh hiến và thừa sai, chứ không chỉ là ơn gọi cá nhân mà thôi.

Và bây giờ, chúng ta tiếp tục học tập về Thông điệp “Laudato Sí” qua một cái nhìn tổng quát, và cách đọc nó theo cách của người công giáo.

A/-  Một cái nhìn tổng quát
 
             ”Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”.

         Câu hỏi này chính là trọng tâm thông điệp ”Laudato sí”, Thông điệp của ĐTC Phanxicô mà người ta chờ đợi về việc săn sóc căn nhà chung. Ngài viết tiếp: ”Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: ”Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?”. Đức Giáo Hoàng viết: ”nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng”.
 
            Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore”(Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, ”cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ” (1). Chính ”chúng ta là đất” (x. St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng” (2).
 
            Giờ đây, trái đất, bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi hãy lắng nghe họ, ngài kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy ”hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của thánh Gioan Phaolô 2, nghĩa là ”đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để 'săn sóc căn nhà chung'. Đồng thời ĐTC Phanxicô nhìn nhân rằng: ”Người ta nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc thiên nhiên, và thành thực lo lắng vì những gì đang xảy ra cho hành tinh của chúng ta” (19), hợp thức hóa cái nhìn hy vọng mà toàn thể Thông Điệp làm nổi bật và gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: ”Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung” (13); ”con người còn khả năng can thiệp tích cực” (58); ”không phải tất cả đã bị mất mát, vì con người, tuy có khả năng thoái hóa tột độ, nhưng vẫn còn có thể tự vượt thắng, tái chọn lựa điều thiện và tái tạo” (205).
 
            Dĩ nhiên ĐTC Phanxicô ngỏ lời với các tín hữu Công Giáo, ngài nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô 2: ”Đặc biệt các tín hữu Kitô nhận thấy rằng nghĩa vụ của họ giữa lòng thiên nhiên, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức tin của họ” (64), nhưng họ ”đặc biệt muốn đối thoại với tất cả mọi người về căn nhà chung của chúng ta” (3): đối thoại được nói đến trong toàn Thông điệp, và trong chương V nó trở thành một phương thế để đối phó và giải quyết các vấn đề. Ngay từ đầu ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng cả ”các Giáo Hội và các Cộng đoàn Kitô khác - cũng như các tôn giáo khác - đã phát triển sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí giá” về đề tài môi sinh học (7). Đúng hơn, họ đóng góp đặc biệt, bắt đầu từ sự đóng góp của ”Đức Thượng Phụ Bartolomeo quí mến” (7), được trích dẫn nhiều trong các đoạn số 8-9. Rồi nhiều lần, ĐTC cám ơn những người giữ vai chính trong công cuộc này - các cá nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức - ngài nhìn nhận rằng ”suy tư của vô số nhà khoa học, triết gia, thần học gia và các tổ chức xã hội đã phong phú hóa tư tưởng của Giáo Hội về những vấn đề ấy” (7) và ĐTC mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn nhận ”sự phong phú mà các tôn giáo có thể đóng góp cho một nền môi sinh học toàn diện và cho sự phát triển trọn vẹn con người” (62).
 
            Lộ trình của Thông Điệp được trình bày trong số 15 và được khai triển trong 6 chương. Văn kiện đi từ một sự lắng nghe tình trạng, dựa trên những thủ đắc khoa học tốt nhất ngày nay (ch. 1), đối chiếu với Kinh Thánh và truyền thống Do thái - Kitô (ch. 2), nêu rõ căn cội của các vấn đề (ch. 3) trong thời đại kỹ thuật làm chủ và trong thái độ co cụm thái quá tự tham chiếu của con người. Chủ trương của Thông điệp (ch 4) là một 'nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội” (137), gắn chặt với vấn đề môi trường. Trong viễn tượng ấy, ĐTC Phanxicô đề nghị (ch. 5) khởi sự một cuộc đối thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, cuộc đối thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch và ngài nhắc nhở (ch.6) rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu nếu không được linh hoạt nhờ một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm, ĐTC đề nghị những điểm để tăng trưởng trong chiều hướng này trên bình diện giáo dục, tu đức, Giáo Hội, chính trị và thần học. Thông điệp kết thúc với 2 kinh nguyện: một được trình bày để chia sẻ với tất cả những người tin nơi ”Một Thiên Chúa Sáng Tạo và là Cha” (246) và một được đề ra cho những người tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, theo nhịp điệp khúc ”Laudato sí” khởi đầu và kết thúc Thông Điệp.
 
            Thông Điệp được một số chủ đề hướng dẫn, được cứu xét dưới những viễn tượng khác nhau, mang lại cho nó một sự nhất thống vững mạnh: ”Quan hệ thâm sâu giữa những người nghèo và sự mong manh của trái đất; xác tín rằng mọi sự trên trái đất có liên hệ mật thiết với nhau; sự phê bình mô hình mới và những hình thức quyền lực xuất phát từ kỹ thuật; lời mời gọi tìm kiếm những cách thức khác để hiểu kinh tế và tiến bộ; giá trị riêng của mỗi thụ tạo; ý nghĩa nhân bản của môi sinh học; sự cần thiết phải có những cuộc thảo luận chân thành và ngay thẳng; trách nhiệm hệ trọng của chính trị quốc tế và địa phương; nền văn hóa gạt bỏ và đề nghị một lối sống mới” (16)
            Thông điệp Laudato Si có lẽ là thông điệp được đọc nhiều nhất xưa nay. Đúng như nhận định của nữ ký giả Inés San Martín: không ai thờ ơ với nó được, vì ai cũng muốn một là hoan nghinh nó hai là đả kích nó, dù là phiến diện.
            Kỹ nghệ dầu hỏa chẳng hạn chỉ đọc những gì viết xa gần về nó. Chính vì thế, Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh nhún vai trước lời chỉ trích của họ. Ngài nói rằng ngay những người Công Giáo xưa nay vốn hoài nghi về chuyện thay đổi khí hậu cũng nại quyền của họ để không tin thông điệp. Nhưng nghĩ gì và nói gì thì nói, Laudato Si đã trở thành một phần trong giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Ngài bảo: “Ta không thể chỉ chọn chấp nhận các văn kiện mình thích”. 

B/- Người Công Giáo có phải theo Laudato Si không?

            Nữ ký giả Rachel Zoll của Associated Press đặt câu hỏi như trên. Câu trả lời, theo cô, có lẽ còn tùy họ theo khuynh hướng nào. Người bảo thủ trong Giáo Hội vốn bác bỏ giả thuyết khí hậu thay đổi; người cấp tiến trong Giáo Hội vốn bác bỏ quan điểm của Đức Phanxicô về kinh tế. 

            Nhưng theo Richard Gaillardetz, một thần học gia tại Cao Đẳng Boston, thì người Công Giáo buộc phải theo các tín điều và giáo huấn xã hội căn bản của Giáo Hội trong thông điệp trên, kể cả các giáo huấn liên quan tới sáng thế và chăm sóc người nghèo. Lời kêu gọi hành động của ĐTC dựa trên các giáo huấn này cũng mang theo nó “thẩm quyền tín lý có chất lượng”. Người Công Giáo có thể bất đồng với một đề xuất chuyên biệt nào đó về chính sách nếu họ tin rằng một đề xuất khác sẽ thể hiện giáo huấn của Giáo Hội cách hữu hiệu hơn, nhưng “họ không thể bác bỏ mệnh lệnh luân lý” phải hành động về việc thay đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm Đức Cha Sorondo.

C/- Đọc như người Công Giáo

            Tiến sĩ Jeff Mirus cho rằng phần lớn các độc giả Tây Phương ngày nay, nhất là ở Hoa Kỳ, có khuynh hướng đọc các thông điệp của ĐTC qua lăng kính biện chứng tả hữu, cấp tiến bảo thủ, điều họ vốn thừa hưởng từ nền văn hóa đương thịnh. Nền văn hóa này không coi Kitô Giáo là mảnh đất mầu mỡ của các ý niệm vượt quá các phạm trù tả hữu, các quan niệm bắt nguồn trước hết và trên hết từ Chúa Kitô. 

            Một vấn đề nữa trong việc tiếp nhận là ta không thoải mái bao nhiêu đối với bản chất của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là một thao tác trong việc áp dụng các nguyên tắc của Thiên Chúa, như đã được mạc khải nơi Chúa Kitô và nơi luật tự nhiên, vào những hoàn cảnh không ngừng thay đổi mà ta gặp “trên thế gian này”.  

            Vậy thì thực ra, Laudato Si nói về điều gì? Theo tiến sĩ Mirus, hầu hết các nhận định của các chính trị gia và nhà tranh đấu tập chú vào vấn đề hâm nóng hoàn cầu do con người gây ra, một thực tại được ĐTC thừa nhận. Thành thử ai cũng tiên đoán được rằng phe cấp tiến sẽ ủng hộ ngài và phe bảo thủ sẽ phản đối ngài. 

            Điều chắc chắn là các chính trị gia và nhà tranh đấu nói trên không đọc trọn thông điệp Laudato Si. Nhân viên của họ chỉ lướt qua bản văn và ghi nhận những điểm thực tiễn nào được đầu óc phe phái của họ “ưa chuộng”. Căn cứ vào đó mà có lời nhận định với các phương tiện truyền thông. Ông Obama, vì thế, đã lên tiếng ca ngợi lòng can đảm của Đức Phanxicô khi thừa nhận việc khí hậu thay đổi. 

D/- Không hẳn nói về thay đổi khí hậu

            Theo Tiến Sĩ Mirus, xét trong căn bản, Laudato Si không chủ yếu nói về việc thay đổi khí hậu. Thực vậy, Đức Phanxicô chỉ dành cho nó khoảng mấy đoạn là cùng trong toàn bộ 246 đoạn của thông điệp. Trong các đoạn này ngài tóm tắt và coi là đương nhiên ý kiến khoa học đương thịnh cho rằng phần lớn việc hâm nóng địa cầu trong mấy thập niên qua là do sinh hoạt của con người gây ra, nhất là nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels); ngài chấp nhận lý thuyết cho rằng việc hâm nóng này tạo ra một loạt nan đề phần lớn không tiên đoán được và có hại cho khí hậu; ngài dùng việc này để thúc đẩy người ta khẩn thiết hơn trong việc lưu ý tới sứ điệp ngài nhắn gửi qua thông điệp này.

            Tất cả các điều trên không có gì đáng ngạc nhiên hay đặc biệt có ý nghĩa cả. ĐTC đâu phải là một khoa học gia, nên ngài đâu cần phải làm thế? Mà nói cho cùng, giáo huấn tâm linh và luân lý của thông điệp không đổ vỡ hay đứng vững chỉ vì phán kết khoa học đương thịnh này sai hay đúng. Phán kết này chỉ đem thêm sắc thái khẩn thiết cho sứ điệp hợp thời của Đức Giáo Hoàng mà thôi. 

            Thực vậy, ngài khai triển rộng dài hơn nhiều về các loại chứng cớ khác cho thấy mối tương quan giữa con người với thiên nhiên hay môi trường đang lên cơn đau đớn. Ngài xem xét việc các nguồn tài nguyên không thể đổi mới đang cạn kiệt dần; việc triệt hạ rừng; việc gây ô nhiễm cho nhiều vùng đất và nước mênh mông; khuynh hướng “đánh và chạy” (hit and run) của các công ty quốc tế, đẩy dân chúng sở tại vào một môi trường không thể nào duy trì được; làm ngưng trệ các thành tố chủ yếu trong thế cân bằng của môi sinh; diệt trừ hoàn toàn hàng loạt nhiều chủng loại lớn; phá hoại tập thể nhiều yếu tố trong thiên nhiên mà không lường các hậu quả lâu dài; thiếu nước sạch một cách hết sức trầm trọng tại một số cộng đồng; cảnh bất công khủng khiếp trên khắp địa cầu; càng kỹ nghệ hóa, càng giảm thiểu vẻ đẹp, sự hài hòa và hòa bình; lầm lạc tin rằng “tiến bộ” lúc nào cũng gây phúc; vững tin rằng tất cả các vấn đề này đều có thể giải quyết bằng hết giải pháp kỹ trị (technocrat) này tới giải pháp kỹ trị khác, mà không chịu hiểu các hậu quả, và nhất là không kèm theo việc thay đổi thái độ. 

            Một cách cơ bản, Đức Phanxicô cho rằng con người nam nữ ngày nay càng ngày càng tha hóa đối với môi trường, đối với chính thân xác họ, một thân xác bị họ khai thác cùng một cách như họ khai thác thiên nhiên, với những hậu quả khủng khiếp. Bất kể sự thực của lý thuyết con người gây hâm nóng địa cầu có ra sao, các vấn đề sinh thái vĩ mô do tham vọng bá chủ kỹ trị của con người hiện đại tạo ra cũng đều vừa rõ rệt vừa hết sức đe dọa. Không ai chối cãi được, dù chúng thường bị người ta nhân danh tư lợi che dấu đi một cách đầy lựa lọc. 

            Nhưng Đức Phanxicô thì nhìn các vấn đề ấy như việc con người càng ngày càng ra xa lạ đối với môi sinh. Ngài cho rằng các vấn đề ấy không những quan trọng mà còn đang vang lên trong tâm tư con người thời nay. Bởi thế mà ngài lên tiếng. 

E/- Biến thiên nhiên thành dụng cụ

          Laudato Si cho hay: người ta đã và đang biến thiên nhiên thành dụng cụ, coi yếu tính của nó như một tùy thể (accident) đòi được kỹ trị khuất phục và tư lợi của ta thao túng. Việc dụng cụ hóa này có tính nền tảng ở điểm nó lên khuôn mọi điều ta làm, trong đó, có khuynh hướng gần như phổ quát càng ngày càng thô lỗ thao túng thiên nhiên ngõ hầu trốn chạy chính nỗi chán chường thất vọng của ta. Việc dụng cụ hóa này chuốc độc mọi sự, không những chỉ là môi sinh mà cả việc ta hiểu về mình nữa. Nó tác động lên chính việc ta sử dụng thân xác, nắm bắt ý nghĩa và mục đích của tính dục ta, các tương quan giới tính, và thái độ của ta với con cái, hôn nhân và đời sống gia đình. 
Việc dụng cụ hóa thiên nhiên này khiến ta không những lạm dụng và vứt bỏ người nghèo và người bị bỏ rơi vì lòng ích kỷ của mình. Tệ hơn nữa, nó còn khiến ta lạm dụng và vứt bỏ chính chúng ta nữa.

F/- Tin Mừng Tạo Thế

            Sau khi phác thảo vấn đề sinh thái ở Chương Một, Đức Phanxicô trình bầy mục đích căn bản của ngài ở Chương Hai: “Tin Mừng Tạo Thế”. Ngài cho rằng dù vấn đề được mọi người quan tâm, nhưng Kitô Giáo có một điều đặc biệt để đề xuất trong cái hiểu của mình khi cho rằng thiên nhiên là một quà tặng tuyệt vời của Đấng Hóa Công hữu vị, và Đấng Hóa Công đã đặt con người trên quà tặng này để gìn giữ và phát triển nó cho các mục đích do chính Người truyền đạt. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chỉ khi nào nhìn mình trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới bắt đầu hiểu được quà phúc thiên nhiên này, ý nghĩa của nó, lòng biết ơn nó gợi ra, các các giới hạn và cùng đích nó đặt ra đối với việc quản lý của ta. 

            Trong chương 3 và 4, Đức Phanxicô đề cập tới “Gốc Rễ Nhân Bản Của Cuộc Khủng Hoảng Sinh Thái” và giải thích về “Sinh Thái Toàn Bộ”. Như thế, các chương 2, 3 và 4 là trọng tâm của thông điệp. Ngài đưa ra các nguyên tắc căn bản trong cái hiểu của Công Giáo về Thiên Chúa, về thiên nhiên và về chúng ta; ngài mô tả mọi sự nối kết với nhau ra sao và giải thích điều này có nghĩa gì đối với các thái độ, mục tiêu và hành động của ta. Các chương này, vì thế, là một suy niệm Kitô Giáo sâu sắc và đầy gợi hứng về ý nghĩa của việc làm người trong một vũ trụ được quản trị bằng điều các vị tiền nhiệm của ngài gọi là “luật tặng phẩm” (law of gift). 

            Đức Phanxicô kết thúc với chương nói về “Đường hướng tiếp cận và hành động” (chương 5) và chương nữa nói về “Giáo dục và linh đạo sinh thái” (chương 6). Chương sau cùng này kết thúc với đoạn tuyệtt vời nói về sự hiện diện có tính bí tích của Thiên Chúa nơi tạo dựng của Người, nhất là trong Thánh Thể.

            Trong suốt thông điệp của ngài, Đức Phanxicô chỉ có hai yêu cầu:

            Một là đối thoại nhân bản hữu hiệu, lý tưởng là tích nhập các nguyên tắc ngài đã đưa ra, nhằm dần dần biến đổi cách ta tương tác với thiên nhiên, với nhau và với chính mình. Liên quan tới việc xuống cấp của môi sinh, dĩ nhiên ngài hy vọng cuộc đối thoại này sẽ đem lại một hành động có phối hợp và hữu hiệu. Đối với Đức Phanxicô, đối thoại hữu hiệu, trước nhất và trên hết, phải kết hợp mọi phía liên hệ. Các giải pháp có thực chất không thể phát sinh từ những áp đặt một phía nhằm mang lợi lại cho kẻ giầu có và người quyền thế. 

            Hai là, để kích thích việc phục hồi các thói quen thích đáng trong việc hành động qua lại với thiên nhiên, ngài yêu cầu mỗi gia đình có thói quen đọc kinh tạ ơn trước và sau mỗi bữa ăn. 

           Tóm lại, Đức Phanxicô muốn dùng thông điệp này để kích thích người ta suy nghĩ sâu xa và đổi mới trái tim họ, trái tim Kitô hữu, một trái tim “biết tiếp cận sự sống với một chú tâm thanh thản, một trái tim có khả năng hiện diện trọn vẹn với một ai đó mà không hề nghĩ điều gì sẽ xẩy ra sau đó, một trái tim biết chấp nhận mỗi phút giây như một ơn phúc Chúa ban để sống cho trọn vẹn… 

          “Một biểu thức nói lên thái độ này là khi ta dừng lại và tạ ơn Thiên Chúa trước và sau các bữa ăn. Tôi yêu cầu mọi tín hữu trờ về với thói quen tốt đẹp và đầy ý nghĩa này. Giây phút tạ ơn, dù vắn vỏi bao nhiêu, nhắc ta nhớ tới việc ta tùy thuộc Thiên Chúa mới có sự sống; nó tăng cường cảm thức biết ơn của ta đối với quà phúc tạo thế; nó nhìn nhận tất cả những ai, qua lao công của họ, đã cung cấp cho ta những thiện ích này; và nó tái khẳng định tình liên đới của ta với tất cả những ai đang hết sức thiếu thốn” (các số 226-227). 

           Laudato Si, xét trong căn bản, không phải là một chủ đề để tranh luận. Điểm chính của nó là một lời tạ ơn đơn sơ mà sâu sắc.

 
 (Theo Vũ Văn An, VCN 21.06.2015)
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây