Ngày thứ sáu

Thứ năm - 14/09/2017 04:23
Ngày thứ sáu
 
LOAN BÁO TIN MỪNG
BẰNG CUỘC SỐNG

 
 
(Chúa Giêsu nói): «Ngay cả trước khi sinh ra, Ta cũng đã hoạt động cho công trình ấy, công trình thánh hóa con người… và Ta thúc đẩy Mẹ Ta cùng hoạt động với Ta cho công trình ấy (…). Một ngày nào đó, Ta sẽ nói với các môn đệ Ta: hãy rao giảng; và Ta sẽ trao cho họ sứ mạng ấy… Bây giờ Ta nói với các tâm hồn khác, tất cả các tâm hồn đã có Ta nhưng vẫn chưa nhận lãnh sứ mệnh rao giảng, Ta bảo họ thánh hóa các linh hồn bằng cách âm thầm đưa Ta đến với họ… [… ]. Tất cả, phải, tất cả hãy hoạt động thánh hóa trần thế, hãy hoạt động như Mẹ Ta: không nói, cứ âm thầm, hãy tổ chức những cuộc tĩnh tâm đạo đức giữa những người chưa biết Ta… và mang Tin mừng đến với họ, rao giảng cho họ không phải bằng lời nói mà bằng gương sáng, không phải là loan báo mà là sống Tin mừng: Hãy thánh hóa trần thế, hãy đem Ta đến với trần gian… giống như Đức Maria đã đem Ta đến với Gioan Tẩy Giả…» (CE,21-22).

« Người ta làm việc lnh, không phải dựa theo cách nói hay cách làm, nhưng tùy thuộc bản chất con người họ, tuỳ vào ân sủng Chúa nơi các hành vi của chúng ta, tùy mức độ Chúa Giêsu sống trong ta, tùy mức độ chúng ta để Chúa Giêsu hành động trong ta và qua ta… Linh hồn lm việc thiện  tùy theo mức độ sự thánh thiện của họ: hãy luôn luôn đặt chân lý ấy trước mắt chúng ta» (RD,645-646).

« Tất cả hiện hữu của chúng ta, tất cả con người chúng ta phải lớn tiếng rao giảngTin mừng trên các mái nhà; trót bản thân chúng ta phải hít thở Giêsu, mọi hành vi của chúng ta, trọn cuộc sống của chúng ta, phải la to lên rằng: chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, phải bày tỏ hình ảnh về một cuộc sống Tin Mừng; tất cả con người chúng ta phải là một lời rao giảng sống động, là phản ảnh của Chúa Giê su, là hương thơm của Chúa Giêsu, là một cái gì hô to lên danh Chúa Giêsu, làm người ta thấy được là Chúa Giêsu đang chiếu tỏa hình ảnh của Người » (MSE,314)
 
« Lạy Chúa Giêsu, chỉ vài giây nữa thôi là Chúa sẽ vĩnh viễn biến khỏi tầm mắt của các môn đệ. Chúa đã ký thác cho các ông điều gì vào giây phút cao điểm ấy? Đâu là những lời cuối cùng của Chúa trên trần gian? Đó chẳng phải là những lời Chúa cũng muốn nói với chúng con sao? » … Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria, và cho đến tận cùng trái đất» (TĐCV 1,8).

Lạy Chúa, là chứng nhân phải chăng cũng là hình ảnh Chúa, là một «tin mừng sống» ?» Những người còn xa lạ với Chúa Giêsu, vì không có sách vở và cũng chẳng được ai nói về Người, họ phải biết được Tin Mừng qua việc nhìn thấy cách sống của tôi… khi nhìn thấy tôi, họ phải nhận ra Chúa Giêsu là Đấng nào» (RD,647). Một trách nhiệm to lớn chừng nào! Nó đòi hỏi người chứng phải thánh thiện! Nào người ta sẽ coi thường một bài thuyết trình nếu cuộc sống của thuyết trình viên không đi đôi với những lời lẽ của ông sao? Cha Périguère lưu ý: « Sống Chúa Kitô đó chẳng phải là cách rao giảng tuyệt vời nhất sao? Có quá nhiều những tông đồ nói về Người, nhưng quá ít những tông đồ sống như Người đã sống! »

Để thấu suốt mọi sự, cần phải có tâm hồn trong sáng. Lạy Chúa Giêsu, nếu quả thực Chúa ngự trong con, thì ước gì những lời con nói cũng chính là Chúa nói, những gì con làm cũng chính là Chúa làm! » Tất cả sự nhiệm màu của việc tông đồ đều phát xuất từ bên trong! » (Périguère). Nếu thực sự Chúa sống trong con, Chúa sẽ hành động qua mọi cử chỉ của con để chúng có thể mang lại những hiệu quả đích thực. Giả như – vô hình chung - con không biết điều gì đã xảy ra khi con tiếp xúc với một người anh em nào đó, nếu những «kết quả» của tình bạn ấy không được coi là thành quả của việc tông đồ thì, lạy Chúa, Chúa biết đó, con có cần phải biết không?

Lạy Chúa, xin hãy làm cho con đừng tìm kiếm thành công nhưng chỉ mong để Chúa hành động! Xin giúp con biết làm chứng cách hoàn toàn vô vị lợi, bởi vì, «ý chỉ của chứng cứ giết chết chứng cứ» (Varillon). Xin hãy làm cho con thành một dụng cụ dễ sử dụng trong tay Chúa. Mọi dụng cụ đều khác nhau: mỗi dụng cụ giữ lại cho mình trí thông minh, đặc tính riêng, các tài năng và những giới hạn riêng. Đối với một tác phẩm phải thực hiện thì cái cọ không quan trọng, nhưng là người nghệ sĩ! Lạy Chúa, chỉ Chúa mới là người loan báo tin mừng! Và ước gì chính con cũng không nhận ra con là người chứng nữa!

Như một gương mẫu về sự ngoan thảo đó trong công cuộc Phúc Âm hoá, anh Charles giới thiệu với chúng ta Đức Maria trong mầu nhiệm Thăm viếng. Mẹ Phúc-âm-hóa và thánh hóa thánh Gioan «không bằng lời nhưng bằng việc Mẹ âm thầm mang Chúa Giêu đến cho em, đến tận nơi em ở». Noi gương Mẹ, chúng ta phải «Phúc Âm hóa và thánh hóa các dân tộc ngoại giáo bằng cách âm thầm mang Chúa Giêsu đến giữa họ [… ], đưa Người vào trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống theo tin mừng mà chúng ta phải nêu guơng và trở nên những bức ảnh sống động» (CFA,472).

Khi chú giải trang sách Tin mừng (Lc 1, 39-41) này, Anh Charles cố gắng lý tưởng hóa các nguyên do của Đức Trinh Nữ Maria. Dưới ngọn bút của anh, sự kiện gia đình rất bình thường ấy mang đôi chút dáng dấp của một cuộc kiệu Mình Thánh Chúa! Đức Maria «mang Chúa Giêsu nơi mình, như chúng ta sau khi rước Mình Thánh Chúa», «với thái độ tiếp nhận, chiêm ngưỡng, và không ngừng thờ lạy Chúa» (CFA,473). Theo Anh, Mẹ không đến thăm người chị họ để «trao đổi với nhau những điều kỳ diệu của Thiên Chúa nơi các Ngài», «càng không phải là một cuộc gặp gỡ thuần bác ái để giúp đỡ người chị họ trong những tháng cuối của thời kỳ thai nghén và thời gian sinh nở» (CFA,472). Tại sao không? Tin Mừng nhấn mạnh rằng ngài chỉ ở đó có 3 tháng, nghĩa là cho tới khi Gioan Tẩy giả sinh ra. Với tôi – xin Anh Charles tha thứ - tôi thấy rất có thể thực sự là Đức Maria đã muốn đến chia sẻ một cách tự nhiên với bà Elizabeth về mầu nhiệm trong lòng Mẹ đồng thời cũng rất tự nhiên, Mẹ muốn giúp đỡ (1) người chị họ Elizabeth của mình! Điều mà tôi chiêm ngưỡng đó là trong khi Mẹ đến nhà bà chị để thăm viếng, giúp đỡ, bằng một hành vi thuần tình cảm, không mang hậu ý đưa Chúa Giêsu đến, chính Chúa Giêsu đã muốn hành động qua cuộc gặp gỡ hoàn toàn tự nhiên này.

Với Anh Charles, mầu nhiệm Thăm viếng ấy biểu trưng thái độ sâu xa sẽ gợi hứng cho phong cách của các môn đê của Anh trong các mối tương quan nhân bản. Và trong một cảm hứng xuất thần, lúc Anh còn đơn độc, chưa có một thỉnh sinh nào hết, Anh đã ghi lại trong nhật ký ngày 2 tháng 7 năm 1904 như sau: «Lễ Thăm viếng của Đức Nữ Trinh rất thánh; lễ Bổn mạng của tất cả các huynh đoàn Tiểu muội và Tiểu đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu…» (CB,143). Hơn nữa, với hậu duệ thiêng liêng của mình, Anh Charles không chỉ nhắm tới các tu sĩ nam nữ mà thôi. Theo Anh, hoạt động tông đồ trong các nước truyền giáo, không phải là độc quyền của các nhà chuyên môn: người giáo dân cũng được mời gọi để làm công tác ấy. Anh viết: «Tôi biết rất rõ vì sao Thiên Chúa kêu gọi tất cả những kitô hữu, người nam và người nữ, linh mục và giáo dân, người độc thân hoặc có gia đình…  để trở thành các tông đồ, tông đồ bằng gương sáng, bằng lòng nhân hậu, bằng một tương quan nhân ái… v. v…». «Mọi kitô hữu phải trở thành tông đồ; đây không phải là một lời khuyên, nhưng là một mệnh lệnh, mệnh lệnh của đức ái» (LLM,128,271)
 
*
 
Chúng ta đến với anh em của chúng ta với niềm xác tín mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu đang sống trong chúng ta, hành động qua ta nơi mọi tương quan giữa người với người. Và bước đầu trên con đường của tình yêu huynh đệ này, phải chăng không là sự kính trọng sao? Loại bỏ mọi mặc cảm tự tôn, tôi thật tình muốn tôn trọng mọi người, những người vốn rất dị biệt với tôi, dị biệt do môi trường, do giáo dục, do những xác tín tôn giáo của họ… Và tôi muốn yêu thương họ vì chính họ.

Có một người bạn hồi giáo mỉa mai hỏi Anh: «Này, có phải anh cầu nguyện cho tôi trở lại đạo hả?» Anh André khiêm tốn trả lời: «Không, tôi không cầu nguyện cho anh trở lại, tôi cầu nguyện để anh làm theo ý Thiên Chúa». Tất cả là ở chỗ đó. Tôi có thể ước mong cho một người bạn vẫn làm tôi vui lòng có được sự tiến bộ nào đó, thế nhưng điều ấy có phù hợp với ý định của Thiên Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khiêm tốn và kiên nhẫn kính trọng những kẻ chủ trương «một sự vô tri về chương trình của Thiên Chúa» nơi họ. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu thương anh em cách nhưng không, theo hình ảnh của lòng nhân hậu vô biên của Chúa Cha, Đấng đã yêu thương mỗi người chúng con cách nhưng không. Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng Chúa muốn nhờ con mà hành động, xin làm cho con nên trong suốt, xin giải thoát con khỏi mọi tối tăm mù mịt để con nên một tấm ảnh phản chiếu của Chúa, ngõ hầu nhờ đời sống con, Chúa làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Xin Chúa giúp con âm thầm rao giảng Tin Mừng mỗi ngày…

«Lạy Cha, nguyện ý Cha được làm trọn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng!» «Lạy Chúa, xin cho hết thảy mọi người được lên thiên đàng! Amen».
 
* * *

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây