Thư chung số 114 - 3/2020

Thứ sáu - 28/02/2020 10:07
Thư chung số 114 - 3/2020
Thư chung số 114 - 3/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 114 / Năm X
                  * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 03/ 2020
-------------  

TU SĨ - ĐẾN VỚI MUÔN DÂN
SỨ MẠNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN HÔM NAY

Phan Rang, ngày 20.02.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
         
Chúng ta bước vào tháng 3 – Tháng Giáo Hội dành để tôn kính Thánh cả Giuse. Ngài là Đấng Bảo Trợ Tu Hội chúng ta. Xin anh chị em đặc biệt sốt sắng tham dự, không những các nghi lễ và kinh nguyện dâng kính Ngài trong cộng đoàn Giáo Xứ, và cả việc biểu lộ lòng yêu mến của riêng của mỗi người trong anh chị em chúng ta nữa.
         
Loạt Thư chung để anh chị em suy tư cầu nguyện hàng tháng năm nay, trước hết, Anh Hai chọn bài Chia Sẻ của Cha José Cristo Rey García Paredes, Dòng Thừa Sai Đức Tin, về Đề tài :
TU SĨ - ĐẾN VỚI MUÔN DÂN - SỨ MẠNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN HÔM NAY.

Bản dịch của Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, và Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, Tổng thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày.
         
Bài chia sẻ tương đối dài và súc tích, nên Anh Hai chia ra thành nhiều phần để anh chị em có thời giờ học hỏi trao đổi tốt và chất lượng hơn.

Mở đầu:

Chúng ta cảm thấy có đôi chút bối rối khi các Tổng Tu Nghị hay Tu Nghị Tỉnh của chúng ta thực hiện việc đánh giá và điều chỉnh về những năm đã qua và tìm cách lập kế hoạch cho tương lai. Cũng vậy, chúng ta thấy có đôi chút bối rối khi các tu sĩ chúng ta tụ họp lại với nhau trong các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, và các khoá đào luyện thường xuyên. Đôi khi chúng ta có cảm giác mình bị cuốn trôi theo xu thế của thời khắc hiện tại. Khi khác, chúng ta có cảm giác lo lắng về các vấn đề nội bộ của chúng ta hơn là những vấn đề bên ngoài, vốn là những vấn đề thường thách thức sứ mạng của chúng ta.

Một nhận xét khá thú vị là trong các Tu Nghị, chúng ta thường quá bận tâm về các vấn đề hoạt động nội bộ: quyền bính, các công tác, các kế hoạch cộng đoàn, chủ nghĩa cá nhân, thiếu đời sống cầu nguyện, đời sống nghèo khó và thanh khiết. Quan tâm về những vấn đề này là đúng! Chúng là những vấn đề thực sự mà chúng ta không thể coi nhẹ. Tuy nhiên những vấn đề này càng trở nên tệ hại và nghiêm trọng hơn khi tinh thần truyền giáo suy yếu và chúng ta đã mất ý thức truyền giáo trong cuộc sống chúng ta.

Những gì xảy ra trong đời sống thực tế của chúng ta thì cũng xảy ra trong lãnh vực thần học. Một thần học mà không bắt đầu từ sứ mạng (và nhằm phục vụ sứ mạng) thì là một thần học không có phương hướng, không mục tiêu, không đam mê, không cảm xúc, nó không giải đáp được những câu hỏi lớn của thế giới chúng ta hôm nay.

Nếu không có một ý thức mạnh về sứ mạng, Hội Thánh và Đời Sống Thánh Hiến trong Hội Thánh không có ý nghĩa gì, không có lý do hiện hữu.

“Sứ mạng” có phải là một phạm trù chìa khoá?

Sứ mạng là chìa khóa để hiểu Hội Thánh và mọi sự diễn ra trong Hội Thánh, bao gồm Đời Sống Thánh Hiến. Không có sứ mạng như là nguyên tắc nền tảng và kiến tạo, mọi thứ sẽ sụp đổ. Khi sứ mạng là nguyên tắc trung tâm và kết cấu, mọi thứ hoạt động tốt và phát triển.

Khi sứ mạng không thực thi chức năng trung tâm và then chốt này, các thực tế khác xuất hiện và tìm cách thế chỗ cho sứ mạng: như linh đạo, đời sống cộng đoàn, các xu thế mới và các hoạt động cá nhân, được hiểu như là “công việc”.

• Linh đạo: Linh đạo có thể được coi là tiêu điểm trọng tâm của đời sống Kitô giáo và đời sống thánh hiến. Cầu nguyện, chiêm niệm, đời sống trong Đức Kitô có thể là cái trục và hạt nhân của đời sống Kitô giáo. Chắc chắn là như thế. Nhưng khi linh đạo tìm cách che giấu sự thiếu đam mê truyền giáo, nó trở thành vô ích; nó không phải là linh đạo đích thực, mà là một cách giả tạo để trốn tránh thực tế. Nó không còn là một trải nghiệm Kitô giáo nữa, mà là một trải nghiệm của việc sùng mộ, thiếu dấn thân và giả Kitô giáo.

• Đời sống cộng đoàn và các mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đoàn hay nhóm với nhau: trong nhiều tu hội, đây là mối quan tâm chính. Theo kinh nghiệm của nhiều tu sĩ, đây là một câu hỏi nghiêm trọng rất được họ quan tâm: họ được cử đi đến đâu, họ cần chia sẻ đời sống với ai, họ phải giữ loại quan hệ nào với các bề trên, v.v... Các mối bận tâm quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất của nhiều hội viên của các tu hội chúng ta là các vấn đề nội bộ, chứ không phải các thách thức lớn của thế giới hôm nay đối với thực tế đoàn sủng của chúng ta trong tư cách là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Những người phát triển cuộc đời mình từ những tiền đề hay những vấn đề này thì mãi mãi vẫn còn ấu trĩ, vô trách nhiệm, chỉ lo lắng về sự tự tồn của mình.

• Các xu thế mới: Khi sứ mạng không phải là nguyên tắc cơ bản của đời sống tu trì chúng ta, khi ấy chúng ta có khuynh hướng bị cuốn theo những chủ đề hay đề tài tức thời, thói hợm mình của trào lưu hiện tại. Chúng ta bị cuốn hút trong các vấn đề hiện đại, linh đạo thời đại mới, xu thế toàn cầu hoá, phát triển bền vững, và chủ nghĩa Mácxít. Nhưng không một yếu tố nào trong số này được chúng ta đối diện nghiêm túc từ viễn tượng của sứ mạng, mà chỉ là từ một sự tò mò tri thức, không mang lại những kết quả thực tiễn hay những hệ quả truyền giáo. Các suy tư loại này thường tạo một ảnh hưởng hời hợt, vì sau đó, chúng ta lại đi tìm kiếm xu thế mới tiếp theo, bỏ lại sau lưng những xu thế trước. Các vấn đề của xã hội được suy xét từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong để có thể biến đổi chúng, như được đòi hỏi trong Evangelii Nuntiandi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (số 14).

• Các hoạt động cá nhân, riêng tư, và cá nhân chủ nghĩa: Sự thiếu một tinh thần sứ mạng đích thực khiến người ta tập trung vào các mối quan tâm riêng của mình. Một cách nguỵ trang tinh thần tông đồ và sứ mạng là tập trung vào công việc, “công việc của tôi”. Có những người nghiện công việc; nhưng đó không phải là một niềm đam mê sứ mạng. Nó là cái mà trước kia được gọi là “lạc giáo của hành động”. Cái họ tìm kiếm không phải là phục vụ người khác, nhưng là thể hiện bản thân mình. Tất cả những điều này không liên quan gì đến việc thể hiện Nước Chúa.
Không có cái nhìn sứ mạng, thì việc phục vụ của quyền bính, việc đào luyện và thậm chí thần học sẽ có những chân trời rất hẹp.

• Việc quản trị và quyền bính trong các cộng đoàn tu sĩ: Một nền quản trị quá chú tâm chăm lo những vấn đề trước mắt nhiều hơn là những gì thực sự tạo ra tương lai thì sẽ dần dần giết chết sự nhạy cảm ngôn sứ. Nó không chăm lo cho những nhu cầu cấp bách của Hội Thánh. Nền quản trị ấy trở thành đóng kín trong các vấn đề nội bộ và không có những chân trời rộng mở. Nó chỉ xử lý một cách hời hợt các vấn đề của kế hoạch sứ mạng; đa phần nó lo duy trì một hệ thống không lấy sứ mạng làm tâm điểm mối quan tâm của nó. Nó không tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân định của cộng đoàn, luôn luôn bén nhạy trước các dấu chỉ của thời đại hay việc Thần Khí đang dẫn dắt loài người hướng tới tương lai của Thiên Chúa ở đâu và như thế nào.

• Việc đào luyện: Sứ mạng thường không được nghĩ là nguyên tắc tổ chức mạch lạc toàn thể tiến trình đào luyện. Người ta thường nghĩ rằng, trước bất cứ sự cam kết cá nhân nào trong sứ mạng, mỗi ứng sinh trong thời kỳ đào luyện ban đầu phải giải quyết các vấn đề hay các xung đột riêng của cá nhân. Điều này cũng đúng phần nào; nhưng khi tìm cách giải quyết các xung đột cá nhân bên ngoài sứ mạng và ơn gọi cho sứ mạng thì có nghĩa là tự tước bỏ nguồn tài nguyên tốt nhất để giải quyết các vấn đề ấy. Khi tinh thần ơn gọi - sứ mạng không hoạt động, tiến trình đào luyện trở nên rối loạn, tự thỏa mãn, quá nhạy cảm với quan điểm cá nhân.

• Thần học: Thiếu cái nhìn sứ mạng, suy tư thần học thường chịu cùng những khuyết điểm như thế. Sứ mạng được dời về chương cuối cùng. Người ta thường nói rằng “hiện hữu” đến trước “hành động” hay “làm”. Thứ thần học này giả thiết rằng sứ mạng chỉ là hành động hay việc làm. Vì vậy, các chủ đề được coi là cơ bản trong đời sống tu trì, như thánh hiến, lời khấn, cộng đoàn, là những chủ đề đầu tiên phải được giải quyết. Đây thường được coi là “căn tính”. Sau đó đến lượt căn tính được dọi phóng vào hoạt động tông đồ. Cả trong trường hợp này cũng thế, sứ mạng không phải là nguyên tắc tổ chức của thần học đời tu hay đời thánh hiến.

(Còn tiếp)

 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây