Thư chung số 111 - 12/2019

Chủ nhật - 24/11/2019 09:49
Thư chung số 111 - 12/2019
Thư chung số 111 - 12/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 111 / Năm IX
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 12/ 2019
-------------  

GIÁO HỘI ĐI RA… ĐỂ TRUYỀN GIÁO

 
Phan Rang, ngày 20.11. 2019

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
         
Cách đây 2 năm, trong thư gửi ĐHY Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, ĐTC Phanxicô đã công bố quyết định dành tháng 10.2019 vừa qua để cử hành “Tháng Ngoại Thường về Tryền Giáo”, mừng kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud của ĐTC Biển Đức XV, đồng thời thúc đẩy toàn thể Giáo Hội ý thức về sứ mạng “đến với muôn dân”, thăng tiến sứ mạng loan báo Tin Mừng trong đời sống và hoạt động mục vụ của mình.
 
Ngày 01.10.2019 - lễ Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ĐTC chủ lễ khai mạc tháng Truyền giáo Ngoại thường này. Sau bài Tin Mừng Matthêu 25,14-33 : dụ ngôn về một ông chủ, trước khi đi xa, đã gọi các đầy tớ lại và trao cho họ những nén bạc, người được 5 nén, người kia 2 nén, người khác 1 nén, để họ sinh lợi.
 
Kết thúc bài đọc Tin Mừng, ĐTC nói rằng: “Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta cất giữ cuộc đời và đức tin của chúng ta, nhưng Ngài mời chúng ta làm cho nó sinh lợi. Tháng Truyền giáo Ngoại thường này thúc bách chúng ta trở thành những người chủ động với những nén bạc. Không phải như người cất giữ đức tin và nắm lấy ân sủng, nhưng trở thành những nhà truyền giáo.”
 
Đức Thánh Cha cũng nói đến cách thức để trở nên những nhà truyền giáo. Trước hết là sống chứng tá về một đời sống biết Chúa Giêsu. Chứng tá là từ khoá có nguồn gốc từ ý nghĩa tử đạo. Các vị tử đạo là những người đầu tiên làm chứng: không phải bằng lời nói mà bằng cuộc sống. Chúng ta phải tự hỏi trong tháng này: chứng tá của tôi thế nào?
 
Về cuối dụ ngôn, Chúa nói “tài giỏi và trung thành” đối với người dám làm; và ngược lại, “tồi tệ và biếng nhác” đối với đầy tớ chỉ biết phòng thủ. Điều tệ mà đầy tớ này phạm phải là không làm điều tốt, có tội vì sự thiếu sót. Chúng ta nhận được cuộc sống không phải để chôn dưới đất, nhưng để đem nó vào cuộc chơi.
 
Thiên Chúa yêu những ai cho đi cách vui vẻ” (2Cr 9,7). Ngài yêu một Giáo hội đi ra. Nếu không đi ra thì không phải là Giáo hội. Một Giáo hội đi ra không tìm cách bảo vệ sự yên ắng; nhưng trở nên muối đất và men cho thế giới.
 
Đức Thánh Cha nhắc đến ba người “tôi tớ” đồng hành với chúng ta trong tháng 10 này, họ đã mang lại rất nhiều hoa trái. Trước hết là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bằng cầu nguyện ngài đã thổi cháy hoạt động truyền giáo trên thế giới. Thứ đến là thánh Phanxicô Xaviê. Ngài khuấy lên nơi chúng ta câu hỏi: chúng ta có ra khỏi vỏ ốc, chúng ta có thể để lại những tiện nghi vì Tin Mừng không? Và thứ ba là Đấng Đáng kính Pauline Jaricot, người khởi đầu với tiền lương của mình để lập các Hội giáo hoàng truyền giáo. Chúng ta có biến mỗi ngày của chúng ta thành một món quà để làm cho khoảng cách giữa Tin Mừng và cuộc sống được nối lại không?  Ba vị nêu trên, một vị là nữ tu, một linh mục và một giáo dân đồng hành với chúng ta và nói với chúng ta rằng không ai bị loại trừ trong sứ mạng của Giáo hội.
 
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Can đảm lên, Chúa mong đợi rất nhiều từ bạn.”
 
Vì thế, tuy chúng ta đang sống trong tháng 12, trong bầu khí linh thiêng nóng cháy của Mùa Vọng mong chờ Đấng Cứu Thế và niềm hân hoan mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh năm 2020, Anh Hai xin gửi lại anh chị em bài giảng mà Anh đã chia sẻ tại nhà thờ Thủ Đức, ngày 01.12.2015, nhân dịp lễ khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 100 năm Chúa gọi Anh Charles về với Ngài. Tuy bài giảng này đã được soạn cách đây  cũng đã 4 năm rồi, nhưng anh thấy vẫn còn rất phù hơp với định hướng truyền giáo của ĐTC hôm nay. Xin anh chị em vui lòng đọc lại và suy gẫm:
 
“Kính thưa Quý Cha và cộng đoàn Phụng Vụ thân mến,
 
Thứ bảy, 31.10.2015 vừa qua, tại Nazareth, đã long trọng khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm ngày mất của chân Phước Charles de Foucauld.
 
Chân Phước Charles de Foucauld – mà theo cách gọi thân mật của các anh chị em trong Hiệp Hội Gia Đình Thiêng Liêng CdF chúng ta là Anh Charles – bị thảm sát tại pháo đài Borgia, ở Tamanrasset, miền nam nước Algérie (nơi mà con cũng đã được diễm phúc đến kính viếng vào tháng 04 năm 2007).
 
Sau khi được ơn trở lại, Anh đã xin vào sống trong Đan Viện Đức Bà Thánh Tâm tại Béni-Akbès, nước Syrie; sau đó đến sống tại Thánh Địa.
 
Thông thạo tiến Á-rập và Do Thái, anh luôn cầu nguyện với sách Tin Mừng bằng tiếng Á-rập. Tại Nazareth, anh đào sâu đời sống tu đức lấy Mầu Nhiệm Nhập Thể làm trung tâm, để từ đó khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày, thấy và phục vụ Chúa nơi những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, những người ở xa Chúa nhất, những nơi mà Giáo Hội chưa đặt chân đến.” Điều gì các con làm cho một trong những người anh em bé mọn là làm cho chính Thầy” (Mt 25). Đối với Anh Charles, chìa khóa để sống nền tu đức này chính là Tình Huynh đệ.
 
Hôm nay, nhân dịp lễ kính Ngài, được Giáo Hội ấn định trùng vào ngày sinh nhật trên trời của Ngài, ngày Chúa gọi Ngài ra đi về với Chúa. Cùng hiệp thông với toàn thể các anh chị em trong đại gia đình Charles de Foucauld trên toàn thế giới, chúng ta khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm ngày mất của Anh vào ngày 01.12.2016 tới, xin mời quý ông bà và anh chị em chúng ta cùng nhau hướng về Anh Charles như là mẫu gương của chúng ta trong hướng truyền giáo mới của Hội Thánh hôm nay dưới triều đại của ĐTC Phanxicô.
 
Trong Thông Điệp “Niềm Vui Tin Mừng“, mở đầu triều đại giáo hoàng của Ngài, ĐTC đã nói: ”Giáo Hội phải đi ra tới “vùng ven”, vùng “ngoại biên” (x. số 20.24). Đó cũng chính là sứ vụ của Chúa Giêsu. “Tôi còn nhưng con chiên khác chưa thuộc ràn này,Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên, một mục tử”(Ga 10,16). Hoặc chỗ khác :”Chúng ta hãy đi tới các nơi khác, đến các làng, các xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38).
 
Noi gương Chúa Giêsu Nazareth, Anh Charles cũng đã thực hành như vậy. Chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến 3 điểm sống của Anh, theo linh đạo “ Giáo Hội bước ra” của ĐTC, dựa trên nền tảng các Mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế mà chính Anh Charles vẫn luôn chiêm niệm và làm theo.
 
1/- Đức Giêsu nhập thể để hiện diện.
 
Thời gian ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth là cách thế hiện diện của Người sống Mầu Nhiệm Nhập Thể. “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Trong cái nhìn sứ vụ, Nhập thể là cách Chúa đi ra “vùng ngoại biên”, đến hiện diện trong lịch sử nhân loại ở giữa loài người. Điều cốt yếu của sự hiện diện này phát xuất từ Mầu nhiệm Ngôi Hai đã bước ra khỏi chính bản thể Thiên Chúa, vượt ranh từ đời đời để bước vào và hiện diện trong không gian và thời gian. Khi bước qua ranh giới giữa Thiên Chúa và phàm nhân, Ngôi Lời đã biến đổi hàng rào ngăn cách tưởng chừng như tuyệt đối không thể vượt qua, trở thành một vạch ranh giới và hình thành một thực tại mới, một nhân loại mới trong sự hài hòa giữa nhiều khác biệt và đa dạng. Đức Giêsu Nazareth với 2 bản tính được hòa hợp trong một Ngôi vị duy nhất.
 
Như Chúa Giêsu, Anh Charles cũng đối diện với thách đố là phải vượt qua mọi ranh giới để hình thành một xã hội mới giữa nhiều khác biệt và đa dạng tại các nước Hồi giáo bên Phi Châu. Anh Charles, một ông tây, mũi lõ, ăn bơ sữa, xuất thân từ một gia đình phong lưu quyền quí, được ăn học và đã thành danh; thế mà Anh đã chấp nhận rời bỏ tất cả: gia đình, quê hương, một cuộc sống ổn định để ra đi, bước vào một cuộc phiêu lưu, đến sống với những bộ lạc nghèo khổ, kém văn minh, ở các nước theo Hồi giáo như : Ma-rốc, Algẻrie, Syrie… dành ưu tiên cho những người bị bỏ rơi, bị chà đạp, bị gạt ra bên lề xã hội, bị bán làm nô lệ… Anh đã đến hiện diện cách âm thầm để làm chứng nhân cho một Chúa Giêsu tốt lành và nhân hậu, làm nổi bật những giá trị của sự từ bỏ, khiêm hạ, đơn sơ và thinh lặng của Tin Mừng.
 
Chúa Giêsu đã chọn sống chứng nhân âm thầm 30 năm trước khi công khai loan báo Tin Mừng. Anh Charles đã chọn sống theo Mầu nhiệm Nazareth ấy. Và tất cả chúng ta, các thành viên của các Hội Dòng, các Tu Hội theo linh đạo của Anh cũng phải sẵn sàng sống theo mẫu gương đó, để có thể trung thành với ơn gọi và sứ vụ mà Hội thánh đã tin tưởng trao phó cho khi công nhận mỗi đoàn sủng của chúng ta.
 
2/- Chúa Giêsu nhập thể để làm trung gian hoà giải.
 
Đây là điểm thứ hai khi anh Anh Charles chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Nhập Thể theo gương Chúa Giêsu. Người xuống thể làm người để thi hành sứ vụ hoà giải: hoà giải giữa Thiên Chúa và loài người, cũng như giữa con người với nhau, hoà giải giữa dân Do Thái và dân ngoại. Người đến để thiết lập hoà bình trên trần gian.”Phúc cho những ai kiến tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” ( Mt5,9).
 
Như Chúa Giêsu đã loại bỏ sự ngăn cách Do thái và không Do thái, giữa đàn ông với đàn bà, giữa người khoẻ và người đau yếu, giữa người giàu với người nghèo, người trong sạch và người ô uế, người quyền thế với người thấp cổ bé miệng, người công chính và kẻ tội lỗi v.v…(Gal. 3,28). Anh Charles đã noi gương Thầy chí thánh sống giữa những người Hồi giáo tại vùng Sahara. Anh chủ trương sống và giúp mọi người sống tình huynh đệ, không phân biệt tôn giáo, nghề nghiệp, chủng tộc. Nhà của anh được gọi là “ Khaoua “, có nghĩa là Nhà huynh đệ, luôn rộng mở đón tiếp mọi người, sống chan hoà, thân thiện với mọi người và muốn mọi người coi anh như là một người anh em của họ; một người anh em đại đồng. Anh sẵn sàng cộng tác với mọi người; chính Anh đã can thiệp để chấm dứt chế độ nô lệ tại Algẻrie. Anh muốn loại bỏ mọi ngăn cách và như Chúa Giêsu mời gọi tất cả đi vào Nhà Cha giàu lòng thương xót và hay tha thứ; ở đó mọi người sống hài hoà với Thiên Chúa, với nhau và với cả chính mình, bởi Anh luôn “ao ước cho mọi người được ơn cứu rỗi”.
 
Để được thế, như Chúa Giêsu, Anh luôn ngoan thảo sống theo ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Anh luôn áp dụng nguyên tắc :”Nếu Chúa Giêsu ở vào hoàn cảnh của tôi, Ngưới sẽ xử sự như thế nào, và con hãy làm theo…” .
 
3/- Chúa Giêsu nhập thể để chịu Khổ nạn và Phục sinh.
 
Đây là điểm sống thứ ba của Anh Charles khi muốn triệt để noi gương Đức Giêsu – Nazareth. Chúa Giêsu xuống thế làm người như là một phương thế để đem ơn cứu độ cho trần gian . Nhờ việc mặc lấy thân xác con người, Chúa Giêsu mới có thể đến sống giữa nhân loại, chia sẻ kiếp sống với con người, phục vụ con người và cuối cùng tự hiến làm của lễ trên bàn thờ thập giá và sống lại để đem ơn cứu độ đến cho mọi người chúng ta. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám thí mạng sồng mình vì người mình yêu thương”.
 
Chính vì thế, Anh Charles cũng đã triệt để sống tự huỷ hoàn toàn theo gương Chúa Giêsu, luôn quên mình xả thân để đem lại niềm vui, hạnh phúc và nhất là muốn đem ơn cứu độ cho mọi người, cách riêng những người chưa biết Chúa, những nơi mà Giáo Hội chưa đặt chân tới, những bộ lạc nghèo khổ bên Phi châu; cụ thể là bộ lạc Touareg. Anh cùng ở, cùng ăn, cùng làm việc với họ. Anh hy sinh tất cả thời giờ, sức khoẻ, tài năng, tiền của và cuối cùng hy sinh cả mạng sống của anh cho họ, ở giữa họ. Anh chấp nhận mọi thua thiệt, mọi vất vả nhọc mệt vì học: miệt mài học thổ ngữ touareg, dịch sách Phúc Âm sang tiếng touareg, soạn tự điển Pháp – Touareg, Touareg – Pháp, sưu tầm các câu vè, câu ví, ca dao tục ngữ touareg để bảo tồn và phát huy văn hoá của họ. Anh không quản ngại đường xá hiểm trở, phương tiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt của sa mạc nóng cháy để đi thăm viếng họ. . .“Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới bước vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).
 
Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ,
 
Trên đây, con xin gợi lại một đôi nét cụ thể về sự hiện diện chứng nhân truyền giáo của Anh Charles dựa theo các Mầu nhiệm Nhập Thể, Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, như là một tấm gương sống động để chúng ta cùng soi và bắt chước.
 
Anh Charles đã sống ơn gọi và sứ vụ của Anh cách chúng ta gần một thế kỷ, ngót 100 năm, thế mà vẫn luôn còn rất hợp thời, nhất là trong thời của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay. Ngài luôn đề cao, nhắc nhở và thôi thúc mọi thành phần Dân Chúa phải mạnh dạn “bước ra vùng ven, vùng ngoại biên” để loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho những người ở vùng sâu, vùng xa, đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi, bị áp bức, bị đẩy ra lề xã hội, những người ở xa nhất như Anh Charles đã từng chủ trương.
 
Quả thật Anh Charles vẫn còn là mẫu gương tuyệt vời mời gọi chúng ta “đi ra vùng ven, vùng ngoại biên” để rao giảng Tin Mừng đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như ĐTC Phanxicô đang thực hành và truyền dạy. Amen”
 
 
LM Gioan-Maria

 
 
 

Tác giả: LM Gioan-Maria

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây