Thư chung số 117 - 06/2020

Thứ tư - 20/05/2020 11:14
Thư chung số 117 - 06/2020
Thư chung số 117 - 06/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 117 / Năm X
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 06/ 2020
-------------  

TU SĨ - ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

SỨ MẠNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN HÔM NAY
 
Phan Rang, ngày 20.05.2020
 
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

 Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
 
Chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào tháng 6, tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xin anh chị em sốt sắng tham gia làm việc kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong giáo xứ; đồng thời hằng ngày xin anh chị em đọc kinh Dâng Mình cho Thánh Tâm Chúa, để được ẩn náu trong Trái Tim Chúa đầy lòng thương xót, hầu cảm nhận được tình yêu ngọt ngào của Chúa Cứu Thế tuôn trào xuống tâm hồn chúng ta.

Trong tháng này, chúng ta tiếp tục đọc, suy nghĩ và học hỏi bài chia sẻ của Cha José Cristo Rey García Paredes, CMF.

 
Sứ mạng, chìa khóa để hiểu Đời Sống Thánh Hiến “hôm nay”

Tính chất “Kitô giáo” của Sứ Mạng: “Điều chúng tôi đã nghe và đã thấy”

Một trong những nét đặc trưng quan trọng nhất của sứ mạng của Hội Thánh và Đời Sống Thánh Hiến là chúng ta không chỉ chia sẻ sứ mạng với mọi người, nhưng chúng ta cũng đã được Chúa ban cho ơn mặc khải. Chúng ta đã thấy khía cạnh thần học của sứ mạng. Chúng ta hoàn toàn ý thức rằng sứ mạng của chúng ta không thuộc về chúng ta, nhưng là biểu hiện của “missio Dei” [sứ mạng của Thiên Chúa], của “missio creatoris” [sứ mạng của Đấng Tạo Hoá], của “missio redemptoris et consummatoris” [sứ mạng của Đấng cứu chuộc và Đấng hoàn thành]. Chúng ta được mặc khải rằng muôn loài muôn vật đã được dựng nên trong Đức Giêsu Kitô và Thần Khí Chúa bao trùm trái đất.

Chúng ta có một ví dụ về điều này trong cuộc Phán Xét Chung, như được trình bày trong Tin Mừng Mátthêu. Theo Tin Mừng này, khi Thiên Chúa sẽ đến xét xử mọi dân tộc, Người sẽ nói: “Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn... khát, các ngươi đã cho Ta uống...” Họ sẽ ngạc nhiên hỏi Người: Có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát và cho Chúa uống không? Và Người đáp lại: mỗi khi và mỗi việc các ngươi làm cho những kẻ rốt hết trong các anh em của Ta, là các ngươi đã làm cho Ta.” Bấy giờ, những người ấy sẽ hiểu ý nghĩa các việc phục vụ họ đã làm. Trong khi không biết, không ý thức được điều ấy, họ đã chăm sóc và phục vụ chính Chúa. Mặc khải này đã được ban cho chúng ta ngay bây giờ. Bây giờ chúng ta đã khám phá ra rằng mọi sự chúng ta làm đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Chúng ta ý thức mình nắm trong tay công việc của Thiên Chúa, sứ mạng của Thiên Chúa. Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ 4 rất ý thức về việc làm này. Cũng thế, người Kitô hữu trở thành một người thừa sai từ sự xác tín này: họ được Thiên Chúa sai đến để thực hiện công việc của Thiên Chúa.

Các động cơ đàng sau các hành động của chúng ta có tầm quan trọng lớn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng một người mẹ có những động cơ mãnh liệt để chăm sóc con nhỏ của bà thậm chí bằng cách hi sinh mạng sống mình. Chúng ta biết rằng một người say đắm tình yêu với một người khác thì sẵn sàng liều mình vì người yêu. Một khi chúng ta biết lý do tại sao chúng ta làm một việc gì đó, chúng ta làm việc ấy tốt hơn. Vì lý do này, mặc khải của Thiên Chúa là hết sức quan trọng, vì nó cho chúng ta thấy giá trị to lớn của các hành động của mình, và nó tỏ lộ cho chúng ta rằng qua những hành động này chính Thiên Chúa thực hiện sứ mạng của Người.

Do đó, rao giảng Tin Mừng là loan báo cho thế giới biết ý nghĩa của việc chúng ta là gì, chúng ta sống vì điều gì và chúng ta làm gì. Chúng ta không thể dửng dưng với mặc khải. Chỉ những ai biết mặc khải này mới có thể sống xứng đáng và có động cơ cao cả nhất để lướt thắng mọi khó khăn. Do đó, rao giảng Tin Mừng là bổn phận đầu tiên của Hội Thánh. Rao giảng Tin Mừng là loan báo cho mọi người biết Tin Mừng tác động đến họ.

Vì thế, trong sứ mạng “Kitô giáo” có một mức độ ý thức và mặc khải đặc biệt quan trọng.

Chúng ta không nên nói theo cách chúng ta quen nói. Nhiều tu sĩ có thói quen nói: “Đây là công việc của tôi!”, “đây là nhiệm vụ của tôi!”, “đây là bổn phận của tôi!” Nói như thế không đúng! Chúng ta là những thừa sai của Thiên Chúa trong các công việc chúng ta làm. Chúng ta ý thức mình là những người cộng tác và đối tác trong kế hoạch của Thiên Chúa, ý thức rằng đây là mục đích ơn gọi của chúng ta và chúng ta đang đáp lại ơn gọi này.

Kế hoạch của Thiên Chúa không thể bị kéo dài vô thời hạn. Đức Maria đi thăm bà chị họ một cách vội vã. Các sứ giả của Đức Giêsu được Người sai đi với lời dặn dò phải đi thẳng tới nơi thi hành sứ mạng, không được lãng phí thời gian trên đường.

Sứ mạng Kitô giáo thì hăng hái và sốt ruột. Nó biết cách cắt nghĩa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng cần phải có một sự chiêm niệm về Thiên Chúa và về mầu nhiệm của Người, nó tỏ lộ dần dần cho chúng ta ý nghĩa của sứ mạng. Chính trong khi cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, ý nghĩa và kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại được tỏ lộ ra.

Tính chất “đoàn sủng”: Đoàn sủng cho thế giới và Hội Thánh

Mỗi cộng đoàn tu sĩ tham gia một cách rất độc đáo vào sứ mạng của Hội Thánh cho thế giới. Chúa Thánh Thần hành động một cách lạ lùng qua một Tu Hội và các cộng đoàn của Tu Hội.

Một điều rất quan trọng là các Hội dòng đời sống thánh hiến nên hãm bớt sự hăng say trong việc lập kế hoạch cho sứ mạng “riêng” của Tu Hội mình, nhưng hãy hăng say hơn trong việc khám phá xem Thần Khí đang dẫn đưa họ đi đâu để làm những khí cụ đích thực của Thần Khí cho sứ mạng. Khi một tu hội ý thức mình được đặt và đưa vào trong sứ mạng của Thần Khí, thì tu hội ấy hiểu được rằng:

• Sứ mạng đoàn sủng của một tu hội không cần phải đáp ứng cái nhìn riêng của một bề trên nào đó, nhưng cần đáp ứng sự phân định nghiêm túc của cộng đoàn về việc Thần Khí muốn gì. Sứ mạng được phân định khi chúng ta suy tư sâu về thế giới mình đang sống, về thực tại và bằng cách lắng nghe những tiếng kêu của Thần Khí. Có thể xảy ra trường hợp một Tu Hội đang thực thi một sứ mạng không tương ứng với tiếng kêu của Thánh Thần. Có thể là tu hội ấy đang đáp lại một số nhu cầu của xã hội và của thời đại mình đang sống, nhưng không thực sự thi hành sứ mạng đoàn sủng mà Thần Khí Chúa đang dẫn đến. Cần nhiều sự từ bỏ mình và khả năng nhận ra những quan tâm của Thiên Chúa. Chỉ khi biết lắng nghe Tin Mừng và để cho Lời Tin Mừng soi sáng thực tại, chúng ta mới có thể đạt được sự phân định đúng.

• Sứ mạng đoàn sủng không thể gạt bỏ các tính chất khải huyền của nó. Trong suốt chiều dài lịch sử của nó, đời sống thánh hiến luôn luôn bén nhạy với các nhu cầu lớn của loài người, đặc biệt những người nghèo, những người cô thế cô thân, những người vô tội, những nạn nhân của bạo lực. Nhiều con cái của Thiên Chúa đang hoàn toàn không được bảo vệ. Đời thánh hiến phải được Thần Khí hướng dẫn để là Người Samaria Nhân Hậu đến cứu giúp tất cả những ai đang cần được cứu giúp. Trong những hoàn cảnh có sự đàn áp và lạm dụng các quyền con người, đời sống thánh hiến khám phá ra bản chất khải huyền của mình. Trong hoàn cảnh này, đời thánh hiến được kêu gọi đem đến niềm an ủi và hi vọng, công bố ngày tàn của những kẻ áp bức và ngày xét xử họ đã đến gần, cùng với sự cứu thoát trọn vẹn cho mọi con cái Thiên Chúa đang bị áp bức. Kinh nguyện truyền giáo của đời sống thánh hiến cũng phải mang đậm tính khải huyền này: ước muốn nồng cháy về sự đến của Chúa và của Triều Đại Thiên Chúa phải được diễn tả trong kinh nguyện này.

• Là điều bình thường khi đời sống thánh hiến khám phá ra một mối liên kết đặc biệt với tất cả các nhóm người dấn thân cho sứ mạng giải phóng và cứu rỗi, và mối liên kết này với những nhóm dấn thân cho “missio creationis” [sứ mạng tạo dựng] sẽ không mạnh bằng.

• Nét đặc trưng quan trọng nhất của vai trò đời sống thánh hiến trong sứ mạng là thi hành chức năng làm dấu chỉ và dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Đời sống tu trì không phải là một đoàn sủng của Thánh Thần để giải quyết các vấn đề của các Giáo Hội hay các xã hội tại địa phương; đúng hơn, ơn gọi đời tu là sự tỏ lộ hình ảnh lý tưởng của Triều Đại Thiên Chúa và làm chứng rằng Triều Đại Thiên Chúa không phải là kết quả của các cố gắng nhân loại của chúng ta, nhưng là một hồng ân.

 
(còn tiếp)
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây