Thư chung số 112 - 01/2020

Thứ hai - 30/12/2019 09:55
Thư chung số 112 - 01/2020
Thư chung số 112 - 01/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 112 / Năm X
                     * * *                              

 
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 01/ 2020
-------------  
SẮC LỆNH“ PERFECTAE  CARITATIS – ĐỨC ÁI TRỌN HẢO”
 

Phan Rang, ngày 20.12. 2019

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

          Trong định hướng việc huấn luyện thường xuyên cho các thành viên, vì các anh chị em của chúng ta sồng giữa đời, nên việc tập trung học gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, Anh Hai đã trung thành soạn dưới hình thức Lá Thư Chung và gửi tới các em hàng tháng để các em học hỏi (riêng hoặc chung) để thăng tiến đời thánh hiến của mỗi chúng ta. Anh hy vọng các em ý thức rõ mục đích của việc soạn và gửi thư chung này; đồng thời nghiêm túc học hỏi và ứng dụng vào cuộc sống cụ thể trong đời thường của người sống đời thánh hiến.
          Hôm nay là khởi đầu Lá Thư Chung năm thứ X, Năm 2020, Anh muốn gửi tới anh chị em văn bản Sắc lệnh “Canh Tân thích nghi Dòng Tu” của Công Đồng Vaticanô II để các em học hỏi và nắm vững lại những chỉ dẫn của Công Đồng để cùng nhau canh tân và sống ơn gọi tu trì của chúng ta cách hữu hiệu, phù hợp với hoàn cảnh và não trạng của thời đại chúng ta hôm nay. Mặc dù chúng ta chỉ cần chú ý đến một số điểm liên quan, nhưng chúng ta cũng cần lướt qua toàn bộ văn kiên, để có một cái nhìn nhất quán về tinh thần và hướng dẫn canh tân của Giáo Hội cho toàn thể các tổ chức tu trì trong Giáo Hội.
  1. Mở đầu
Kiên tâm sống Đức Ái trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm, đó chính là bậc sống được đề cập đến trong Hiến chế mang tựa đề “Ánh Sáng Muôn Dân”, và Thánh Công Đồng đã nêu rõ đây là nếp sống khởi phát từ lời dạy và gương sáng của Thầy Chí Thánh, nên như dấu chỉ rạng ngời của Nước Trời. Giờ đây Thánh Công Đồng muốn bàn về đời sống và kỷ luật của các Hội dòng có tu sĩ tuyên khấn giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cũng như tiên liệu những nhu cầu của các Dòng theo những đòi hỏi của thời đại ngày nay.

Ngay từ thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, muốn tự nguyện bước theo Chúa Kitô với tinh thần tự do thanh thoát, trung thành noi theo mẫu gương đời sống của Chúa qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm và tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa theo phương cách riêng của từng người, trong số đó, nhiều người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hoặc chọn nếp sống đơn vắng tĩnh mạc, hoặc lập ra những dòng tu được thẩm quyền Giáo Hội sẵn lòng đón nhận và phê chuẩn. Từ đó, bởi thánh ý Thiên Chúa, nhiều cộng đoàn tu sĩ đã được thiết lập với sự phong phú lạ lùng, đã giúp cho Giáo Hội chẳng những được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành (x. 2 Tm 3,17) và sẵn sàng chu toàn tác vụ kiến tạo Thân Thể Chúa Kitô (x. Ep 4,12), nhưng còn được điểm tô bằng những ân huệ khác nhau nơi đoàn con cái để nên như hiền thê trang điểm xinh đẹp ra mắt Đấng Lang Quân (x. Kh 21,2), và nhờ đó sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa được tỏ hiện (x. Ep 3,10).

Giữa bao nhiêu ân huệ đa dạng ấy, tất cả những người được Thiên Chúa kêu gọi và đã tuyên khấn trung thành thực hành các lời khuyên Phúc Âm, đều muốn hiến thân cho Chúa cách đặc biệt, khi noi gương Chúa Kitô, Đấng thanh khiết và khó nghèo (x. Mt 8,20; Lc 9,58), đã cứu chuộc và thánh hoá nhân loại với thái độ vâng phục cho đến chết trên Thập giá (x. Pl 2,8). Được thúc đẩy bởi đức mến do Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào trong tâm hồn (x. Rm 5,5), họ sống ngày càng trọn vẹn cho Chúa Kitô và Thân Thể Người là Giáo Hội (x. Cl 1,24). Bởi vậy, khi họ càng sốt sắng kết hiệp với Chúa Kitô qua việc hiến dâng trót cả cuộc đời, thì đời sống Giáo Hội càng thêm phong phú và việc tông đồ của Giáo Hội càng thêm kết quả dồi dào.

Để Giáo Hội đón nhận thêm nhiều ơn phúc lớn lao hơn nữa từ chính giá trị trổi vượt của đời thánh hiến với việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, và phận vụ cần thiết của nếp sống tu trì trong hoàn cảnh hiện tại, Thánh Công Đồng quy định những điểm sau đây, chỉ liên quan đến các nguyên tắc tổng quát để thích nghi việc canh tân đời sống và kỷ luật các Hội dòng, cũng như các tu hội có đời sống chung nhưng không có lời khấn và cả các tu hội triều, trong khi vẫn bảo toàn tính cách đặc thù của mỗi tu hội. Còn các tiêu chuẩn riêng để trình bày và áp dụng thích hợp các nguyên tắc chung ấy, sẽ được những cơ quan thẩm quyền hậu Công Đồng quy định.

2. Những Nguyên tắc chung để canh tân thích nghi

Công cuộc canh tân thích ứng cho đời sống tu trì bao gồm cùng lúc sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh hứng nguyên thủy của Hội dòng, cũng như sự thích nghi của Hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại. Phải tiến hành công cuộc canh tân dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Giáo Hội theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tiêu chuẩn tối hậu của đời tu trì là sống theo giáo huấn của Tin Mừng trên đường bước theo Chúa Kitô, vì thế đây phải là quy luật tối thượng của tất cả các Hội dòng.

b) Mỗi Hội dòng có đặc tính và phận vụ riêng nhằm mưu ích cho Giáo Hội. Do đó, phải trung thành đón nhận và tuân giữ tinh thần cũng như ý hướng đặc biệt của các Đấng Sáng Lập, cùng với các truyền thống tốt lành đã có, vì đó là những yếu tố tạo nên di sản của mỗi Hội dòng.

c) Mọi Hội dòng đều phải tham gia vào đời sống Giáo Hội, và tuỳ theo bản chất của từng Hội dòng để đón nhận trọn vẹn cũng như nhiệt thành phát huy những sáng kiến và đề nghị của Giáo Hội trong lãnh vực Thánh Kinh, phụng vụ, tín lý, mục vụ, hiệp nhất, truyền giáo và xã hội.

d) Các Hội dòng phải thúc đẩy các tu sĩ tìm hiểu thấu đáo về hiện trạng của con người và thời thế, cũng như về các nhu cầu của Giáo Hội, để qua những nhận định khôn ngoan về hoàn cảnh của thế giới ngày nay trong ánh sáng đức tin, và với nhiệt tâm truyền giáo, họ có thể nâng đỡ con người cách hữu hiệu hơn.

e) Đời sống tu trì giúp các tu sĩ bước theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa qua việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, do đó, phải luôn nhớ rằng, những thích nghi hoàn chỉnh với các nhu cầu hiện đại chỉ có thể tạo nên hiệu quả khi tiếp nhận được sinh khí từ việc canh tân đời sống thiêng liêng, đây là yếu tố phải luôn được quan tâm trước nhất ngay cả khi phải gia tăng các hoạt động bên ngoài.

3. Các Tiêu chuẩn thực tế để canh tân thích nghi.

Cách thức sống, cầu nguyện và hoạt động phải thích ứng với tình trạng thể lý và tâm lý của các tu sĩ, đồng thời, ở bất cứ nơi đâu, nhất là tại các xứ truyền giáo, tuỳ theo tính cách của mỗi dòng, cũng phải thích nghi với các nhu cầu tông đồ, những đòi hỏi văn hoá cũng như hoàn cảnh xã hội và kinh tế.

Cũng cần dựa vào những tiêu chuẩn ấy để duyệt lại đường hướng điều hành các dòng.

Vì thế, phải duyệt lại hiến chương, sách chỉ dẫn, bản điều lệ, sách kinh và nghi thức cũng như các tài liệu tương tự, sao cho phù hợp với các văn kiện của Thánh Công Đồng này bằng cách bãi bỏ những quy định đã lỗi thời.

4. Những ai phải chịu trách nhiệm để việc canh tân thích nghi được kết quả.

Việc canh tân hữu hiệu và được thích nghi xác đáng chỉ có thể đạt được nhờ sự cộng tác của tất cả các tu sĩ trong dòng.

Tuy nhiên, việc ấn định các tiêu chuẩn và thiết lập các khoản luật về canh tân và thích nghi, cũng như việc đề ra phương thức thử nghiệm đúng mức và thận trọng, phải là nhiệm vụ của các vị có thẩm quyền, nhất là của tổng tu nghị, và khi cần, phải có sự phê chuẩn của Toà Thánh hoặc các Đấng Bản Quyền theo như giáo luật ấn định. Phần các Bề trên, phải dùng cách thức thích hợp để trao đổi và lắng nghe ý kiến của các tu sĩ trong những vấn đề liên quan đến toàn thể Hội dòng.

Đối với công cuộc canh tân thích ứng cho các đan viện nữ, có thể đón nhận nguyện vọng và ý kiến của các hội đồng liên viện, hoặc của các hội nghị được triệu tập hợp pháp.

Tuy nhiên, mọi người hãy nhớ rằng trong công cuộc canh tân, phải đặt kỳ vọng vào việc nghiêm túc tuân giữ quy luật và hiến chương hơn là vào việc đặt thêm luật mới.
 
5. Các yếu tố chung cho mọi Hội dòng.

Tu sĩ của bất cứ Hội dòng nào cũng phải hiểu rằng, họ đáp trả lời mời gọi của Chúa chủ yếu qua việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, vì thế, không những họ phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa. Thật vậy, họ muốn dâng hiến trót cả cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa, chính hành động ấy đã làm nên cuộc thánh hiến đặc biệt, gắn liền và thể hiện cách trọn hảo ơn thánh hiến của bí tích Thánh Tẩy.

Vì sự tự hiến của các tu sĩ được chính Giáo Hội tiếp nhận, nên họ phải biết rằng mình cũng đã được liên kết với sứ mệnh phục vụ của Giáo Hội.
Việc phụng sự Thiên Chúa thúc bách và khích lệ họ thực hành các nhân đức, nhất là đức khiêm nhường và vâng phục, can đảm và khiết tịnh, nhờ đó họ tham dự vào sự tự hủy của Chúa Kitô (x. Pl 2,7-8) cũng như vào sự sống của Người trong Thần Khí (x. Rm 8,1-13).

Khi trung thành với lời tuyên khấn và từ bỏ mọi sự vì Chúa Kitô, (x. Mc 10,28), các tu sĩ chọn bước theo Người (x. Mt 19,21) như điều cần thiết duy nhất (x. Lc 10,42), bằng cách lắng nghe lời Người (x. Lc 10,39) và chuyên lo việc Chúa (x. 1 Cr 7,32).

Vì thế, tu sĩ của bất cứ Hội dòng nào, trong khi tìm kiếm duy chỉ một mình Thiên Chúa, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo, để nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia công cuộc cứu thế và mở rộng Nước Chúa.

6. Phải lo đời sống siêu nhiên trước hết

Những ai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm đều phải tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4,10), và trong mọi hoàn cảnh, họ phải nỗ lực phát huy sự sống tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa (x. Cl 3,3), vì đó là nguồn mạch và động lực phát sinh tình yêu tha nhân nhằm cứu rỗi nhân loại và xây dựng Giáo Hội. Cũng chính tình yêu này tác động và hướng dẫn việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm.

Vì thế, tu sĩ của các Hội dòng phải kín múc và chuyên tâm vun bồi tinh thần cầu nguyện cũng như chính việc cầu nguyện, từ nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô giáo. Trước hết, hằng ngày, phải có quyển Thánh Kinh trong tay, đọc và suy niệm để học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,8). Hãy cử hành Phụng vụ thánh, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, với cả tâm hồn và miệng lưỡi như ý Giáo Hội mong muốn, và tìm thấy nơi đó nguồn mạch phong phú nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.

Được bổ sức nơi bàn tiệc Luật Chúa và bàn thờ thánh thiêng, các tu sĩ yêu thương các chi thể khác của Chúa Kitô như anh em, kính trọng và yêu mến các vị chủ chăn với tình con thảo; họ phải sống và đồng cảm với Giáo Hội ngày càng gắn bó hơn, đồng thời dấn thân thực thi sứ mệnh của Giáo Hội.

7. Những Hội Dòng chiêm niệm

Đối với những Hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, nơi đó các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong chuyên chăm cầu nguyện và vui sống đời khổ hạnh, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ lúc nào cũng khẩn thiết, những Hội dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quý trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, “các chi thể không có cùng một chức năng” (Rm 12,4). Thật vậy, các tu sĩ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, trang điểm cho Dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho đoàn dân ấy thêm lớn mạnh, nhờ những kết quả tuy dù rất âm thầm, nhưng lại thật phong phú trong sứ vụ tông đồ. Như thế, họ chính là vẻ đẹp của Giáo Hội và là dòng suối tuôn trào các ơn thiêng. Tuy nhiên, cũng phải duyệt lại nếp sống đó theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn về việc canh tân và thích nghi như đã nói trên, trong khi vẫn tuyệt đối bảo toàn điều kiện cách biệt thế gian và những sinh hoạt đặc thù của đời chiêm niệm.

8. Những Dòng tu chuyên lo hoạt động tông đồ

Trong Giáo Hội, có rất nhiều Hội dòng dành cho giáo sĩ hoặc giáo dân đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ khác nhau tuỳ theo ơn đã lãnh nhận: người được ơn phục vụ thì lo phục vụ, kẻ được ơn giảng dạy thì lo dạy bảo, người được ơn khuyên răn thì lo huấn dụ, người thì chân thành ban phát, người thì vui vẻ thể hiện tình thương (x. Rm 12,5-8). “Có nhiều ân sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12,4).

Nơi những Hội dòng này, hoạt động tông đồ và từ thiện gắn liền với bản chất đời sống tu trì như một tác vụ thánh, và như công trình đặc biệt của tình bác ái, do Giáo Hội ủy thác và được thi hành nhân danh Giáo Hội. Bởi đó, toàn thể cuộc sống tu trì phải thấm nhuần tinh thần tông đồ, và toàn thể hoạt động tông đồ phải được hình thành trong tinh thần tu trì. Để đáp trả lời mời gọi bước theo và phục vụ Chúa Kitô nơi các chi thể của Người, hoạt động tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ cuộc sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Đó chính là nguồn sức thiêng làm tăng triển lòng mến Chúa yêu người.

Vì thế, các Hội dòng hãy tìm cách thích nghi luật lệ và nếp sống riêng với các đòi hỏi của việc tông đồ đang chuyên trách. Nhưng vì có nhiều dạng thức khác nhau trong việc liên kết hoạt động tông đồ với nếp sống tu trì, nên trong việc canh tân và thích nghi, cần xét đến tính cách khác biệt ấy, đồng thời cũng phải nâng đỡ đời sống phục vụ Chúa Kitô của các tu sĩ bằng những phương thế thích hợp với từng Hội dòng.

9. Duy trì đời sống Đan Tu và Đan Viện

Ở Đông phương cũng như Tây phương, phải trung thành duy trì và phát huy thêm mãi định chế đan tu khả kính trong tinh thần đích thực của một định chế đã đóng góp nhiều công trạng to lớn suốt bao thế kỷ cho Giáo Hội cũng như cho cộng đồng nhân loại. Các đan sĩ chủ yếu đảm trách phận vụ, tuy âm thầm nhưng thật cao quý, là phụng sự Thiên Chúa trong nội vi đan viện, hoặc hoàn toàn hiến thân lo việc phụng tự trong nếp sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một số việc tông đồ hay công trình bác ái Kitô giáo. Vì thế, trong khi vẫn duy trì tính chất riêng biệt của mỗi dòng, họ cần canh tân và thích nghi những truyền thống cổ kính tốt lành với những nhu cầu hiện nay của các linh hồn, để đan viện nên như nơi vun tưới hạt mầm tăng trưởng của đoàn dân Kitô giáo.

Cũng vậy, các dòng có quy luật hay hiến chương liên kết chặt chẽ đời tông đồ với việc hát kinh nhật tụng và những luật lệ đan viện, hãy phối kết nếp sống với các nhu cầu của những hoạt động tông đồ thích hợp, để có thể vừa trung thành giữ được lối sống của mình vừa mang lại nhiều ơn phúc cho Giáo Hội.

10. Các Dòng tu giáo dân

Đời sống tu trì dành cho giáo dân, nam cũng như nữ, mang đầy đủ ý nghĩa của một bậc sống với việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Vì thế, với sự quý trọng dành cho một nếp sống đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác mục vụ của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục thanh thiếu niên, săn sóc bệnh nhân và nhiều tác vụ khác, Thánh Công Đồng khích lệ các tu sĩ sống trọn ơn gọi, và kêu mời họ hãy thích nghi cuộc sống với những đòi hỏi của thời hiện đại.

Thánh Công Đồng tuyên bố không có gì trở ngại trong việc lãnh nhận chức thánh của một số tu sĩ thuộc các tu hội dành cho các sư huynh, để đáp ứng những nhu cầu cần đến tác vụ linh mục trong các tu sở, tuỳ theo Tổng Tu Nghị quyết định, nhưng vẫn phải duy trì tính chất giáo dân của tu hội.

11. Các Tu Hội Đời

Những tu hội tại thế, tuy không phải là dòng tu, nhưng cũng có lời khấn thật sự và trọn vẹn được Giáo Hội công nhận để giữ các lời khuyên Phúc Âm giữa cảnh đời thường. Lời khấn ấy thánh hiến các hội viên nam cũng như nữ, giáo dân cũng như giáo sĩ hiện đang sống giữa thế gian. Bởi đó, chính họ trước tiên phải quyết tâm tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa trong đức ái trọn hảo, và các tu hội phải bảo toàn tính chất đặc thù của mình là sống tại thế, để dù ở đâu, họ cũng có thể chu toàn hữu hiệu việc tông đồ giữa thế gian và từ thế gian, theo như tôn chỉ của tu hội.

Tuy nhiên, các tu hội đó phải biết rõ là họ chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ trọng đại ấy nếu các hội viên được huấn luyện chu đáo về giáo lý cũng như nhân bản, sao cho họ thực sự là men giữa đời để làm cho Thân Thể Chúa Kitô được mạnh mẽ và luôn tăng trưởng. Vì thế, các bề trên phải thật sự quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo tu đức, cũng như chương trình thường huấn tiếp nối về sau.

 
(còn tiếp)

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây