Thư chung số 115 - 4/2020

Thứ bảy - 21/03/2020 11:09
Thư chung số 115 - 4/2020
Thư chung số 115 - 4/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 115 / Năm X
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 04/ 2020
-------------  

TU SĨ - ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

SỨ MẠNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN HÔM NAY

Phan Rang, ngày 20.03.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
 Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
         
Trong tháng này, chúng ta tiếp tục đọc, suy nghĩ và học hỏi bài chia sẻ của Cha José Cristo Rey García Paredes, CMF về định nghĩa Sứ mạng là gì?

Sứ mạng là gì?

Từ sứ mạng [mission trong tiếng Anh] mà chúng ta rất thường xuyên sử dụng bắt nguồn từ động từ tiếng Latinh “mitto” và từ phân từ “missum” có nghĩa là “sai đi, gửi đi” hay “được sai đi, được gửi đi”. Nghĩa phù hợp cho sứ mạng là “được sai đi”. Hiển nhiên, sự “được sai đi” này đáp ứng một sự uỷ thác, một nhiệm vụ được giao cho một người thi hành. Giống như khi một chính phủ gửi quân lính đi thực hiện một nhiệm vụ vì hoà bình hay chiến tranh, chúng ta nói là họ đang thực hiện một “sứ mạng quân sự” hay “nhiệm vụ quân sự”; khi quan chức của một trường đại học giao nhiệm vụ cho một ai, chúng ta nói đó là một nhiệm vụ khoa học hay văn hoá. Khi một tổ chức tôn giáo là người sai đi, chúng ta nói đến một “sứ mạng tôn giáo”.

Trên hết là “Missio Dei”!
 
Điều đáng ngạc nhiên nhất là sứ mạng và khái niệm tinh vi hơn, cao siêu và trong sáng hơn của sứ mạng được thấy trong chính hữu thể của Thiên Chúa. Hơn 50 năm trước, các anh em Tin Lành của chúng ta đã chế ra thành ngữ “Missio Dei” như là một phạm trù thần học rất quan trọng. Với phạm trù này, họ muốn nói về sứ mạng của chính Thiên Chúa. Họ muốn nói rằng Thiên Chúa là Sứ Mạng.
 
Vì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải cho chúng ta, chúng ta biết rằng phạm trù sứ mạng là tuyệt đối thiết yếu để hiểu về Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu ý thức mình “Được Sai Đi” bởi Abba, Cha. Thiên Chúa Cha là Đấng sai Con mình đến trong thế gian. Cha cũng sai Thánh Thần, Đấng tỏ lộ mình hiện diện trong thế giới vào nhiều dịp và dưới nhiều hình dạng khác nhau. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, Chúa Thánh Thần được sai đi: Người linh hứng cho các Ngôn Sứ và thúc đẩy họ thi hành kế hoạch của Thiên Chúa; Thánh Thần hành động trong cuộc tạo dựng thế giới, trong sự sinh ra đồng trinh của Đức Giêsu. Chúa Giêsu và Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến sau Phục Sinh để Người ngự trong thế giới và trong lòng các tín hữu. Rõ ràng sứ mạng là một phần của hữu thể Thiên Chúa. Cha là Đấng sai đi, Con và Thánh Thần là hai Đấng được sai đi. Vì lý do này, suy tư thần học nói đến “các sứ mạng của Thiên Chúa” như là một trong các khía cạnh nền tảng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ mạng xuất phát từ chính Cõi Lòng của Thiên Chúa Cha. Sứ mạng được diễn tả trong Con của Cha, Đấng nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria nhờ Chúa Thánh Thần; Người là Đấng Được Sai Đi (o apostolos). Được sai đi là một tình trạng hiện sinh của Con và Thánh Thần.

“Missio creationis”

Do đó, mọi hành động “ad extra” [“ra bên ngoài”] của Thiên Chúa đều là những hành động sai đi, hành động của sứ mạng. Tạo dựng là hành vi sai đi đầu tiên của Thiên Chúa. Chúa Cha là Tạo Hoá hành động nhờ Logos, Ngôi Lời và nhờ Ruah, Thần Khí của Người. Cuộc tạo dựng được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô và nhờ sức mạnh của Thánh Thần.

Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, con người được Thiên Chúa ban cho một hữu thể “mang theo sứ mạng” [a missionary being]. Nếu xem xét con người một cách thoả đáng, chúng ta khám phá ra rằng sự hiện hữu của con người hoàn toàn là do ân sủng. Con người không phải là một hữu thể tất yếu [necessary], nhưng là một hữu thể bất tất, tuỳ thuộc [contingent]. Khám phá ra ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa sự hiện hữu của con người, là một điều kiện cơ bản để có một cuộc sống đích thực. Vì lý do này, chúng ta phải khâm phục công việc của các nhà triết học, những người luôn luôn tìm kiếm ý nghĩa, tìm kiếm nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Mặc khải của chúng ta, sách Sáng Thế, tỏ lộ cho chúng ta biết loài người đã được tạo dựng để thi hành một sứ mạng. Các lời của tác giả chương 1 sách Sáng Thế nói rằng con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa”. Tác giả cũng khẳng định rằng loài người, nam và nữ, phải sống chung với nhau và trở thành một thân thể. Sau cùng, tác giả khẳng định rằng con người được đưa vào trong Vườn để chăm sóc nó. Từ lúc ấy, con người bắt đầu thi hành một sứ mạng đầy ấn tượng: làm người quản lý trái đất, trông nom nó, tổ chức nó. Thiên Chúa dựng nên con người thành những người đồng-tạo-dựng, và vì thế, khả năng tạo dựng của con người rất ấn tượng và vô hạn.

Ở đây chúng ta có sứ mạng đầu tiên và căn bản nhất của con người. Sứ mạng này được thể hiện trên ba bình diện: gia đình hay thế hệ, mối tương quan với thế giới vật chất và các tài nguyên hay sản phẩm của nó, kinh tế và lao động, và mối tương quan và tổ chức của loài người trong xã hội hay chính trị.

Loài người sống trong một trạng thái sứ mạng thường xuyên, bắt đầu từ “missio creationis”, sứ mạng tạo dựng. Cần nhấn mạnh sự cao quý của sứ mạng này. Chúng ta có thể gọi nó là “sứ mạng trần thế”. Mặc dù không thấy ở bên ngoài, sứ mạng này phát xuất từ Đấng Tạo Hoá, và loài người ít nhiều ý thức được rằng họ đang thi hành sứ mạng này nhân danh Người. Những con người sáng tạo, những người sinh ra sự sống mới, trở nên giống như Thiên Chúa Tạo Hoá, giống như Thiên Chúa là Cha và Mẹ, giống như Thiên Chúa là người nghệ sĩ và thợ thủ công. Gia đình và đôi lứa, lao động và kinh tế, chính trị và tổ chức xã hội, nghệ thuật và nghề thủ công, thế giới tôn giáo và thế giới văn hoá.. tất cả đều thuộc về nhiệm vụ mà loài người đã lãnh nhận từ Đấng Hoá Công.

Sứ mạng lãnh nhận từ Thiên Chúa phải chịu sự thống trị phá hoại của quyền lực tội lỗi. Từ lúc ấy, con người từ chối tình bạn với Thiên Chúa và muốn trở thành tự trị, tự giao công việc và sứ mạng cho chính mình. Nó từ chối làm tôi tớ cho Đấng dựng nên nó để trở thành ông chủ của thế giới mà nó đã nhận được như một quà tặng. Chính đây là chỗ con người từ chối được sai đi và chỉ tìm cách thi hành ý muốn riêng của nó. Từ lúc ấy, bắt đầu một lịch sử mới Phản- Sáng-Thế, phá hoại và huỷ diệt mọi sự Thiên Chúa đã dựng nên.

“Missio Redemptionis”

Việc Con Thiên Chúa đến trần gian có liên quan đến kế hoạch sứ mạng của Người: khôi phục sứ mạng của loài người một cách thích đáng; khôi phục dòng chảy năng lượng của Tạo Hoá đã được lưu truyền cho các tạo vật của Người. Chúa Con đã khởi xướng sứ mạng mẫu mực của Người bằng cách biến đổi mình thành một con người vâng phục: “Lạy Cha, này con đây, con đến để thực thi ý Cha.” Đức Giêsu biết rằng không thể thi hành sứ mạng tách rời với Thiên Chúa là Cha và Đấng Tạo Hóa; Đức Giêsu biết rằng nếu không chiêm ngắm dung mạo của Thiên Chúa và hiệp thông với ý muốn của Người, sứ mạng mất đi mục đích của nó và trở thành phản-Sứ Mạng, một sự tự mãn vô ích.
Mối quan tâm hay công việc duy nhất của Đức Giêsu là làm cho Nước Cha, Vương Triều của Thiên Chúa hiện diện, và tái lập Giao Ước đã bị phá vỡ giữa Thiên Chúa với chúng ta. Duy chỉ trong Giao Ước với Thiên Chúa chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mạng và chỉ trong Giao Ước với Người chúng ta mới có thể nói rằng Nước Thiên Chúa đến giữa chúng ta. Do đó, sứ mạng của Đức Giêsu không phải là vô hiệu hoá kế hoạch tạo dựng nguyên thuỷ, hay kết án loài người vì sự sinh sản, sản xuất hay chính trị, nhưng là khôi phục kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa. “Lúc ban đầu không phải như thế”, Đức Giêsu nói liên quan đến vấn đề hôn nhân, nhưng Người cũng có thể nói giống như thế liên quan đến nhiều thực tại khác vốn không có một định hướng hay mục tiêu nào cả. Đức Giêsu đã dành rất nhiều thời gian cuộc đời mình để thi hành “missio Creatoris”, sứ mạng Đấng Tạo Hoá: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài... và ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,40-52).

Giai đoạn đầu tiên này của sứ mạng Đức Giêsu tại Nadarét khá bí ẩn. Đức Giêsu hành động giống như bất cứ người nào khác. Giống như người khác, Đức Giêsu dành thời gian cho công việc lao động bình thường. Người sống như thế cho tới năm 30 tuổi, khi Người có một mặc khải và khám phá ra một ý nghĩa mới cho cuộc đời và sứ mạng của Người.

Sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu bắt đầu một giai đoạn mới trong sứ mạng của Người: chúng ta có thể gọi đây là giai đoạn ngôn sứ hay khởi đầu. Đức Giêsu tập trung mọi sức lực và tài năng vào việc rao giảng Nước Thiên Chúa.

Sứ mạng của Đức Giêsu không thể chỉ giới hạn vào sứ mạng Hội Thánh. Đức Giêsu luôn luôn được thúc đẩy bởi viễn tượng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng của Người có nhiều khía cạnh: rao giảng Nước Thiên Chúa, các dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (các phép lạ, trừ quỷ, chăm lo cho mọi người), và cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người:

• Rao giảng: Đức Giêsu xuất hiện trước hết như là người mà vào một thời khắc nhất định của cuộc đời Người, đã trở thành sứ giả của Nước Thiên Chúa, hay đúng hơn, Sứ Giả của Kế hoạch của Thiên Chúa, Cha của Người, cho thế giới. Người nói về Abba, Cha, Người mặc khải ngôi vị của Cha, kế hoạch của Cha, ý muốn của Cha. Bản thân Đức Giêsu chính là sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, mặc dù có giới hạn vì thân phận làm người của Người, nhưng đồng thời được đặt trong bối cảnh vì thực tại nhân loại của Người.

• Ý muốn của Cha mà Đức Giêsu công bố là một Thế Giới hoàn toàn khác với thế giới chúng ta đang sống. Nó là một thế giới vô tội, với các mối quan hệ con người dựa trên yêu thương, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, lời rao giảng của Người về Nước Thiên Chúa chứa đựng một sự cáo giác mạnh mẽ chống lại bất công, tham nhũng, sa đoạ vốn đã chiếm chỗ trong các chiều kích cơ bản của đời sống con người, như tính dục, quyền sở hữu và quyền lực.

• Đức Giêsu thi hành sứ mạng của Người không phải trong một bầu khí phụng vụ, long trọng hay tư tế. Người cử hành Vương Triều của Thiên Chúa và việc Người đến trong đời sống thường ngày, trong công việc lao động của Người như một người thợ mộc tại làng Nadarét, trong giai đoạn đầu đời của Người, và như một ngôn sứ khải huyền trong giai đoạn ngôn sứ và khai mào cuộc đời Người. Người đạt tới tột đỉnh cuộc sống nhân loại của Người bằng việc hiến dâng mạng sống mình trên đồi Canvê trên bàn thờ Thập Giá. Đây là hành vi cuối cùng của sứ mạng của Người. Sứ mạng của Người được đồng hoá với cuộc Khổ Nạn của Người. Khổ Nạn, chứ không chỉ có hành động, là một biểu hiện khác nữa của sứ mạng.

• Đức Giêsu chia sẻ sứ mạng của Người cho các Môn Đệ. Ngay từ ban đầu, Người đã có sáng kiến quy tụ xung quanh Người một cộng đoàn các môn đệ nam và nữ. Đức Giêsu muốn chia sẻ với họ chính sứ mạng của Người. Người tin tưởng từng người trong số họ. Người sai họ “từng hai người một” đi rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa và hành động chống lại các sức mạnh của quỷ dữ cản trở sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới chúng ta.

(Còn tiếp)
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây