Ngày thứ hai

Thứ hai - 11/09/2017 04:00
Ngày thứ hai
 
VUI HƯỞNG HẠNH PHÚC
CỦA THIÊN CHÚA
 
« Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con một chỗ dựa an toàn cho niềm vui của chúng con, để không gì có thể cướp mất niềm vui ấy được: chỗ dựa ấy chính là niềm vui được huỏng hạnh phúc của Chúa. Dẫu con có xấu xa, khốn khổ, vô ơn, lạnh nhạt, không biết yêu thương [… ], Chúa vẫn hạnh phúc đến muôn đời. Chúa luôn luôn hạnh phúc và đó chính là điều con phải đạt được. Chúa hạnh phúc, nên con cũng phải hạnh phúc. Chúa hạnh phúc nên con chẳng thiếu thốn gì. Lạy Chúa, Chúa hạnh phúc, thì con đây cũng đầy niềm vui » (QPR,112).

« Chúng ta hãy nhớ đến những lầm lỗi mình để thật sự sám hối và khiêm tốn … […] Tình yêu của Thiên Chúa bị thương tổn khi thấy thần tính bị xúc phạm, nhưng tình yêu ấy nhớ lại rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, Ngài hạnh phúc vô biên […] Sau này ta có thể nhớ lại những lầm lỗi kia để tiếp tục sám hối, nhưng nhớ lại chúng khi cầu nguyện… không bối rối, nhưng đầy tự chủ… Sự đau khổ ấy sẽ không còn làm cho tâm hồn bị xao động suốt ngày nữa. Sự đau khổ làm chao đảo và hỗn loạn xuất phát từ lòng tự ái và thói kiêu căng không góp phần tạo nên lầm lỗi: việc sám hối trong bình thản, khiêm hạ, tuy làm ta đau khổ nhưng lại làm ta vững mạnh thêm khi nghĩ đến sự toàn thiện và hạnh phúc của Thiên Chúa, và đặt trọn niềm vui của mình vào đấy… Sự sám hối ấy phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa » (QPR,140-141).

« Khi buồn sầu, thất vọng về chính mình, về người khác, về chuyện này chuyện nọ, chúng ta hãy tự nhủ rằng: Đức Giêsu thật là vinh quang, ngự bên hữu Chúa Cha, Người muôn đời hạnh phúc . Và nếu chúng ta yêu mến Người hết lòng, thì tự trong tâm hồn ta, sẽ có một niềm hạnh phúc đến từ niềm hạnh phúc của Đấng vô biên, hạnh phúc này chắc chắn sẽ lấn át mạnh mẽ nỗi buồn khổ phát sinh từ những xấu ác của những gì hữu hạn. Vì thế, khi chiêm ngưỡng hạnh phúc của Thiên Chúa, tâm hồn ta sẽ chìm ngập trong hân hoan, và những nỗi khổ đau đang đè nặng tâm hồn ta sẽ tan biến như những đám mây dưới ánh mặt trời » (DP,79-80).

Lạy Chúa Giêsu, màn đêm đã buông xuống khi Chúa rời khỏi phòng Tiệc Ly cùng với các môn đệ. Giuđa đã đi bước trước. Thảm kịch đã được chuẩn bị, và tất nhiên những lời của Chúa lúc đó mang tính cách trăn trối. Chính vì yêu và cũng vì vui mừng mà lúc ấy Chúa nói với chúng con rằng: « Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn » (Ga 15,9-11).

Lạy Chúa, sắp đến giờ Chúa hấp hối, nhưng Chúa lại nói về niềm vui! Làm sao hạnh phúc được vào giờ sắp bị treo lên thập giá? Có thể hoà hợp được giữa niềm vui và thập giá chăng?

Nhìn khuôn mặt của Chúa, con thấy khuôn mặt của anh Giuse, bạn con, đang ngồi trên giường tay bưng một cái bô lởm nhởm đờm rãi vừa khạc nhổ với màu máu đỏ tươi. Tự nhiên con liên tưởng đến những giọt mồ hôi máu của Chúa. Khi chúng con đang âu sầu buồn bã, thì hắn cười lên và nói đùa với hai người bị bệnh ho ra máu ở bên cạnh. Dù hắn khó thở, dù đang khổ sở vì nỗi đau của những người thân yêu, khuôn mặt tái mét của hắn đã đổi sắc… Chính lúc đó, ánh mắt hắn phản chiếu niềm vui của Chúa.

Khi con bị ám ảnh bởi hàng đống công việc bề bộn hoặc khi tình cảm của con bị tổn thương vì một cuộc cãi vã, khi con lâm bệnh hay lúc con thất vọng, làm sao hưởng được niềm hạnh phúc mà chính con không hề cảm nhận được? Lạy Chúa, làm sao tham dự vào niềm vui của Chúa đây?

Con cần phải khiêm tốn tập quên mình, tập « đừng coi mình là cái rốn của vũ trụ », « vì con yêu mến Chúa, và con xin giao tính ích kỷ của con cho Chúa », vì con đang nhìn Chúa: « con chỉ nhìn Chúa và tự nhủ mãi rằng Chúa rất hạnh phú c» (QPR,112). Nhân tiện chúng ta hãy nhớ cái thành ngữ kỳ lạ này « giao phó tính ích kỷ của con cho Chúa » : đó có phải một khám phá của người yêu Chúa?

Nhưng lạy Chúa, phải chấp nhận rằng tin là thua thiệt. Không phải tự nhiên mà con chắc chắn rằng Chúa yêu con và xác tín rằng Chúa hạnh phúc vô biên, khi mà các giác quan, cảm tính và trí nhớ của con tiếp nhận những vất vả và niềm vui rất cụ thể của cuộc sống. Cũng không dễ gì sống được điều mà anh Charles dặn dò em gái mình: « Khi đau khổ, em hãy nhớ đến niềm hạnh phúc của Trái Tim Chúa Giêsu. Hãy tự nhủ rằng: em muốn Chúa được hạnh phúc chứ không phải em được hạnh phúc, em yêu Chúa chứ không phải yêu bản thân em. Giữa những khổ đau, buồn phiền, những âu lo, xáo trộn và những thử thách của em, em hãy thưởng nếm cái hạnh phúc bất tận và không hề thay đổi của Người cũng như sự bình an bao la của Người » (ES, 226 - 227).

Lạy Chúa, Chúa mời gọi con phải vượt thắng bản thân để đạt được tính thích cho đi nhưng không này, để có được thái độ tâm linh vô vị lợi này! Phải trả giá bằng sự từ bỏ hoàn toàn! Con biết con có hạnh phúc nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc, con biết con có được hạnh phúc ấy nhưng lại không tìm cách cảm nhận nó! … « Tình yêu không hệ tại việc cảm nhận mình đang yêu, mà hệ tại việc muốn yêu » (LLM,205).

Lạy Chúa, khi nào con quên được bản thân con để phụng sự Chúa và anh em con, lúc đó Chúa mới ban cho con niềm vui, dẫu trước đó con đã không tìm kiếm.
 
*  *  *  *  *
 
Lạy Chúa, xin cho con vui vì thấy Chúa hạnh phúc chứ không nghĩ đến bản thân; vâng, cho dẫu điều ấy thật là khó! Nhưng khi con thấy anh em con đau khổ, nghe thấy những người nghèo khổ than vãn, rên xiết vì đau đớn và bất công, thì con phải bịt tai nhắm mắt lại sao?

Lạy Chúa, khi chiêm ngắm Chúa, con đã biết được giải đáp cho câu hỏi này. Chúa đã nói đi nói lại với con: « Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy » hoặc: « Ai thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha » (Ga 14,7-9). Chúa đã xử sự thế nào trước những đau khổ của nhân loại? Tin Mừng nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần rằng Chúa « đã chạnh lòng thương ». Các môn đệ Chúa đã thấy Chúa khóc trước mộ Lazarô và đầy lòng lòng thương xót đối với đám đông tuốn đến với Chúa. Qua bao thế kỷ Chúa đã rao báo một cách thật xác đáng: « Tất cả những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường…» (Mt 11,28-29). Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con trái tim của Chúa, và trái tim ấy biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa vô cùng hạnh phúc, thì Ngài không thể là một Thiên Chúa vô cảm được. Sống trong hạnh phúc vô biên, Thiên Chúa không thể dửng dưng trong sự siêu việt của Ngài được. Trái tim của Thiên Chúa vẫn đời đời đập mãi trong lồng ngực con người.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn thấy nỗi đau khổ của bà goá thành Naim, Chúa đã xúc động, và Chúa đã cho con bà sống lại. Chúa đã trao anh ta cho bà mẹ (Lc.7,12-15). Cử chỉ tuyệt vời này Chúa đâu có định trước, nó xuất phát từ sự nhiệt tình của trái tim Chúa, từ một « đức ái tinh tuyền ».

Con phải hăng say « thụ giáo Chúa », học những bài học của trái tim Chúa. Con như nghe được Chúa khích lệ: « Hãy xem Ta thương các con thế nào, Ta đau khổ, Ta thương xót, cảm thông biết bao với mọi nỗi thống khổ của con người, Ta đã từng thở than với người này, cùng khóc với người kia… Ta cảm thông với cảnh tang tóc, bệnh tật, lo lắng, đói khát, dốt nát, và nhất là tội lỗi của họ… Trái tim Ta thông cảm sâu xa với mọi nỗi khổ đau trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác… Lòng trắc ẩn góp phần cấu tạo nên tình yêu trong trái tim của từng người và làm nên tình yêu nhân loại. Ta đã dạy các con phải yêu thương tất cả các anh em mình, nên các con hãy cảm thông với mọi nỗi thống khổ, dù lớn hay nhỏ, hãy cùng đau khổ với họ về những gì đang làm họ đau khổ… Các con đừng bao giờ quên bổn phận của tình yêu là sự cảm thông… Các con đừng quên rằng Ta đã từng khóc, từng than thở, từng làm nhiều phép lạ mà không đòi người ta phải nài xin, khi làm sống lại những đứa con đã chết để trả về cho mẹ chúng. Ước gì vào giây phút cuối đời ai trong các con cũng có thể nói rằng: “ Có ai trong anh em phải khóc mà tôi đã không khóc với người ấy?” A! người nào nói được như thế sẽ được chúc phúc gấp nghìn lần » (CE,59-60). Lạy Chúa Giêsu, xin Trái Tim hằng sống của Chúa hãy dùng con để nối dài lòng thương xót Chúa đến với những người đang sống chung quanh con.

Nỗi thống khổ của nhân loại khơi dậy trong con lòng thương xót. Nhìn thấy sự ác, sự khốn cùng, cảnh bất công, con bị lôi cuốn dấn thân trừ khử chúng. Anh Charles đã chiến đấu chống lại tệ nạn nô lệ, và hành động trong sáng ấy đã liên kết chặt chẽ với một quả tim tinh khiết và an bình. Nơi trái tim ấy chan chứa một niềm vui « không ai có thể cướp mất được » (Ga 16,22). Ngay cả việc ý thức mình tội lỗi và tầm thường cũng không làm cho con buồn phiền: « Khó mà cản được buồn nản khi thấy sự dữ lan tràn khắp nơi… và khi thấy mình thật khốn nạn dù đã nhận được biết bao ân sủng… Dù vậy cũng không nên buồn sầu, mà hãy nhìn lên trên những gì đang xảy ra để hướng về Đấng chúng ta rất yêu mến, vì chúng ta yêu mến Người chứ không phải yêu bản thân ta […] Nếu Người hạnh phúc thì chúng ta cũng hạnh phúc » (LMB,163-164).

Nhận biết rằng đau khổ và hạnh phúc đồng thời hiện hữu trong tâm hồn chúng ta: một đệ tử của anh Charles mời gọi chúng ta nhận biết điều ấy: « Giáng Sinh là lễ hội vui tươi; nhưng điều đó không khỏi gây đau khổ cho một số người (trong chúng ta). Nỗi buồn và đau khổ là hai thứ rất khác biệt nhau. Nỗi buồn khiến ta co cụm lại vào vỏ ốc của mình, trong khi ta có quyền đau khổ, dẫu đang mừng đại lễ Giáng Sinh, khi nghĩ đến những người bị tù trong ngày ấy với những cực hình phải chịu, v. v… Dầu vậy anh em vẫn có niềm vui trong tâm hồn […]». Cũng thế, vào năm 1976, khi ngỏ lời với các chị em, Chị Magdeleine dòng Tiểu Muội đã làm nổi bật tư tưởng này của Anh Charles: « Chúng ta càng yêu, thì niềm vui và nỗi khổ của chúng ta càng mãnh liệt, cả hai đều cùng lớn lên » (LFT,160). Lạy Chúa Giêsu, Trái Tim Chúa chan chứa bao niềm vui và lòng thương xót! Lúc đó, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa đã tiên báo điều ấy khi nói về nỗi khổ và niềm vui: « Ngày ấy đến, anh em sẽ không còn phải hỏi Thầy điều gì nữa » (Ga.16,23).
 
---------------------- 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây