Ngày thứ ba

Thứ tư - 13/09/2017 04:04
Ngày thứ ba
 
CHÚA GIÊSU,
ĐẤNG CHÚNG TA YÊU 
MẾN 
 
 
«“Đến mà xem”, đó là lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với các tông đồ của Người cũng như với tất cả những ai khao khát nhận biết Người. Anh hãy khởi đầu bằng việc “đến” mà theo Thầy, bắt chước Thầy, thực hành những giáo huấn của Thầy, rồi sau đó anh “sẽ thấy”, sẽ hoan hỉ vì nhận được sáng lòng sáng mắt tuỳ theo mức độ anh đã thực hành … “Đến mà xem”: tôi đã thật sự chứng nghiệm được chân lý hàm chứa trong lời ấy ». (LHC,100).

« Trong mọi việc, các Tiểu đệ, Tiểu Muội Thánh Tâm Chúa Giêsu phải tập thói quen tự hỏi xem: nếu Chúa Giêsu ở vào vị thế của mình thì Người sẽ nghĩ gì, nói gì và làm gì, để rồi hành động y như vậy. Họ nổ lực không ngừng lấy cuộc sống của Chúa Giêsu ở Nazareth làm gương mẫu để ngày càng trở nên giống Người hơn. Cuộc sống của Người có đủ mọi mẫu gương cho tất cả mọi bậc sống. Càng bắt chước Người bao nhiêu ta càng yêu mến Người bấy nhiêu » (RD,614).

« Cuộc Tử Nạn, đồi Canvê, chính là biểu hiện siêu tuyệt nhất của tình yêu. Lạy Chúa Giêsu! chẳng phải để cứu chuộc chúng con mà Chúa phải chịu biết bao đau khổ sao? Hành vi của Chúa dù nhỏ nhất cũng mang một giá trị vô biên, vì đó là hành vi của Thiên Chúa, và chỉ một hành vi ấy cũng đã vượt mức đủ để cứu chuộc hàng ngàn thế giới… Nhưng Người đã chịu đau khổ nhiều như thế là để đưa chúng con, làm cho chúng con yêu mến Chúa một cách tự nguyện, vì yêu thương mới là phương thế mạnh mẽ nhất hấp dẫn được tình yêu; bởi chưng tình yêu mới chính là phương thế hữu hiệu nhất để làm cho mình được yêu… […] Vì Chúa đã tỏ tình yêu của Người cho chúng ta như thế, chúng ta hãy bắt chước Người biểu hiện tình của chúng ta ra với Người … Chúng ta không thể yêu Người mà không bắt chước Người, không muốn trở nên giống Người, làm những gì Người đã làm, chịu đau khổ và chết đi trong đau đớn. Chúng ta không thể vừa yêu mến Người lại vừa muốn đội vương miện kết bằng hoa hồng trong khi Người đã phải đội mão gai » (MSE,250).

Kìa Chúa và các tông đồ đang họp nhau ăn mừng lễ Vượt Qua. Lạy Chúa Giêsu, dẫu ông Phêrô có ngơ ngác và phản đối, Chúa vẫn đến với từng tông đồ để lặng lẽ rửa chân cho họ. Khi về lại chỗ ngồi nơi bàn tiệc, Chúa đã giải thích cho các ông việc Chúa vừa mới làm, cũng là giải thích cho tất cả chúng con: «…Nếu Thầy là “Thầy” và là “Chúa” mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà » (Ga 13,12-16). Bằng những lời cuối cùng ấy, Chúa nhắc các tông đồ nhớ lại câu châm ngôn tương tự Chúa nói với họ trong những ngày đầu họ mới đến theo Người: « Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi » (Lc 6,40).

Như vậy, vào lúc khởi đầu cũng như vào cuối cuộc sống công khai của Chúa, Chúa đều mời gọi chúng con bắt chước Chúa. Làm môn đệ Chúa, làm Kitô hữu, chính là muốn bắt chước Chúa. Chúa mời gọi tất cả mọi người làm điều ấy, từ giáo hoàng cho đến các tín hữu vô danh nhất.

Lạy Chúa Giêsu, quả thật, không có điểm nào giống nhau giữa môn đệ của Chúa và loại đồ đệ sùng bái một nhân vật thời quá khứ. Không, lạy Chúa, Chúa là Đấng hằng sống và mỗi người chúng con đều có một quan hệ riêng với Chúa. Sau phục sinh, khi đặt Phêrô – người môn đệ đã chối Chúa – làm thủ lĩnh các tông đồ, Chúa chẳng hề trách cứ ông, cũng chẳng hỏi xem ông có đồng ý với một học thuyết hay môt chương trình nào không, và cũng chẳng hỏi han xem ông có những khả năng gì, Chúa chỉ hỏi ông một câu duy nhất này là: « Anh có yêu mến Thầy không?»

Chiêm ngưỡng cảnh tượng ấy, con nghe thấy lời Chúa vang vọng trong con. Và con muốn quì dưới chân Chúa để tha thiết thân thưa với Chúa: « Vâng, lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con yêu mến Chúa ». Con muốn yêu Chúa bằng thứ tình yêu không dựa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng dẫn đưa con theo dấu chân Chúa mỗi ngày, vì Chúa làm gì được với những kẻ chỉ biết lặp đi lặp lại câu «Lạy Chúa, lạy Chúa» rồi tự hài lòng về điều ấy. Anh Charles viết: « Tình yêu và sự bắt chước không thể tách rời nhau. Ai yêu thì cũng đều muốn bắt chước: đó là bí quyết của đời tôi. Tôi đã tha thiết yêu mến Đức Giêsu Nazareth chịu đóng đinh cách đây 1900 năm, và tôi dành cả đời để cố gắng bắt chước Người » (LGT,159).

Lạy Chúa, con phải bắt chước Chúa đến đâu? Chúa chờ đợi gì nơi con? Con biết rõ là « càng bắt chước bao nhiêu là càng yêu mến bấy nhiêu ». Xin giúp con yêu Chúa hết lòng, « được đồng hình đồng dạng với Chúa-chí-ái là một nhu cầu mãnh liệt của trái tim » (OS,602). Thành thực mà nói, con chẳng dám gọi Chúa là « Anh-đáng-mến của con » như Anh Charles vẫn quen gọi như thế, vì có một sự cách biệt đáng tiếc giữa lời nói hăng hái với cách sống đáng trách của con. Trái lại, tình bạn Chúa dành cho chúng con lại rất phong phú và thành tín. Thập giá của Chúa chính là « biểu hiện siêu tuyệt nhất của tình yêu » mà Chúa tỏ ra cho con hôm nay và trong mỗi Thánh lễ biểu hiện ấy lại được gợi lại một cách rõ rệt: « Ta đã yêu con trước khi con sinh ra. Ta đã cho con biết rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ tình yêu rõ ràng hơn là hy sinh chính sự sống mình cho người mình yêu. Bằng chứng ấy, Ta đã làm cho con, cho chính con, kẻ Ta chọn làm bạn hữu. Này là mình Ta đã bị nộp vì con, này là máu Ta đã đổ ra vì con, vì các con, vì tất cả mọi người…» Những lời ấy có thường bị sự xôn xao trong đời sống của con át đi không? Lẽ nào con lại quên rằng Thánh Thể là một điểm hẹn của tình yêu sao?

Để nên giống Chúa, vấn đề không phải là sao y nguyên bản, vì điều ấy không thể làm được: con có làm thợ mộc và có sống tại Palestine đâu! con di chuyển bằng tàu siêu tốc chứ đâu phải bằng xe lừa kéo! (xem CE,30). Để biết được nếu ở vào vị trí con, Chúa sẽ nói gì, làm gì, thì con phải thấm nhuần tinh thần của Chúa đến độ tinh thần ấy có thể biểu lộ ra nơi con một cách tự nhiên. Điều đó không hệ tại việc gắn bó với một chương trình hoặc tuân thủ theo một nguyên tắc nào, mà là trở thành một Giêsu khác, vừa giống mà lại vừa khác. Đôi khi con mơ mình là cái « mặt nhật », như Cha Huvelin đã nói với Anh Charles: «cho người ta thấy Chúa Giêsu» ở bất cứ nơi nào con sống. « Con muốn mình đủ tốt lành để người ta nói lên được rằng: tôi tớ mà tốt như vậy, thì chủ còn tốt hơn biết bao!» (CT,189).

Để thấm nhuần tinh thần của Chúa, con chỉ biết có một cách mà Anh Charles khuyến khích, đó là: chiêm ngắm Chúa, lắng nghe Chúa, bằng cách đọc Phúc Âm mỗi ngày: « Hãy dành thời gian đọc lấy vài hàng trong các sách Tin Mừng […]. Hãy thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu bằng cách đọc đi đọc lại, nghiền  ngẫm lại hoài lời nói và gương sáng của Người: lời và gương của Người phải tác động trên tâm hồn ta tương tự như nước nhỏ giọt xuống mãi một chỗ trên mặt đá » (LLM,166-167). Vì Thiên Chúa sẽ « dựa vào Tin Mừng, lời nói, gương mẫu, các lời khuyên, và các  giáo huấn của Chúa Giêsu » mà xét xử mọi người (MSE,478).

 
 * * * * *
 
 
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa mời gọi con kết hợp với lời cầu nguyện của Anh Charles, con ước ao được như Anh sống những ngày này để « bầu bạn với Chúa ». Anh nói: « Tại sao tôi muốn bước vào đời sống tu trì? ­– Là để được bầu bạn với Chúa Giêsu thân mật chừng nào có thể trong những nỗi thống khổ của Người » (LMB,22). Sau này, chính nhờ sống mật thiết như vậy, mà Anh hiểu được sâu sắc sự kết hợp hoàn toàn với Chúa là thế nào và người ta không thể bầu bạn với Chúa mà không hiệp nhất với ý muốn cứu độ của Người. Và nỗi đam mê ấy không chỉ thôi thúc Anh cầu nguyện và ăn năn sám hối vì phần rỗi của nhân loại, mà còn dẫn đưa anh dấn thân thật sự để sống giữa « những tâm hồn bị bỏ rơi nhất, bị hất hủi nhất ». Bầu bạn với Chúa ư, thật là một chương trình tuyệt vời! Chúa đang chiếm vị trí nào trong cuộc đời con đây? Có phải

Chúa là người con yêu thương nhất trong số những người con yêu mến nhất trên đời không? Mỗi tuần, mỗi ngày, con sống với Chúa được bao lâu? bằng cách nào? Bằng hàng trăm cách. Trước hết là trong những giây phút im lặng cầu nguyện, lúc đó con chẳng làm gì khác ngoài việc được ở với Chúa, được « mất thì giờ » cho Chúa một cách không tính toán, để tôn vinh Chúa; lúc đó con lập đi lặp lại là con cảm phục Chúa, con là bạn của Chúa, là người em út của Chúa; lúc đó con chẳng mong mỏi điều gì khác hơn là làm cho Chúa hài lòng, trong tinh thần « hoàn toàn quên mình, để chỉ còn vì Chúa mà thôi » (MSE,428).

Có những lần đang chiêm niệm một cảnh trong Tin Mừng, con tưởng tượng mình nhập vào đám người trong cuộc, con say mê lắng nghe những điều Chúa nói với đám người ấy, hoặc tiến thật sát đến bên Chúa, con cố cảm thông với những gì Chúa đang cảm nhận, cố rung cảm đồng nhịp với niềm vui hay cơn giận của Chúa, và cùng đi với Chúa hết ngày này sang ngày khác, giờ này qua giờ khác, trong những tuần lễ cuối cùng cuộc đời trần gian của Chúa, cùng nhận lời mời đi với Chúa đến làng Bêtania, được cùng chịu đau khổ với Chúa dưới chân thập giá… Nhưng khi chiêm niệm như vậy, con chẳng nhằm một lợi ích riêng nào, cũng chẳng nhằm chu toàn một bổn phận nào. « Con không muốn suy niệm vì lợi ích của con hay của bất cứ thụ tạo nào, mà chỉ muốn làm để tôn vinh Chúa, để an ủi Chúa hết sức có thể » (QPR,107). Mỗi lần suy niệm để tôn vinh Thánh Tâm Chúa là như con đặt một bông hồng lên bàn thờ trong nguyện đường của con.

Dĩ nhiên, có những ngày vì quá bận rộn với công việc, con không dành cho con được phút nào, và cũng không dành cho Chúa phút nào cả! Chẳng phải trong đời sống công khai của Chúa, Chúa cũng từng gặp trường hợp y như vậy sao? những ngày mà người ta chen chúc xô đẩy nhau chung quanh Chúa, lúc đó Chúa và các tông đồ không có thì giờ để ăn uống, hoặc những ngày mà thân tộc của Chúa cho rằng Chúa mất trí. Tuy nhiên, Chúa biết lui ra một mình và dành ra hàng giờ để cầu nguyện với Chúa Cha. « Người ra đi, lui vào một nơi vắng vẻ và cầu nguyện » (Mc 1,35). Còn con, có thật là hôm khác con đã không có được một phút rảnh nào chăng? Hay con đã phí đi bao thì giờ xem truyền hình? Con không thể bắt chước Chúa cầu nguyện trong cô tịch sao? Cùng cầu nguyện với Chúa khi Chúa cầu nguyện với Cha bộ khó lắm sao? « Xin đừng để con mất đi những phút giây diễm phúc được diện đối diện với Chúa! » (MSE,246).

« Vậy, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu bằng tình yêu, hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu bằng tình yêu, và trong mọi sự hãy hành động bằng tình yêu của Chúa Giêsu…» (MSE,264).
 
†  

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây