Ngày thứ tư

Thứ tư - 13/09/2017 04:08
Ngày thứ tư
 
SỐNG KHÓ NGHÈO
VỚI CHÚA GIÊSU


« Lạy Chúa Giêsu, những ai yêu Chúa hết lòng sẽ mau trở nên nghèo vì họ không thể chịu nổi cảnh sống giàu sang hơn Đấng-mình-yêu được! Lạy Chúa Giêsu, người nào nghĩ rằng tất cả những gì mình làm cho một trong những kẻ bé mọn tức là làm cho Chúa, và tất cả những gì mình không làm cho những kẻ ấy tức là không làm cho Chúa, thì người ấy sẽ trở nên nghèo một cách nhanh chóng và người ấy cũng sẽ tuỳ khả năng mà xoa dịu mọi nỗi thống khổ cho họ! … Ai tin tưởng đón nhận những lời này của Chúa, là: “ nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy bán hết những gì anh có và phân phát cho người nghèo… phúc cho những ai nghèo khổ […] người ấy sẽ mau trở nên nghèo khó biết bao!

« Lạy Chúa, con không biết làm sao những kẻ nhìn thấy Chúa sống nghèo khổ, mà lại có thể tiếp tục ung dung sống giàu sang, tự coi mình lớn hơn cả chủ mình, Đấng-chí-ái của họ? Làm sao họ lại không muốn nên giống Chúa khi họ có thể làm được điều ấy, và nhất là giống Chúa trong việc tự hạ? Con muốn họ yêu mến Chúa, nhưng lạy Chúa, con cho rằng tình yêu của họ còn thiếu một thứ gì đó. Phần con, dù sao con cũng không thể quan niệm được tình yêu mà không có nhu cầu, một nhu cầu bức thiết được nên đồng hình đồng dạng, được nên giống với người mình yêu […] Được giàu có, thoải mái, được sống êm ả với những của cải của mình, trong khi Chúa lại sống nghèo khố, chật vật, sống vất vả nhọc nhằn! Riêng con, lạy Chúa, con không thể, không thể yêu Chúa kiểu ấy được…» (DP,174-175).

« Các Tiểu Đệ và Tiểu Muội Thánh Tâm nên nhớ rằng, muốn kết hiệp với Thánh Tâm Chúa Giêsu, cần phải có cùng những sở thích như Người. Chúa Giêsu đã không nguyền rủa những người giàu có, và Người cũng có những người bạn giàu có, nhưng Người không ca tụng sự giàu có; Người đã ca tụng sự nghèo khó… Phần Người, Người đã chọn gì cho mình? Tâm hồn Người có những sở thích nào? […] Các Tiểu Đệ và Tiểu Muội hãy cân nhắc xem lời khuyên của một Vị Thiên Chúa giá trị dường nào; hãy cân nhắc xem mẫu gương của Người giá trị đến mức nào; hãy cầu nguyện và suy nghĩ để nhận biết Thiên Chúa muốn gì nơi mình đặc biệt trong vấn đề sống khó nghèo… để luôn luôn đặt trước mắt mình Mẫu Gương Duy Nhất, “ Anh thợ mộc con bà Maria ”…» (RD,621,622).

Lạy Chúa, chàng trai trẻ đến với Chúa ấy đã làm Chúa hài lòng ngay vì tính tình ngay thẳng cũng như lòng chân thành tìm kiếm của chàng. Và chính vì lòng tốt Chúa mới khuyên chàng: « Anh chỉ còn thiếu có một điều là hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi ». Nhìn thấy chàng trai buồn bã bỏ đi, Chúa kêu lên trước mặt các tông đồ: « Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! » (Lc.18,22-24).

Với Anh Charles, Chúa Giêsu giữ một vai trò sống động đến độ phá luật thời gian: khi cầu nguyện, Anh hành xử như người sống đồng thời với Chúa Giêsu khi Người sống tại thế. Anh chiêm ngắm Người, lúc Người còn là trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ ở Bê-lem, và cùng đồng hành với Người sang Ai Cập lánh nạn; « khi ấy chúng ta sẽ già đi tới 30 năm và cùng bước vào sa mạc ở trạc tuổi bốn mươi » (LFT,171); Anh có vẻ như đã nhìn thấy Người đang gò mình lao động trong xưởng thợ Nazareth, kiếm sống bằng lao động chân tay, rồi sau đó sống nhờ những thứ người ta cho. Anh như thấy được Người đang trần trụi trên thập giá… Và – bằng tất cả tình yêu nồng nàn – Anh cảm thấy được thúc đẩy đến chia sẻ sự nghèo khó với Người, cùng chia sẻ với Ngài « tất cả những khổ nhục, những nỗi khó khăn, những khắc nghiệt của cuộc sống… tất cả mọi thập giá ».

Mẫu gương khiêm tốn kỳ diệu của Đấng « đã đến sống giữa con người như một kẻ trong họ… như một con người bị xem thường, bị khinh miệt », chẳng phải để dạy chúng ta giảm đi sự hào nhoáng của những gì là vĩ đại nơi con người và mãnh lực của của cải đó sao? « Ngay từ lúc mới sinh ra, Người liên tục dạy dỗ và rao giảng cho chúng ta về sự nghèo khó, hèn hạ, đau khổ… bằng chính gương sống của Người ». Sau này, « vì Người trở nên như một người thợ mạt hạng … (nên tôi cũng phải) trở nên nhỏ bé như Thầy mình, để được ở cùng Người, đi theo Người, từng bước, trong tư thế của người tôi tớ trung thành, người môn đệ trung thành… người em trung tín » (DP,52-53). Thực ra, người ta có thể mô tả toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu như một bước đi xuống: « Người chỉ một mực đi xuống mà thôi: đi xuống bằng cách nhập thể, trở thành trẻ con, bằng vâng phục, bằng cách trở nên… nghèo khó, bị bỏ rơi, bị lưu đày, bị bách hại, chịu nhục hình, bằng cách luôn luôn ở vào chỗ rốt hết » (VN,208).

Lạy Chúa Giêsu, này con đây, con đang sống giữa thế kỷ XX và cũng đang từng bước theo Chúa, noi gương Chúa sống nghèo khó. Và, nếu được ở trong đám những kẻ đến với Chúa bên bờ hồ hay trên sườn núi xưa, để nghe Chúa cổ vũ sống nghèo khó, lựa chọn giữa Thiên Chúa hay tiền bạc, bán hết của cải và bố thí cho người nghèo, thì thú thật con sẽ nghe một cách hết sức ngao ngán. Đâu phải ai trong chúng con cũng muốn làm đan sĩ hay đi tu dòng kín cả đâu! Để thực hiện tinh thần nghèo khó, Chúa muốn chúng con làm gì đây? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biết thế nào là cuộc sống gia đình, Chúa đã sống « giữa thế gian », xin hãy soi sáng cho con, cho con mạnh dạn và quảng đại – nếu Chúa thấy điều đó là cần thiết – để xét lại lối sống của con! Nếu con phải tỏ ra lo xa, phải tự bảo vệ mình bằng đủ mọi cách bảo đảm và ngay cả phải dành dụm tiết kiệm đi nữa, thì xin cho con đừng quên tín thác vào Sự Quan Phòng của Chúa, và khi toan tính việc gì, xin đừng để con gạt bỏ hoàn toàn những tâm tình phó thác ấy, cho dù sự phó thác ấy có vẻ như dại dột!

Bất kể con được kêu gọi sống nghèo khó dưới hình thức nào, có một điều chắc chắn là nếu con yêu anh em mình, thì con không thể giàu có được. Con nghĩ rằng khi mở cửa cho bất kỳ ai bất hạnh đến gõ cửa nhà con, thì đều là mở cho chính Chúa. Và cho dẫu người bất hạnh ấy không ở gần nhà con, cho dẫu người ấy ở phía bên kia trái đất, đang chết vì đói khát hoặc ốm đau vì phung hủi, thì người ấy vẫn cứ là anh em của con. « Khi người ta yêu mến tha nhân, thì kết quả đầu tiên của tình yêu ấy chính là chấp nhận nghèo đi để đỡ nâng họ… Sự nghèo khó, tình yêu tha nhân, hai nhân đức ấy gắn bó với nhau biết bao! » (PFJ,88).

Chúng ta đã nhận một cách nhưng không, nên chúng ta cũng phải cho đi một cách nhưng không (x. Mt 10,8) « bằng cách sẵn sàng cho tha nhân sử dụng tất cả những của cải của tâm hồn và thân xác ta, tất cả những gì ta có và tất cả những gì ta là » (PFJ,34). Chúng ta chỉ là người quản lý của cải vật chất. « Hãy tự coi mình là những tôi tớ, chịu trách nhiệm giữ cho chủ những của cải mà ông đã ủy thác » (RD,623).

Lạy Chúa Giêsu, con không thể trốn tránh những đòi hỏi của Chúa. Dẫu con có quay mặt lại với Chúa, có gấp cuốn Tin Mừng lại đi nữa, thì Chúa vẫn đến với con nơi những người anh em con. Con vẫn hằng gặp Chúa trên đường con đi. Con muốn sống quảng đại, nhưng điều Chúa đòi hỏi nơi con, con thú thật quả là khó! Có lẽ nếu con yêu Chúa nhiều hơn, con sẽ thấy điều đó trở nên dễ dàng hơn!

 
 
* * * 

Khi Đan viện phụ cho phép anh Charles rời khỏi dòng Trappe, Anh đã có những thệ nguyện tư, đặc biệt thệ nguyện « sống nghèo khó trọn đời, Anh cam kết rằng sẽ không bao giờ có nhiều thứ hơn một người thợ nghèo có thể có, về tư hữu cũng như về quyền sử dụng » (VN,28). Như vậy, có một điều mới mẻ đang nẩy mầm sẽ làm đảo lộn đời sống tu trì: từ việc sống nghèo khó theo luật định chuyển sang việc sống nghèo khó vì tha nhân. Như thế, người ta chẳng những từ khước mọi quyền tư hữu cá nhân mà còn dấn thân sâu xa hơn nữa, là « sống chính đời sống của người nghèo » (MSE,199). Chính Anh Charles đã tự buộc mình sống như vậy khi viết ra những suy niệm của Anh sau đó mấy tháng: « Chúng ta phải sống nghèo khó như Chúa Giêsu, nghĩa là sống như những người nghèo, không nơi nương tựa, không cơm ăn áo mặc, và rốt cuộc là không có một thứ của cải vật chất nào, mà chỉ có những nhu cầu y hệt như những kẻ nghèo khố. Đừng sống khó nghèo theo qui ước, mà sống nghèo thật sự như người nghèo » (MSE,285). Các tu sĩ nam nữ, những người coi Anh Charles như Cha của họ, tất cả hậu duệ tinh thần đông đảo của Anh, đều nỗ lực thực hiện lời khuyên được linh ứng ấy tuỳ hoàn cảnh.

Lạy Chúa Giêsu, không vì nhắc tới những người nghèo khổ của thời đại mà con xao lãng việc cầu nguyện, nhất là không quên Chúa, là người sống rất gần gũi người nghèo. Những người nhỏ bé, bệnh tật, trẻ con, tất cả những ai bị người đời hay khinh thường, đều là những người được Chúa ưu ái. Hình thức nghèo khó mà Anh Charles đòi hỏi các Tiểu đệ và Tiểu muội – là những người Anh đã mong chờ họ đến cho đến lúc Anh qua đời – phải sống làm sao để những người nghèo khổ cảm thấy thoải mái vì cảm nhận được tình huynh đệ nơi họ.

Ơn gọi của chúng ta mỗi người mỗi khác – và chúng ta không được xét đoán ai – nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống mối phúc thật của « những người có tâm hồn nghèo khó » và sống tinh thần tự do của những người đã từ bỏ mọi sự (Lc 14,33). « Từ bỏ với tất cả tâm hồn, siêu thoát bằng tất cả con tim, nghèo khó từ trong tinh thần, không bị sự gì ràng buộc, đó là điều tuyệt đối cần thiết để trở nên môn đệ Chúa Giêsu » (PFJ,92). Phải chăng con đang ảo tưởng rằng con đã thật sự có tâm hồn nghèo khó? Nếu những kẻ bị bóc lột, bất hạnh, đau khổ, thấp cổ bé miệng, bị khai trừ, đều cảm thấy thoải mái khi sống với con, y như họ cảm thấy thoải mái khi sống với Chúa Giêsu, thì đó mới là bằng chứng chứng tỏ con thật sự nghèo khó.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì con «đừng bao giờ ra khỏi hàng ngũ những người nghèo khó, khiến con không còn là anh em, là bạn đồng hành của họ nữa» (MSE,263) hầu được luôn luôn «thuộc về Chúa». Xin giúp con mặc lấy những tâm tình của Anh Charles khi Anh ở trong căn lều ở Nazareth, Anh đã đặt hết tâm hồn vào lời kinh xin đức khó nghèo, kinh này khởi đầu bằng việc nói về tình yêu: «Lạy Chúa Giêsu, ai yêu Chúa hết lòng thì đều nghèo đi nhanh chóng mà chẳng hề lấy thế làm đau khổ vì thấy mình vẫn còn giàu có hơn Đấng mà mình yêu thương». 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây