Thư chung số 110 - 11/2019

Thứ hai - 28/10/2019 10:48
Thư chung số 110 tháng 11/2019
Thư chung số 110 - 11/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 110 / Năm IX
                     * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 11/ 2019
-------------  

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (4)

 
Phan Rang, ngày 20.10. 2019
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
           Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

 
          Chúng ta lại bước vào tháng cầu cho các đẳng linh hôn nơi luyện ngục. Nói đến tháng 11 là phải nhắc lại Mầu Nhiệm hiêp thông trong Hội Thánh. Giáo Hội dạy Hội thánh gồm toàn thể các tín hữu sống rải rác trên toàn thế giới cùng hiệp nhất với Đức Thánh Cha, các Thánh ở trên trời và các đẳng linh hồn trong luyện ngục, tất cả cùng hiệp thông với nhau trong thân mình mầu nhiệm Chúa Giêsu. Các Thánh trên trời chuyển cầu cho chúng ta và các đẳng; chúng ta chia sẻ cho nhau và cho các đẳng các ân phúc qua việc chuyển cầu, qua việc dâng lễ và lãnh nhận các bí tích, ân xá do các việc đạo đức (kinh nguyện, hy sinh hãm mình, việc bác ái…) để Chúa sớm đứ các linh hồn về hưởng nhan thánh chúa. Và khi đó họ đu7ơcj gia nhập vào hàng Chư Thánh và sẽ chuyển cầu ơn Chúa cho chúng ta. Xin anh chị em tích cực đang các kinh nguyện và các việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn trong luyện ngục. Đây là những việc bác ái rất đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ.
 
          Tháng này chúng ta sẽ cùng với Sr Giồng tiếp tục nghiên cứu thêm về 2 nhu cầu căn bản nữa đó là nhu cầu hoàn thiện bản thân và nhu cầu cần được tin tưởng để kết thúc bài chia sẻ chất lượng cao và rất hữu ích của Soeur cho dời sống thánh hiến của chúng ta.
 

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (tiếp theo và hết))

 
Nhu cầu hoàn thiện bản thân
 
          Khi giúp mỗi thành viên tận dụng tối đa các nén vàng Chúa trao hay các tiềm năng của mình là thực hiện mong muốn của Đức Kitô như Ngài đã bày tỏ qua dụ ngôn các nén bạc (Mt 25/14-30). Ngay cả trên phương diện tự nhiên của con người, vẫn luôn có nhu cầu tự hoàn thiện bản thân. Đây là mức cao nhất trong hệ thống phân loại nhu cầu của Maslow. Nhu cầu này bao gồm thực hiện mục đích của mình, sáng tạo, thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, làm cho tiềm năng phát triển tới mức độ tối đa. Nhu cầu hoàn thiện bản thân diễn ra trong suốt đời, nó chỉ xuất hiện khi các nhu cầu dưới nó được đáp ứng trong những chừng mực nhất định. Các nhu cầu cơ bản càng được đáp ứng thì càng tạo ra động lực sáng tạo và tự hoàn thiện ở mỗi cá thể. Trái lại, nếu những nhu cầu bậc thấp chưa được thỏa mãn thì chúng sẽ hối thúc con người hành động khi chúng chưa được đáp ứng…. điều này có thể đưa đến một số lệch lạc trong các hành vi. Đây có thể là nguyên nhân của một số hành vi “lạ đời” và khó hiểu của một số tu sĩ, đặc biệt của những ngưởi ở tuổi về chiều?
 
          Thiết nghĩ trong môi trường tu trì, nhu cầu trở nên hoàn thiện nhân bản sẽ làm nền cho việc hoàn thiện đời sống siêu nhiên.
 
Nhu cầu cần được tin tưởng
 
            Sự tin tưởng, yếu tố tối cần trong các mối tương quan: tình bạn, tình yêu, đồng nghiệp…  Sự tin tưởng luôn cần thiết trong bất cứ mối quan hệ nào. Nếu thiếu sự tin tưởng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự bình yên và thanh thản nội tâm, nhất là trong hôn nhân, trong gia đình. Còn trong cộng đoàn tu trì thì sao? Chắc chắn đó là yếu tố cốt lõi như xương sống của một cơ thể, như cốt sắt trong khối bê tông để giữ vững ngôi nhà. Sự tin tưởng chính là khung nối kết để các thành viên có thể chung vai xây đắp ngôi nhà chung là gia đình, cộng đoàn cũng như dòng tu, nhất là khi người ta sống chung quá gần gũi sát cánh bên nhau.
 
           Gia đình mà không tin tưởng nhau thì rạn nứt và đổ vỡ chỉ là yếu tố thời gian. Cộng đoàn thiếu tin tưởng thì sẽ tạo nghi ngờ, xa cách và sau đó là chia rẽ, là phe cánh. Thiếu tin tưởng là nguyên nhân đầu tiên tạo mối nghi ngờ, và sự suy diễn là điều khó tránh theo sau khiến cho cuộc sống trở nên “tuy gần mà xa”. Kết quả là sống bên nhau nhưng thường xuyên cảm thấy lạnh lùng, đơn côi và không có hoặc ít khi cảm thấy hạnh phúc thật sự.
 
          Nhiều lần tôi tự hỏi đâu là nguyên nhân tạo nên sự thiếu tin tưởng? Chắc mỗi người mỗi cảnh, mỗi nhà mỗi cách khác nhau nhưng có vẻ như do sư ghen tuông, cạnh tranh, đố kỵ và thiếu lòng khoan dung, thiếu tình thương chân thành với nhau và nhất là thiếu tình Chúa. Khi tình người đã thiếu thì tình Chúa cũng lu mờ và ngược lại mà gây ra chăng? Các thành viên trong nhà tu thiếu mặc lấy tâm tình của Đức Kitô?  Dù đã rời cha mẹ, xa người thân để cùng theo Đức Kitô, nhưng một số tu sĩ dường như đã quên rằng“Tình yêu chúa Kitô đã đoàn tụ hợp nhất chúng ta”, quên đi chiều kích siêu nhiên mà chỉ sống với bản năng của con người tự nhiên.
 
          Nếu không bao giờ tin tưởng một ai, chúng ta đang làm cho cuộc sống mình mất ý nghĩa và những khoảng cách luôn xuất hiện trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó là thái độ dè chừng, đề cao cảnh giác, nghị kỵ lẫn nhau. Thường tình, một khi đã mang cái bệnh nghi ngờ rồi thì dù cho người kia có thề thốt hay có làm gì thì cũng khó thay đổi suy nghĩ của mình. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng người kia đáng tin chúng ta mới lắng nghe và tin tưởng họ một cách chân thành.
 
        Có bao giờ chúng ta cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì không được tin tưởng? Nhiều nơi, sự thiếu tin tưởng được thấy rõ nét hơn đối với những người trẻ. Có những phụ huynh cũng như người có trách nhiệm trên giới trẻ nghĩ rằng “trứng không khôn hơn vịt” được. Chúng ta cũng đừng quên câu nói: “hậu sinh khả úy” và cũng đừng coi thường “nghé con”. Họ đầy năng lực, sáng tạo và không sợ nghịch cảnh. Nếu người lớn đặt niềm tin vào người trẻ, họ sẽ tự tin hơn để đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, và sẽ đem hết sức ra để cống hiến. Không tin tưởng người khác sẽ đem lại thiệt hại cho cả đôi bên. Vì không ai có thể thành nghiệp lớn, cũng không ai có thể trở thành vĩ nhân nếu không được người khác đặt hết niềm tin nơi họ. Mặt khác, nếu tin tưởng người khác, thì họ mới tin tưởng và trung thực với mình
 
        Tôi nhớ có lời khuyên: “Hãy lấy phong độ của một vĩ nhân mà đối với người khác thì họ mới có thể biểu hiện ra cái phong độ vĩ nhân mà họ có với bạn”. Lòng tin cũng chính là bàn đạp thực tế. Cầu thủ trẻ Varance đang lên người Pháp mới đây đã lên tiếng cảm ơn thầy và anh đã phát biểu với báo giới: “Tôi cần phải cảm ơn huấn luyện viên của tôi, với việc ông ấy đã tin tưởng và đem lại cho tôi sự tự tin. Chính ông ấy đã giúp tôi phát triển thêm về mặt năng lực.” Trong thực tế còn biết bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi, đã vươn lên nhờ đã có người thật sự tin tưởng vào mình. Các nhà tâm lý thường chủ trương: “Cứ tin đi rồi người ta sẽ trở nên đáng tin, và trái lại….” Qua quá trình cuộc sống, tôi thấy điều này khá đúng, dĩ nhiên cũng có luật trừ vì đời này có gì tuyệt đối đâu?
 
        Trên phương diện nào cũng thế thôi, niềm tin tạo sức mạnh và đem lại cho mỗi người lòng tự tin và niềm vui sống. Vậy chúng ta, những người thánh hiến đã bỏ mọi sự để theo Chúa, để cùng sống, cùng làm và cùng tìm Chúa với nhau, nếu chúng ta không tin anh chị em mình thì tin ai? Vẫn biết, có những lúc sự yếu đuối của anh chị em mình làm cho chúng ta mất niềm tin nơi họ, nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc tạm thời thôi. Chúng ta cần phải tin vào thiện chí và tính hướng thiện của mỗi anh chị em mình thì tình huynh đệ mới mong cải tiến lên được.
 
          Sống với nhau là một nghệ thuật, có lẽ chúng ta cần học cách sống chan hòa của thiên nhiên như bài thơ sau đây đã diễn tả;
Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau.
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau.
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau.
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau.
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau.
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn vào nhau.
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả…

(Hỏi – Hữu Thỉnh – Cùng ý với thơ của Christa Reining)
 
          Tại sao, tại sao con người lặng thinh không trả lời? Nếu là câu hỏi được đặt khác đi – Tôi hỏi tu sĩ, các vị sống với nhau như thế nào,chúng ta trả lời sao đây?  Xin dành câu trả lời này cho mỗi chúng ta, những người sống  đời thánh hiến!
 
          Cuộc sống, con người và đời thánh hiến là những chủ đề mênh mông, vô hạn. Lần này chỉ xin được đề cập đôi nét mà theo thiển ý và sự chủ quan của mình, tôi thấy dường như cần chú ý hơn một chút để đời Thánh hiến của mỗi chúng ta thêm sức sống và “sống dồi dào” vì chúng ta là những người được yêu, được chọn giữa muôn người. Và nếu anh chị em nào còn cảm thấy đời tu nặng nề, nhiều Thánh giá thì xin tự an ủi mình với câu chuyện Con bò khoẻ và con bò yếu sau đây:
 
          Đệ tử của một đạo sĩ Do thái thưa với thầy mình rằng: Thưa thầy, tại sao những người lành lại phải đau khổ hơn những người xấu?
Vị đạo sĩ trả lời: Hãy nghe đây! một người nhà nông có hai con bò, một con khoẻ và một con yếu, ông ta sẽ đặt ách kéo cầy lên con nào? Chắc chắn là trên con khoẻ.
Vị đạo sĩ kết luận: Chúa là Đấng hay thương xót cũng hành động như thế. Để kéo thế giới tiến tới, Ngài đặt ách lên những người tốt.”
 
          Có lẽ không mấy ai dám nhận mình là người tốt, nhưng nhận mình là người được yêu thì chắc chúng ta không ngại. Trước những khó khăn trong đời tu tôi vẫn thường nghe tu sĩ an ủi nhau: “Chúa yêu thương ai, Ngài thường gởi thánh giá đến cho người đó.” Có lẽ cần có một đức tin mạnh mẽ mới có thể chấp nhận điều này trong bình an. Xin Chúa thương và ban thêm đức tin cho chúng ta vì chúng ta là những “con người” quá bất xứng trước tình Chúa như lời của ca khúc Xin thương xót con đã diễn tả:
 
Theo Chúa nhưng con sợ thập giá đời,
Con mong thỏa hiệp với tình trần gian.
Con đến với Ngài nhưng lòng còn mơ,
Mơ theo thói đời quyền thế, bạc tiền,
Theo Chúa nhưng con còn thường ngoảnh lại…

Ngài vác thập giá, còn con đứng nhìn,
Ngài tìm thiên ý, còn con tìm mình…
 
          Chúng ta là những con người của cõi tục mà muốn vươn lên cõi thiêng, chắc chắn con đường ấy chẳng trơn tru vì “Ai muốn theo ta, thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Lc 9/23). Nhưng “ơn Ta đủ cho con”, (2 Cor 12/9)  “Ta sẽ ở với các con mọi ngày…”( Mt 28/20). Vâng, tin vào Lời Ngài, chúng ta an tâm tiến bước.
 
*****
 
Cuối cùng, xin được nói lên một lời tạ lỗi với anh chị em, những người đang nỗ lực sống đời thánh hiến, nhất là xin tạ lỗi với những thế hệ sau tôi vì những gì tôi chia sẻ, dù chỉ vài nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh của đời tu nhưng cũng có thể làm phiền lòng một số người. Khi đề cập tới một một số điều yếu đuối của con người, tôi thừa nhận mình cũng chia sẻ thân phận ấy chứ không như một người nhận định cách bàng quan. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng tôi, những thế hệ đi trước không biết bao giờ mới thoát được phận người mỏng dòn. Một số chúng tôi chưa sống đúng nghĩa của một người thánh hiến hay làm đầy đủ bổn phận với các thế hệ đến sau. Tôi không dám thay mặt ai để xin lỗi, chỉ xin lỗi cho cá nhân tôi, song tôi nghĩ nhiều người ở thế hệ tôi cũng chia sẻ cùng một tâm trạng.
 
Nt. M.Thécla Trần Thị Giồng, CND
dongducba.net

 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây