Thư chung số 109 - 10/2019

Thứ bảy - 28/09/2019 10:46
Thư chung số 109 - 10.2019
Thư chung số 109 - 10/2019
 Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
        Thư số 109 / Năm IX
                      * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 10/ 2019
-------------  

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (3)

 

 
Phan Rang, ngày 20.09. 2019
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

          Chúng ta bước vào tháng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Dĩ nhiên không phải chỉ trong tháng này chúng ta mới lần chuỗi Mân Côi. Như anh chị em đã biết, Đức Mẹ rất yêu thích việc chúng ta lần chuỗi Mân Côi, vì theo Mẹ, việc chuỗi Mân Côi không những là một cách thế rất bình dân, nhưng rất cụ thể và hiệu quả để mọi người chúng ta biểu lộ tâm tình yêu mến đối với Mẹ; mà còn là một phương thế siêu nhiên giúp các con cái Mẹ chống trả các mưu thâm chước độc của ma quỉ, thế gian và xác thịt nhằm lôi kéo chúng ta lìa xa Chúa và mất phúc thiên đàng. Chính vì thế, xin anh chị em sốt sắng và ý thức hơn khi lần chuỗi trong tháng này; và cố gắng lần thêm 1 chuỗi cầu cho Tu Hội nữa.
 
          Tháng này, chúng ta cùng với Sr Tiến sĩ tâm lý nghiên cứu thêm một nhu cầu cơ bản khác của con người chúng ta, đó là nhu cầu được tôn trọng.
 

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (tiếp theo)

 
Nhu cầu được tôn trọng
 
          Nhu cầu cần được quý trọng, kính mến, được tin tưởng có thể ví như nước và khí trời cho sự sống. Sự tôn trọng tạo cho con người lòng tự tin và tính độc lập. Khi nhu cầu tôn trọng không được đáp ứng, người ta tin rằng họ không được người khác chấp nhận nên trong lòng thường có cảm giác hụt hẫng, cô độc và tự ti.
 
          Thật ra, tự trong đáy lòng ai cũng cho mình là quan trọng. Vì thế tôn trọng phẩm giá có nghĩa là nhìn nhận những cảm xúc và phẩm chất tốt đẹp của tha nhân, thể hiện bằng niềm tin rằng họ là những con người có nhu cầu tự khẳng định bản thân, tự trọng, lương thiện và hướng thiện. Tôn trọng phẩm giá còn là lắng nghe không những tiếng nói mà còn nghe cả tiếng lòng và những khát mong âm thầm của mỗi người.
 
          Tôn trọng, nếu xét về mặt ý nghĩa, là cách cư xử giữa người với người. Nếu đặt vào các mối quan hệ trong xã hội, tôn trọng là thứ vô cùng quan trọng để giúp cho các mối quan hệ bền vững theo thời gian, từ hôn nhân cho đến tình bạn và các mối tương quan khác. Tình huynh đệ cũng không thể bỏ qua được nguyên tắc này. Peter Gray (2012) trong cuốn Freedom to Learn đã khẳng định: “Trong những mối quan hệ, sự tôn trọng thậm chí còn quan trọng hơn tình yêu”.
 
          Triết gia Kant cho rằng người ta chỉ được trọng vọng ngang với những gì người ta hiến dâng cho người khác. Cũng như các điều khác, tôn trọng cũng có hai chiều. Ở đời, chưa từng có ai được trọng vọng suông, nghĩa là chẳng hiến gì cho đời mà cũng được trọng vọng cả:
Thế gian chuộng của chuộng công,
Nào ai có chuộng người không bao giờ.
 
          Tuy nhiên, với những người Kitô hữu, những người làm con Chúa thì khác. Người càng nhỏ bé, yếu đuối lại càng được Chúa ưu ái trọng vọng hơn. Trở về với thực tế đời tu, trong các cộng đoàn tu trì, dường như điều này có khi bị quên lãng. Xu hướng tự nhiên thường được thể hiện trong cách đối xử giữa các thành viên: Những ai đẹp, giàu, giỏi hay chức cao thường được ưu đãi, trọng vọng hơn. Sự phân biệt đối xử  không phải là chuyện lạ. Trong nhiều cuộc tiếp xúc, tôi vẫn thường nghe nỗi lòng của một số anh chị em “thấp cổ bé miệng”. Họ đau khổ âm thầm trong lúc vẫn thường nghe những bài ca về bác ái huynh đệ…
 
          Sự tôn trọng chính là trụ cột cho tất cả mọi nền giáo dục. Lòng tôn trọng của giáo viên dành cho học sinh, của phụ huynh với con cái, của học trò với thầy và với cha mẹ. Tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân là những gì mà giáo dục phải khơi dậy. Nếu xã hội của chúng ta không còn đủ sự tôn trọng, chắc chắn nguyên nhân chính là do vấn đề của giáo dục và nuôi dạy. Đây cũng là tiền đề cho việc huấn luyện trong đời thánh hiến. Người thụ huấn nếu không cảm thấy được tôn trọng, và ngược lại, nếu họ không có lòng tôn trọng cấp trên thì việc huấn luyện sẽ rất ít hoặc không mang lại hiệu quả gì. Điều đáng lo là mỗi người cứ âm thầm mang nỗi niềm của mình mà thiếu tinh thần cởi mở để có một cuộc đối thoại chân tình và tôn trọng nhau, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm. Lâu dần tâm hồn chúng ta ngày càng trở nên chai cứng, thái độ chúng ta càng chua cay và cách biệt, và rồi chúng ta bị đẩy xa khỏi tha nhân, xa cách ngay với những người cùng chung chí hướng, trong một nhóm, một cộng đoàn, hay trong lòng Giáo Hội. Tình trạng này nếu không tỉnh thức và quan tâm kịp thời thì đến một lúc nào đó, bất hòa, giận dữ, thiếu dung thứ, thiếu kiên nhẫn, thiếu tôn trọng và thiếu đức ái sẽ làm tê liệt cộng đoàn và chia rẽ những người thiện tâm với nhau. Khi đó, những người đi theo Đức Giêsu được kêu gọi để noi theo gương yêu thương của Ngài sẽ trở nên như thế nào?
 
          Để cứu vãn,  chúng ta cần trở về với những nguyên tắc căn bản mà thánh Phaolô căn dặn trong 1 Cor 13,4-7: tôn trọng, nhân ái, thông hiểu, nhẫn nại, và rộng lượng đối với nhau… đặc biệt là với những người đối lập mình. Đồng thời ta cũng không quên rằng chúng ta đang cùng ở với nhau trong một gia đình và mỗi người cần có nhau; cần cố gắng vươn lên để giữ mình ở một tầm mức cao; cần đón nhận chuyện xấu bằng lòng tử tế, giận dữ bằng thương xót, đối nghịch bằng thông hiểu, phỉ báng bằng đức ái. Hãy chú ý đến tinh thần này: chỉ có “chúng ta” chứ không có “tôi hay chúng tôi”.
 
          Sự tôn trọng còn thể hiện ở việc chấp nhận sự khác biệt. Mọi sự trong cuộc sống này đều tồn tại hai khía cạnh, hai thái cực khác biệt, không gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vấn đề chỉ là cách nhìn nhận khác nhau. Chúng ta thường có xu hướng nhìn đời, nhìn người khắt khe hơn nhìn mình. Chính điều này gây trở ngại cho tình huynh đệ. Vậy làm sao để khắc phục trở ngại ấy? Có lẽ cần tận dụng con mắt bao dung của mình, lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của người khác để giúp xóa bớt những điều khó chịu, khó gần trong giao tiếp.
 
         Tôn trọng sự khác biệt là văn hóa ứng xử tối thiểu cần phải có của một người sống trong xã hội này, huống gì là trong đời tu. Đó cũng chính là sức mạnh của trí tuệ và cũng là sức mạnh của Tin Mừng. Nguyên tắc cơ bản và rất giản đơn của cuộc sống là: “khác không phải là sai hay là xấu” mà chỉ là khác thôi! Người giỏi toán, kẻ giỏi văn. Người quá tỉ mỉ thứ tự thì thiếu sáng tạo và trái lại. Trong một cộng đoàn hay một nhóm, có đủ loại sở thích, người yêu hoa hồng, kẻ thích hoa huệ, vậy hoa nào đẹp? Ai mà chẳng biết rằng cái mình thích là nó đẹp, nó ngon, nó hay! Đơn giản có thế. Con cái Chúa thì muôn vẻ, tạo vật của Chúa thì muôn sắc. Đó mới chính là sự tuyệt vời của Chúa. Đó chính là sự phong phú của cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có một giá trị riêng. Khi chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt và giá trị của người khác cũng là khi ta trân trọng chính mình. Vì thế, không cần phải chỉ trích ai để khẳng định giá trị của bản thân.
 
          Chúng ta cần tôn trọng sự khác nhau trên nhiều mức độ và lãnh vực. Theo gương Chúa Giêsu, Ngài yêu hết các môn đệ của mình, nhưng Ngài lại gần hơn với Phêrô, Gioan, Giacôbê và Anrê. Gioan yêu Chúa cách nhẹ nhàng kín đáo và sâu sắt. Phêrô lại yêu Chúa cách mạnh bạo, bồng bột và đầy nhiệt tình. Cả hai đều đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, nhưng theo cách khác nhau. Hai thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo hội cũng hoàn toàn khác biệt nhau về gốc gác, trình độ và quan điểm sống cũng như hướng phục vụ. Phêrô theo đường lối bảo thủ, giữ gìn truyền thống và theo sát luật lệ, làm việc cho và với dân Do Thái. Thánh Phaolô cởi mở, gần gũi với những dân tộc khác, sáng tạo trong việc loan báo Phúc Âm. Nhờ sự táo bạo của Phaolô mà Tin Mừng được lan rộng. Nhờ lòng nhiệt thành nắm giữ truyền thống của Phêrô mà Giáo hội đứng vững. Gốc vững chắc, ngọn mới vươn cao, vươn xa được.  Nếu không có Phaolô dám vượt biên, và sau này các vị truyền giáo, thừa sai cùng có một lòng nhiệt huyết, táo bạo như Phaolô thì chúng ta, những đất nước xa xôi, văn hóa khác biệt làm sao biết được Đức Kitô để tin và yêu mến Ngài?
 
          Giáo hội đã trở nên phong phú và vươn xa nhờ phát huy tính khác biệt từ hai cây cổ thụ Phêrô và Phaolô này. Tuy có nhiều sự bất đồng và nhiều phen tranh cãi gay cấn, nhưng các ngài đã không tìm cách triệt tiêu nhau. Chính thái độ tôn trọng con người và sự khác biệt mới làm phát triển giáo hội. Giả như xưa kia thánh Phêrô đã dùng quyền mà cấm Phaolô rao giảng và phát triển đường lối, giáo huấn của Ngài thì ngày nay chúng ta sẽ ra sao?
 
          Chắc chắn không ai dám so sánh mình với hai cột trụ của giáo hội, nhưng đó là gương mẫu chúng ta cần nhìn lên để thán phục và nhìn xuống thân phận và thực tế của mình để mà suy ngẫm. Chính sự khác biệt sẽ làm phong phú hóa cho mỗi người và tập thể. Là những người con của Cha nhân lành và cao cả, tinh thần của chúng ta phải rộng đủ để chứa đựng sự đa dạng và khác biệt, đồng thời đủ sáng suốt để biến nó thành sức mạnh thay vì nghi kỵ và triệt tiêu hoặc vô hiệu hóa nhau. Chúng ta cố gắng theo bước chân Đức Kitô, mặc cho mình tâm tình của Ngài “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
 
          Mặt khác, khi đòi hỏi được tôn trọng, mỗi người phải bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân, nghĩa là những hành vi, ứng xử của mình được thúc đẩy bởi các giá trị và nguyên tắc đạo đức. Người biết tự trọng sẽ khơi nguồn cho sự tôn trọng của người khác. Bên cạnh đó, còn một yếu tố khác ít ai chú ý đó là vai trò của lòng khiêm tốn, khiêm tốn nhưng cũng cần tự tin. Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng khiêm tốn và tự tin là hai điều đối nghịch nhau, nhưng thực ra chúng có mối liên hệ rất mật thiết. Một người được nhiều người tôn trọng phải đòi hỏi có một sự cân bằng giữa hai yếu tố này.
 
          Bậc thầy về giao tiếp Anthony K. Tjan đã từng nói rằng: “Bạn cần có đủ tự tin để thu hút người khác. Tuy nhiên, sự khiêm tốn là con đường hướng tới sự tôn trọng, trong khi sự tự tin là con đường phát huy nó”. Một nghiên cứu của nhà khoa học Davis Et Al năm 2012 đã phát hiện tính khiêm tốn của con người có khả năng gia tăng sự bền chặt giữa các mối quan hệ. Đặc biệt hơn, người khiêm tốn thường dành nhiều thời gian giúp đỡ và quan tâm đến người khác nên họ sẽ nhận được sự quý trọng nhiều hơn một người tự kiêu. Câu chuyện về tổng thống Washington sẽ cho chúng ta thấy một cách cụ thể về điều này.
 
          “Một buổi sáng nọ, sương mù dày đặc một mình Washington ra khỏi doanh trại. Ông mặc một chiếc áo tới đầu gối, binh lính không ai nhận ra (khi đó ông đang là thượng tướng).
 
          Ở một địa phương nọ ông thấy một viên hạ sĩ đang chỉ huy binh lính dưới quyền xây lô cốt ngoài phố. Hạ sĩ này hai tay bỏ vào túi áo, hò hét kêu gọi. Trong khi binh lính đang vất vả khiêng những tảng đá nặng. Và dù ông có la hét nhưng đám lính kia không tài nào đưa đá lên đúng vị trí. Washington thấy thế xắn tay áo giúp một tay. Một lát sau những tảng đá cuối cùng cũng đã được xếp ngay ngắn.
 
          Những người lính cám ơn ông, ông bước tới chỗ viên hạ sĩ và nói: “Sao ông không giúp họ thay vì bỏ tay vào túi mà hò hét chỉ mệt người chứ chẳng giúp được gì họ. Viên hạ sĩ tỏ ra bực tức trước lời góp ý, anh ta trả lời với thái độ thị uy và đầy kêu ngạo: “Thế ông không biết tôi là hạ sĩ cấp cao sao?”. Washington cười và cỡi bỏ áo ngoài để bộ quân phục lộ ra và nói: “Theo quân hàm tôi là thượng tướng, nhưng lần sau anh có cần khiêng vác như thế này nữa thì cứ gọi tôi”.
 
          Sự khiêm tốn khơi thông những tắc nghẽn và làm cho cuộc sống của mọi người được an bình: “Nhẫn một chút trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Hơn ai hết, những người thánh hiến sống trong những cộng đoàn sẽ cần thực thi sự khiêm tốn để cộng đoàn bớt sóng gió, vì khiêm tốn chính là bài học mà Đức Kitô tha thiết muốn chúng ta học hỏi nơi Ngài nhất. (Mt 11/29)
 
(Còn tiếp)
 
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây