Thư Chung số 92 - 06/2018

Chủ nhật - 27/05/2018 10:00
Thư chung số 92 - 06/2018
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
      Thư số 92 / Năm VIII
                   * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 06/ 2018
-------------  
THÔNG ĐIỆP “ LAUDATO SÍ “
CHƯƠNG II : TIN MỪNG VỀ SỰ SÁNG TẠO (1)
 
Phan Rang, ngày 20.05.2018

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
          Chương II của Thông điệp “Laudato Sí” có 38 số (từ số 62 đến số 100). Tháng này chúng ta sẽ tìm hiểu phần một của chương này (61- 83). 
 
          Tóm lược : Để đương đầu với những vấn đề được trình bày trong chương thứ I, Đức Giáo Hoàng Phanxico đọc lại các trình thuật Kinh Thánh, và trình bày một cái nhìn toàn diện đến từ truyền thống Do thái - Kitô và nêu rõ ”trách nhiệm lớn lao” (90) của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện ”môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người” (95).
 
           Trong Kinh thánh, ”Thiên Chúa giải thoát và cứu vớt cũng là Đấng đã tạo dựng vũ trụ.. [...] nơi Ngài, lòng quí mến và sức mạnh liên kết với nhau” (73). Ở vị thế trung tâm là trình thuật về sự sáng tạo để suy tư về tương quan giữa con người và các loài thụ tạo khác, và cho thấy tội lỗi phá vỡ sự quân bình của toàn thể thiên nhiên nói chung: ”Các trình thuật này gợi ý về ”Cuộc sống con người dựa trên 3 tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất”. Theo Kinh Thánh, 3 tương quan sinh tử này bị cắt đứt, không những bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Sự tan vỡ ấy chính là tội lỗi” (66)
 
            Vì thế, cho dù ”đôi khi các tín hữu Kitô đã giải thích Kinh Thánh không đúng, nhưng ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ phủ nhận rằng từ sự kiện được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và từ mệnh lệnh thống trị trái đất, người ta có thể biện minh cho một sự thống trị tuyệt đối trên các loài thụ tạo” (67). Loài người có trách nhiệm ”vun trồng và gìn giữ” vườn thế giới (Xc St 2,15), vì biết rằng ”mục đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Trái lại tất cả tiến bước, cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, là Thiên Chúa” (83).
 
 
CHƯƠNG HAI
TIN MỪNG VỀ SỰ SÁNG TẠO (1)

            62. Tại sao, trong bản văn được gởi đến cho tất cả mọi người có thiện chí, lại có một chương nói về xác tín của niềm tin ? Tôi biết rõ rằng, trong lãnh vực chính trị và suy tư, một số người mạnh mẽ phủ nhận ý tưởng về Đấng Sáng Tạo hay xem đó là không quan trọng, hay chỉ được xem là phong phú cho các tôn giáo khi nói về môi sinh cách trọn vẹn và một sự phát triển nhân loại mà thôi. Trong những trường hợp khác, người ta xem các tôn giáo chỉ là một thứ văn hóa thấp kém (subkultur – sous-culture), tạm chấp nhận. Thêm nữa, khoa học và tôn giáo đưa ra những tiếp cận rất khác biệt về thực tại, có thể bước vào một cuộc đối thoại năng động và hữu ích cho cả hai phía.
 
I. ÁNH SÁNG DO NIỀM TIN MANG ĐẾN

63. Khi chú tâm vào sự đa dạng của cơn khủng hoảng môi trường và các nguyên nhân muôn mặt của nó, chúng ta phải công nhận, các giải pháp không thể đến từ một con đường duy nhất do việc giải thích thực tại và thay đổi chúng. Cần phải có sự hỗ trợ của nhiều văn hóa phong phú, nghệ thuật và thi ca của các dân tộc về cuộc sống nội tại và cả tinh thần, Nếu chúng ta thật sự muốn gầy dựng một môi trường sinh thái, tái lập lại những gì chúng ta đã hủy hoại, thì không được phép bỏ qua những ngành khoa học và các hình thức khôn ngoan, ngay cả tôn giáo cũng như ngôn ngữ tôn giáo. Về mặt này, Giáo Hội Công Giáo đã mở ra những cuộc đối thoại với các tư tưởng triết học, nhờ đó đã đưa đến các tổng hợp khác nhau giữa lý trí và niềm tin. Những gì đụng chạm đến vấn đề xã hội, cũng có thể tìm thấy trong quá trình phát triển Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội; giáo huấn này luôn mời gọi phải luôn được làm phong phú dựa vào những đòi hỏi mới mẻ.

64. Mặt khác, dù thông điệp này khai mở một cuộc đối thoại với tất cả mọi người để cùng nhau tìm con đường giải thoát chung – ngay từ đầu, tôi xin đưa ra những xác tín của niềm tin cho các Kitô hữu và phần đông những người tin thuộc các tôn giáo khác, những động lực quan trọng để chăm sóc thiên nhiên và các anh chị em yếu đuối nhất. Duy chỉ sự kiện làm người, cũng thúc đẩy con người phải chăm sóc thiên nhiên mà chúng ta là thành phần của chúng, “đặc biệt, các Kitô hữu […] biết rõ rằng bổn phận của họ ở giữa thiên nhiên và trách nhiệm của họ đối với thiên nhiên và với Đấng Sáng Tạo là thành phần căn bản cho niềm tin của họ”[36]. Vì thế, một điều tốt lành cho nhân loại và cho thế giới là chúng ta, những kẻ tin, biết rõ những việc dấn thân cho môi sinh phải xuất phát từ xác tín của chúng ta.
 
II. SỰ KHÔN NGOAN CỦA CÁC TRÌNH THUẬT TRONG THÁNH KINH

65. Không cần phải lập lại toàn bộ thần học Sáng Tạo, chúng ta tự hỏi các trình thuật lớn của Thánh Kinh nói gì về liên hệ của con người với thế giới. Trong trình thuật đầu tiên về công trình sáng tạo trong sách Sáng Thế, chương trình của Thiên Chúa được gói trọn trong việc sáng tạo con người. Sau việc sáng tạo con người, Sách Thánh nói : “Thiên Chúa nhìn thấy tất cả những gì Người sáng tạo : Người thấy thế là tốt “ (St 1,31). Thánh Kinh dạy, mỗi con người đều được sáng tạo từ tình yêu, như hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1,26). Lời công bố này cho chúng ta thấy phẩm giá lớn lao của từng con người : “Con người không phải là sự vật, nhưng là một người nào đó. Con người có khả năng nhận thức về mình, làm chủ mình, tự do để ban phát và bước vào liên hệ với những người khác” [37]. Vị thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhắc nhớ rằng, tình yêu hoàn toàn đặc biệt mà Đấng Sáng Tạo dành cho từng con người, đã trao cho họ phẩm giá cao sang vô cùng [38]. Những ai muốn bảo vệ phẩm giá con người, có thể tìm được trong niềm tin Kitô giáo những lý luận sâu xa nhất cho trách nhiệm này. Một sự chắc chắn tuyệt vời khi không đánh mất đời sống một con người bị rơi vào sự lộn xộn vô vọng, trong một thế giới phải bước đi trong sự tình cơ thuần túy hay những chu kỳ, cứ đáo đi đáo lại thật vô nghĩa. Đấng Sáng Tạo có thể nói với từng người trong chúng ta : “Trước khi tạo hình dáng cho ngươi trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5). Chúng ta đã được nhận ra trong tình yêu của Thiên Chúa, và vì thế : “Mỗi người là hoa trái một suy tư của Thiên Chúa. Mỗi người được Thiên Chúa muốn như thế, mỗi người được yêu và mỗi người thật cần thiết.” [39].

66. Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế, trong ngôn ngữ biểu trưng và trình thuật, chứa đựng những lời giảng dạy sâu xa về hiện sinh con người và thực tại lịch sử của họ. Trình thuật này muốn nói, hiện sinh con người dựa trên ba sự liên hệ căn bản, liên kết với nhau thật mật thiết : liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với trái đất. Theo như lời Thánh Kinh, ba liên hệ sống động này đã bị phá vỡ, không những bên ngoài, nhưng cả nội tại bên trong. Sự đổ vỡ này là tội lỗi. Sự hòa hợp giữa Đấng Sáng Tạo, nhân loại và toàn thể sáng tạo đã bị phá vỡ qua hành động muốn thay thế vị trí của Thiên Chúa, khi từ chối công nhận chúng ta là những thụ tạo hữu hạn. Hành động này đã làm sai lệch mệnh lệnh “cai quản” trái đất (x, St 1, 28) “xây dựng” và “che chở” trái đất (x. St 2,15). Như hậu quả là liên hệ thật hòa hợp thuở ban đầu giữa con người và thiên nhiên bước vào xung khắc (x. St 3, 17-19). Vì lý do đó, thật ý nghĩa khi sự hòa hợp mà thánh Phaxicô chia sẻ với vạn vật, được xem như cách cứu chữa sự đổ vỡ này. Thánh Bonaventura nói, thánh Phaxicô “khi Người sống hòa bình với tất cả thụ tạo” đã đạt được “tình trạng trước nguyên tội” [40]. Bước ra khỏi mẫu gương này, ngày hôm nay, tội lỗi đã xuất hiện với tất cả sự tàn phá trong chiến tranh, trong nhiều hình thức khác nhau của quyền lực và ngược đãi, trong việc bỏ rơi kẻ yếu và tấn công vào thiên nhiên.

67. Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đã có trước chúng ta và được ban cho chúng ta. Điều này cho phép trả lời một kết án đối với suy nghĩ theo Do Thái giáo và Kitô giáo : Người ta nói rằng, trình thuật sáng thế mời gọi con người “thống trị” trái đất (so St 1,28), việc bóc lột khủng khiếp thiên nhiên qua cách trình bày con người như chủ và tàn phá. Đấy không phải là cách giải thích Thánh Kinh đúng đắn, như Giáo Hội hiểu. Thật sự, đôi khi, những người Kitô hữu chúng tôi giải thích sai Thánh Kinh, nhưng ngày hôm nay chúng tôi phải xác nhận rõ ràng, từ sự kiện được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và với mệnh lệnh cai quản trái đất, từ đó đưa đến quyền thống trị các tạo vật khác. Điều quan trọng, phải đọc Thánh Kinh trong mạch văn của nó, với sự chú giải thích hợp, và phải nhớ rắng, các bản văn này mời chúng ta “canh tác” và “gìn giữ” ngôi vườn của Thiên Chúa (x. St 2,15). Thuật ngữ “canh tác” có nghĩa là trồng trọt, khai hoang hay làm việc, và thuật ngữ “gìn giữ” có nghĩa là bảo vệ, cứu giúp, giữ gìn, chăm sóc, canh chừng. Điều này đưa đến sự liên kết hỗ tương giữa con người và thiên nhiên. Mỗi cộng đoàn được quyền thu nhặt từ trái đất những gì cần thiết để sống, nhưng có trách nhiệm bảo vệ và làm cho sự phì nhiêu được tiếp tục dành cho thế hệ tương lai. Dứt khoát “trái đất thuộc về Thiên Chúa” (Tv 245,1), “trái đất và tất cả những gì sống trên trái đất” (Đnl 10,14) đều thuộc về Người. Vì lý do đó, Thiên Chúa phủ nhận tất cả ý đồ chiếm hữu tuyệt đối : “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23).

68. Trách nhiệm đối với trái đất, một trái đất thuộc về Thiên Chúa, cho thấy con người có lý trí, biết tôn trọng các lề luật của thiên nhiên và sự quân bình tế nhị giữa các hữu thể trong thế giới này, chỉ vì “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành. Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở, ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua” (Tv 148, 5b-6). Vì thế, Thánh Kinh trưng ra cho con người nhiều luật lệ khác nhau, không những trong liên hệ với đồng loại, nhưng cả trong liên hệ với các sinh thể khác : “Khi anh (em) thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy…Nếu trên đường, anh (em) gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh (em) không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,4.6). Trong nhãn quan này, sự nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy không phải chỉ dành cho con người, nhưng cho cả “bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 23, 12). Với cách thức này, chúng ta nhận thấy Thánh Kinh không đưa ra duyên cớ tập trung vào chỉ con người, mà không lo lắng cho các tạo vật khác.

69. Trong khi được phép sử dụng các sự vật một cách có trách nhiệm, chúng ta cũng đồng thời được mời gọi để nhận biết, các sinh vật khác cũng có những giá trị trước mặt Thiên Chúa và “qua sự hiện hữu đơn sơ của mình đã ca tụng và tôn vinh” Người [41], “Chúa vui sướng vì các công trình của Người” (so Tv 104, 31). Chính nhờ vào phẩm giá độc nhất của mình và vì có được lý trí, con người được kêu gọi tôn trọng sáng tạo từ những luật lệ nội tại của chúng, vì “Thiên Chúa đã kiến tạo trái đất với sự khôn ngoan” (Kn 3,19). Ngày nay Giáo Hội không chỉ nói cách đơn sơ, các tạo vật khác hoàn toàn tùy thuộc vào hạnh phúc của con người, gần như chúng không có giá trị gì tự tại và chúng ta có thể sử dụng chúng theo sở thích của chúng ta. Vì thế các vị Giám Mục nước Đức đã dạy về các thụ tạo khác “người ta có thể nói về sự ưu tiên của hữu thể trước khi nói về sự hữu ích của chúng” [42]. Quyển Giáo Lý nói rất rõ một cách trực tiếp và nhấn mạnh về chủ nghĩa qui nhân (Anthropozentrismus – anthropocentrisme) : “Mỗi tạo vật đều có sự thiện và toàn vẹn riêng của mình […] Các thụ tạo khác nhau phản ánh ngay trong sự hiện hữu riêng mình như Thiên Chúa muốn, mỗi thứ một cách, ánh quang của sự khôn ngoan vô tận và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Chính vì thế, con người phải tôn trọng bản chất tự nhiên đặc thù của chúng để tránh sử dụng chúng một cách vô trật tự” [43].

70. Trong trình thuật về Cain và Abel, chúng ta thấy sự ganh tị của Cain dẫn đến việc đối xử quá bất công với chính em mình. Điều này đưa đến một sự đổ vỡ liên hệ giữa Cain và Thiên Chúa, giữa Cain và mãnh đất anh ta bị xua đuổi ra bên ngoài.. Đoạn văn này được tóm kết trong cuộc đối thoại của Cain và Thiên Chúa. Thiên Chúa hỏi : “Em ngươi đâu ?” Cain trả lời, “tôi không biết”, Thiên Chúa nhấn mạnh : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây ngươi bị nguyền rủa và bị đuổi ra khỏi đất màu mỡ” (St 4, 9-11). Sự chểnh mãng trong trách nhiệm canh tác và gìn giữ một liên hệ tương ứng với người chung quanh, tôi phải lo lắng cho người đó và phải che chở cho họ; sự chểnh mãng đó sẽ phá vỡ liên hệ nội tại với chính tôi, với kẻ khác, với Thiên Chúa và với đất đai. Khi các liên hệ này bị bỏ quên, khi không còn công bằng tồn tại trên đất nước, thì – như Thánh Kinh nói với chúng ta – toàn bộ cuộc sống sẽ gặp nguy hiểm. Đó là điều mà trình thuật về Noe muốn dạy chúng ta, khi Thiên Chúa hăm dọa, sẽ tiêu diệt nhân loại vì luôn bất lực trong việc thực thi những đòi buộc về công bằng và hòa bình : “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực” (St 6, 13). Trong biểu trưng xa xưa nhưng sâu sắc của trình thuật chứa đựng một xác tín cho ngày nay : tất cả đều liên kết với nhau và việc che chở đích thực cho cuộc sống riêng tư của chúng ta cũng như mọi liên hệ của chúng ta với thiên nhiên không thể bị tách ra khỏi tình huynh đệ, sự công bằng cũng như sự trung tín với kẻ khác.

71. Cho dù “sự gian ác của con người quả là nhiều” (St 6,5) và “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 6,6), Người đã quyết định mở một con đường cứu độ nhờ Noe, người vẫn kiên vững trong sự công chính và hoàn hảo. Như thế, Người ban cho nhân loại khả năng đón nhận một khởi đầu mới : chỉ cần một người công chính là đủ, để hy vọng không bị chôn vùi. Trình thuật Thánh Kinh ghi lại rõ ràng, việc tái thiết gắn liền với việc tái khám phá và chú trọng đến các chu kỳ được chính bàn tay Thiên Chúa ghi khắc. Tỉ như luật ngày Sabbat. Vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa ngưng tất cả mọi công trình của Người. Thiên Chúa ra lệnh cho Israel mỗi ngày thứ bảy phải là ngày nghỉ, là ngày Sabbat (x.St 2, 2-3 ; Xh 16, 23 ; 20, 10). Ngoài ra mỗi bảy năm phải là năm Sabbat cho Israel và cho cả đất đai (x. Lv 25, 1-4), trong năm đó người ta phải để cho đất đai hoàn toàn ngưng nghỉ; không đươc phép gieo cấy, chỉ thu hoạch những gì cần thiết để sống và dành cho việc tiếp khách (x. Lv 25, 4-6). Và cuối cùng, sau bảy tuần năm, nghĩa là sau bốn mươi chín năm, sẽ cử hành Năm Thánh, năm tha thứ tất cả và là năm “tự do cho toàn thể dân trong đất nước” (Lv 25,10). Việc triển khai lề luật này tìm cách bảo đảm cho sự bình đẳng và công bằng trong mọi liên lạc giữa người đồng loại và với đất đai, nơi họ sống và lao động. Đồng thời công nhận: quà tặng của đất đai, cũng như hoa trái của nó, thuộc về toàn dân. Ai canh tác và gìn giữ đất đai phải chia sẻ hoa màu, đặc biệt là cho người nghèo, các bà góa, trẻ mồ côi và khách lạ : “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt tới sát bờ ruộng ; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19, 9-10).

72. Các Thánh Vịnh thường mời gọi con người ta tụng Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo., “Đấng trải mặt đất này trên làn nước bao la, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,6). Các Thánh vịnh cũng mời gọi mọi tạo vật khác ca tụng Thiên Chúa : “Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi. Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút, cả khối nước phía trên bầu trời. Nào ca tụng Thánh Danh Đức Chúa, vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành” (Tv 148, 3-5). Chúng ta hiện hữu không chỉ nhờ quyền năng Thiên Chúa, nhưng trước mặt Người và gần gủi Người. Vì thế chúng ta thờ lạy Người.

73. Tác phẩm của các ngôn sứ cũng mời gọi chúng ta, tìm được sức mạnh trong những giây phút gặp khó khăn, khi người ta chiêm ngắm Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành vũ trụ. Quyền lực vô biên của Thiên Chúa không đưa chúng ta trốn chạy trước tình phụ tử nhân ái của Người, vì trong Người việc chăm sóc từ ái và sức mạnh hòa quyện với nhau. Thật vậy, mỗi linh đạo thánh thiện cho thấy rõ cùng lúc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và tin tưởng thờ lạy Thiên Chúa vì quyền năng vô biên của Người. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa, Đấng giải thoát và cứu độ, cũng là Đấng sáng tạo vũ trụ, và hai cách hoạt động của Thiên Chúa liên kết với nhau thật chặt chẽ : “Lạy Đức Chúa, Chúa Thượng của con ! này Ngài đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cách tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được ! […], Ngài dã dùng dấu lạ điềm thiêng, đã giương bàn tay mạnh mẽ và cánh tay uy quyền… mà đưa dân Ngài là Israel ra khỏi Ai Cập” (Gr 32, 17.21). “Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất. Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người không dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” (Is 40, 28b-29).

74. Kinh nghiệm cuộc lưu đày ở Babylon đưa đến cuộc khủng hoảng tinh thần mà chỉ có việc đào sâu niềm tin vào Thiên Chúa mới có thể giải quyết được, khi làm rõ nét quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa để động viên dân chúng tìm lại hy vọng trong hoàn cảnh bi đát của họ. Nhiều thế kỷ sau, trong một thời đoạn thử thách và bị bách hại, khi đế quốc La Mã tìm cách thiết đặt sự thống trị tuyệt đối của họ, các tín hữu tìm lại được sự an ủi và hy vọng lớn dần trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng, và họ đã ca hát : “Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu ! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh” (Kh 15,3). Nếu Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ từ hư không, thì Người cũng có thể can thiệp vào thế giới này và chiến thắng sự dữ dưới mọi hình thức. Vì thế, sự bất công không thể nào là không thắng được.

75. Chúng ta không thể có một thứ linh đạo lại quên Thiên Chúa toàn năng và là Đấng sáng tạo. Nếu không, cuối cùng chúng ta cũng sẽ tôn thờ các quyền lực khác trong thế giới, hay chính chúng ta tự đặt mình vào vị trí của Chúa và cho rằng, chúng ta có thể đặt tất cả thực tại do Người sáng tạo dưới chân mình. Cách thức tốt đẹp để đưa con người vào vị trí của mình và chấm dứt việc đòi hỏi quyền làm chủ tuyệt đối trên trái đất này, chỉ bằng cách đưa ra hình ảnh của một người Cha, Đấng sáng tạo và chủ duy nhất của thế giới này. Nếu theo cách khác thì con người luôn có xu hướng đặt tất cả thực tại nằm dưới luật lệ và lợi ích của mình.
 
III. MẦU NHIỆM CỦA VŨ TRỤ

76. Đối với truyền thống Do Thái-Kitô giáo, nói về sáng tạo còn mang nhiều ý nghĩa hơn là nói về thiên nhiên, vì nó còn có một liên hệ với dự định tình yêu của Thiên Chúa, trong đó mỗi tạo vật đều có giá trị và ý nghĩa riêng của mình. Thiên nhiên thường được hiểu như một hệ thống, mà người ta có thể phân tách, tìm hiểu và can thiệp vào, thế nhưng sáng tạo phải được hiểu như một quà tặng đến từ bàn tay rộng mở của Người Cha mọi người, như thực tại được tình yêu chiếu sáng, mời gọi chúng ta bước vào một sự hiệp thông bao trùm tất cả.

77. “Các tầng trời được tạo dựng từ một lời của Thiên Chúa” (Tv 33,6). Câu này cho chúng ta thấy, thế giới xuất hiện do một quyết định chứ không từ sự lộn xộn hay hậu quả tình cờ, và điều này mang đến cho thế giới nhiều phẩm chất. Có một quyết định tự do, nằm trong lời sáng tạo. Vũ trụ không xuất phát từ hiệu quả của một quyền lực độc đoán, một sự tỏ lộ quyền lực hay ý muốn tự xác định mình. Sáng tạo nằm trong trật tự tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là lý do nền tảng của toàn thể sáng tạo : “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kn 11, 24). Mỗi tạo vật đều là đối tượng lòng ưu ái của Cha, Đấng ban cho nó một vị trí trong thế giới. Ngay cả đời sống chóng qua của hữu thể không ý nghĩa gì cũng là đối tượng của tình yêu, và trong một ít thời gian hiện hữu nó cũng nhận được lòng ưu ái của Người. Thánh Basilius Cả nói, “Đấng Sáng Tạo là Tình Yêu vô bờ bến”[44], và Dante Alighieri nói về “tình yêu chuyển động mặt trời và các ngôi sao”. Vì thế từ những công trình đã được tạo dựng, người ta hướng đến “lòng thương xót của Người tràn đầy tình yêu”[46].

78. Đồng thời, suy tư Do Thái-Kitô giáo cũng loại thiên nhiên ra khỏi huyền thoại. Dù không ngừng chiêm ngắm thiên nhiên vì sự huy hoàng và miên man của nó, nhưng tư tưởng trên đã không gán cho thiên nhiên một đặc tính thần thánh nào. Từ cách thức này, việc dấn thân của chúng ta với thiên nhiên lại còn được nhấn mạnh. Việc quay về với thiên nhiên không được diễn ra với cái giá phải trả là sự tự do và trách nhiệm của con người, vì con người cũng là một thành phần của thế giới với trách nhiệm canh tác theo khả năng của mình để che chở và phát triển những khả thể của nó. Nếu chúng ta biết được giá trị và sự mỏng manh của thiên nhiên và đồng thời những khả năng mà Đấng Tạo Hóa đã trao ban cho chúng, điều này cho phép chúng ta ngày nay chấm dứt với huyền thoại tân tiến về phát triển vật chất không giới hạn. Một thế giới dễ đổ vỡ với một con người mà Thiên Chúa đã trao cho việc chăm sóc, đòi hỏi lý trí của chúng ta nhận ra việc định hướng, canh tác và giới hạn quyền lực của chúng ta.

79. Trong vũ trụ này, được tạo lập do các hệ thống mở rộng để liên kết với nhau, chúng ta có thể khám phá ra không biết bao nhiêu hình thức liên hệ và chia sẻ. Điều này đưa chúng ta đến tư tưởng, toàn thể khai mở vì sự siêu vượt của Thiên Chúa, trong đó vũ trụ sẽ được triển khai. Niềm tin giúp chúng ta giải thích ý nghĩa và vẻ đẹp mầu nhiệm của những gì đang xuất hiện. Sự tự do của con người có thể đem đến một sự nâng đỡ khôn ngoan cho một sự phát triển tích cực, nhưng cũng có thể gây nên một điều xấu mới, những nguyên nhân của khổ đau và suy thoái đích thực. Điều này đã xuất hiện trong lịch sử căng thẳng và bi đát của loài người, có thể diễn ra trong việc phát triển sự tự do, trưởng thành, cứu độ và tình yêu hay trên một con đường suy thoái và hủy hoại lẫn nhau. Vì thế, trách nhiệm của Giáo Hội, không những nhắc nhớ đến trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên, nhưng “nhất là bảo vệ con người tránh việc tự hủy hoại”[47].

80. Dù vậy, Thiên Chúa, Đấng luôn cộng tác với chúng ta và tin tưởng vào sự cộng tác của chúng ta, Người có thể rút vài điều tốt lành từ điều xấu chúng ta đã phạm, vì “Chúa Thánh Thần luôn có một sự tưởng tượng vô ngần, đặc thù cho tư tưởng của Thiên Chúa, Đấng biết giải quyết những khó khăn của số phận con người, ngay cả lúc khó khăn và không thể thâm nhập được” [48]. Người phải tự hạn hẹp chính mình khi sáng tạo ra một thế giới cần có sự phát triển, nơi nhiều sự vật mà chúng ta coi là xấu, nguy hiểm hay là nguồn khổ đau, trong thực tế chỉ là một phần của “sự chuyển dạ” thúc giục chúng ta cộng tác với Đấng Tạo Hóa. [49]. Người hiện diện trong thâm sâu vạn vật, không tạo khó khăn cho sự độc lập của thụ tạo mà còn đem đến cho sự độc lập hợp lý của thụ tạo [50]. Sự hiện diện này của Thiên Chúa đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển mọi hữu thể, “đó chính là sự tiếp tục hành động sáng tạo của Người” [51]. Thần Khí Thiên Chúa bao trùm vũ trụ với quyền năng tác động, cho phép điều gì mới mẽ có thể xuất hiện.”Thiên nhiên không gì khác hơn lý trí của một nghệ thuật rõ ràng, cụ thể; nghệ thuật đó của Thiên Chúa ghi nét trong từng thụ tạo và nhờ đó mọi vật sẽ chuyển động đến cùng đích đã được xác định : cũng như người làm tàu sử dụng gỗ theo ý muốn của mình để định hình chiếc tàu.”[52].

81. Cho dù con người giả thiết tiến trình phát triển, sẽ đưa ra một cái gì mới mà trong quá trình phát triển của các hệ thống khác không thể giải thích được. Mỗi người chúng ta đều có một căn cước cá nhân, có thể đối thoại với kẻ khác và với Thiên Chúa. Khả năng suy tư, lý luận, sáng tạo, chú giải và sáng tác nghệ thuật cũng như các khả năng khác, những khả năng hoàn toàn mới cho thấy tính đặc biệt, vượt trên lãnh vực thể lý và sinh học. Tính chất mới mẽ trong phẩm chất, cho thấy một hữu thể trong vũ trụ vật chất vượt trổi thành một nhân vị, cho thấy một hành động trực tiếp của Thiên Chúa đi trước, một tiếng gọi đặc biệt đưa vào cuộc sống và vào một liên hệ với một Đấng đối diện như một người đối diện (in die Beziehung eines Du zu einem anderen Du – à la relation d’un Tu avec un autre tu). Từ các trình thuật của Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy con người là một chủ thể, không bao giờ bị đặt vào phạm trù đối tượng được.

82. Những suy nghĩ sẽ sai lầm, khi cho các hữu sinh khác như các đổi tượng, phải tùng phục quyền hành tùy tiện của con người. Khi con người nhìn thiên nhiên như là đối tượng lợi dụng, sẽ đưa đến những hệ lụy quan trọng cho xã hội. Cái nhìn tùy tiện của kẻ mạnh, sẽ tạo nên không biết bao nhiêu sự bất bình đẳng, không công bằng và bạo quyền trên phần đông loài người, vì những tài nguyên sẽ dần rơi vào tay những người nắm quyền hành : kẻ chiến thắng sẽ nắm lấy tất cả : lý tưởng về hòa hợp, công bằng, tình huynh đệ và hòa bình như Đức Giêsu đòi hỏi, sẽ nghịch lại với mẫu này; người nắm quyền sẽ bốc lột con người trong thời đại của mình : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 25-26).

83. Mục đích của chuyển động vũ trụ nằm trong sự phong phú của Thiên Chúa, đạt được qua Đấng Kitô phục sinh – điểm mấu chốt tiến trình trưởng thành của vũ trụ [53]. Chúng ta cũng đưa thêm một lý luận để phủ nhận quyền chuyên chế và vô trách của con người trên các thụ tạo khác. Mục đích cuối cùng của những tạo vật khác không phải là chúng ta. Nhưng chúng cùng đồng hành với chúng ta và qua chúng ta cùng tiến về một mục đích chung là chính Thiên Chúa, trong một sự tràn đầy siêu vượt, nơi Đấng Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng cho tất cả. Vì con người, dù được ban cho lý trí và tình yêu, cũng được lôi kéo vào sự phong phú của Đức Kitô, được kêu gọi để tất cả thụ tạo trở về với Đấng Sáng Tạo của mình.
(còn tiếp)
_______________  
 
Chú thích :
[36] JOHN PAUL II, Message for the 1990 World Day of Peace, 15: AAS 82 (1990), 156.
[37] Catechism of the Catholic Church, 357.
[38] Angelus in Osnabrück (Germany) with the disabled, 16 November 1980: Insegnamenti 3/2 (1980), 1232.
[39] BENEDICT XVI, Homily for the Solemn Inauguration of the Petrine Ministry (24 April 2005): AAS 97 (2005), 711.
[40] Cf. BONAVENTURE, The Major Legend of Saint Francis, VIII, 1, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 586.
[41] Catechism of the Catholic Church, 2416.
[42] GERMAN BISHOPS’ CONFERENCE, Zukunft der Schöpfung – Zukunft der Menschheit. Einklärung der Deutschen Bischofskonferenz zu Fragen der Umwelt und der Energieversorgung, (1980), II, 2.
[43] Catechism of the Catholic Church, 339.
[44] Hom. in Hexaemeron, I, 2, 10: PG 29, 9.
[45] The Divine Comedy, Paradiso, Canto XXXIII, 145.
[46] BENEDICT XVI, Catechesis (9 November 2005), 3: Insegnamenti 1 (2005), 768.
[47] ID., Encyclical Letter Caritas in Veritate (29 June 2009), 51: AAS 101 (2009), 687.
[48] JOHN PAUL II, Catechesis (24 April 1991), 6: Insegnamenti 14 (1991), 856.
[49] Cf. Catechism of the Catholic Church, 310.
[50] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36.
[51] THOMAS AQUYNAS, Summa Theologiae, I, q. 104, art. 1 ad 4.
[52] ID., In octo libros Physicorum Aristotelis expositio, Lib. II, lectio 14.
[53] Against this horizon we can set the contribution of Fr Teilhard de Chardin; cf. PAUL VI, Address in a Chemical and Pharmaceutical Plant (24 February 1966): Insegnamenti 4 (1966), 992-993; JOHN PAUL II, Letter to the Reverend George Coyne(1 June 1988): Insegnamenti 11/2 (1988), 1715; BENEDICT XVI, Homily for the Celebration of Vespers in Aosta (24 July 2009): Insegnamenti 5/2 (2009), 60.
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây