Thư chung số 108 - 09/2019

Thứ tư - 28/08/2019 10:44
Thư chung số 108 - 09/2019
Thư chung số 108 - 09/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 108 / Năm IX
                     * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 09/ 2019
-------------  

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (2)

 

Phan Rang, ngày 20.08. 2019
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
       
  Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

          Tháng này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm về một nhu cầu cơ bản khác của con người chúng ta. Đó là nhu cầu tình cảm và những tương quan giữa người với người. Đã là người, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu YÊU và ĐƯỢC YÊU. Thế nhưng muốn đáp những các nhu cầu này một cách thích đáng, hiệu quả và hữu ích, chúng ta cần phải hiểu biết và ý thức về bản chất và những qui luật cốt yếu lien quan đến các nhu cầu này. Sau đây Sr Maria Thécla Trần thị Giồng, Dòng Đức Bà, - nhà tâm lý học - sẽ giúp anh chị em chúng ta.
 

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (tiếp theo)

 
Nhu cầu tình cảm và tương quan
    
           Ngay từ khi chào đời, con người đã có thiên hướng tự khẳng định mình như một cá thể, nhưng đồng thời cũng là một con người xã hội với nhu cầu được sống và chia sẻ cùng người khác. Nhu cầu này bao hàm sự trao – nhận tình cảm, được tán thành, thừa nhận, được làm việc, sáng tạo và cảm thấy mình xứng đáng được người khác yêu thương, cần đến. Cảm thức thuộc về thành viên của một gia đình, một nhóm hay một đoàn thể là điều tối cần và giúp ta sống quân bình.
 
          Khi có người hỏi: Người ta thích sống ở đâu nhất, văn hào Dostoievski cho rằng người ta “Thích sống trong tim và trong óc người khác.” Câu trả lời có vẻ cường điệu nhưng thực tế trên thế giới có đến hơn 90% các vụ tự tử vì tình chỉ vì một lẽ, đó là không được cư trú trong trái tim của ai đó. Sống trong trái tim của một người đã hạnh phúc, vậy thì sống trong trái tim của anh chị em mình hay trong muôn người khác sẽ hạnh phúc đến nhường nào! Tình huynh đệ đời tu là sống trong trái tim nhau, mở cửa lòng cho người khác vào và mình có thể đi vào cõi lòng của người khác. Người thánh hiến sẽ hạnh phúc biết bao khi có một chỗ đặc biệt trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và các em của Ngài.
 
          Mặt khác, chúng ta cũng đừng quên rằng đặc điểm lớn nhất của tình yêu là biến mọi cái xấu trở thành cái tốt đến mức “thương nhau củ ấu cũng tròn”, là mở lòng ra để đón nhận nhau. Hạnh phúc hay khổ đau của con người nằm trong mức độ tình yêu mà chúng ta nhận được. Nguyên lý này vẫn rất thích hợp với cả những người sống đời thánh hiến. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở mọi tín hữu (chắc chắn trong đó có tu sĩ) biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, và biết vượt thắng tình trạng “toàn cầu hoá của sự thờ ơ” đang đe dọa trước sự lan rộng của cảm giác buồn sầu, bất lực và đang làm cho các cá nhân và cộng đoàn khép mình lại, khép lại “cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào thế gian và thế gian đến với Ngài”.
 
          Để sống, con người cần ngụp lặn trong bể yêu thương. Và chỉ cảm nhận được tình Chúa khi có kinh nghiệm cảm nhận được tình người. Khi bước vào đời sống thánh hiến, cộng đoàn dòng tu là nơi giúp chúng ta sống, hiểu và cảm nhận thế nào là yêu thương qua tình huynh đệ trong những con người cụ thể. Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận được tình cảm ấm áp của biết bao người chúng ta gặp gỡ trên đường phục vụ. Làm sao sống được mà không yêu? Chúng ta là hình ảnh, là con của một vị Thiên Chúa tình yêu, yêu thương chính là bản chất đích thực của chúng ta.
 
          Ngoài tình Chúa, có không ít những phút giây tu sĩ nếm cảm được sự “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Anh/chị em được sống vui vầy bên nhau” (TV 133). Những phút giây đó chẳng khác gì nhiên liệu cho chiếc xe đời mình lăn bánh an bình đến với tha nhân và thẳng tiến về với Thiên Chúa tình yêu. Tạ ơn Chúa và cám ơn nhau vì những phút giây ấy. Chúng chính là những chất đề kháng giúp chúng ta có đủ sức lướt thắng những nghịch cảnh, những thất bại hay những lúc tình huynh đệ bị ô nhiễm bởi những tham sân si, hay những cách ứng xử quá mang nặng mùi “trần tục” của kiếp người mà những người thánh hiến vẫn còn vương vấn.
 
          Mặt khác, tại sao có một số không ít tu sĩ chưa thực sự SỐNG chứ chưa dám nói đến “sống dồi dào”  hạnh phúc nếm trải sự “ngọt ngào tốt đẹp”? Vì chưa cảm nhận được nhiều tình yêu trong đời nên họ còn sợ yêu thương? Yêu thương là liều bị từ khước, liều trải mình ra cũng như liều để người khác đi vào cuộc đời mình! Nhưng Tình yêu chính là thửa đất trên đó sự sống nẩy mầm. Yêu thương và tin rằng mình được yêu sẽ là chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống làm người mong manh khiếm khuyết này. Tình yêu sẽ hóa giải tất cả.
 
          Có ai dám tự hào rằng mình xứng đáng để cha mẹ yêu hay để được Chúa yêu, thế nhưng chúng ta vẫn được yêu! Tiếc thay, trong không ít các cộng đoàn đời tu, luôn có những tu sĩ không cảm nhận được điều này. Đức Thánh Cha cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn nên Ngài đã bày tỏ mong muốn tu sĩ chúng ta giúp nhau sống vui tươi, hạnh phúc và đầy sức sống: “Tôi ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn”
 
          Trong Tông Thư về đời sống sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta: Người thánh hiến có đủ lý do để vui, để sống an bình dù “cũng như bao sinh linh khác, chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn, những đêm tối tinh thần, những thất vọng, bệnh tật, kiệt sức do tuổi tác. Chính trong hoàn cảnh đó mà chúng ta cần phải khám phá “sự hoan hỉ hoàn hảo”, học cho biết cách nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng, và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá.”
 
          Tuy bất toàn và mong manh nhưng nếu biết dựa vào ơn Chúa, vào ơn cứu độ mà Tình yêu Thiên Chúa đã ban nhưng không thì chúng ta vẫn luôn là người đáng yêu, đáng quý, vì chúng ta là CON mà! Chúng ta được thừa hưởng sự cao cả, sự đáng giá và vẻ đẹp của CHA mình. Vấn đề là con người cần có thái độ vừa khiêm tốn, vừa thấy mình đáng giá. Như nhà Tâm lý Trị liệu S. Peck vẫn luôn băn khoăn: “Cố gắng dạy cho họ biết họ quan trọng đến mức nào, họ dễ thương và đẹp đẽ đến mức nào trước mặt Thiên Chúa. Không có gì cản trở chúng ta tiến tới sự lành mạnh tâm thần, tiến tới sự lành mạnh xã hội, tiến tới Thiên Chúa … cho bằng cảm nghĩ rằng mình không quan trọng, mình không đáng yêu, mình là “đồ bỏ”. Đó là điều chúng ta cần xác tín!
 
          Học khiêm nhượng cũng là học yêu chính mình đúng mức, biết chăm lo cho vẻ đẹp tinh thần, biết chân nhận mọi sự mình có đều đáng giá, và đều do tay Cha Nhân Lành ban tặng.
 
          “Chúng ta hãy biết tự sửa soạn, và chúng ta hãy làm thế bằng cách học đi học lại cho biết rằng mình thật rất quan trọng, mình xinh đẹp lắm, mình đáng yêu lắm, chứ không như mình vẫn lầm tưởng. Và trong khả năng có thể của mình, Chúng ta hãy bước ra giữa đời, nói lên cho mọi người khác biết rằng họ thật rất quan trọng, họ rất đáng giá, rất đáng yêu, chứ không như họ vốn lầm tưởng”.  (S.Peck)
 
          Về khía cạnh này, dường như có lúc trong các nhà tu quá nhấn mạnh việc nên thánh mà quên rằng trước khi là thánh tôi phải thực sự làm người đã. Tôi là người! Về mặt giá trị làm người, không ai đứng trên ai, không ai có một giá trị cao hơn người khác, kể cả bố mẹ với con cái, bề trên và bề dưới. Người ta có thể dùng sức mạnh của quyền lực, luật lệ để ép, để buộc những kẻ khác phải vâng nghe, phải chấp nhận điều nọ, việc kia… nhưng đó chỉ là sự áp đặt chứ không phải ý thức tự nguyện. Nếu không tự nguyện hay làm với sự ý thức thì những hành vi đó mất đi giá trị của nó.
 
          Điều đáng khao khát trong đời tu trước hết là sự chinh phục lòng người và cải hóa tự tâm chứ không phải sự áp đặt, ngay cả thúc ép những việc thiêng liêng. Vì thế, mục đích của huấn luyện và hướng dẫn trong đời tu là gây ý thức, là khơi dậy lòng mến và sự “tự hiến” để việc dấn thân của đương sự phát xuất từ cõi lòng do động lực yêu mến và tự nguyện.  Chắc chắn hành động của một người “được đẩy” sẽ khác rất xa với những người “được cuốn hút vào.” Đề cập đến điều này, không có nghĩa là phủ nhận giá trị của sự hy sinh, của vâng lời, của từ bỏ nhưng để tâm được an long, được hạnh phúc và các hành động trở nên lâu bền cũng như có giá trị cao cả, nếu chúng được làm từ trái tim, từ ý thức và từ sự chọn lựa tự do. Vai trò của những người lớn, người có trách nhiệm, nhất là người có vai trò dạy dỗ, huấn luyện và hướng dẫn thật quan trọng, để sao cho những hành vi đạo đức hay ứng xử được khởi đi từ sự tự nguyện, làm vì kính phục và vì yêu mến. Đây cũng chính là thước đo lòng tôn trọng phẩm giá con người.
 
          Mỗi tu sĩ đều mang thân phận hữu hạn nhưng trong đó lại mang những khát khao vô hạn. Cái hữu hạn đó tương đương với sự mỏng dòn, dễ vỡ. Tu sĩ không phải là bình hoa bằng nylon hay bức tượng bằng những hợp chất composit. Nếu tất cả mọi cái đều không thể hư hỏng, không thể vỡ bể, không thể hư hao thì người ta không cần bảo trì, không cần phải nương tay, phải sợ hay phải ân hận vì bất cứ việc lỡ tay nào. Và như vậy, chẳng còn có gì đáng quí nữa, chẳng có sự sống, chẳng có trái tim.
 
          Con người là sự sống! Sự sống thường có ít nhất hai mặt. Muốn sống thì phải chết như hạt lúa rơi vào lòng đất. Muốn xây phải hủy cái cũ. Muốn có chồi non thì lá già phải rơi rụng…Con người là sinh vật sống và chia sẻ thân phận ấy. Phải, con người là sự kỳ diệu của yếu đuối và sức mạnh, là sự tuyệt vời của đau khổ và hạnh phúc, là sự kết hợp thâm sâu giữa hữu hạn và vô hạn. Có yếu đuối mới biết cái mỏng manh của số phận, có cái mỏng manh mới biết được điều gì là bền vững trong cuộc sống để cậy dựa, để xây dựng và tìm kiếm. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12,10). Có lẽ Thánh Phaolô cũng sống trong cảm nhận này. Sức mạnh của Kitô hữu, của tu sĩ là nhờ lòng tin – “tôi biết tôi tin vào ai…” (2Tm 1,12), nhờ tình yêu và nhờ cậy dựa vào Đấng mà tôi đã thuộc về (x. Rm 8/31)
 
          Sự sống mầu nhiệm lắm, vì thế, cần yêu quý, trân trọng mỗi ngày ta có được. Chính vì yếu đuối mỏng dòn và hữu hạn mà chúng ta CẦN CHÚA. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5/20). Chắc chắn, Ngài có đó vì Ngài đã hứa “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Hơn nữa, chúng ta vẫn tin vào lời của Ngài “ơn ta đủ cho con”. Vì thế, tuy sống phận người, nhưng chúng ta có đủ bảo chứng để an tâm bước đi trong đời tận hiến vì Đấng mà chúng ta đã TIN, đã theo là Đấng Thánh, Đấng THIÊN CHÚA TÌNH YÊU và nhất là Đấng ấy còn là CHA của chúng ta.
 
          Trước tầm quan trọng của nhu cầu yêu và được yêu thương này, có vấn nạn được đặt ra ở đây là liệu những người thánh hiến sống trong nhà Chúa có cảm thấy được yêu thương và quan tâm hay không? Chúng ta có cảm thấy mình là anh/chị em thật sự của nhau chưa, đã sẵn sàng để gánh vác nhau như cô bé trong câu chuyện kể sau đây của một nữ tu ở Đài Loan:
          “Một cô bé ốm yếu khoảng mười tuổi, ngày ngày cõng một em nhỏ khoảng bốn tuổi. Ai thấy cũng tội nghiệp cho em vì cái gánh nặng trên lưng. Một hôm có người hỏi: “Này bé, con không cảm thấy nặng hay sao?” – “Dạ không, vì nó là em con”.
 
          Đời sống cộng đoàn hay tình huynh đệ cũng có nghĩa là gánh vác nhau. Khi vào dòng, chúng ta đã chọn nơi này làm gia đình của mình. Vậy chúng ta có coi nhau là anh chị em thật sự chưa, hay có khi lại sống tuy gần mà xa, xa trong tâm tưởng, xa trong cõi lòng hay thậm chí có khi còn nhân danh Chúa, nhân danh sự thánh thiêng để loại trừ, triệt tiêu nhau thay cho cảm thương và thành thực xây dựng cho nhau? Phải chăng vì cái tâm chúng ta còn quá “tục” và cái “thiêng” của ánh sáng siêu nhiên chưa soi rọi vào tâm, vào trí và vào những hành vi lớn nhỏ của chúng ta?  Phải, chất “người” còn quá nặng đến nỗi nhiều phen chúng ta không coi nhau như anh chị em, con chung một CHA
 
          Nhu cầu tình cảm và tương quan bao hàm nhu cầu được HIỂU. Tình yêu thương thật sự gắn liền với trí tuệ vì nếu không hiểu nhau, không thể thương yêu sâu sắc và yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương. Hiểu càng sâu thì thương càng rộng, hiểu càng rộng thì thương càng sâu! Hiểu là nhịp cầu nối kết giữa tình người, giữa ĐẤT với TRỜI. Vì thế, học để hiểu, tìm để hiểu về nhau sẽ giúp chúng ta sống tình huynh đệ quân bình và sâu sắc.
 
          Tiếng Việt chúng ta thật hay, không tự nhiên mà chúng ta có thể hiểu nhau. Muốn hiểu phải đầu tư, phải lấy thì giờ mà tìm kiếm. Về bất cứ điều gì chúng ta cũng phải học, phải tìm mới biết huống gì là về “con người”, một hữu thể vô cùng nhiệm mầu, phong phú và phức tạp. Để sống tình huynh đệ sâu sắc và lâu bền, chúng ta không thể bỏ qua con đường học hỏi về con người và tìm hiểu nhau. Đời thánh hiến cũng thế, từ lãnh vực tự nhiên nối kết với siêu nhiên, từ con người mà vươn tới tầm cao, tới Thiên Chúa. Chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu và học hỏi về Chúa và về nhau để đời tu không chỉ dựa trên cảm tính mà thôi, nhưng trên những lý chứng vững chắc. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận niềm tin và ơn thánh nhưng là kiện toàn chúng.  Hiểu biết bảo đảm cho tính lâu dài và bớt đổi thay. Cảm xúc chỉ là khởi điểm, trí óc mới giúp duy trì. Trí óc đã mở cửa thì không dễ gì có chuyện hôm nay thế này, ngày mai thế khác.
 
          Trong thực tế, nhiều người, và ngay cả những người thánh hiến cảm thấy không được hiểu. Họ “đói” tình thương và “đói” được hiểu. Gặp được người hiểu mình, thương mình là điều may mắn lớn trong cuộc đời. Tình yêu nảy nở từ đó, tình huynh đệ được phát sinh và nuôi dưỡng cũng từ đó.  Nhưng …
 
  • Làm sao hiểu nếu cứ mang mãi trong mình những định kiến, phán đoán, cố chấp luôn cho mình đúng và kẻ khác sai, mình thánh còn kẻ khác thiếu đạo đức? Có lẽ với những đặc tính của con người thời @ ngày nay, nhiều tu sĩ còn mang nặng tinh thần biệt phái – một thứ biệt phái còn nguy hơn thời Chúa Giêsu gấp bội.
  • Làm sao hiểu nếu cái TÔI còn quá lớn, cái MÌNH còn quá quan trọng? Điều này khiến cho việc hiểu người khác chẳng khác gì hiểu cái bóng của chính mình qua những phóng chiếu của bản thân. Còn đâu nữa tính khách quan, chân thực! 
  • Làm sao hiểu nếu chỉ nghe vòng ngoài, nghe một chiều mà không có đối thoại trực tiếp? “Tam sao thất bổn” là chuyện thường tình, và điều này có lẽ xảy ra thường tình hơn trong đời tu. Tu sĩ của chúng ta đâu phải là những người khuyết tật, nhưng dường như lắm lúc tự mình làm cho mình trở nên khuyết tật bởi chỉ lắng nghe có một lỗ tai, chỉ nhìn với một con mắt, chỉ hiểu với nửa cái đầu và yêu với nửa con tim.
 
          Mặt khác, bầu khí huynh đệ trong một số cộng đồng tu sĩ như thế nào mà thực tế lại có những người bày tỏ ước muốn trở nên người đa tật vừa khiếm thị lại vừa câm điếc; có nghĩa là đừng nghe, đừng nhìn thì có khi dễ sống hơn, câm thì có lợi hơn, an tâm và an toàn hơn! Thật đau lòng khi tôi được nghe như thế từ một số tu sĩ và có lẽ không phải là ít những người thánh hiến đã có lần bị cám dỗ như trên, ít là trong sâu kín lòng mình. Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu sẽ không thương mà giận hờn, trách móc, thậm chí còn kết án nhau nữa. Có lẽ nhiều lúc chúng ta đã quên lời Chúa “Ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân?” (Gc 4,11) hay “Ai đặt ngươi làm quan án?”, “Sao không lấy cái xà trong mắt người trước đã”  (Mt 7,1-5).
 
          “Có hiểu mới có thương”. Nói theo kiểu nhà Phật là hãy lấy “lòng từ bi hỷ xả” hay theo Kitô giáo là hãy lấy “lòng bác ái” mà đối xử với nhau. Có lẽ nói đến lòng bác ái, chúng ta đã quá quen và quá nhàm. Vì thế ở đây xin đề cập đến tinh thần từ bi hỷ xả được thể hiện trong đời sống huynh đệ:

- Từ là khả năng hiến tặng cho người mình yêu thương. Yêu thương không phải là vấn đề nhận lãnh hay hưởng thụ. Yêu thương ai thật sự nghĩa là làm cho người khác hạnh phúc, đem điều lợi ích, sức sống đến cho họ. Từ tâm là lấy lòng rộng lượng, hiền từ mà đối xử với nhau.
 
- Bi là khả năng lấy đi những khổ đau ra khỏi mình và người mình yêu thương. Đó mới là tình yêu đích thực. Từ bi trong tình yêu không phải tự dưng mà có nhưng cần tập mỗi ngày và cần thời gian kiên nhẫn để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi niềm nhằm giúp người ấy tháo gỡ những gì còn vướng mắc, băng bó vết thương để làm tăng thêm bình an, niềm vui và hạnh phúc cho người.
 
- Hỷ là niềm vui, bản chất của tình yêu chân thật. Càng yêu càng vui và càng làm lan tỏa không gian hạnh phúc cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội; đem lại sự ấm áp, cảm thương và sức sống, năng lực cho người.
 
-  Xả là không phân biệt. Yêu ai thì khổ đau hay hạnh phúc của người kia chính là của mình. Khi yêu thương, hai người không còn là hai thực thể riêng biệt nữa. Khổ đau, hạnh phúc không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện chung, chuyện của chúng ta.
 
          Nhu cầu cơ bản mang tính người là hiến dâng sự yêu thương cho người khác. Thật ra, khi bộc lộ tình yêu hoặc lòng từ bi với người khác thì không chỉ có lợi cho người nhận mà cả người cho. Các nhà sinh học phát hiện rằng, ở những hòn đảo hoang sơ, những cây cối nào ra nhiều hoa thơm trái ngọt thường mời mọc chim trời đến ăn. Càng nhiều chim đến ăn, hạt giống càng được gieo vãi và cây đó càng mọc lên thành rừng ở khắp nơi. Đúng là càng đem cho, càng có nhiều lên.
 
          Theo cách hiểu đó, phận người chúng ta cần sự yêu thương dựa trên những nhu cầu và khát vọng cơ bản của chính mình. Về điều này, giáo sư Cao Huy Thuần kể về một nghiên cứu: trên cùng một khoảnh đất, trồng 2 cây cùng loại, cách không xa nhau lắm, điều kiện chăm sóc như nhau. Chỉ có khác là một cây người ta thường xuyên trò chuyện. Ngày nắng ngày lạnh, có lời hỏi thăm, lúc bình minh đẹp thì chia sẻ, xem cây lá có vui không … Kết quả là cái cây này lên nhanh hơn cây kia, ra nhiều hoa hơn, cho quả ngọt hơn. Cây mà còn như thế huống gì là con người ?

 
(còn tiếp)
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây