Thư chung số 105 - 06/2019

Thứ bảy - 25/05/2019 10:38
Thư chung số 105 - Tháng 06/2019
Thư chung số 105 - 06/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 105 / Năm IX
                     * * *                              

LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 06/ 2019
-------------  

 

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỨC ĐI (3)

 
Phan Rang, ngày 20.05. 2019

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
          Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
          Tháng 6 Giáo Hội dành để Tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xin anh chị em dành thì giờ mỗi ngày đọc lại một bài suy niệm về Thánh Tâm Chúa Giêsu để thêm xác tín về lòng thương xót Chúa dành cho từng người chúng ta; đồng thời quảng đại làm một vài việc cụ thể tỏ lỏng thương xót (thăm viếng, bao dung chịu đựng, tha thứ, an ủi, giúp đỡ …) đối với anh chị em đang chung sống hoặc ở trong khu xóm chúng ta.
          Chúng ta tiếp tục đọc và học hỏi phần II của bài chia sẻ của ĐTGM J.R. Carballo, ofm, như sau :

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỨC ĐI (tiếp theo)

II. THỬ CHỤP X-QUANG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: GIỮA ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

          Không dễ tiếp cận thực tại hiện nay của đời sống thánh hiến mà không rơi vào một sự chủ quan nào đó. Thực vậy, việc bắt mạch đời sống thánh hiến trong giai đoạn hiện nay đi từ một cái nhìn tích cực thái quá, không thấy ở đó một vấn đề nào, đến một cái nhìn cho rằng tai họa sắp tới, chỉ chú ý tới những yếu tố tiêu cực mà chắc hẳn là có trong đó. Cái nhìn thứ nhất có nguy cơ không chú ý tới những vấn đề thực tế mà đời thánh hiến đang trải qua; cái nhìn thứ hai có nguy cơ không nhìn ra tác động của Thần Khí đang tiếp tục thổi tràn trề vào những người sống đời thánh hiến, và qua đó vào đời sống của Hội Thánh.

          Cũng như trong mọi thực tại của Hội Thánh, trong đời sống thánh hiến cũng có ánh sáng và bóng tối, có những dấu hiệu của sự sống và những dấu hiệu của cái chết, sự thánh thiện và tội lỗi[27]. Xét vì mục đích của bài này, chúng ta hãy nhìn lướt qua những ánh sáng và bóng tối trong đời sống thánh hiến hiện nay, điều làm chúng ta buồn, điều làm chúng ta băn khoăn và cả điều thôi thúc đi tới một cuộc sống thánh hiến có khả năng thức tỉnh thế giới, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi. Tôi tiếp cận thực tế này dựa trên sự hiểu biết của tôi về đời sống thánh hiến, sự hiểu biết được mở rộng trong một năm rưỡi làm việc ở Bộ Tu Sĩ, nhờ phân tích những tài liệu nhận được và nhờ đối thoại liên tục với thực tiễn đời sống thánh hiến qua những cuộc gặp gỡ với những người sống thánh hiến và nhất là các vị Bề Trên Tổng Quyền nam nữ.

          Việc dự đoán tương lai của đời sống thánh hiến lại càng không dễ. Nó không ở đây hay ở kia, mà ở trong tay Thiên Chúa. Dù sao, tuy không thấy hoàn toàn điều Thánh Thần đang khơi dậy trong đời sống thánh hiến, nhưng xét theo những mầm sống mới mẻ đang nảy sinh giữa chúng ta, theo nhịp của những thực tại khác đang chết đi, chúng ta đã có thể nhận dạng một số mầm non của cái mới mẻ và tương lai.

          Với sự run rẩy và sợ hãi, chúng ta tiếp cận cả hôm nay và ngày mai – mà trong nhiều trường hợp đã là hôm nay rồi – của đời sống thánh hiến.

1. Điều làm chúng ta đau buồn

          - Một đời sống thánh hiến tự kỷ trung tâm, quy về chính mình, bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho người ở gần và kẻ ở xa”.

          - Một đời sống thánh hiến bận tâm về con số hơn là về ý nghĩa Tin Mừng, bận tâm về những công trình phải duy trì hơn là về tính ngôn sứ phải có trong mình.

           - Một đời sống thánh hiến quan tâm tới sự an toàn xuất phát từ chỗ bám vào những cái đã quen từ xưa – “xưa nay vẫn làm thế” – hơn là đi tới những biên cương hiện sinh của hôm nay.

          - Một đời sống thánh hiến bị kềm chế bởi một thứ “suy nhược thiêng liêng” làm cho lo lắng, vì nó đưa tới chỗ an phận trong sự tầm thường, ngăn cản sống hiện tại với lòng say mê và nhìn tương lai với niềm hy vọng.

         - Một đời sống thánh hiến bị khống chế bởi sự nguội lạnh: “một thứ bất mãn kinh niên, làm khô cạn tâm hồn”[28], làm “tê liệt”bất cứ nỗ lực nào của sự “trung thành sáng tạo”, sản sinh một sự mệt mỏi căng thẳng, nặng nề, bất mãn, nó khống chế nhịp sống bằng một nỗi âu lo về hiệu quả tức thời, không chịu nổi sự chống đối, thất bại, phê bình, thập giá.[29]

        - Một đời sống thánh hiến không có tính thần bí, không có động lực và chán chường, chỉ theo thói quen; một đời sống thánh hiến sản sinh “cuộc sống nửa chừng”, chết ngộp vì sức ỳ của một trật tự bất di bất dịch và những truyền thống không được xét lại; những cuộc sống không phải là sống, vì bị khống chế bởi sự vận hành của cơ chế.

        - Một đời sống thánh hiến chuyên nghiệp hóa hơn là làm chứng về Thiên Chúa của sự sống, Đấng làm nảy sinh lòng say mê, niềm hy vọng và niềm vui, khơi dậy sự hấp dẫn mãnh liệt, ơn sủng và thiện cảm, mời gọi, lôi kéo và hấp dẫn.

2. Điều làm chúng ta băn khoăn

       Không truy tìm thủ phạm không có nghĩa là nhắm mắt trước thực tại, trong đời sống thánh hiến chúng ta phải nhận ra những triệu chứng làm chúng ta băn khoăn, vì nó che khuất vẻ đẹp của việc đi theo Đức Kitô trong đó. Nếu chúng ta vạch ra những triệu chứng ấy thì không phải là để rơi vào mặc cảm tội lỗi, nhưng, đơn giản là để tìm cách vượt qua những triệu chứng ấy.

       - Sự dòn mỏng đang thấy trong một số Dòng Tu. Sự dòn mỏng này có những biểu hiện khác nhau: con số thành viên giảm sút;[30] vắng mặt khỏi nhà Dòng,[31] sống ngoại vi,[32] thải hồi,[33] những khiếu nại lên Bộ Tu Sĩ hoặc Tòa án Tối Cao, thiếu thay đổi người trong việc quản trị, điều thường thấy nhất trong các Nữ Đan viện tu kín, do đó việc xin chuẩn hạn cho các Viện Mẫu đang trở thành một sự thực hành quá thường xuyên.[34] Sự dòn mỏng cũng nhận thấy trong việc sáp nhập, liên kết và xóa bỏ những Dòng Tu.[35] Với đời Đan tu thì cũng năng xảy ra việc bãi bỏ những Đan viện.[36]

         - Khoảng cách giữa quy luật và khả năng thực tế của một số Dòng Tu. Khoảng cách này tỏ ra qua nhiều sự miễn chuẩn luật riêng.[37] Tôi nghĩ tốt hơn là nên thay đổi Hiến Pháp. Nhiều điều trong Hiến Pháp có thể chuyển sang phần Quy Chế hay Nội Quy, những Quy Chế hay Nội Quy không cần sự can thiệp của Tòa Thánh. Không hiếm trường hợp “xin chữa” (sanatio) nhất là liên quan tới nhà tập, điều này chứng tỏ thiếu hiểu biết Luật, Luật riêng hoặc Luật chung của Hội Thánh. 

          - Con số xuất tu lên cao mỗi năm[38] và thiếu người trẻ thế chân người già, vì thế không ít Dòng Tu sẽ phải biến mất trong một thời gian ngắn và một số khác được mời gọi sáp nhập với những Dòng Tu có đặc sủng tương tự.

        - Con số những Dòng Tu đang được Tòa Thánh đặt Thụ Ủy quản trị[39] là lớn, và nhiều cuộc Thanh Tra Tông Tòa[40] đang diễn ra, chủ yếu vì bốn tình huống đau đớn và có khi là gương xấu: (1) các vấn đề tình cảm, một số trường hợp liên quan tới chính các vị nam nữ  sáng lập viên;[41] (2) việc huấn luyện, đôi khi trái với Công Đồng: (3) quản lý tài chánh thiếu trong sáng, trong đó đồng tiền “cai trị thay vì phục vụ”;[42] (4) độc tài trong việc thi hành quyền bính.
 Việc quản trị tài chánh không thỏa đáng của một số Dòng Tu. Hiện nay việc quản trị tài sản là một vấn đề khiến một số Dòng Tu băn khoăn. Có trường hợp vì tích lũy quá nhiều tiền bạc, có những trường hợp khác vì việc quản trị các tài sản không thỏa đáng, khiến Dòng Tu rơi vào tình trạng thiếu hụt khó xử. Trường hợp sau này thường là do quản trị theo cách cá nhân, nhất là nơi các vị quản lý.

           - Cách thi hành việc phục vụ của quyền bính không thỏa đáng trong một số Dòng Tu, khiến người ta bám lấy quyền hành và theo một “chính sách” mà không ít trường hợp theo “thói đời” nhiều hơn là Tin Mừng. Đang gia tăng con số những bề trên cả nam lẫn nữ muốn trường kỳ nắm các vị trí quyền lực, và không thiếu những trường hợp độc tài.

         - Tính cách “thế tục” xuất hiện nơi một số không ít những người sống thánh hiến, thấy được trong một “lối sống” chẳng phù hợp bao nhiêu với tinh thần của các vị nam nữ sáng lập viên. Chúng ta không thể im lặng trước lối sống trưởng giả và se sua của một số tu sĩ, họ làm lu mờ bộ mặt của đời sống thánh hiến.

          - Một hoạt động chủ nghĩa làm tha hóa, xa rời việc cổ võ tính sáng tạo, lại còn làm giảm thiểu đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và chính lý tưởng của đời thánh hiến. Hoạt động chủ nghĩa nói trên thường mang theo sự giảm suy động lực, được nuôi dưỡng bởi sự thất chí, oán hận, chán nản, lãnh đạm.

          - Sự tìm kiếm thành tựu bản thân, không quan tâm tới đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa, biểu lộ một cá nhân chủ nghĩa xâm thực, nhìn mọi sự bằng con mắt tự kỷ trung tâm.

3. Điều làm chúng ta vui mừng

          Khoảng thời gian ngăn cách giữa chúng ta với Công Đồng hẳn là tế nhị và khó khăn, “không thiếu căng thẳng và khắc khoải”, cũng là một thời gian giàu hy vọng, với nhiều kế hoạch thấm nhuần Tin Mừng cách sâu xa, trong đó nhiều người sống đời thánh hiến, có lẽ đại đa số, đã dấn thân “với một đà lực mới” trong việc canh tân sâu xa về mặt thiêng liêng và tông đồ đem lại hoa trái là một đời sống thánh hiến “được đổi mới và đầy sức sống”.[43]

           Vì tất cả những điều đó, trong khi chúng ta nhớ lại giai đoạn này với lòng biết ơn[44], chúng ta vui mừng vì:

         - Sự trung thực của số đông những người sống đời thánh hiến đang tích cực nỗ lực làm cho đời thánh hiến nhập thể vào hiện tại, với một chọn lựa rõ ràng là đi đến những vùng ngoại biên khác nhau của cuộc sống.

           - Sự khai sinh của những Dòng Tu mới, chứng tỏ lối sống đi theo Đức Kitô này luôn đổi mới.[45] Nhiều Đan viện khác nhau đã được thiết lập, nhất là ở châu Mỹ và châu Á.[46]

           - Một đời sống thánh hiến trở nên phong phú nhờ một linh đaọ hiệp thông đưa tới mở ra với “cái khác”, cái dị biệt, cả trong đời sống thánh hiến, cũng như trong Hội Thánh và bên ngoài Hội Thánh; nhờ một linh đạo nhập thể trở thành ngôn sứ; nhờ một linh đạo toàn diện, trong khi không ngừng hưóng thẳng con mắt và trái tim vào Chúa, vẫn không coi rẻ những gì thuộc riêng về người nam và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

          - Một đời sống thánh hiến được sinh động bởi một lòng khao khát mãnh liệt sống đặc sủng tận căn hơn và một sự trung thành say mê sáng tạo.

         - Một đời sống thánh hiến quan tâm cống hiến một nền huấn luyện phù hợp với thời hiện tại và chuẩn bị cho việc đọc những dấu chỉ của thời đại: một nền huấn luyện toàn diện, thường xuyên, có đồng hành,…

          - Một đời sống thánh hiến đặt ưu tiên vào con người và nhằm đơn giản hóa cơ cấu, đặt cơ cấu xuống phục vụ con người và đặc sủng cùng sứ mạng riêng của mỗi Hội Dòng, không cắm sào trong nỗi luyến tiếc những cơ cấu và những thói quen không còn mang sức sống trong thế giới hiện nay[47], cũng chẳng còn là kênh truyền thích hợp cho đặc sủng riêng của một Hội Dòng.

         - Một đời sống thánh hiến biết nhìn thế giới không phải như một nguy cơ hay một đe dọa, nhưng như là “tu viện” và cánh đồng thích hợp cho sứ mạng; một đời sống thánh hiến phóng vào thế giới tầm nhìn cởi mở để đối thoại và hội nhập văn hóa.

          - Một đời sống thánh hiến có ý thức rõ ràng về tính cách thuộc về Hội Thánh, trong khi không từ bỏ tính cách ngôn sứ và một tinh thần phê phán lành mạnh trong lòng Hội Thánh.

 
(còn tiếp)
_________________ 
Chú thích
[27] Xc. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 13.
[28] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 277.
[29] Ibid., số 81-82
[30] Theo các dữ liệu chúng tôi có trong tay tới ngày 31/12/2012, hiện có: 28 Hội Dòng (1 thuộc nghi lễ Đông Phương) và hai Tu Hội Đời Sống Tông Đồ, tất cả là nam giới, có số thành viên từ 55 tới 99; và 36 Hội Dòng nam (5 thuộc nghi lễ Đông Phương) và 2 Tu Hội Đời Sống Tông Đồ, cũng là nam giới, có dưới 50 thành viên. Về phía các Dòng nữ, cũng trong năm đó, có 212 Hội Dòng (5 thuộc nghi lễ Đông Phương) và 3 Tu Hội Đời Sống Tông Đồ có từ 50 tới 99 thành viên; 161 Hội Dòng (1 thuộc nghi lễ Phương Đông) và 1 Tu Hội Đời Sống Tông Đồ có dưới 50 thành viên. Tất cả là những Hội Dòng và Tu Hội thuộc quyền Giáo Hoàng.
[31] Từ 2008 tới 2013 Bộ Tu Sĩ đã cho phép 761 trường hợp vắng mặt khỏi nhà Dòng.
[32] Cùng thời gian trên, 2008-2013, có 1402 trường hợp sống ngoại vi, trong số đó 72 trường hợp bắt buộc.
[33] Từ 2008 tới 2013 Bộ chúng tôi đã phê chuẩn 1,075 lệnh thải hồi.
[34] Trong thời gian từ 2008 tới 2013 đã có 488 thỉnh nguyện được chấp thuận. Bộ Tu Sĩ chấp thuận tới lần thỉnh nguyện thứ tư không có khó khăn. Từ lần thỉnh nguyện thứ sáu thi Bộ sẽ đặt Viện Mẫu. Trong những trường hợp khác, Bộ Tu Sĩ đặt một Viện Mẫu đến từ một đan viện khác. Cùng thời gian 2008-2013, Bộ đã đặt 99 Viện Mẫu.
[35] Từ 2008 tới 2013 Bộ đã đồng hành một vụ hợp nhất, 22 vụ sáp nhập và ba vụ xóa bỏ Dòng Tu.
[36] Từ 2008 tới 2013 đã bãi bỏ 121 đan viện và hai Liên Hiệp.
[37] Vẫn trong khoảng thời gian 2008-2013 đã có 1.073 vụ miễn chuẩn, phần lớn liên quan tới quy tắc về nhà tập hoặc khấn tạm hay khấn trọn. Phải kể thêm vào đó 28 trường hợp miễn chuẩn vì ràng buộc hôn phối.
[38] Tổng số xuất tu mỗi năm khoảng 2.000, đó là chỉ tính những trường hợp thông qua Bộ Tu Sĩ. Phải kể thêm vào đó những trường hợp thông qua Bộ Giáo Sĩ và Bộ Giáo Lý Đức Tin nữa.
[39] Theo thống kê chúng tôi có được, từ 2008 tới 2013 có 39 trường hợp Tòa Thánh đặt Thụ ủy.
[40] Từ 2008 tới 2013 có 132 vụ Thanh Tra Tông Tòa đối với các Tu Hội Đời Sống Tông Đồ.
[41] Hiện nay đang có điều tra về cách cư xử của chừng 15 vị sáng lập viên.
[42] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 57-58. Thư luân lưu “Những nguyên tắc hướng dẫn” về việc quản trị tài sản Hội Thánh về phía các người sống thánh hiến, cũng như cuộc Hội Thảo do Bộ Tu Sĩ tổ chức hồi tháng 3/2015 vừa qua, với sự đón nhận và tham gia nồng nhiệt, muốn giúp cho việc quản trị thích đáng các tài sản thuộc về các Hội Dòng. Chúng tôi đang chờ tiếp nhận những đóng góp để thực hiện một bản Chỉ Đạo (Chỉ Thị Hướng Dẫn)về vấn đề này.
[43] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 13.
[44] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông thư “Khởi đầu thiên niên kỷ mới”, số 1.
[45] Từ 2008 tới 2013 đã thiết lập 20 Hội Dòng (3 nam và 17 nữ, trong số này có 3 ở Phi châu, 7 ở Mỹ châu, 3 ở Á châu và 7 ở Âu châu); 4 Tu Hội Đời Sống Tông Đồ (2 nam và 2 nữ, trong số đó 3 ở Mỹ châu và 1 ở Âu châu) và 3 Tu hội Đời nữ, tất cả thuộc quyền Giáo Hoàng. Thêm vào đó, Bộ Tu Sĩ đã cho 29 ý kiến ủng hộ cho các giám mục liên hệ – hoặc thông qua Bộ Loan Báo Tin Mừng – nhằm thiết lập ở cấp giáo phận những “Hội Đạo Đức” công khai.
[46] Cũng trong khoảng thời gian đang phân tích (2008-2013), đã mở ra 111 đan viện.
[47] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 108.

 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây