Thư chung số 107 - 08/2019

Chủ nhật - 28/07/2019 10:43
Thư chung số 107 - 08/2019
Thư chung số 107 - 08/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 107 / Năm IX
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 08/ 2019
-------------  

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN (1)

 

 
Phan Rang, ngày 20.07.2019
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
           
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
          Thưa anh chị em, tiếp theo bài Huấn từ của Đức TGM J.R Carballo,Ofm, Anh giới thiệu và đề nghị chúng ta cùng học hỏi bài viết sau đây của Nữ tu Tiến sĩ Tâm lý học rất sâu sắc và cụ thể giúp chúng ta biết mình cũng như biết người, nhờ đó chúng ta biết đối xử với nhau cách thích hợp, đắc nhân tâm và rất nhân bản; đồng thời, nhờ đó tránh được những va chạm không cần thiết, biết tôn trọng nhau, giúp nhau thăng tiến trong đời tu. Vì bài nghiên cứu khá dài, nên Anh Hai thiết nghĩ cần chia thành nhiều phần để chúng ta vừa học hỏi trong nhiều tháng, vừa tập áp dụng vào cuộc sống cụ thể. Bài viết có tựa đề :
 

YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN

 

          “Người” và “Thánh” là hai thế giới quá khác biệt. Vì thế đời thánh hiến nếu chỉ nhìn trên phương diện sức người thì thật khó ước mơ. Đề tài “Yếu tố con người trong đời Thánh hiến” thoạt nghe đơn giản nhưng chắc có nhiều điều để nói vì cuộc đời muôn mặt mà! Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này, chỉ xin đưa ra hai góc độ.
 
             Một mặt, chúng ta, những người thánh hiến cần sống và đối xử với nhau như những “con người” thật sự với những nhu cầu cơ bản để phát triển đời sống thể lý cũng như tâm lý, tự nhiên cũng như siêu nhiên hầu có thể “sống và sống dồi dào” (Ga 10.10) như Đức Kitô mong muốn khi Ngài đến trần gian.
 
          Mặt khác, nhiều khi chúng ta lại sống và đối xử với nhau “quá người”, yếu tố siêu nhiên dường như vắng bóng hoặc quá lu mờ xa xôi khiến mạch sống đời Thánh hiến của nhiều người bị cản trở.
 
Chúng ta nghĩ gì về nhận định sau đây:
          “Trong mỗi một con người, có một hứa hẹn cao cả về chất người và một đe dọa khủng khiếp về chất thú. Quá trình làm người là làm thế nào hiện thực hóa hứa hẹn cao cả về chất người và loại trừ được cái đe dọa khủng khiếp về chất thú.
 
          Câu nói này mô tả vắn gọn nhưng khá rõ nét về bản chất của con người. Và chúng ta, những người thánh hiến không thể tránh được sự chi phối của thực tế này. Đồng thời, giải pháp cho vấn đề cũng đã được làm sáng tỏ trong câu nói đó, nhưng việc thực hiện là một quá trình dài. Với giới tu hành còn cần sự nỗ lực lớn hơn gấp bội vì song song với quá trình làm người còn có những đòi hỏi của việc nên thánh nữa. Người thánh hiến chúng ta không phải là thiên thần. Hầu hết tu sĩ chưa phải là thánh mà đang ước mơ và cố gắng để tiến tới sự thánh thiện. Bản chất tu sĩ vẫn luôn là người – những con người rất tầm thường, rất nhỏ bé và mong manh đồng thời cũng thật cao cả vì đã được cứu chuộc, được đổi bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Phận người của chúng ta đã được Đức Kitô thánh hóa và sẻ chia qua cuộc Nhập thể của Ngài. Điều này mang đến cho thân phận chúng ta một ý nghĩa và giá trị nữa.
 
         Dựa trên thực tế, với kinh nghiệm đấu tranh của chính mình giữa con người thật và con người mình muốn trở nên, thật không dễ tí nào. Suốt cuộc hành trình của đời thánh hiến, chúng ta đã học và tập luyện rất nhiều “bộ môn” và mấy ai đã hài lòng rằng mình đã “thuộc bài”! Ngay cả trong cuộc đời bình thường này, con người phải không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân, huống gì nghĩ đến con đường hoàn thiện để nên giống CHA TRÊN TRỜI là ĐẤNG THÁNH thì thật là quá tầm nếu chỉ dựa trên sức mạnh của bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta cần nghĩ đến việc làm sao để những người thánh hiến sống thật, sống vui, sống an bình, phát triển và đầy sức sống hơn. Thật ra, đó không phải là những gì người tu sĩ tìm kiếm vì đi tu là để tìm chính Chúa, là đáp trả tình Ngài. Tuy vậy, một người được yêu và sống trong tình yêu phải hạnh phúc, phải triển nở mới thu hút người khác đồng thời làm chứng cho tình yêu, cho Đấng mình đã lựa chọn để dâng hiến cuộc đời.
 
          Có lẽ sau hơn hai mươi năm với những công việc khác nhau, được tiếp xúc rất gần với giới tu hành và nhất là tu sĩ trẻ, tôi có cảm tưởng có một cái gì đó đang RÀNG, đang BUỘC chúng ta. Theo cảm nhận chủ quan của mình, dường như nhiều tu sĩ chưa thật sự hạnh phúc và triển nở, chưa làm “vinh danh Thiên Chúa” qua cuộc sống của mình như thánh Irênê từng nói: “Vinh danh Thiên Chúa là làm cho con người được sống” và theo mong muốn của Đức Kitô khi đến trần gian: “Ta đến để các con được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
 
Vậy làm sao để chúng ta SỐNG và SỐNG DỒI DÀO? 
 
          Theo thiển ý, không có con đường tắt hay con đường dễ dãi để nên thánh, để được hạnh phúc, có Chúa làm gia nghiệp.  Hạnh phúc của người tu sĩ là quá trình chiến đấu với bản thân, với những cạm bẫy và sự mời mọc của thế gian của xác thịt mà Thánh Phaolô đã nói đến. Niềm hạnh phúc đích thật và sâu xa được mua bằng nước mắt, hay “chắt lọc từ nỗi đau” tức là từ việc bỏ mình, từ việc cắt đứt với nhiều thứ ràng buộc mình như tình, tiền, quyền, tự do, ý riêng… Ngoài sự tranh đấu và mò mẫm của mỗi người tìm đến sự hoàn thiện, chúng ta hầu hết đều sống trong một cộng đoàn, một nhóm, một dòng tu. Vậy những cộng đoàn mà chúng ta chọn làm gia đình của mình có thật sự giúp đỡ người tu được “sống và sống dồi dào” chưa?
 
          Không gì được cho không cả. “Tiền nào của nấy” mà! Việc đầu tư vào đời thánh hiến của mỗi tu sĩ phải bắt đầu từ cái gốc là hoàn thiện con người trước khi tiến đến ước mơ nên thánh. Scott Peck, một nhà tâm lý nhưng có cảm nghiệm rất sâu sắc về đời sống siêu nhiên đã nhận định:
 
          “Nẻo đường nên thánh là nẻo đường đi qua sự trưởng thành. Không có đường ngang lối tắt nhanh chóng và dễ dãi ở đây. Các vành đai bản ngã phải được xây lên rồi mới được phá đi. Một cá thể tính phải thành hình trước khi nói đến chuyện vượt qua nó. Ta phải tìm thấy cái bản ngã của ta trước đã rồi mới có thể đánh mất nó được.” (S. Peck).
 
          Vì thế, chính bản thân người tu sĩ cũng như những người có trách nhiệm giúp người khác sống đời thánh hiến cần chú trọng đến phương diện này. S.Peck còn cho rằng ngay cả những người chọn cuộc sống thiên về tinh thần và siêu nhiên cũng trở nên tốt đẹp và gần Chúa hơn với một con người triển nở về nhân bản.
          “Qua gặp gỡ với các tu sĩ, tôi nhận thấy rằng những tu sĩ tuyệt vời nhất chính là những tu sĩ mến yêu Thiên Chúa nồng nàn nhất. Và để yêu Thiên Chuá cách nồng nàn, bạn phải là một con người nồng nhiệt, đam mê.” (S.Peck)
 
          Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta vì tình yêu. Vì thế hạnh phúc của Ngài là được thấy những kẻ mình yêu thương được vui sống. Có lẽ điều cơ bản và sơ đẳng nhất trước hết để được vui sống chính là những nhu cầu của chúng ta được đáp ứng đúng mức. Nhu cầu của “con người” bao gồm những đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng về vật chất và tinh thần, tâm lý và tâm linh cần được đáp ứng để tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, mỗi người có những nhu cầu khác nhau tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý của từng người.
 
          Phải, nhu cầu chính là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động. Chúng rất đa dạng và vô tận. Nhu cầu càng cấp bách thì khả năng chi phối con người càng cao. Nếu kiểm soát được nhu cầu đồng nghĩa với việc có thể kiểm soát được con người.
 
Nhu cầu căn bản nhất thuộc “thể lý”
 
          Các nhu cầu này cần được đáp ứng tối thiểu để duy trì sự sống. Nhìn vào thực tế, nếu như cách đây hai mươi năm, cuộc sống vật chất của giới tu sĩ có nơi còn thiếu thốn, nhưng bây giờ, nhu cầu này không còn thật sự là mối bận tâm nữa. Mặt khác, với tâm thức của những người con luôn tín thác vào lời Ngài đã hứa:“Các con đừng lo phải ăn gì, mặc gì” (Mt 6,11). Ngay cả chim trời và hoa đồng nội mà Chúa còn lo huống gì chúng ta là những người con yêu dấu của Ngài? Vì thế xin được lướt qua phần này với lời nhắc nhở của một Vị khôn ngoan: “Mở cửa nhà bếp thì cửa nhà thuốc sẽ đóng”.
 
Nhu cầu an toàn và được bảo vệ
 
          Nhu cầu này bao hàm an toàn thể chất lẫn tinh thần: Cảm thấy được bảo vệ, có cảm giác yên tâm và tránh được những sự sợ hãi, lo lắng. Có lẽ trong đời tu, an toàn tinh thần là nhu cầu tối cần để được an bình nội tâm. Nhưng thực tế thì sao? Dường như một số tu sĩ chưa cảm thấy an tâm và an toàn ngay trong chính nhà mình, cộng đoàn mình. Thái độ phòng vệ đối với nhau, sợ sệt, né tránh và dè chừng nhau không phải là chuyện lạ trong khung cảnh đời tu. Thật ra nguyên nhân rất đa dạng. Xin nêu một ví dụ nhỏ: có những thành phần gọi là “ăng ten” hay đi mách lẻo để lấy điểm, để cầu an cho bản thân. Những sự mách lẻo này đôi lúc được khuyến khích hay dặn dò phải dấu. Chính cái dấu kín này làm cho chúng ta phải thắc mắc về tính chính xác của nó. Những điều nói sau lưng ấy thường khó tránh sự chủ quan và thêu dệt hoặc suy diễn, không cho người khác có cơ hội giải thích hay làm sáng tỏ. Đây là yếu tố hủy hoại ghê gớm, nó như những con vi khuẩn đục khoét sự lành mạnh của cộng đoàn, của những con người đầy thiện chí tìm Chúa.  Bên cạnh đó, có những người “lớn” nhưng hay “bắt khoan bắt nhặt” hoặc rình mò canh chừng từ xa, hoặc hỏi đon hỏi ren về người này, người kia, tạo bầu khí nghi ngờ nhau và khiến những người trẻ không thấy an toàn khi chia sẻ thật tình. Thật khủng khiếp và vô phúc cho những ai rơi vào bầu khí bất an và bịnh hoạn này! Chắc chắn chúng ta đều mong manh, không tránh khỏi những sơ hở, sai sót, nhưng nếu chỉ đôi lúc yếu đuối thì khác với cách thế giáo dục kiểu này. Ở đây chỉ đề cập đến một góc độ dễ thấy và có thể kiểm chứng được. Thực ra còn biết bao nhiêu sự bất an tinh thần khác như nghi ngờ, phê phán và ngay cả loại trừ nhau nữa. Điều quan trọng là chúng ta cần tỉnh thức để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết thì mới mang sinh khí đến cho anh chị em mình.
 
          Làm sao để mỗi thành viên lớn, nhỏ được cảm thấy an toàn? Đây là việc của mỗi tu sĩ. Nếu một cá nhân hay một cộng đoàn chẳng may rơi vào tình trạng này thì xin xét lại mình và nhất là không có cách thế nào tốt hơn là chạy đến với Chúa là nguồn an bình. Với lòng tin yêu phó thác, nhu cầu an toàn của chúng ta sẽ được Chúa bảo đảm. Đặc biệt, ta cần luôn mang tâm tình trẻ thơ, luôn hướng về Thiên Chúa là CHA, đồng thời là Mục Tử tốt lành.
 
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui” (TV 130)
 
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (TV 23)
 
(còn tiếp)
============   

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây