Thư chung số 102 - 03/2019

Thứ bảy - 23/02/2019 09:31
Thư chung số 102 - 03/2019Sau thông điệp " Laudato sí " này, việc xét mình, - phương thế mà Giáo Hội luôn cổ võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh sáng tương quan với Chúa,
Thư chung số 102 - 03/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 102 / Năm IX
                    * * *
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 03/ 2019
-------------   
THÔNG ĐIỆP “ LAUDATO SÍ “
CHƯƠNG VI : GIÁO DỤC VÀ LINH ĐẠO MÔI SINH (3)
 
Phan Rang, ngày 20.02.2019
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
 
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

Tháng ba là tháng Giáo Hội dành riêng để đặc biệt tôn kính Thánh Cả Giuse – Cha Nuôi và là Người Bảo Vệ Chúa Giêsu và Đức Maria. Ngài được suy tôn làm Bổn Mạng Hội Thánh toàn cầu; Bổn mạng Giáo Hội Việt nam và cách riêng là Đấng Bảo Trợ của Tu Hội chúng ta. Vì lý do đó, hằng ngày anh chị em hãy sốt sằng dâng kinh nguyện dâng kinh Ngài trước là để tỏ lòng yêu mến, hiếu thào; sau là ý thức giao phó Tu Hội và từng người anh chị em chúng ta cho Ngài, để xin Ngài cầu cùng Chúa Giêsu và Mẹ Maria ban cho chúng ta những ơn trợ giúp cần thiết để xây dựng Tu Hội và trung thành với ơn gọi thánh hiến cho đến ngày Chúa trở lại.

Tháng này chúng ta cùng học hỏi phần cuối cùng của Thông Điệp “ LAUDATO SÍ “ từ số 238 cho đến hết.

Tóm lược :  Các thánh tháp tùng chúng ta trong hành trình này. Thánh Phanxicô nhiều lần được trưng dẫn, là ”mẫu gương tuyệt hảo về sự chăm sóc những gì là yếu đuổi và một nền môi sinh toàn diện, được sống trong vui mừng” (10), mẫu gương về sự ”không thể tách biệt nhau giữa mối quan tâm đối với thiên nhiên, công bằng đối với người nghèo, dấn thân trong xã hộiu và hòa bình nội tâm (10). Nhưng Thông điệp cũng nhắc đến thánh Biển Đức, thánh Têrêsa thành Lisieux, chân phước Charles de Foucauld.
 
  Sau thông điệp Laudato sí này, việc xét mình, - phương thế mà Giáo Hội luôn cổ võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh sáng tương quan với Chúa, - phải bao gồm một chiều kích mới: không những cứu xét xem ta đã sống tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân như thế nào, nhưng còn với toàn thể các loài thụ tạo và thiên nhiên nữa.
 
CHƯƠNG VI : GIÁO DỤC VÀ LINH ĐẠO MÔI SINH (3)
 
VII. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC THỤ TẠO

238. Thiên Chúa Cha là nguồn gốc tối thượng của tất cả, Đấng là nền tảng đầy tình thương và kết hiệp với tất cả những gì hiện hữu. Chúa Con, Đấng phản ánh Chúa Cha và qua Người mà muôn vật được tạo thành, đã tự liên kết với trái đất này, khi Người được hình thành trong cung lòng Đức Maria. Chúa Thánh Thần, dây liên kết bất tận của tình yêu, hiện diện một cách thân thiết với vũ trụ, khi Người tác động và tạo nên những con đường mới. Thế giới được Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng như một nguyên lý thần linh duy nhất, nhưng mỗi Vị thực hiện công trình chung này theo cách của mình. “Khi chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm sự vĩ đại và vẻ đẹp của vũ trụ, chúng ta phải ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi” [169].

239. Đối với các Kitô hữu, niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông Ba Ngôi, gợi lên trong chúng ta suy nghĩ về tất cả thực tại chứa đựng trong nội tâm của Người là một dấu chứng rõ ràng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Bonaventura tiến xa hơn để xác định, trước khi phạm tội, con người có thể khám phá ra nơi mỗi thụ tạo “đều biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi”. Con người có thể nhận ra vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thiên nhiên “khi quyển sách này không phải tối mò đối với con người, và con mắt của con người không bị xáo động” [170] Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta, “mỗi thụ tạo mang trong mình một cấu trúc rõ ràng về Ba Ngôi”, rõ ràng đến độ chúng ta có thể tình cờ chiêm ngắm nếu như cái nhìn của con người không bị ngăn cản, xáo trộn và yếu đuối. Ngài chỉ cho chúng ta những cách thức để tìm cách đọc ra thực tế với chìa khoá Ba Ngôi.

240. Các Ngôi vị Thiên Chúa là những liên hệ hiện hữu, và thế giới được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, là một sơi chỉ của liên hệ. Các thụ tạo hướng về Thiên Chúa và mỗi sinh vật, đến phiên mình có đặc tính hướng đến các sinh vật khác, đến độ ngay trong vũ trụ có vô số tương quan kết hợp với nhau cách mầu nhiệm [171]. Điều này mời gọi chúng ta không những kinh ngạc trước biết bao mối tương quan đang có giữa các thụ tạo, nhưng còn dẫn chúng ta khám phá ra chìa khoá của chính hiện thực của chúng ta. Vì con người lớn lên, trưởng thành và thánh hoá bản thân theo mức độ họ bước vào mối tương quan, khi bước ra khỏi bản thân mình để sống hiệp thông với Thiên Chúa, với kẻ khác và với tất cả thụ tạo. Như thế, họ bảo đảm trong hiện sinh của mình sự năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã đóng ấn trong con người từ lúc sáng tạo nên họ. Tất cả đều liên kết với nhau, và điều này mời gọi chúng ta sống một linh đạo liên đới với mọi thụ tạo, xuất phát từ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
VIII. NỮ HOÀNG CỦA CẢ SÁNG TẠO

241. Đức Maria, người Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu, trong hiện tại, với tình mẫu tử và khổ đau, cũng đang chăm sóc cho thế giới đang bị thương tích. Với trái tim bị đâm thâu, Mẹ đã khóc trước cái chết của Đức Giêsu, bây giờ Mẹ cũng cảm thông với những người nghèo đang bị đóng đinh và các thụ tạo trên trái đất này tan nát vì quyền lực của con người. Mẹ sống với Chúa Giêsu trong hiển dung hoàn toàn biến đổi và tất cả thụ tạo đều ca tụng vẻ đẹp của Mẹ. Mẹ là người nữ “mặc áo mặt trời, mặt trăng… dưới chân Mẹ và mũ triều thiên với mười hai ngôi sao trên đầu Mẹ” (Kh 12,1). Được nâng lên trời, Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của toàn thể sáng tạo. Trong thân xác vinh quang, cùng với Đức Kitô Phục Sinh, một phần của sáng tạo đã đạt được trọn vẹn sự đẹp đẽ của mình. Mẹ nhìn vào trong trái tim của Mẹ không những toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu, mà Mẹ đã gìn giữ một cách trung tín (x. Lc 2, 19.51), nhưng bây giờ Mẹ hiểu được ý nghĩa của vạn vật. Vì thế, chúng con có thể kêu cầu Mẹ, để Mẹ giúp chúng con, biết nhìn thế giới với con mắt khôn ngoan hơn.

242. Cùng với Mẹ, nổi bật hình ảnh của thánh Giuse trong Thánh Gia. Ngài chăm sóc Đức Maria và Chúa Giêsu với lao động và sự hiện diện quảng đại của mình và đã giải thoát các ngài khỏi quyền lực của kẻ bất công, khi đưa các ngài sang Ai Cập. Trong Tin Mừng, ngài xuất hiện như một người công chính, lao động và mạnh mẽ. Thế nhưng, gương mặt của ngài cũng cho chúng ta nhận thấy một sự dịu hiền vĩ đại, không phải là đặc tính của kẻ yếu đuối, nhưng là của những kẻ thực sự mạnh mẽ, chú tâm đến thực tế để yêu mến và phục vụ cách khiêm tốn. Vì thế, ngài được tuyên bố là Đấng Bảo Hộ cho toàn thể Giáo Hội. Ngài cũng có thể dạy chúng ta để che chở, có thể động viên chúng ta lao động với tấm lòng quảng đại và âu yếm, để chăm sóc thế giới mà Thiên Chúa đã gửi gắm cho chúng ta.
 
IX. BÊN KIA ÁNH MẶT TRỜI

243. Cuối cùng, chúng ta đứng đối diện với vẻ đẹp vô tận của Thiên Chúa (x. 1 Cr 13,12) và với một sự thán phục sung sướng, chúng ta có thể đọc được mầu nhiệm Người cho chúng ta chia sẻ vào sự viên mãn vô tận của Người. Vâng, chúng ta đang lữ hành đến ngày Sabbát vĩnh cửu, đến Giêrusalem mới, ngôi nhà chung ở trên trời. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Đây! Ta làm cho tất cả nên mới” (Kh 21,5). Cuộc sống vĩnh cửu sẽ là một sự kinh ngạc được chia sẻ, nơi mỗi thụ tạo sẽ tìm được vị trí của mình trong việc hiển linh chói sáng và sẽ có điều gì mang đến cho kẻ nghèo được giải phóng một cách dứt khoát.

244. Giữa thời gian đó, chúng ta được kết hợp lại với nhau để đón nhận ngôi nhà này, ngôi nhà được trao cho chúng ta, vì chúng ta biết, tất cả điều gì tốt đẹp đang có, sẽ được đón nhận vào bàn tiệc thiên quốc. Chúng ta sẽ cùng tiến bước với tất cả thụ tạo trên con đường của chúng ta trên thế gian này – để đi tìm Thiên Chúa – chỉ vì “khi thế gian có một nguồn gốc và được tạo dựng, nó sẽ đi tìm Đấng sáng tạo nên nó, nó tìm Đấng đã ban cho nó một khởi đầu, đó là Đấng Sáng Tạo của nó” [172]. Hãy tiến bước trong tiếng ca vang! Ước gì, cuộc chiến đấu của chúng ta cho hành tinh này sẽ không cất đi khỏi chúng ta niềm vui của hy vọng.

245. Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta dấn thân cách quảng đại, ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng mà chúng ta cần thiêt đế tiến bước. Giữa trung tâm thế giới này, Chúa của cuộc sống, Đấng quá yêu thương chúng ta, vẫn tiếp tục hiện diện. Người sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta, không bao giờ để chúng ta một mình, chỉ vì Người dứt khoát kết hợp với trái đất của chúng ta và tình yêu của Người vẫn luôn dẫn chúng ta đi tìm những con đường mới. Chúc tụng Người!

246. Sau một suy tư lâu dài vừa vui, cũng vừa đầy đau khổ, tôi xin đề nghị hai lời kinh: một lời mà chúng ta có thể chia sẻ với tất cả mọi người tin vào một Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo đầy quyền năng, và một lời kinh khác để cho những người Kitô hữu chúng ta có thể đón nhận trách nhiệm đối với sáng tạo như Tin Mừng của Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta.
 
LỜI KINH CHO TRÁI ĐẤT CHÚNG TA
 
Lạy Thiên Chúa toàn năng
Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ
và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa.
Chúa đã phủ đầy lòng từ ái trên tất cả những gì hiện hữu,
Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa,
để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài.
Xin đổ tràn bình an của Chúa vào lòng chúng con,
để chúng con có thể sống như anh em, chị em với nhau,
không tác hại cho bất cứ người nào.
Lạy Thiên Chúa của anh chị em nghèo khổ,
xin trợ giúp chúng con
để chúng con giơ tay cứu giúp những anh chị em bị bỏ rơi,
những người bị lãng quên trên trái đất này,
những người này thực sự luôn luôn có giá trị trước mặt Chúa.
Xin cứu chữa cuộc sống của chúng con,
để chúng con trở thành những người bảo vệ cho trái đất này,
chứ không phải là những kẻ cướp bóc,
để chúng con gieo những gì tốt đẹp
chứ không phải những thứ ô nhiễm và tàn phá.
Xin chạm đến tâm hồn những kẻ chỉ tìm thành công
dựa trên giá trị của người nghèo và của trái đất này.
Xin dạy chúng con
khám phá giá trị của vạn vật
và biết chiêm ngắm trong sự ngất ngây,
để nhận ra
chính chúng con cũng được liên kết sâu xa với tất cả thụ tạo này
trên con đường chúng con tiến vào ánh sáng vô tận của Chúa.
Xin tạ ơn Chúa
vì Chúa hiện diện từng ngày với chúng con.
Chúng con nài xin Chúa
nâng đỡ chúng con
trong cuộc chiến cho công bằng, tình thương và bình an. Amen

* * *
 
LỜI KINH CỦA KITÔ HỮU CÙNG VỚI CÁC THỤ TẠO
 
Lạy Cha,
cùng với muôn thụ tạo xuất phát từ bàn tay uy quyền của Cha,
chúng con cùng ngợi khen Cha.
Tất cả đều thuộc về Cha
và tất cả được tràn đầy sự hiện diện và tình âu yếm của Cha.
Chúng con xin ngợi khen Cha.
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
nhờ Chúa mà tất cả được tạo thành.
Trong cung lòng Mẹ Maria,
Chúa đã nhận lấy hình dạng con người ;
Chúa trở thành một thành phần của trái đất này
và đã nhìn thế giới với con mắt nhân loại.
Ngày nay Chúa vẫn sống động trong từng thụ tạo
với vinh quang phục sinh của Chúa.
Chúng con xin ngợi khen Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần,
nhờ ánh sáng của Chúa,
Chúa đã hướng thế giới này đến tình yêu của Chúa Cha;
Chúa vẫn sống trong tâm hồn chúng con,
để khuyến khích chúng con thực hành các việc thiện.
Chúng con xin ngợi khen Chúa.
Lạy Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi,
Cộng Đoàn Tối Thượng của tình yêu vô biên,
xin dạy chúng con biết nhìn ngắm Chúa
trong vẻ đẹp của vũ trụ,
nơi tất cả nói với chúng con về Chúa.
Xin khơi dậy trong chúng con lời ca ngợi với lòng biết ơn
đối với từng hữu thể do Chúa sáng tạo.
Xin ban cho chúng con hồng ân
để chúng con cảm nhận sự gắn bó thân thiết với tất cả vạn vật.
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như khí cụ tình yêu của Chúa
đối với tất cả sinh vật trên trái đất này,
mà không thụ tạo nào lại quên Chúa.
Xin soi sáng cho những người ôm lấy giàu sang và quyền hành,
để họ lánh xa khỏi tội lỗi về sự dửng dưng,
biết yêu mến công ích,
động viên kẻ yếu hèn
và chăm sóc thế giới mà chúng con đang sống,
Kẻ nghèo và trái đất đều nài xin:
Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con
bằng quyền năng và ánh sáng của Chúa,
để chở che mọi sự sống,
để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp,
ước gì Nước công bằng, bình an, tình thương và tuyệt mĩ mau đến.
Chúng con chúc tụng Chúa.
Amen.

            Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ Thánh Phêrô, ngày 24 tháng Năm, ngày đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào năm thứ ba triều đại Giáo Hoàng của tôi.

ĐGH Phanxicô
 
_______________  
Chú thích : 
 [169] JOHN PAUL II, Catechesis (2 August 2000), 4: Insegnamenti 23/2 (2000), 112.
[170] Quaest. Disp. de Myst. Trinitatis, 1, 2 concl.
[171] Cf. THOMAS AQUYNAS, Summa Theologiae, I, q. 11, art. 3; q. 21, art. 1, ad 3; q. 47, art. 3.
[172] BASIL THE GREAT, Hom. in Hexaemeron, I, 2, 6: PG 29, 8.
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây