Thư chung số 103 - 04/2019

Thứ sáu - 29/03/2019 10:33
Thư chung số 103 - 04/2019
Thư chung số 103 - 04/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
      Thư số 103 / Năm IX
                    * * *                              
  LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 04/ 2019
-------------  

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỚC ĐI (1)

 
Phan Rang, ngày 20.03

Thưa quý Anh Linh Mục.2019
 ,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
           Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
          Tháng 3 hàng năm được giáo Hội dành riêng để tôn kính Thánh Cả Giuse. Tu Hội chúng ta đã xin nhận Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ, nên dĩ nhiên trong tháng này, anh chị em hãy hêt long tha thiết biểu lộ tâm tinh thảo mến và tin cậy của chúng ta đối với cha thánh. Mỗi tối, xin anh chị em hy sinh đọc thêm Kinh Cầu Thánh Giuse cầu cho Tu Hội được ơn phát triển, gia tăng ơn gọi; đồng thời tích cực tìm kiêm và giới thiệu các ơn gọi mới cho Tu Hội. Chác chắn, nhờ lời chuyển cầu thần thế của Ngài, Chúa Giêsu sẽ chúc phúc lành cho Tu Hội chúng ta. 

          Để giúp anh chị em “ đồng cảm với Giáo Hội – Sentirre cum Ecclesia “, và để sống phù hợp với đời sống thánh hiến của chúng ta trong giai đoạn khủng hoảng hiện tai, Anh Hai mời gọi các em cùng học hỏi nội dung bài chia sẻ này của Đức TGM José Rodiguez Carballo, Ofm, Thư Ký của Bộ về Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và các Hội Tông Đồ, dịp Đại Hội thường niên của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp VN tổ chức tại TGM Xuân Lộc từ ngày 4-6/11/2015. Bài chia sẻ này có tựa đề : “Đời Sống Thánh Hiến : Hãy chỗi dậy và bước đi”.

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỚC ĐI

          Vượt qua hiện tại gian khổ với lòng say mê và hướng về tương lai với niềm hy vọng. Nhiều người tự hỏi: Tình trạng sức khỏe hiện nay của đời sống thánh hiến ra sao?

          Có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo ai là người đặt câu hỏi và ai là người trả lời, và cũng tùy thuộc nhiều vào chỗ người ta nhìn đời sống thánh hiến với con mắt nào và khởi đi từ những phán đoán hay thành kiến nào.

          Phần tôi, tôi không tự cho là mình có thể đưa ra một câu trả lời có tính khách quan và thuyết phục một trăm phần trăm. Tôi cũng không tự cho là mình đưa ra được một câu trả lời có sức đổi mới. Làm như thế thì tôi sẽ phạm vào tội tự cao. Chủ ý duy nhất của tôi, và có lẽ là tham vọng của tôi, là cống hiến một câu trả lời, cùng với câu trả lời của nhiều người khác, khả dĩ tiến gần tới một hình thức sống đời Kitô hữu ở ngay giữa lòng đời sống của Hội Thánh, và – không phải dễ dàng – tìm cho mình một lối đi giữa lòng một xã hội đang ngày một tục hóa, và trong một Hội Thánh mà không phải lúc nào cũng hiểu đời sống thánh hiến theo đúng bản chất của nó, nhưng nhiều khi chỉ nhìn theo khả năng cung cấp nhân lực của nó thôi.

I. MỘT THỜI KỲ MANG DẤU ẤN CỦA KHỦNG HOẢNG[1]

1. Ba hình ảnh vừa mạnh vừa có sức gợi suy nghĩ

          Trong số những người thử bắt mạch đời sống thánh hiến trong thời kỳ hiện nay, nhiều người mượn một số hình ảnh. Những hình ảnh này có một giá trị tích cực và một mặt tiêu cực.

          Hình ảnh thứ nhất được dùng để nói về hiện trạng đời sống thánh hiến là xế chiều. Sự kiện: thiếu ơn gọi, nhiều công việc trước nay do những người sống đời thánh hiến điều khiển đã đóng cửa, nhiều môi trường hiện diện nay vắng bóng tu sĩ. Sự kiện này khiến nhiều người nghĩ rằng đời sống thánh hiến đang đau nặng. Có những người không ngần ngại đưa ra những dự kiến nghiêm trọng, khẳng định rằng đời sống thánh hiến đang đếm ngày chờ tắt thở, nhất là đời sống thánh hiến hoạt động của nữ giới, theo mô hình nó đã xuất hiện và phát triển trong ba thế kỷ gần đây, tập trung vào những công việc cụ thể như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và tự giới thiệu như là “cánh tay phục vụ” của Hội Thánh. Theo ý kiến đó thì số đông các Hội Dòng ấy được sinh ra như là để đáp ứng những nhu cầu riêng lẻ nhất định của một thời, nay thì xã hội đảm nhận những việc đó rồi; các Dòng Tu kia đã hoàn thành sứ mạng và không còn lý do tồn tại nữa. Những người theo ý kiến này là những người cho rằng đời sống thánh hiến đang ở lúc “xế chiều”; họ dùng hình ảnh này để nói về một cái gì đang tới ngày tàn.

          Cách vận dụng từ “xế chiều” như thế hẳn cũng đúng; như khi chúng ta nói về “ngày đã xế chiều” hay “cuộc đời đã xế chiều”thì chúng ta nghĩ về một ngày sắp tàn hay một cuộc đời sắp hết. Tuy nhiên hình ảnh này cũng có thể mở ra niềm hy vọng. Tiếng gà gáy báo đêm tàn cũng là tiếng gà báo một ngày mới đang đến. Lúc xế chiều nói với chúng ta về một cái gi đang chết đi, mà cũng nói về một cái gì mới đang đến gần: lúc xế chiều bao giờ cũng nhường bước cho buổi bình minh. Liệu ta không thể nhìn ra hiện tượng này trong đời sống thánh hiến hiện nay sao? Hẳn là có. Trong đời sống thánh hiến có nhiều điều đã thay đổi so với quá khứ. Nhưng cũng có nhiều sức sống mới đang triển khai, cả trong những hình thức gọi là “mới”của đời sống thánh hiến cũng như trong những đặc sủng đã có trong lịch sử. Chỉ cần nhìn với con mắt đức tin để thấy“đồng lúa đã chin vàng đang chờ gặt hái” (x. Ga 4,35).

          Có những người khác, nhấn mạnh tính trầm trọng của hiện trạng đời sống thánh hiến, dùng hai hình ảnh khác: hỗn mang”và “đêm tối.

         “hỗn mang là một hình ảnh mạnh, nhưng cũng gợi suy nghĩ, vì những âm vang kinh thánh của nó. Theo những âm vang đó thì hình ảnh này có những hàm nghĩa tiêu cực, nhưng cũng đưa chúng ta vào những viễn tượng rất tích cực. Chẳng hạn, “hỗn mang” chắc chắn nói với chúng ta về sự hỗn độn, nhưng cũng nói đến công trình kỳ diệu của tạo dựng. Đó là tình trạng của vũ trụ (x. St 1,1) trước khi xuất hiện trong đó tất cả những gì làm nên sự phong phú và vẻ đẹp của nó, trước khi xuất hiện trật tự của tạo thành, công trình của Đấng Tạo Hóa, Ngài dùng lời của Ngài mà đặt mọi sự vào vị trì của nó (x. Tv 148,5).

          Hình ảnh “hỗn mang” cũng nói lên nỗi sợ hãi, sự mất phương hướng, nhưng cũng nói lên sự khải hoàn của lòng thương xót của Chúa và sự khai sinh của dân Chúa. Sợ hãi và mất phương hướng vì “vùng đất đáng sợ” của hoang địa (x.Đnl 1, 19), trước khi vào được Đất Hứa, đất chảy ra sữa và mật ong. Hoang địa là nơi thử thách, mà cũng là nơi dân Chúa được sinh ra, là nơi dân Chúa bất trung và “lẩm bẩm kêu ca” (x. Xh 14,11), nhưng cũng là nơi Chúa kêu gọi hoán cải (x. Đnl 8,2tt.15-16), và nơi khải hoàn của lòng Chúa thương xót (x. Ds 20,13); nơi Chúa muốn dùng để giáo dục và dắt dìu dân Chúa. Sợ hãi và mất phương hướng là những cái đóng đô trong lòng các môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Chúa chết (x. Lc 24,11tt), nhưng đã bị xua tan bởi niềm vui gặp Chúa Phục Sinh (x. Lc 24, 41). Vậy thì hình ảnh “hỗn mang” nêu lên tình huống khủng hoảng, nhưng cũng nói cho chúng ta cơ may và sự mào đầu của một cái gì mới.

          Chủ đề đêm tối rất phổ biến trong văn chương linh đạo Kitô giáo, nhất là trong truyền thống thần bí. Tiền thân của nó trong Kinh Thánh có thể gặp thấy ở chuyện Mô-sê tiến về phía “mây mù nơi Thiên Chúa ngự” (Xh 20, 21). Đối với các nhà thần bí, đặc biệt đối với Thánh Gioan Thánh Giá, người đã làm cho thành ngữ này trở nên phổ thông để nói về bước đường của con người tiến về phía Thiên Chúa[2]“đêm tối” nói lên những lúc khủng hoảng sâu xa, những lúc thử thách, cắt tỉa và thanh luyện giác quan và tinh thần, ở đó chỉ có thể bước đi trong đức tin. Như vậy kinh nghiệm của các nhà thần bí mở cho chúng ta thấy ý nghĩa tích cực của “đêm tối”. Đối với các vị ấy, “đêm tối” mang theo ánh sáng của tình yêu, qua sự chiêm niệm. Theo cách hiểu này thì chúng ta hoàn toàn có thể nói được rằng cơn khủng hoảng phải sống trong “đêm tối” là cơn khủng hoảng của sự lớn lên.

          Như đã nói trên, những hình ảnh “xế chiều”, “hỗn mang” và “đêm tối” không chỉ có một nghĩa: tích cực hay tiêu cực. Đúng hơn, ý nghĩa của nó tùy thuộc bối cảnh trong đó người ta nói đến. Điều được gợi lên là những tình huống mang dấu ấn của sự khủng hoảng riêng trong tiến trình vượt qua cái chết để đến sự sống, trong những bối cảnh khác nhau, những tình huống tế nhị và khó khăn qua đó chỉ có thể rút ra được sự sống nếu bén rễ trong đức tin; những tình huống không dễ dàng mà chỉ có thể biến thành “thời thuận lợi” (kairos) qua sự hiến tế và cái chết. Đó là một cuộc hiến tế bao gồm hành trình – chúng ta không biết bao lâu, nhưng chắc chắn không ngắn – trong “đêm tối” của sự bấp bênh, trong khi không ngừng tìm kiếm ý nghĩa tròn đầy của đời sống thánh hiến của chúng ta. Đó là một cái chết bao gồm sự chết đi đối với những bảo đảm mà đời sống thánh hiến đã tích lũy trong dòng lịch sử, để bám chặt vào Thiên Chúa của lịch sử, với một đức tin trưởng thành và một sự thanh luyện sâu xa khỏi những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, để đến với Thiên Chúa của lịch sử, Đấng xem ra Ngài đang ngủ, nhưng vẫn cùng đi với chúng ta trên một con thuyền đang bị bão tố của lịch sử xô đẩy (x. Mc 4,35tt).

2. Thời gay go, tế nhị và gai góc

          Chờ mong một cuộc tạo thành mới trong khi tất cả xem ra còn chìm trong cảnh “hỗn mang”, dõi nhìn chân trời trong “đêm tối”, làm “lính canh chờ trời sáng” giữa lúc xế chiều không phải là dễ dàng và cũng không thể coi như đã cầm chắc trong tay, như những câu trả lời khác nhau được đưa ra trong hoàn cảnh như thế cho thấy. Lời mời gọi của Đức Benedictô XVI ngỏ với chúng ta lần cuối về đời sống thánh hiến, ít ngày trước khi Ngài từ nhiệm khỏi Tòa Thánh Phêrô, thật đầy ý nghĩa khi Ngài xin chúng ta: “Đừng vào hùa với những tiên tri báo họa khi họ công bố sự tàn lụi hay vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Hội Thánh thời chúng ta”.[3] Phải chăng ngay trong hàng ngũ những người sống đời thánh hiến lại chẳng thiếu những tiên tri báo họa đó sao?

          Đúng, trong hiện trạng của đời sống thánh hiến, cuộc băng qua hoang địa của “hỗn mang”, “đêm tối” và “buổi xế chiều” không phải dễ dàng. Cần phải “ý thức về thời kỳ chúng ta đang sống” (x. Rm 13, 11). Canh gác suốt ngày và suốt đêm, đứng vững và dõi nhìn chân trời với đôi mắt của con tim như người lính canh, để không bị kẻ thù bắt bất chợt (x. Is 21,6tt) “hãy tỉnh thức và canh chừng”[4], “với đèn thắp sáng” (x. Lc 12,35tt)  để không làm nạn nhân của giấc ngủ mà rơi vào một cơn mê đưa thẳng đến tử vong, với một đức tin trưởng thành và một “lòng trông cậy không thể chuyển lay”, được nuôi bằng bánh Lời Chúa và Thánh Thể, để không gục ngã trên con đường chúng ta đã khởi bước mà không biết bao giờ mới kết thúc.

          Câu chuyện của dân Israel cho chúng ta thấy con đường qua hoang địa quả là gay go. Trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, thường mang dấu ấn của sự hoang vu, của sự im lặng của Thiên Chúa và sự khô khan thiêng liêng, thật không dễ nhận ra được là Ngài đang cùng đi với chúng ta (x. G 23,8-9) và đang hành động ngay trong cơn “khủng hoảng” và những lúc tối tăm. Trong những lúc ấy cần được trang bị thật kỹ: mặc lấy Đức Giêsu Kitô và mang lấy binh giáp của ánh sáng, như thánh Phaolô khuyên nhủ (x. Rm 13,11-14).

 
(Còn tiếp)
________________  

Chú Thích
[1] Từ khủng hoảng, như sẽ thấy, là dị nghĩa, vì nó có thể đưa tới sự sống hay sự chết.
[2] Th.Gioan Thánh Giá viết bài thơ “Đêm tăm tối” và hai bài giải nghĩa bài thơ: “Đường lên núi Cát Minh” và “Đêm tăm tối”. Cả hai bài giải thích đều chưa hoàn tất. Trong cả hai bài ngài đều nêu những Dấu hiệu cho thấy bước vượt qua từ nguyện ngắm sang chiêm niệm: “Đường lên” 2, 13; “Đêm” 1,9.
[3] ĐTC Benedict XVI, “Bài giảng ngày quốc tế đời sống thánh hiến”, 02/02/2013.
[4] Ibid.
=============== 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây