Thư chung số 104 - 05/2019

Thứ hai - 22/04/2019 10:36
Thư chung số 104 - 05/2019
Thư chung số 104 - 05/2019
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 104 / Năm IX
                     * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 05/ 2019
-------------  

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỨC ĐI (2)

 
Phan Rang, ngày 20.04. 2019

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

          Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

          Chúng ta bước vào tháng 5, tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ. Xin anh chị em hãy quảng đại dâng Mẹ hoa tươi trên bàn thờ gia đình cũng như tòa Mẹ trong cộng đoàn. Anh chị em hãy dâng ý chỉ tháng này xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu ban cho Tu Hội nhiều Hoa thơm tận hiến mới, để chúng ta cùng nhau xây dựng Nước Chúa,và Hội Thánh Người.

          Chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi thêm về những nhận định của ĐTGM J.R. Carballo, ofm, trong bài chia sẻ của Ngài với các Bề Trên Thượng Cấp các Dòng Tu tại VN. 

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HÃY TRỖI DẬY VÀ BƯỨC ĐI (tiếp theo)

3. Thời của sáng suốt

          Không phải mọi sự đều ổn trong đời sống thánh hiến, như một số người cảm thấy có nhiệm vụ phải nói lên điều ấy, nhưng cũng không phải mọi sự đều tệ hại như những vị tiên tri báo họa loan truyền. Ở vào một thời kỳ khủng hoảng như thời chúng ta, nhất thiết phải đón nhận một sự thách đố đầu tiên cho đời sống thánh hiến hiện nay, mà nhiều người gọi là sự“thách đố mở đường”, theo nghĩa là nó mở đường cho chúng ta tiếp cận nhiều thách đố khác: thách đố nhìn thẳng vào chính mình[5], thách đố làm sáng tỏ tình trạng của đời sống thánh hiến đảm nhận thách đố làm rõ sự thật, với sự thanh thản và tinh thần trách nhiệm nghĩa là gì?

        Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm bao gồm sự vượt qua ngôn từ hoa mỹ về đời sống thánh hiến và sự công thức hóa đơn giản về lý tưởng đời tu[6], để tập quen phân tích một cách nghiêm túc hiện trạng mà đời sống thánh hiến đang trải qua, chấp nhận với một óc thực tế lành mạnh sự kiện chúng ta đang sống một tình trạng khủng hoảng, một thời kỳ “khủng hoảng” mà chính triết tự của từ ngữ vạch cho thấy là chúng ta cần phải sáng suốt và lấy những quyết định can đảm, dù không phải luôn được mọi người hoan hô.[7]

           Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm bao gồm vượt trên sự tìm kiếm một số cách giải thích những nguyên nhân đã đưa chúng ta tới tình trạng khủng hoảng: cần thiết phải phản ứng lại, phải thực hiện những bước cụ thể để ra khỏi tình trạng này. Những phân tích, những chẩn đoán là cần thiết, nhưng không đủ. Đến lúc phải hành động, cho dù không chắc chắn một trăm phần trăm rằng điều chúng ta làm là điều thích đáng nhất với thời kỳ chúng ta đang sống. Ở đây, câu nói của Antonio Machado thật chí lý: “Khi ta đang đi, không có con đường, nhưng con đường hình thành dưới bước chân ta” (Viandante, non c’è strada, si fa strada camminando).

             Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm đòi ta vượt qua cám dỗ cáo lỗi và tránh né trách nhiệm của mình. Một tình trạng nguy hiểm, khá thường xảy ra, làm tê liệt hiện tại và phá hỏng tương lai, đó là sự truy tìm thủ phạm, tạo những con dê tế thần, hoặc tự biện minh. Tình trạng hiện nay của đời sống thánh hiến phức tạp đến nỗi nhiều yếu tố và nhiều tác nhân phối hợp trong đó. Tiến trình làm rõ sự thật phải xét tới điều ấy và – cần phải nhớ kỹ – không thể làm được việc ấy nếu không đưa việc tự phê tới chỗ kiểm tra sâu xa, sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ và ngăn chặn những sai lầm tương lai.

           Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm nghĩa là không ngừng lại ở những nỗ lực để sống còn, hoặc ở cấp cơ chế hoặc ở cấp cá nhân, như: chỉ lo sửa chữa “bề mặt”, viết hoặc viết lại lịch sử oai hùng của quá khứ, viết những văn bản thật hay, tự che mắt bằng một chủ nghĩa hoạt động quay cuồng, chọn lẩn trốn bằng thần bí hoặc ngụy thiêng liêng,… Điều ấy có thể làm ta khỏi chú ý đến bổn phận khẩn cấp là dựa vào điều thiết yếu, hoặc trộn lẫn những ước mơ và lý tưởng với thực tế.

          Thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm đòi hỏi tất cả những điều đó. Thách đố này không dễ đáp ứng, nhưng lại khẩn thiết phải đưa ra một sự đáp ứng bởi vì nó mang tính Tin Mừng sâu xa. Năm mươi năm sau Công Đồng, đã đến lúc phải làm điều này. Nhất thiết phải làm rõ sự thật về tình trạng chúng ta đang sống và lấy những quyết định mà chúng ta cho là thích hợp để thời “khủng hoảng” biến thành thời thuận lợi (kairos) và thời của ân sủng.

           Chắc hẳn việc này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng về hình ảnh mà chúng ta đã xây dựng về đời sống thánh hiến. Tôi thấy một hình ảnh có vẻ rất ý nghĩa, hình ảnh đất sét trong tay thợ gốm (x. Gr 18,1-6). Đời sống thánh hiến luôn được mời gọi, và cách riêng trong thời hiện nay, để cho bàn tay yêu thương của Thiên Chúa như người thợ gốm nặn hình. Có khi Ngài đòi chúng ta phải đập vỡ cái bình đẹp đẽ mà chúng ta đã thừa kế, ngắm nghía, yêu mến và tái tạo, để sống một giai đoạn mới trong cuộc phiêu lưu kỳ diệu mà Chúa khiến chúng ta thành nhưng người tiên phong: tái lập đời sống thánh hiến.

           Đây là bước khởi đầu đau đớn nhưng cần thiết của sự hoán cải: đập vỡ cái tôi / chúng ta lý tưởng đã nặn thành, mà có khi xa vời cái tôi / chúng ta thực tế. Không có cuộc khủng hoảng này thì sẽ không làm rõ sự thật, sẽ không có cuộc tái sinh của đời sống thánh hiến và cũng chẳng có cuộc tái sinh trong sự sống mới đã khởi đầu nhờ phép Rửa (x. Rm 6, 4). Cũng còn cần sự liêm khiết sâu xa khi đối diện với thực tế và sự trung thành với thực tế, vì chỉ có thế đời sống thánh hiến mới có thể thưa “vâng” với Thiên Chúa là Đấng mời gọi trong lịch sử và trong đời sống hằng ngày.

4. Thời thuận lợi để phân định

          Những điều đã nói trên đây đòi phải phân định. Trong tiếng Latin và Hy Lạp, từ mà ta dịch là “phân định” bao hàm: lượng giá, tách ra và phân biệt giữa hai sự vật. Rút cuộc đối với chúng ta trong mạch văn này, phân định là phân biệt tiếng nói của Thiên Chúa với những tiếng nói khác, điều đến từ Thiên Chúa với điều trái ngược với Thiên Chúa.[8] Nói theo thánh Phanxicô Assisi, phân định là lần theo con đường của đức tin giúp ngưới tín hữu“có được thần khí của Thiên Chúa và tác động thánh của thần khí”,[9] để có thể “làm điều Chúa muốn và muốn điều đẹp lòng Chúa”.[10] Đối với thánh Inhaxiô Loyola, phân định là tìm kiếm trong mọi sự điều gì đẹp lòng Chúa Cha hơn.[11] Trong việc phân định nói ở đây thì không phải là chọn giữa cái tốt và cái xấu, vì quy luật luân lý đã đủ cho việc đó, nhưng là chọn giữa cái tốt và cái tốt hơn, giữa hai cái tốt, như thánh Biển Đức nói trong “Luật Sống” của Ngài.

            Nguồn mạch cuối cùng của phân định không phải là chúng ta, nhưng là Thần Khí, Đấng thanh luyện, soi sáng và thắp lửa, Đấng ban một lòng yêu mến khả dĩ biến đổi người Kitô hữu nên “con người có thần khí” (x. Rm 5,1-5; 1Cr 1,12), khiến người đó có thể “xét đoán mọi sự” nhờ sự khôn ngoan nhiệm màu của Thiên Chúa, vốn bị che dấu đối với kẻ khôn ngoan theo thế gian, nhưng được mạc khải cho những người khiêm hạ và bé nhỏ (x. Mt 11,25tt), biết “lắng nghe”, để biết được tất cả những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta (x. 1Cr 1,7.12).

           Phân định ở đây chủ yếu không phải là phân tích, nhưng là sự biến đổi bên trong, phát triển đời sống theo thần khí có khả năng đem cho người tín hữu có được “đôi mắt của Thần Khí”, để “thấy – nhận biết – tin” và tuân theo tất cả ý muốn của Chúa[12]. Phân định của Kitô hữu và của đời sống thánh hiến nhắm điều này: mở lòng vô điều kiện cho ý muốn của Thiên Chúa Cha và cho thái độ nền tảng là sẵn sàng tuân theo ý muốn ấy trong mọi sự cách vô điều kiện.

           Nếu phân định là yếu tố quyết liệt và cốt yếu trong đời sống Kitô hữu, như sự tìm kiếm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, thì trong đời sống thánh hiến còn hơn thế nữa, nhất là trong thời buổi này, dù vẫn là “tế nhị và khó khăn”, mà có khi chính vì thế, là thời thuận lợi để phân định dưới ánh sáng đức tin: “Chúng ta đang bước đi trong đức tin chứ không phải trong sự hưởng kiến” (2Cr 5,7). Những người đươc thánh hiến, trên bình diện cá nhân, không thể tránh né câu hỏi mà thánh Phanxicô Assisi tự đặt cho mình: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Cũng như ở bình diện cộng đoàn, họ không thể không tự hỏi: Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì? (Cv 2,37). Tất cả khởi đi từ đức tin, điều duy nhất đưa tới một kinh nghiệm thiết thực về Thiên Chúa là Đấng đang cùng đi với chúng ta (x. St 28,16) và bao bọc chúng ta mọi phía (x. Tv 139,1tt); đàng khác, kinh nghiệm này còn đưa chúng ta vào một cuộc sống được dẫn dắt bởi Thần Khí là tác nhân đích thật của phân định.
 
            Ở bình diện cá nhân, đối với thánh Phanxicô Assisi, việc phân định giả thiết có sự cởi mở với ý muốn của Thiên Chúa, hòa nhịp với Thánh Thần, bình tâm thiêng liêng, đồng hóa với Đức Kitô, nhìn thực tại với lòng biết ơn và một thái độ căn bản sẵn sàng vô điều kiện. Phân định cũng đòi hỏi một sự lột bỏ, “hoàn toàn không sống cho chính mình”, lòng yêu mến vô vị lợi, sự khiêm nhường và sự vâng phục trong đức ái[13]. Đối với thánh Têrêxa, phân định bao hàm lòng yêu mến mãnh liệt và vô vị lợi, hoàn toàn thanh thoát và phục vụ vô điều kiện.[14] Trên bình diện cộng đoàn, phân định giả thiết có cộng đoàn / huynh đoàn với sự nhận thức đầy đủ về căn tính nhân bản, Kitô và tu trì của nó cùng với cái nhìn thực tế về khả năng và giới hạn của nó. Cộng đoàn / huynh đoàn trong đó có những nét trưởng thành và hội nhập tâm cảm, với khả năng đối diện những xung đột bằng suy tư và đối thoại. Cộng đoàn / huynh đoàn mở ra với cách đọc những dấu chỉ thời đại theo Tin Mừng, không rơi vào sự tự mãn. Cộng đoàn / huynh đoàn sống chiều hướng cánh chung, tiến đến gặp gỡ những giá trị cuối cùng, sẵn sang dựa trên đó mà đánh giá mọi sự, xa lánh sự dữ mà gắn bó với sự lành (x. 1Th 5, 21-22).

            Phân định phải được thực hiện dưới ánh sáng của Tin Mừng, của đặc sủng riêng và của những dấu chỉ thời đại.

          Nếu đời sống thánh hiến được bén rễ trong Tin Mừng và được mời gọi trở thành “lời giải thích sống động” của Tin Mừng[15], thì sự trung thành đầu tiên với đời sống thánh hiến là trung thành với Tin Mừng, với Đức Giêsu, Tin Mừng của Chúa Cha cho nhân loại. Vì thế đời sống thánh hiến phải để cho mình “luôn được mời gọi bởi Lời mạc khải”[16] và “không ngừng duyệt xét chính mình dưới ánh sáng của Lời Chúa”,[17] cách riêng của Tin Mừng là “cốt lõi của Lời Chúa”[18]. Đời sống thánh hiến không thể tách khỏi Tin Mừng trong lúc làm rõ sự thật về chính mình và phân định để vượt từ cái tốt sang cái tốt hơn. Chính từ Tin Mừng, đời sống thánh hiến rút được “ánh sáng cần thiết cho việc phân định cá nhân và cộng đoàn”, nó giúp “tìm những con đường của Chúa trong các dấu chỉ thời đại”[19]. Tin Mừng là tiêu chuẩn đầu tiên để phân định: tất cả những gì có thể coi là chính đáng theo Tin Mừng sẽ là chính đáng đối với đời sống thánh hiến.

             Đàng khác, trong việc phân định, người sống thánh hiến phải luôn đặt trước mắt đặc sủng mà, khi tuyên khấn, mình đã cam kết sống, giữ gìn, đào sâu và phát triển không ngừng với “sự trung thành sáng tạo”[20], hòa hợp với thân thể Đức Kitô đang lớn lên không ngừng, và đòi sự đồng hóa sâu xa với Người.

           Đời sống thánh hiến đa dạng, và sự phong phú nằm trong sự đa dạng này. Sự đa dạng xuất phát từ những đặc sủng khác nhau, nổi lên như một cách đáp lại những đòi hỏi nhất định của đời sống Kitô hữu và “từ một sự nhiệt thành sâu xa của lòng khao khát nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô để làm chứng về một khía cạnh nào đó trong màu nhiệm của Ngài”[21]. Đặc sủng là hoa trái “của Thánh Thần, Đấng không ngừng tác động trong Hội Thánh”
[22], là ơn ban của Thánh Thần[23] cho Dân Chúa, và Hội Thánh được mời gọi biết đón nhận, làm cho sinh hoa trái, xem xét, xác nhận, giữ gìn, bảo vệ và giúp trưởng thành với lòng biết ơn”.[24]

            Sau hết, trong việc nhận định phải đặt trước mắt những dấu chỉ của thời đại: những biến cố trong đời sống như dấu ấn của một thời đại nhất định trong lịch sử và qua đó Kitô hữu cảm thấy được Thiên Chúa mời gọi đưa ra một câu trả lời theo Tin Mừng. Như vậy những dấu chỉ thời đại là những tia sáng có mặt trong “đêm tối” của cuộc sống chúng ta và của dân chúng ta, là những ánh đèn chiếu làm nảy sinh hy vọng, trong mức độ nó cho phép chúng ta nghe ra tiếng Chúa và khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong những biến cố của lịch sử.
Nếu đối với Kitô hữu việc biết giải nghĩa những dấu chỉ ấy là một đòi hỏi (x. Lc 12, 56), thì những người sống thánh hiến không thể bỏ qua việc chú ý cao độ đến những dấu chỉ thời đại. Họ phải hiện diện trong Hội Thánh như là những chuyên viên khảo sát thời điềm và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng
[25]. Việc đọc và đáp ứng các dấu chỉ thời đại theo Tin Mừng sẽ ngăn bước không cho tu sĩ dậm chân tại chỗ và tự lặp lại, mà ngược lại cho phép họ “tái hiện cách can đảm tính năng nổ, sáng tạo và sự thánh thiện của các vị sáng lập”.[26]

5. Mùa thuận lợi để vun gốc bón rễ

               Một số người dùng hình ảnh “mùa đông” để nói về một cơ may mới cho đời sống thánh hiến.

               Hình ảnh mùa đông cũng có nhiều nghĩa. Bề ngoài mùa đông là một thời của cái chết. Nhiều cây trụi lá. Không có hoa cũng chẳng có trái. Thiên nhiên có vẻ như khô cằn, ngủ kỹ và có vẻ như đến lúc chết.
Nhưng bên dưới cái vẻ chết chóc này và sự cằn cỗi xem ra như tận cùng trước mắt chúng ta, lại ẩn dấu một sức tái sinh mãnh liệt. Mùa đông là thời cho thảo mộc hoạt động ở chiều sâu và các bộ rễ rất năng động, bảo đảm cho sự sống tiếp tục nhờ hoạt động khiêm tốn và lặng lẽ của chúng.

             Trong đời sống thánh hiến cũng xảy ra như vậy. Ơn gọi giảm sút, nhiều người bỏ cuộc, kim tự tháp tuổi tác bị lật ngược, vì người già nhiều hơn người trẻ. Sự trung thành bị thử thách cùng với niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, giống như lòng tin, niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của dân Israel bị thử thách trong cuộc hành trình lâu dài qua hoang địa.

             Trong hoàn cảnh này, có bàn tay Hội Thánh dắt dìu, đời sống thánh hiến được mời gọi làm việc về điều chính yếu, về điều gì thật sự mang lại ý nghĩa sâu xa, vượt trên con số và hiệu năng. Mùa đông là thời đi vào gốc rễ ẩn sâu, và tuy đau đớn, mùa đông là thời vượt qua tới một cuộc sống mới, tới một cách thức mới để bảo đảm ý nghĩa Tin Mừng là điều không bao giờ được thiếu trong đời thánh hiến, và đôi khi làm cho nó được “hiển thị” rõ hơn, trong khi nhớ rằng nó đi đôi với sự “tự hủy” (kenosis), sự hạ thấp, cái chết (x. Ga 12, 24), và với một số nhỏ, và tất cả những điều ấy đòi một lòng tin mạnh mẽ, không thể chuyển lay, một lòng trông cậy vững chắc cả khi không còn gì để hy vọng, một niềm trông cậy có tính phấn đấu, một sự kiên trì bền bỉ trong mọi thử thách (x. Gc 5,7-8). Đó là sự “hiển thị” và sự “phong nhiêu” của công trình cứu chuộc của Đức Kitô (x. Pl 2, 5-8). Sự “hiển thị” và “phong nhiêu” này không bao giờ được thiếu trong đời sống thánh hiến, sẽ bảo đảm cho một tương lai đầy hy vọng (x. Pl 2, 5-8).

 
(còn tiếp)
________________ 

Chú thích
[5] Felicisimo Martinez, “Hiện trạng và những thách đố của đời tu”, Vitoria 2004, Frontera 44,13tt.
[6] Trong Tông thư gởi cho chúng ta là những người sống thánh hiến, ĐTC Phanxicô nói: “Cha không chờ mong chúng con nuôi sống những hoang tưởng, nhưng là biết tạo nên những khung cảnh khác, trong đó người ta sống cái luận lý Tin Mừngcủa sự cho đi, của tình huynh đệ, tiếp nhận sự dị biệt, yêu thương nhau”. (ĐTC Phanxicô, Tông Thư “gởi những người sống thánh hiến”, Rôma, 21/11/2014, II,2).
[7] Cuộc khủng hoảng mà đời sống thánh hiến đang sống không thuộc dạng luân lý, nhưng là hiện sinh thì đúng hơn, khủng hoảng về ý nghĩa và sứ mạng.Dù sao cần nhớ rằng khủng hoảng tự nó không phải là tích cực hay tiêu cực. Tất cả tùy thuộc quyết định mà người ta lấy hoặc bỏ qua không lấy.
[8] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 73.
[9] Thánh Phanxicô Assisi, Regola Bollata2,9.
[10] Thánh Phanxicô Assisi, Thư gởi toàn Dòng 50.
[11] Xc. Carlos Palmés, “Phân định là tìm kiếm trong mọi sự điều đẹp lòng Chúa Cha hơnIgnacio de Loyola”, Vitoria 2009,Frontera 65.
[12] Thánh Phanxicô Assisi, Huấn dụ 1. Julio Herranz, “Việc phân định theo thánh Phanxicô Assisi”, Vitoria 2009, Frontera66,60tt.
[13] Julio Herranz, Ibid., Frontera 66,85-92.
[14] Xc. Maximiliano Herraiz, “Phân định thiêng liêng theo thánh Terexa và thánh Gioan Thánh Giá”, Vitoria 2008, Frontera71tt.
[15] ĐTC Benedict XVI, Tông Huấn “Verbum Domini”, số 83.
[16] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 81; xem thêm số 73.
[17] Ibid., số 85.
[18] Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, số 125.
[19] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 94.
[20] Ibid., số 37.
[21] Bộ Tu Sĩ, “Mutuae Relationes” 1978, số 51.
[22] ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn “Chứng Tá Phúc Âm”, số 11.
[23] Công Đồng Vaticano II, Ánh Sáng muôn dân 4;12;43-45; Đức Ái Hoàn Thiện 1-5;15; Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 36.
[24] Antonio Romano, Carisma, trong Diccionario teológico de la vida consagrada, Edc.Claretienas, Mdrid 1990, 150.
[25] Công Đồng Vaticano II, Hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng”, số 4.
[26] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, số 37.
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây